Con
sông quê tôi nằm vắt ngang phố thị, ngăn đôi bờ. Một bên nhộn nhịp và một bên
yên tĩnh. Nhà tôi nằm bên bờ nhộn nhịp, nơi tiếp giáp với chợ “trung tâm” và
tỏa ra nhiều chợ “vệ tinh” khác. Mỗi khi cần mua sắm, tôi cảm thấy thích vì
tiện lợi. Chỉ đi bộ khoảng trăm thước là đến nơi, tha hồ chọn lựa, trả giá.
Nhưng khi cần học tập hoặc nghỉ ngơi thì tôi bực. Nhiều loại âm thanh náo động
thường xuyên như xoáy vào tai, buốt cả óc. Tôi cảm thấy tiếc vì sao nhà mình
không ở bên kia bờ. Dù vậy, từng gốc cây, ngọn cỏ, từng quán xá, quầy sạp, dù
lộng, những chiếc cầu ván ọp ẹp, những chiếc đò máy cũ kỹ phả những cụm khói
đen ngòm lên bầu trời biêng biếc… Tất cả đã phác họa một bức tranh đậm đà bản
sắc quê tôi.
Nhà tôi bị che khuất bởi cái biệt thự lộng lẫy, bề thế của một me Mỹ. Nó
như một gã to xác đứng khuỳnh tay án ngữ mặt tiền, ngăn tầm nhìn về phía hàng
dừa duyên dáng dọc bên bờ yên tĩnh. Những bức tường cao ngất, nhiều mảnh
màu đan xen khiến người nhìn rối mắt hơn là thích thú. Chúng đã tạo nên sự tù
túng cố ý đối với người trong hẻm. Có lẽ vì vậy mà con hẻm luôn nhộn nhạo bước
chân ra vào. Nhất là đối với lũ trẻ chúng tôi, mỗi khi nghe tiếng còi tàu tu
tu… từ phía xa vọng lại, bọn tôi liền thi nhau chạy huỳnh huỵch ra bờ sông để
nhìn con tàu lướt sóng, mũi tàu rẽ nước làm đôi, tiến sát chân cầu. Trên tàu,
hành khách nhấp nhỏm ngóng lên bờ. Tàu vừa cập bến, hành khách chưa kịp túa
lên, hàng chục người khuân vác mướn đã tràn xuống giành mối. Họ nhanh chóng ngã
giá rồi bốc vác hành lý, hàng hóa lên bờ, gọi xe chuyển vào chợ. Không quá mười
lăm phút, bến tàu chỉ còn thưa thớt người qua lại. Chủ đò dọn dẹp, gom rác trút
tút tụt xuống sông.
Mặt
nước bồng bềnh bao ni lông, lá chuối, lá sen trông như dãy lụa bạc bị bôi bẩn
lỗ chỗ. Những lúc ấy, bọn tôi thường lấy chân quậy đùng đùng xuống nước để
chúng mau chìm xuống. Chúng chẳng chịu chìm mà trôi dạt ra xa, tạo thành một
vết bẩn biết đi. Bọn tôi chúa ghét chuyện đó. Cả xóm đều gánh nước đổ vào lu,
lóng phèn, chờ trong mới dùng. Bọn tôi bảo nhau nước trong chưa chắc đã sạch.
Nhưng đứa nào đứa nấy đều tọng cả gáo nước vào bụng sau mỗi lần đùa nghịch.
Chúng tôi còn thích rủ nhau đi dọc bờ sông để đếm có bao nhiêu chiếc cầu . Lạ
quá! Một khúc sông dài hơn cây số mà chỉ có một cây cầu đúc cốt sắt bắc ngang
sông nối liền hai bờ và bốn cây cầu ván yếu ớt như răng bà già.
Thằng Tuấn bỉu môi, ưỡn ngực:
- Như vầy là cầu sao?
- Lớn lên, tao sẽ xây kè đá rìa sông, làm những bậc thềm xuống tận
mí nước để xuống gánh nước dễ hơn.
Thằng Khoa khoát tay:
- Tao sẽ trồng hoa dọc bờ sông. Chiều chiều, tao ra khỏi cái hẻm
chết tiệt kia mà hóng gió, ngắm hoa nở rộ.
Cả bọn bật cười. Tiến nghênh nghênh mặt:
- Còn tao, tao sẽ xây phố chợ sạch đẹp. Sắp xếp quầy sạp ngay hàng
thẳng lối theo từng loại hàng hóa.
Thấy tôi im lặng, Tiến thắc mắc:
- Kiên, lớn lên mầy làm gì hả?
- Tao sẽ làm thầy giáo.
- Lãng xẹt! Tụi tao muốn biết mầy làm gì có lợi cho con sông này
kìa?
- Làm thầy giáo, tao có thể đào tạo nên những ông thợ xây có kiến
thức trong tương lai. Lợi quá đi chứ.
Tiến thụi một cái rõ đau vào bụng tôi:
- Xạo nè!
Chúng tôi cũng hay lấy xe đạp dong ngang cây cầu đúc để qua bờ bên
kia chơi. Trái ngược với bên này, nhà cửa bên đó thưa thớt còn vườn ruộng mênh
mông. Dựng xe trên lộ cái, đi qua bờ đắp sẽ được trông thấy màu xanh ngút mắt
và cây lúc lỉu quả. Bọn tôi thích nhất vườn bưởi nhà ông Tư. Đến mùa, chỉ đứng
đàng xa đã nghe mùi thơm của hoa bưởi ngan ngát lan tỏa, ướp cả vào tóc vào nếp
áo. Nhưng bọn tôi mê trái bưởi hơn hết. Nó to hơn cái tô nhà tôi và xanh mướt,
lủng lẳng thấy bắt thèm. Ông Tư là bạn thân của ba tôi nên cũng không tiếc gì
một hai trái bưởi đãi bọn tôi. Nhưng bà Tư thì khác. Bà bảo:
- Lâu lâu tụi bây qua tao mới đãi chứ qua mỗi ngày tao cho nhịn. Hổng
lẽ tao trồng cho tụi bây ăn hết.
Bọn tôi cũng… thông cảm điều đó nên bàn bạc kỹ lắm. Khi nào ba tôi cần nhắn nhe
gì thì bọn tôi mới ghé nhà ông Tư. Còn không thì nhà bác Ba Ngâu, nhà dượng Tư
Tiến, nhà dì Sáu vì nhà nào cũng có trồng cây ăn trái như chuối, vú sữa, Sa bô
chê, mãng cầu… Nghĩ cũng lạ. Gia đình ở bên nầy sao ba tôi quen ráo những người
bên kia bờ. Lâu lâu, họ còn nhắn ba qua ăn cơm. Mà mỗi lần vậy thì tôi không
được theo. Thấy tôi thắc mắc hoài, mẹ tôi kề miệng sát lỗ tai tôi nói nhỏ như
hơi thở: “Họ bàn chính sự. Con đừng bép xép mà hại ba con đó nghen”. Tôi nổi
gai ốc cùng mình, gật đầu lia lịa. Nhưng tôi vẫn không hiểu những người lam lũ,
tối ngày cắm mặt xuống đất, bán lưng cho trời mà bàn chuyện chính sự gì kìa. Họ
hiền như cục đất. Nuôi heo gà nhiều vậy chứ ăn có được bao. Lâu lâu lính qua
càn quét sạch sẽ. Người nào ở hơi xa giấu kịp thì còn lại con heo hay con vịt.
Tôi bảo ba xúi mấy bác đừng nuôi, lính bắt uổng thì ba xoa đầu tôi, an ủi:
– Không nuôi lấy gì sống con. Cũng chẳng còn khổ bao lâu nữa đâu. Con lo học
hành, đừng chú ý chuyện bên kia nữa nghen.
Tôi dạ nhưng lòng cứ ấm ức và thắc mắc. Ba bảo chẳng còn bao lâu là sao, chẳng
lẽ trời sập, tận thế chết hết, lúc đó hết sợ mất gà mất heo. Nhưng rồi tôi cũng
quên bén chuyện ấy đi vì một sự cố lạ lùng xảy ra với tên Mỹ tình nhân của bà
me Mỹ. Hắn về thăm nhân tình trong biệt thự. Sau khi ăn uống ì xèo, hắn bảo
người làm công kéo cái ca nô trong nhà ra cho hắn và tình nhân giỡn sóng. Thật
là tội nghiệp con sông. Nó rộng có là bao đâu mà tên Mỹ lái chiếc ca nô dợt tới
dợt lui nát bấy, nước đục ngầu. Mấy chiếc xuồng ba lá của dân mua bán chở trái
cây vào chợ tránh không kịp bị lật úp. Bao nhiều cây trái chìm lỉm. Tiếng khóc
rân trời. Cũng may là dân miệt đồng ai cũng biết bơi không thì tính mạng cũng
chẳng còn. Tối đó, trong biệt thự tổ chức nhảy đầm sáng đêm làm cả xóm không
ngủ được. Nghe đâu chiều mai sẽ có cuộc đua ca-nô giữa hai tên sĩ quan Mỹ trên
sông. Họ làm cho bọn tôi náo nức hẳn lên. Một số người lớn cũng hiếu kỳ ra mé
sông coi cho vui.
Nắng vẫn còn chói chang mà hai anh chàng Mỹ đã xuống ca-nô lướt sóng. Đúng là
họ lái rất tuyệt. Mới đó đã khuất tầm nhìn rồi chẳng mấy chốc quay lại. Tên mặc
quần sì líp đỏ thắng cuộc. Tên mặc quần sì líp xanh nói xí xô xí xào gì đó rồi
hai người lại xuống ca-nô. Bà me Mỹ kiêu hãnh bảo:
- Mấy ảnh thi ba vòng mới phân thắng bại. Ai thắng sẽ được
hôn bàn tay của tui. Haha…
Nhưng rồi chẳng anh chàng nào hôn bàn tay của bà ta mà hôn tay Hà
Bá. Vì ca-nô vướng mìn gần cửa sông. Hai chiếc ca-nô và người banh xác. Mọi
người túa ra bờ sông ngóng về hướng xảy ra chuyện bàn tán rôm rả. Liền đó, tôi
thấy ba đi đâu vể, đầu tóc ướt nhẹp, vội vã đi qua nhà bác Tư ăn cơm. Chẳng
biết chuyện gì mà khi trở về ba căng thẳng lắm. Má bảo tôi theo má qua nhà bà
nội gấp vì nội ốm nặng. Má chỉ kịp lấy cái giỏ đệm nhét mấy bộ đồ của tôi rồi
ra bến xe. Đến nhà nội trời đã khuya. Nội lại bảo tôi theo chú ra bưng cắm câu.
Tôi cằn nhằn đi cả đêm mệt gần chết, xin để mai hãy cắm câu nhưng chú cứ lôi
tôi xuống xuồng. Lên xuồng, chú bảo ngủ đi, chừng nào cần chú gọi.
Khi tôi thức dậy thì thấy mình đang ở một nơi rất xa lạ. Chú tôi
bảo đây là nhà người quen ở gần trường học. Từ nay tôi sẽ học ở trường huyện.
Tôi phát hoảng hỏi còn ba mẹ đâu, tại sao phải đi xa vậy chú giải thích rằng.
Ba mẹ tôi vốn là du kích hoạt động trong vùng. Vì sắp có một trận sinh tử nên
đem tôi ra khỏi vòng hiểm nguy. Tránh cảnh bị giặc bắt. Chú còn tiết lộ chính
ba tôi là người đã cài mìn để hạ sát hai tên sĩ quan Mỹ vì chúng sắp đưa quân
càn quét căn cứ cách mạng nằm bên kia bờ. Tối qua, ba tôi còn một nhiệm vụ quan
trọng nữa. Ba sẽ đánh sập cây cầu đúc để ngăn không cho xe tăng thiết giáp của
bọn chúng tràn qua.
Tôi kinh hoảng hỏi:
- Rồi bà con bên đó làm sao qua lại bên nầy hả chú?
Chú thản nhiên bảo:
- Rồi bà con sẽ xây lại cây cầu lớn gấp mười cây cầu ấy cháu à.
Bây giờ cháu yên tâm ở lại đây. Chú về xem tình hình thế nào đã. Rồi chú sẽ
quay lại với cháu.
Đúng là ba tôi đã ngăn được xe tăng của địch vì cây cầu đúc bị sập
mấy nhịp. Nhưng, ba tôi vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông lạnh. Mọi người đoán
là đêm đó nhằm con nước lớn nên dòng chảy rất mạnh. Ba sợ mìn trôi chệch hướng.
Ông đưa đến gần, chờ mìn chạm chân cầu mới bơi ngược ra thì không còn kịp nữa.
Người ta không tìm thấy xác của ba. Chắc là máu thịt của ba tôi đã
nhuộm đỏ dòng sông, và rồi đây sẽ trở thành phù sa bồi đắp đôi bờ.
Tất cả những gì ba để lại cho tôi là lòng yêu nước, sự hy sinh vô bờ bến của
một người tay lấm chân bùn. Ba cho tôi sự kiêu hãnh được là con của ba, một anh
hùng liệt sĩ vô danh nhưng được mọi người vô cùng thương tiếc, kính trọng. Từ
đó, gia đình tôi cũng được bà con quan tâm, giúp đỡ tận tình. Tôi được sống
trong cái nôi của cách mạng cho đến lúc trưởng thành, trở thành người hữu dụng.
Hòa bình đến sau khi ba tôi mất bốn năm. Đúng như ba dự đoán
“chẳng bao lâu” cái cảnh cướp bóc giữa ban ngày không còn. Tôi theo mẹ trở về
quê cũ. Chúng tôi được cấp một ngôi nhà cạnh dòng sông. Nơi ba tôi đã ngã xuống
với chiến tích hào hùng. Mẹ thường bảo ba con nằm xuống ở đây thì mẹ sao có thể
rời nơi nầy đi đâu được chứ. Tôi cũng nghĩ như mẹ, tôi cố gắng học hành với hy
vọng đi tiếp con đường ba bỏ dở. Và chắc ba tôi ở dưới kia vui lắm. Bởi sau bao
năm miệt mài học tập và làm việc, hiện giờ tôi đã là huyện ủy của nơi nầy. Trở
thành một người lãnh đạo còn trẻ và được đánh giá rất có năng lực. Các dự án
xây dựng cầu đường được tôi đặc biệt quan tâm. Nên bây giờ, mỗi khi chợt ngắm
lại dòng sông, lòng tôi lại trào dâng niềm tự hào. Với đôi bờ kè đá kiên cố
chẳng còn bên lở, bên bồi. Trông nó như một tấm lụa óng ánh viền đăng ten, vắt
hờ hững giữa phố xá sầm uất, sạch đẹp. Những cây Điệp Lào trổ hoa vàng sặc sỡ dọc bờ. Xác hoa rơi vàng lối đi khiến bước chân bỗng ngập ngừng. Buổi chiều,
khi nắng tắt, mẹ và tôi thường đến ngồi ở băng đá ngắm những tàu dừa chải lên
bầu trời những nhát lượt mềm mại, duyên dáng. Mẹ chỉ khu cư xá xây hình chữ U
màu xanh lá mạ. Ngày xưa, chỗ đó là con hẻm. Ở đó cũng có một cây cầu ván ọp
ẹp. Thỉnh thoảng người gánh nước bị rơi tòm xuống sông, kêu cứu vang trời. Bây
giờ, cứ cách vài trăm thước lại có những bật thềm từ bờ xuống nước.
Tất cả đã mang một bộ mặt mới. Thế nhưng trong tôi vẫn dạt dào
những điều rất cũ. Đó là tình yêu đối với dòng sông và với ba, người đã nằm
xuống cho cuộc đời tươi đẹp từng giờ.
B.Đ.A (TP. HCM)
Tôi thích truyện ngắn của bạn. Nhất là trong ngôi nhà màu trắng.chúc bạn luôn sáng tác hay
Trả lờiXóa