Là người hậu sinh giữa chốn văn chương, tính tôi hay lơ là chuyện đọc nhau trên văn đàn. Một ngày, tôi có trên tay cùng lúc hai tập thơ với cái tên nghe lạ – Bùi Đức Ánh. Nối tiếp theo đó là những tình cờ được đọc trên nhiều báo, tạp chí Tài hoa trẻ, Kiến thức gia đình, Giáo dục thời đại… tôi biết thêm về tác giả này. Viết từ trước 1975, gốc người Quảng Ngãi, nhà thơ Bùi Đức Ánh vốn là nhà giáo, hiện đã về hưu, trong sự gián đoạn đã nhiều năm giờ quay trở lại với văn chương. Nhà thơ Bùi Đức Ánh được nhiều văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh quý mến vì đức tính mộc mạc, chân thành. Anh rất mê đọc, có tập sách nào được tặng anh đọc thấy thích thì photo thêm ra để tặng lại cho bạn bè, cử chỉ chân tình ấy như một động thái truyền lửa cho những người bạn thân hay vừa mới quen biết. Ngọn lửa ấy bây giờ đã bắt đầu lan truyền qua tôi.
Trong vòng tám tháng của năm 2012-2013, tác giả đã cho ra mắt hai tập thơ “Thong dong ký ức”, “Biển không em”. Và bây giờ trên tay tôi là bản thảo tập truyện ngắn dày hơn trăm trang với tựa đề “Người đàn bà bên bếp lửa”. Tôi hơi tần ngần, nhưng rồi tôi thận trọng đọc như một sự kiếm tìm. Thói quen, tôi lo sợ sự vội vã trong việc xuất bản những tác phẩm đầu tay, nhất là của những tác giả trẻ, nhưng với Bùi Đức Ánh thì ngược lại. Sự trải nghiệm của đời người hiện dần lên trong từng truyện ngắn của anh. Bên cạnh ý nghĩa tươi đẹp của cuộc sống, những thách đố, đua chen, những ngang trái tình đời vẫn đang tồn tại trong lòng xã hội, nếu không thật sự thấu hiểu và cảm thông, tác giả sẽ khó đi sâu vào mảng đề tài có vẻ không mấy dễ dàng này. Tôi đọc những câu chuyện chợt nhận ra “Mùi nhớ”, thấy rõ từng cơn “Sóng ngầm” nhẹ nhàng hiện thân, hiểu thêm những khát vọng từ “Chuyện dòng sông” và trong một góc tối, “Người đàn bà bên bếp lửa” đã khêu dậy hơi ấm từ những trái tim son sắt tình người. Ẩn trong mỗi truyện ngắn dường như là một câu chuyện ngoài đời, có khi nó thấp thoáng như nỗi niềm của chính tác giả, nhưng cho dù là vui, buồn, bi kịch hay khổ đau thì tác giả vẫn dẫn về một lối thoát.
Tư duy của Bùi Đức Ánh dàn trải trong ngôn ngữ rất tự nhiên, rất đời thường, nhưng trong những đời thường ấy cái tình đã giật dậy được nhân cách. Nội dung của toàn tập truyện khi đọc tôi có cảm giác như còn điều gì như chưa đan vào nhau, nhưng nếu để rời ra có nhiều giá trị để ta suy ngẫm, nhân tình thế thái vẫn là thế mạnh trong mạch nguồn văn của tác giả. Một nhà giáo viết văn khi đề cập vấn đề này sẽ rất chặt chẽ và sâu sắc, tôi tin vào điều này khi bắt gặp đôi mắt đầy tâm trạng của hai người mẹ trong truyện “Nắng muộn”, nghe được hơi thở tình yêu “Trong ngôi nhà màu trắng”…Số phận mỗi người dù có khác nhau nhưng điểm nút cuối cùng vẫn là tình yêu thương và bản năng vị tha của những người đàn bà.
Nhà thơ Bùi Đức Ánh vẫn tiếp tục làm một cuộc dấn thân, trong khi hiện tại những gì anh có hình như đã quá đủ cho một cuộc đời. Còn sống là còn kiếm tìm. Những tri âm, tri kỷ sẽ tiếp tục xuất hiện, tôi không nghĩ tác giả đang chạy theo ảo giác, tôi nhìn thấy sự đam mê trong anh đang phừng phực lửa. Anh thể hiện được nhiều thể loại từ thơ, văn xuôi, bài viết… Khi đề cập mỗi khía cạnh cuộc sống, ở từng thể loại anh đều có nét riêng. Với thơ và văn xuôi anh viết say mê, có lẽ ký ức một thời trong anh đang sống dậy, những khát khao cũng đang bật dậy, và sự chân thành bày tỏ chính là niềm hạnh phúc lớn lao của đời người.
Tập truyện đầu tay “Người đàn bà bên bếp lửa” anh trân trọng gửi đến bạn bè, người thân, trên hết là một tấm lòng. Cho nên, tôi sẽ rất vui nếu được là một trong những người đồng hành với anh trên con đường chữ nghĩa còn đầy ắp gian truân phía trước.
L.T.M (Tổng Biên tập Tạp chí Thất Sơn)
Nguyễn Thị Mây rất thích bài viết này. Cách nhận định của nhà thơ Lê Thanh My thật sâu sắc. Qua đó, người đọc vừa hiểu được giá trị tác phầm của nhà văn Bùi Đức Ánh vừa được hiểu thêm nhân cách của tác giả quyển sách.
Trả lờiXóaĐược nhà thơ Lê Thanh My viết bài bình tác phẩm đúng là vinh dự.!
thơ của tác giả này nhàn nhạt thôi, ngoài lục bát cũ rích cũ ro thì chẳng có chi chi để nói. khéo khen cho bài viết này của TBT Lê Thanh My
Trả lờiXóaThơ, văn của BĐA đa số là nhàn nhạt, không để lại ấn tượng gì sau khi đọc. Tiếc thay tác giả bài viết cũng là người có chút danh phận lại khen chê không đủ.
Trả lờiXóaNặc danh ơi! Người bình luận ơi! Tên tuổi ba mẹ đặt cho sao không sử dụng mà lại dùng những tên không đúng với tinh thần văn học thế!
Trả lờiXóaChính thái độ quên tên ba mẹ đặt cho, đã nói lên việc thiếu tôn trọng ba mẹ rồi; cho nên, khi đọc bài viết của ND, NBL comment trên hương quê nhà, tôi thấy ngứa ngứa cái cổ, lờm lợm cái giọng, và năng lực thẩm định thơ của các bạn nên xem lại.
Tôi thiết nghĩ, người thích làm thơ khi xuất bản bao giờ cũng có bài hay, bài chưa hay, đấy là điều không thể tránh khỏi; nhân vô thập toàn mà.Còn TBT Lê Thanh My có mệnh hệ gì mà các bạn đặt lên, để xuống nhĩ! Các bạn nên xem lại có võ đoán không? có phiến diện không? có tự cao tự đại không? và các bạn cũng nên xưng danh đi chứ! NBL,ND là thế nào? có phải các bạn sợ tranh luận à! Sợ công luận à! Nếu đã thế thì tốt nhất là đừng viết những lời kém phẩm chất thế nhé. chào.