KHÚC
RU THÁNG TƯ
Ơi à.. . .
Cụm tràm thưa ngủ vùi trong khúc ca dao.
Ánh trăng khuyết xuyên ngang nỗi đời trầm lặng.
Gió níu vào dấu chân chim lạnh vắng.
Mẹ ngồi ru con.
Ơi à. . .
Mẹ ngồi khêu bếp lửa đỏ giòn.
Kìa! Ngủ đi con
thằng Ba, thằng Tư, thằng Năm thằng Út.
Ầu ơ... gió đẩy gió đưa gãy cành dâm bụt.
Để chị kiến vàng sùi sụt khóc con.
Đêm tháng tư gió vẹt chiếc lá non.
Chui vào búi tóc mẹ
mè nheo
đói nhớ
Nhắc tháng tư còn nợ.
Một lời hứa trước lúc ra đi.
Chỉ có tháng tư mới hiểu mẹ ru gì.
Chíếc võng không... mẹ ngồi đưa giữa đêm khuya
vắng lặng.
Mẹ ru gì mà đau đáu xô chen tâm tư đót đắng.
Mẹ ru gì mà đêm quẳng xuống đời đầy những trở trăn.
Ơi à...
Mẹ trải chíếc khăn rằn.
Thằng ba nằm né qua con, chỗ anh hai bay về nằm
nghỉ.
Bốn đứa đoàn tụ đủ đầy nơi nghĩa trang lịêt sĩ.
Còn thằng Hai.
Sao chưa về với mẹ hả con?
Ơi à. . .
Cái nỗi nhớ nó lì đòn.
Quất trăm roi vẫn bấu vào tim mà làm tình làm tội.
Đêm tháng tư
Mẹ gom các con về, nơi ngôi nhà có cây bàng lá to
đỏ ối.
Nhóm ngọn lửa hồng
mắc võng
ầu ơ. . .
(Trần Ngọc Hoà)
Chiến
tranh đã qua đi gần bốn mươi năm nhưng dư âm của chiến tranh vẫn như đang ở
ngày hôm qua, hôm kia thôi. Hậu quả chiến tranh quá lớn đang đè nặng lên vai
các mẹ. Mẹ ơi! Mẹ đã hi sinh và cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Để đêm về,
mẹ khắc khoải khúc ru. Tất cả những tâm tư, tình cảm của các mẹ đã được nhà thơ
Trần Ngọc Hòa khắc họa rất sống động trong bài thơ: “ Khúc ru tháng tư”.
Bài thơ viết dưới dạng lời ru nên
giọng thơ mượt mà, tha thiết. Lời ru “À ơi…” ngân nga trong đêm vắng:
“Cụm tràm thưa ngủ vùi trong
khúc ca dao
Ánh trăng khuyết xuyên ngang nỗi đời
trầm lặng
Gió níu vào dấu chân chim
lạnh vắng
Mẹ ngồi ru con.”
Trong lời ru của mẹ, ta bắt gặp những
khúc ca dao nồng hậu tình người. Ta bắt gặp cụm tràm, ánh trăng, gió núi… là
những hình ảnh bình dị, thân thuộc trong cuộc sống mỗi con người. Cũng qua lời
ru, ta thấy thấp thoáng hình dáng của mẹ. “Ánh trăng khuyết” là ánh trăng không
tròn đầy, bị cắt chia như cuộc đời của mẹ đang lặng thầm đong đếm nỗi xót xa.
Nhà thơ đã dùng từ “lạnh vắng” rất hay và giàu chất tạo hình. Đó là cái giá lạnh
của thời tiết, cái vắng lặng của gian nhà không. Tất cả khắc họa nỗi cô đơn,
trống trải trong lòng mẹ mà không gì có thể lấp đầy được.
Mẹ ngồi khêu bếp lửa để sưởi ấm cho
con và lời mắng yêu con của mẹ nghe sao mà ngọt ngào đến thế: “Kìa! Ngủ đi con”.
“Ầu ơ…”, mẹ cất tiếng ru không phải
cho một mà rất nhiều con trai của mẹ: “Thằng ba, thằng tư, thằng năm, thằng
út”. Tiếng ru chứa đựng tình yêu con vô bờ bến của mẹ. Hình ảnh chiếc lá non:
“Chui vào búi tóc mẹ
mè nheo
đói nhớ
Câu thơ ngắt nhịp, tạo điểm nhấn để
khắc họa hình ảnh chiếc lá non mè nheo, đói nhớ hay hình ảnh các con mẹ đang
đói và nhớ những bữa cơm mẹ nấu đây?
“Chỉ có tháng tư mới hiểu mẹ
ru gì”
Nhà
thơ thật tinh tế khi chọn thời điểm tháng tư để mẹ ru con. Ngày 30/4/1975 là
ngày thống nhất đất nước, là ngày người, nhà nhà sum họp. Mẹ ngóng trông các
con yêu của mẹ trở về. Vậy mà tất cả không con nào về với mẹ. Để rồi cứ tháng
tư, mẹ lại nuốt nỗi đau và lại cất tiếng ru con những lời ru tha thiết. Câu thơ
ngắn nhưng sức lan toả rất lớn. Ở đây từ "hiểu"ẩn chứa một điều rộng hơn
nhiều lời ru của mẹ. Cái nỗi đau không chỉ là người mẹ mất con. Chiến tranh đã
đi qua gần 40 năm, nỗi đau đứt ruột ấy cũng nguôi ngoai phần nào. Ở đây, câu
thơ “.. . tháng tư… hiểu…” đưa người đọc đến một nỗi đau xa hơn, rộng hơn. Câu
hỏi lơ lửng ấy mẹ, chúng ta và cả những thế hệ mai sau còn phải trăn trở đi tìm
câu trả lời
“ Chiếc võng không… mẹ ngồi đưa con giữa đêm khuya
vắng lặng
Mẹ ru gì đau đáu mà xô chen tâm tư
đót đắng
Mẹ ru gì mà đêm quẳng xuống đời
đầy những trở trăn.”
“Chiếc võng không…” như ngân dài thêm lời ru
khắc khoải đêm đêm. “Đau đáu” là từ láy là cái nhìn diễn tả tâm trạng xuyên
thấu tâm can với những giọt nước mắt mẹ giấu sâu trong khóe mắt. Nỗi nhớ thương
con đong đầy trong lời ru của mẹ. Từ “quẳng” là động từ mạnh diễn tả hành động
một cách dứt khoát nhằm khắc đậm những nỗi trở trăn suốt bao đêm dài của mẹ. Và
không biết bao đêm mẹ một mình thui thủi, cất tiếng ru các con mãi mãi không
trở về.
“
Ơi à...Lời ru của mẹ như vỡ òa ra trong tiếng nấc nghẹn ngào:
“ Thằng ba nằm né qua con, chỗ anh
hai bay về nằm nghỉ
Bốn đứa đoàn tụ đầy nơi nghĩa trang liệt sĩ
Còn thằng hai
Sao chưa về với mẹ hả con?”
Ôi! Mẹ Việt Nam anh hùng! Sự hi sinh của mẹ vô
cùng to lớn không gì có thể sánh được. Tất cả nở bung với niềm tự hào xen nỗi
xót xa. Đến bây giờ ta đã thấu hiểu là vì sao mẹ ngồi ru con bên cạnh chiếc
võng không với những lời ru tha thiết bằng cả tình yêu và nỗi đau sâu thẳm. Mẹ
có năm con trai, cả năm con đi theo tiếng gọi của Tổ quốc và đi mãi mãi không về.
Bốn con trai của mẹ đã yên nghỉ cùng đồng đội và đêm đêm nghe mẹ hát ru.
“Còn thằng hai
Sao chưa về với mẹ hả con?”
Câu
hỏi tu từ ngắt nhịp làm đôi, đã khắc đậm nỗi xót xa, trăn trở của mẹ. Không
biết giờ này con đang ở đâu? Con có thấy lạnh khi đêm đông lạnh giá? Con có
nghe lời mẹ ru con với bao nỗi trở trăn? Con có thấy mẹ đang mong con từng
tháng, từng ngày? Để mẹ gọi con hoài vẫn chẳng thấy con đâu! Tôi đang thấy tất
cả những điều đó trong lời ru của mẹ:
“Ơi à…
Cái nỗi nhớ nó lì đòn
Quất trăm roi vẫn bấu vào tim mà
làm tình làm tội”
“Nỗi
nhớ lì đòn” là nỗi nhớ hằn sâu và đong đầy theo thời gian. Thời gian càng dài
thì nỗi nhớ càng lớn, càng ngày càng thắt chặt vào con tim đau nhói của mẹ. Mẹ
ơi! Mẹ sống một mình suốt mấy mươi năm với nỗi nhớ thương con vô bờ bến. Mẹ đã
hi sinh cả một cuộc đời. Và cuộc đời còn lại của mẹ là ru và chăm sóc các con:
“Mẹ gom các con về nơi cây bàng
lá to đỏ ối
Nhóm ngọn lửa hồng
Mắc võng
ầu ơ..."
Các con của mẹ chắc sẽ thanh thản ngủ
yên vì có ngọn lửa hồng mẹ sưởi ấm, có lời ru chứa chan đưa con vào giấc ngủ
thiên thu. Và chỉ còn lại mẹ một mình gặm nhấm những nỗi đau suốt cuộc đời dài
dằng dặc.
Với khúc hát ru mộc mạc, giản dị, hình
ảnh thơ chân thực như lời nói hàng ngày, Trần Ngọc Hòa đã tạc bức chân dung bà
mẹ Việt Nam anh hùng nhỏ bé, bình dị nhưng rất đỗi lớn lao. Tình yêu và sự hi
sinh thầm lặng của mẹ sẽ còn vang vọng đến mãi mai sau.
N.T.T.T (Hà Nội)
Bài thơ hay dẫn đến bài viết hay. cả hai như hoà cùng một dòng cảm xúc. Cám ơn hai tác giả và cám ơn Trang Hương Quê Nhà đã đăng tải để bạn đọc có dịp thưởng thức.
Trả lờiXóaNhưng Hương Quê Nhà ơi! tiêu đề trên trang sao lại khác với tiêu đề bài thơ và bài viết vậy?