Tôi gặp em vào một ngày
nắng ngập tràn, trên phố lác đác những cơn mưa đầu mùa bất chợt. Hôm
ấy, tôi nghe tiếng hoa phượng tủm tỉm cười trong mấy nhánh búp non, đợi
chờ một mùa đỏ rực với bao lời nhắn nhủ. Chắc hẳn em đang mặc
chiếc váy hoa, tung tăng giữa khí trời oi bức nhưng rào rạt sức sống?
Không, nơi mà lần đầu tiên tôi thấy em không phải là thiên đường, em
cũng không mặc váy như cô tiên trong truyện cổ tích. Rẽ vào khu phòng trọ
cuối phố, cảnh tượng xao xuyến lòng người bỗng dưng biến mất.
Giữa bầu không khí ảm đạm, những
căn phòng san sát nhau kéo thành một dải màu xanh xỉn màu, loang lỗ như chiếc
khăn tay nhòe nhoẹt nước mắt. Con đường chật hẹp bốc mùi ẩm thấp của vũng nước
mưa đọng lại trên miệng cống, lúc nào cũng lầy lội bết vào giày, dép. Trước mỗi
cửa phòng, chằng chịt dây phơi quần áo pha tạp với mùi cá kho đặc quánh, lẫn
làn khói đốt rác khét lẹt ở khoảng đất trống sau nhà bà Tư. Lần đầu tiên dọn đến,
tôi ngơ ngác trước quang cảnh quạnh hiu, nắng rầu rầu buông mình trên dãy hàng
rào kẽm gai, gắt đến đỏ mắt. Từng đợt gió chốc chốc sà xuống thổi rối bụi cỏ dại
loe hoe dưới chân tường. Cảnh tượng như một nốt nhạc lệch pha giữa bản hòa tấu
du dương, kéo lòng tôi chùng lại.
Đang loay hoay tra chìa vào ổ
khóa, tôi chợt thấy một cô bé nhỏ nhắn đi vào ngõ. Em xanh xao, dáng đi mỏng
manh như bông hoa dại nép mình trước gió, trên vai là túi vải chứa đầy chai nhựa.
Thấy tôi, em mỉm cười, nụ cười tỏa nắng khiến tôi ngỡ ngàng giây lát:
- Chị
mới đến đây hả?
Tôi gật đầu. Em nhìn chiếc vali
cùng mấy giỏ xách nặng trịch dưới chân rồi nháy mắt:
- Để
em giúp chị chuyển hành lí vào phòng nha!
Căn phòng rộng khoảng 4,5 mét
vuông, trống rỗng ôm từng ngụm gió trưa. Nắng trầy trật bên cửa sổ song sắt, vỡ
vụn dưới sàn từng khoanh tròn vàng óng. Xong xuôi hết mọi chuyện, bấy giờ tôi mới
hỏi em:
- Em
ở khu này à? Phòng em ở đâu vậy? Em tên gì?
- Em
tên My, em ở cạnh phòng chị đó. Chị mới đến chắc còn lạ lẫm nhiều thứ lắm…
***
Gập cuốn sách trên bàn, tôi kéo
ghế ra trước cửa ngồi hóng mát. Khí trời về đêm như người bị đầy bụng, day dứt
cái hơi nóng ban ngày sót lại, lâu lâu lại “thở” ra đợt gió hôi hổi đến khó chịu.
Tôi miên man nghĩ đến những ngày tháng sắp tới, với bàn tay trắng cùng cái bụng
rỗng, cái đói chắc còn mấp mé bên tôi như chực nhảy xổ vào ngấu nghiến. Rời quê
lên thành phố, tôi quyết định tự thân lập nghiệp, gửi tiền về nuôi mấy đứa em
đang tuổi ăn học. Mấy ngày đôn đáo khắp nơi tìm phòng trọ và công việc, tôi gần
như kiệt sức, nhiều khi định bỏ về, nhưng nghĩ về thì lấy gì mà nuôi cả nhà. Gác
tay lên trán, trong tâm trí tôi vẫn còn hằn nguyên kí ức đau đớn năm lên mười,
ngày định mệnh nuốt chửng lấy mái ấm vẫn hạnh phúc đương nồng. Buổi chiều hôm ấy,
nắng sục sạo trên mấy rặng tre, bầu trời như vấy máu xuống lòng sông, lênh láng
màu đỏ rực. Má tôi đang ngồi lặt rau chuẩn bị bữa cơm tối thì nhác thấy dì Bông
hớt hãi ngoài sân:
- Vợ thằng Tư có nhà không? Ra ngoài xã mau lên, chồng mày bị xe đụng, không qua
khỏi kìa.
Sấp ngửa, má rụng rời bó rau
trên tay. Quên cả dặn đám con trông chừng cửa kẻo, má thất thần chạy bước hụt
bước mất ra đường. Gió táp vào mặt, quăng quật dòng nước mắt chảy tràn trên đôi
gò má xám khô của má. Tôi vội vàng chạy theo, cỏ xây xát hai bên gấu quần, rướm
máu đầy chân. Đến bờ sông, má chỉ còn là chấm nhỏ lặn ngụp trong ghe. Tôi không
ngờ đấy là lần cuối cùng được nhìn thấy má. Đêm xuống, má vẫn chưa về, con nước
ròng đã đưa má đi suốt mười ba năm nay rồi.
- Sao nằm ngủ ở đây vậy con? Vào nhà ngủ không thôi bệnh đó.
Câu hỏi làm tôi thức giấc,
không biết mình đã thiếp đi từ lúc nào. Giấc mơ mười ba năm về trước vẫn không
ngừng khắc khoải mỗi đêm, đong tràn nước mắt. Ngước lên, một người phụ nữ ốm yếu,
dáng đi khệnh khạng, giọng nói trầm trầm như tiếng hát ru. Tôi bàng hoàng, cứ
ngỡ má trở về từ trong cơn mơ, vẫn hay mắng yêu khi tôi nằm võng vắt vẻo ngủ
ngoài sân.
- Má!
Má có mệt không má?
Tiếng My làm tôi choàng tỉnh.
Người phụ nữ ấy sao giống má đến thế, mười ba năm rồi tôi vẫn ru mình vào giấc
ngủ bởi tiếng nói của ngày xưa. Nhìn My tíu tít bên má, tôi lại thấy nụ cười của
em bừng sáng ngay cả trong đêm tối tĩnh mịch. Lát sau, người phụ nữ bưng tô
cháo nóng hổi sang phòng tôi, vẫn giọng nói trầm trầm ấy vang lên:
- Cô
có nấu nồi cháo trắng, con ăn chung cho vui nhé!
Tôi nghẹn ngào, chỉ là tô cháo
trắng bình thường thôi, nhưng tôi cảm thấy mình không còn lạc lõng giữa đất
thành thị bức bối lo toan đến nghẹt thở. Cô thân tình hỏi thăm tôi ít lâu. Sau
một lúc rụt rè, tôi hỏi cô:
- Giờ
này khuya rồi mà chú vẫn chưa đi làm về hả cô?
Cô im lặng. Dáng người gầy gò
phút chốc khô cằn thêm như phác một nét vẽ khẳng khiu trên nền giấy trắng. Tôi
nhận ra mình đã lỡ chạm vào nỗi buồn sâu kín trong lòng cô.
- Ba
bé My bỏ đi gần năm năm rồi con – Ngần ngừ, cô thả ánh nhìn lọt
thõm vào bóng đêm tròn đầy.
***
Dựng chiếc xe đạp cũ kĩ cạnh
bên, tôi ngồi bệt xuống lề đường, lấy bìa hồ sơ quạt cho ráo mồ hôi. Đi cả ngày
mà vẫn không tìm được chỗ làm, tôi đâm ra chán nản. Càng ngày tôi càng thấy
mình rơi vào hố sâu tuyệt vọng, nhưng viễn cảnh thằng Ba đủ tiền học đại học,
thằng Tư có bộ quần áo mới và con Út hớn hở khoe giấy khen được học sinh xuất sắc
phần nào khiến tôi lừng chừng lại nơi này. Ngoài phố, dòng người chen chúc, người
này đẩy đưa người trước ào ạt, hối hả dưới ánh chiều tà. Nắng vươn vai thật dài
bao trùm những con đường, ngõ ngách rồi ngập ngừng ngả lưng xuống vách tường của
từng ngôi nhà đồ sộ. Nhìn nắng tắt dần trên mái nhà nhấp nhô, bỗng dưng tôi nhớ
đến em, nụ cười bừng sáng cả khoảng tối trong tâm hồn khô héo, nhợt nhạt bấy
lâu. Từ ngày không còn nghe tiếng ghe cập bờ của ba má, tôi căm ghét những giây
phút của ngày sắp tàn. Khoảnh khắc đứng trên bờ sông đợi má, ngoái nhìn chân
trời xa xăm, ánh hoàng hôn vỡ òa sau một ngày ngập nắng, loang một màu
máu cháy rực cứ ám ảnh mãi trong tâm khảm tôi. Với tôi, nắng mang mùi vị của
chết chóc, đỏ lom lom.
Về đến đầu ngõ, tôi thấy em
đang nhặt nhạnh những cái chai nhựa người ta vứt xuống đường. Tôi chợt nhớ lại
những lời tâm sự về cuộc đời của cô vào đêm hôm ấy.
“Em
nhặt những cái chai này làm gì vậy?”
“Em
nhặt về để phụ giúp mẹ, được đồng nào hay đồng nấy chị à!” – Em mỉm
cười, rồi tiếp tục công việc đang dang dở.
Tôi bỗng thắt lòng khi thoáng
thấy môi của em lấm tấm những nốt đen li ti. Cô nói rằng có lẽ do biến chứng, bị
di truyền từ cô – ung thư đại tràng – em sinh ra vẫn khỏe mạnh như bao đứa trẻ
khác, nhưng ngày em lên mười, số phận đã xâu vào cơ thể em căn bệnh ung thư
quái ác trong khi tuổi đời còn xanh mởn. Cũng ngày hôm ấy, giữa màn đêm dày
đặc nhàn nhạt ánh đèn, mưa tạt ướt đẫm hiên nhà và gió thổi mạnh thắt nghẹt hơi
thở, hình bóng người chồng để lại nụ cười nhếch mép, tay trong tay cùng người
tình khuất sau màn mưa. Cô quỳ sụp xuống ôm đứa con thơ dại, chết lặng.
“My
nè! Khi biết mình bệnh, em có sợ không?”
Em cúi đầu, tay mân mê vạt áo
đã ố vàng. Lát sau, em ngẩng lên:
“Có
chứ chị, em sợ và buồn lắm! Em khóc suốt mấy ngày liền. Nhưng nhìn mẹ còn đau
lòng hơn em, em thấy mình không được làm mẹ buồn thêm nữa. Em gắng học thật giỏi
để mẹ vui lòng. Chị biết không? Em thích đọc truyện Doraemon lắm! Em từng mơ rằng
nếu mình có chiếc túi thần kì, em sẽ dùng một lọ thuốc tiên để chữa bệnh cho mẹ.
Chỉ cần mẹ được mạnh khỏe thôi…”
Chưa nói dứt câu, mắt em đã
long lanh nước. Tôi ôm nhẹ bờ vai bé nhỏ đang run rẩy vào lòng. Ôi em! Sao ông
trời lại có thể bất công với em đến thế. Em như một búp non yếu ớt trên cành,
chỉ cần một cơn gió thoảng cũng đủ lao đao trước cuộc đời chông chênh. Nhưng
không, tôi đã lầm.
“Việc
học của em thường xuyên bị gián đoạn vì phải nhập viện để truyền thuốc. Cô chú ở
trọ gần đây tốt lắm! Hay gom góp để đỡ đần mẹ và em những lúc khó khăn. Bên cạnh
em không chỉ có mẹ mà còn nhiều người nữa, ai cũng hi vọng em được khỏe mạnh và
học giỏi hết, vậy thì em không có lí do gì để buồn mãi chị à! Em tự hứa với
lòng mình là sẽ quyết tâm thi đậu vào trường điểm của thành phố trong năm cuối
cấp.”
Em nhìn tôi, nụ cười ấy lại làm
ngây ngất như ngày đầu tiên tôi gặp em. Em là ai? Em chỉ là một cô bé bình thường
như mọi người, nhưng tại sao trong em lại tiềm tàng sức sống mãnh liệt hơn bất
kì ai khác tôi từng gặp. Ở em, tôi không hề nhận thấy một dấu vết nào của khổ
đau ngự trị, em tươi tắn như ánh nắng ban mai, soi rọi vào góc khuất trong trái
tim mà tôi đã tự mình rạch nát suốt thời gian qua. Đối diện với em, tôi cảm thấy
mình sao yếu đuối, nhỏ bé quá! Tuổi thơ của em cũng nhiều vết thương như tôi, ấy
vậy mà em lại biết đứng dậy chống chọi với tất cả.
“Chị
ơi! Chị khóc sao?”
Tôi quay mặt đi, giấu nước mắt
vào ánh hoàng hôn đang khép mi ngon giấc.
***
Tôi mơ thấy mình lạc giữa
một khoảng không vô định, tôi không thể biết nó màu gì. Giấc mơ
thường có màu, nhưng chúng lại hòa quyện lẫn nhau tạo thành một khối
nhờ nhờ mất phương hướng. Lạ thay, trong lúc hoảng hốt không thể tìm
thấy lối đi, tôi lại nghĩ đến em, đến ánh sáng mà tôi đã thắp nó vào tâm
trí mình. Khối không màu vụt mất. Mở ra trước mắt tôi là khung cảnh
tưởng chừng vô tận, ánh sáng chói lòa chốc lát làm mắt tôi khó
chịu. Đó là một vòm trời với hàng cây râm mát đan xen ngọn núi gãy gọn,
với thảm cỏ xanh ươm trải dài phía chân đồi. Bất ngờ hơn nữa, trung tâm
của toàn bộ nơi đây là cánh đồng hoa hướng dương vàng rực, như một
bà hoàng kiêu sa mặc chiếc áo choàng lộng lẫy, phấp phới theo làn
gió thoảng qua.
Em đứng đó, giữa cánh đồng
hoa, vẫy tay gọi tôi. Em đã trút bỏ bộ quần áo cũ kĩ hôm nào. Em mặc
một chiếc váy hoa, như cô bé choàng khăn đỏ bước ra từ truyện cổ
tích. Nhẹ nhàng và ngọt ngào, em nâng bó hoa đến trước tôi, mỉm cười
không nói gì. Tôi giơ tay định chạm vào má em, nhưng em đã biến mất. Tôi bàng
hoàng, cánh đồng hoa hướng dương mới đây còn trổ vàng bởi nụ cười của em không
còn nữa, thay vào đó là một dòng sông nhuốm màu đỏ ma mị, hệt như buổi chiều
tang tóc hôm nào. Tôi gọi tên em, đôi chân rã rời vì chạy mãi. Bỗng, tôi nhìn
xuống chân, một màu đỏ lênh láng, rực đến nhức mắt, như trêu ngươi nỗi đau mà
tôi đã cố quên đi từ lâu.
Tôi hét lên, choàng tỉnh giấc
mơ. Mồ hôi ướt đẫm trán, tôi nhận ra trong cơn mê, đã mấy lần tôi như bị ai đó
bịt chặt mũi, vẫy vùng không thể nào cử động được. Với tay nhìn đồng hồ, đã mười
hai giờ đêm. Có lẽ do lang thang cả ngày ngoài đường, tôi đã bị say nắng, mê
man suốt từ chiều đến giờ. Linh tính mách bảo tôi có điều gì sắp xảy ra, bởi
màu đỏ vốn giày vò kí ức tôi nay lại một lần nữa mò mẫm vào giấc mơ. Gục mặt lúc
lâu, tôi vào phòng tắm khỏa nước cho tỉnh táo. Nước rỏ từ tóc xuống cổ, tôi lặng
lẽ nhìn vào gương, khuôn mặt nhợt nhạt với cặp mắt trũng sâu, mái tóc xõa tung
bết dính mồ hôi, trông tôi cứ như già đi mất chục tuổi. Tôi giật nảy mình, đây
chính là gương mặt má ngày lao ra đường tìm ba, đôi gò má xám khô vì nỗi đau ào
đến bất chợt không kịp định hình. Kinh hãi, tôi đấm mạnh vào khuôn mặt hốc hác ấy,
vết nứt kéo dài như một bức tranh bị xé toạc. Nghe buốt nơi bàn tay, tôi giơ
lên nhìn. Một màu đỏ…
Nghe ồn ào ngoài sân, tôi chạy
ra xem. Tiếng người bàn tán xôn xao, đặc quánh trước cửa phòng em. Tôi vội vàng
hỏi dì Tư:
“Dì
ơi! Có chuyện gì vậy dì?” – Căn phòng trống rỗng, tôi nghe tim mình
thắt lại.
“Con
My lên cơn đau bụng dữ dội, ngất trong phòng cả tiếng đồng hồ. Má nó đi làm về
phát hiện, mới vừa đưa đi cấp cứu lúc nãy. Tội nghiệp con bé, nó nhập viện liên
tục vì căn bệnh này suốt mấy năm nay…”
Điếng người, tôi lập cập hỏi dì
địa chỉ bệnh viện. Quên cả vết thương chảy máu ròng ròng ở tay, tôi thất thần
chạy đi tìm em. Suốt cả quãng đường, cảnh vật nhòe nhoẹt trước mắt, tim tôi cứ
nhói lên liên tục. Hóa ra giấc mơ khi nãy là điềm báo trước cho tôi sẽ có chuyện
không hay xảy ra với em, vậy mà tôi cứ thờ ơ không hề hay biết. Tôi tự trách
mình ở cạnh phòng em mà như người xa lạ, hình dung em đã cố gắng gọi nhưng tôi
không nghe thấy. Nước mắt cứ chảy tràn, gió lại xây xát trên gò má xám xịt, kí ức
đảo lộn lại, quay quắt trong đầu…
Đến nơi, tôi quanh quất nửa tiếng
đồng hồ mới đến được phòng cấp cứu. Cô đang ngồi chết lặng trên ghế, đôi mắt vô
hồn khi nghe tôi gọi. Má! Tôi ôm chặt lấy cô, người phụ nữ này đã chống chọi với
bệnh tật suốt thời gian qua, nay lại phải đối diện với ranh giới giữa sự sống
và cái chết của em. Nhìn cô, tôi thấy như một cành cây gần đứt lìa khỏi thân.
Không được, em phải sống, nụ cười của em không được tắt, em có nghe tôi nói
không?
Gần sáng, cửa phòng cấp cứu bật
mở. Chỉ khi nhìn thấy bác sĩ gật đầu, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Em nằm trên
giường, mắt nhắm nghiền, cánh tay bầm đỏ với nhiều vết kim tiêm. Bất
ngờ, em hé mắt, kéo nhẹ tay tôi vào lòng. Tôi nhìn em, toàn cơ thể lặn ngụp
trong bạo bệnh, nhưng đôi mắt lại toát lên vẻ tinh anh, sáng ngời. Trong
em, nhựa sống đang lấp đầy từng tế bào, đang cuồn cuộn chảy qua từng
ngõ ngách. Tôi như thấy một niềm khao khát sống rực cháy mà tôi hình
dung nếu chạm vào có thể sẽ thiêu đốt trái tim mình thành tro.
Em mỉm cười. Nụ cười bừng sáng,
hanh khô dòng nước mắt chảy quanh.
***
Dừng xe trước cửa, tôi ngạc
nhiên thấy phòng em lỉnh kỉnh đồ đạc. My vừa xuất viện được ba ngày, vậy mà giờ
đây em chuẩn bị đi đâu đó xa lắm. Thấy tôi ngập ngừng bên mớ hành lí, em kéo
tôi lại ngồi trên bậc thềm:
“Má
và em phải về quê, ông ngoại em vừa mất, còn mình bà ngoại già yếu không ai
chăm sóc. Hồi trước ông còn sống, bà có người nương tựa. Bây giờ, cậu dì em đi
làm ăn xa hết rồi, má và em không nỡ bỏ bà một mình.”
Tôi im lặng, nghe lòng tràn lên
nỗi buồn mong manh. Vậy là tôi sắp xa em rồi, biết bao giờ mới được gặp lại má
và em đây.
“Chị
đừng buồn, má và em thỉnh thoảng sẽ lên thăm chị mà. Nếu có dịp, chị về quê em
chơi nhé!” – Em ngậm ngùi.
Hành lí đã chuyển ra xe, em lưu
luyến mãi, chẳng muốn rời xa. Tôi chạy theo chiếc xe đưa em ra khỏi vòng tay,
tên em mấp máy trên môi. Xe chạy được một đoạn chợt dừng lại. Như nhớ ra điều
gì, em vội vã đặt vào tay tôi một vật nhỏ.
“Chị
nhìn nó mà nhớ đến em nha! Về quê, em sẽ nhớ chị lắm!” – Tôi mở
lòng bàn tay, một chú Doraemon bằng nhựa mỉm cười lí lắc.
Chiều về nâng nắng bay cao hơn,
len lỏi qua màn mây tràn trề lên vỉa hè ướt đẫm gót chân người qua lại. Tôi
nghe bên tai tiếng nắng nở giòn trên bụi hoa dại xinh xinh ven đường, pha lẫn với
mùi của gió thành thứ vị thanh thanh, dìu dịu rồi chênh chao rớt giọt lên tóc,
xuống vai và li ti tà áo. Sau buổi trưa, nắng ngọt thanh hơn làm tôi miên man
cùng bao nỗi niềm. Tôi không còn sợ nắng nữa, có lẽ nỗi ám ảnh ấy sẽ mãi ngủ
sâu trong kí ức. Chiếc xe lùi dần, lạc vào ánh chiều tà sắp tắt…
Rồi tỉnh giấc sau cơn say mộng
mị, len lỏi thứ cảm xúc không tên. Tôi nói với em, hay là thì thầm với chính
mình:
"Chào
em, cô bé hoa mặt trời!”
Sài Gòn, 23-08-2014
G.Đ (ĐHSP TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét