“Lớp
học” là cách nói của tôi, song thực ra
đấy đúng là lớp học cho dù không có bảng đen phấn trắng, và chẳng có lớp lang
gì hết trọi, chỉ có kiến thức, thầy và trò, quanh một hồ nước rộng thoáng đãng
có én liệng khi chiều về…
Thị
trấn nhỏ của tôi còn một năm nữa lên thị xã, bản đồ qui hoạch đô thị mới đã phóng
to treo công khai cho mọi người xem, song bây giờ thì vẫn là trị trấn bình bình
thôi. Tôi ở đấy từ nhỏ, chính xác là từ 7 tuổi, 1973.
Thầy
đến từ miền Trung, học sư phạm tại Sài Gòn, dạy ở đây từ khi mới lập trường cấp
III, và khi về hưu đã có gần hai chục năm làm hiệu trưởng, được phong Nhà giáo Ưu tú. Trong thời gian ngắn ngủi được đi học, tôi không có may mắn làm học trò
thầy vì đã nghỉ học từ học kỳ I lớp 10, nhưng biết thì đã biết lâu một ông giáo
đĩnh đạc nghiêm cẩn đến từ miền xa, trụ ở đất này. Có lần khi tôi còn học tiểu
học, chiều chiều vào trường, bắt còng dưới con mương tiếp giáp trường tôi và
trường của thầy, từ xa xa đã nghe giọng thầy giảng văn vang vang cuốn hút, hấp
dẫn. Từ đấy tôi có ấn tượng về ông giáo văn chương được mọi người trân trọng gọi: thầy Nguyễn Sáu.
Rồi
tôi cũng xong chương trình THPT, nhưng học hệ bổ túc, như đã nói- không được
nghe thầy giảng một tiết nào. Bao nhiêu năm, vật đổi sao dời, giờ có duyên gặp
thầy trên đường đi bộ thể dục quanh chiếc hồ rộng và đẹp trong khu hành chính
chuẩn bị cho thị xã mới sắp ra đời.
Thầy
Nguyễn Sáu về hưu đã mấy năm, tâm tư lắm về những đa đoan trong giáo dục, và
thầy tâm sự với tôi về nhiều điều. Chen giữa những câu chuyện của những người
bạn vong niên, thầy hứng thú nói về văn chương cứ như trong một tiết dạy thực
thụ, và tôi nghe, hỏi, trả lời cũng y chang trong lớp học, trong khi chân vẫn
bước quanh hồ. Có thể tưởng tượng được sự kỳ thú của “lớp học” ấy: hồ sâu và
nước sạch, lát gạch chung quanh, thành hồ cẩn đá tảng, ven bên này là những cây
Lộc Vừng non đã ra nhiều lá, bờ bên kia là liễu rũ… Chúng tôi đi một vòng hồ
hết chừng 500 mét, qua một quãng rộng đồng năng và bông súng, một khu dân cư,
và hay ho nhất chính là đám rừng trồng cao cao to to gồm cồng, tràm núi, xà cừ…
Thỉnh thoảng có chim bay ra từ trong ấy.
Hôm
này thầy nói về tác phẩm “Đôi mắt” của Nam Cao với một loạt câu hỏi, bữa khác
lại nói về Nhân văn giai phẩm, rồi Hồ Biểu Chánh… Nói về văn chương trong cảnh
ấy không chán, đi không biết mệt, về gác tay ngẫm nghĩ vỡ ra nhiều điều. Có
những trăn trở mà thầy không thể nói trong lớp học, và học trò cũng không thể
hỏi, rồi những chuyện riêng tư tải chở nhiều kinh nghiệm sống. Một ngày chúng
tôi đi chừng một tiếng đồng hồ, có khi hơn chút, và chiều nào cũng thế, riết
thành lệ, mà chuyện văn chuyện đời cứ không cạn không vơi…
Có
lần tôi nhắc lại kỷ niệm ngày trước, đã mấy mươi năm, về sự nghe lõm bài giảng
của thầy, ông giáo cười hiền, thú vị. Rồi tôi nói về những bài viết vụng của
mình, thầy hứng thú lắm. Một ngày một tiếng, lâu lâu cộng lại ra con số thời
gian đáng kể, kiến thức văn chương được bồi đắp thêm, sự thắc mắc được giải tỏa
dần. Đấy, “lớp học” là vậy.
Nhìn
những con én nhỏ liệng sát mặt nước trong ánh trời chiều, thầy nói như với
chính mình: chim nó cũng biết tìm nước mát để đến. Những người câu cá quanh hồ
quen với hình ảnh thầy trò chúng tôi, và những câu chuyện văn chương liên tu
bất tận.
Tôi
lại có duyên bồi đắp sự học với một ông thầy, và không thể không biết ơn về
điều đó. Đi chợ mua sắm, ngang qua nhà thầy, thấy cụm hoa vàng trên lầu cao,
gặp thầy, tôi đùa: người văn chương thường có hoa trước nhà. Ông giáo cười nhẹ
ra điều thú vị…
N.T.C (Bạc Liêu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét