Làng quê nhỏ bé này chỉ có vài nhà là khá giả còn lại đều nghèo, nhưng có lẽ nghèo nhất là gia đình nó. Nhà năm người: bà ngoại, ba mẹ và hai chị em nó phải sống trong căn hộ nhỏ hẹp thấp lè tè, mỗi khi ra vào nhà đều phải khom người xuống mới đi qua cửa được, ngôi nhà mà cậu nó có lần ghé thăm đã bảo còn thua chuồng lợn nhà ông.
Ngày mới về quê, cũng nhờ người bà con xa cho cất đậu trên đất của ông mà gia đình nó có được mái nhà. Sau giải phóng ba nó từ một nhân viên văn phòng đã phải làm thuê làm mướn để có cái ăn cái mặt cho cả gia đình, mẹ nó mới sinh em bé hơn tháng phải ra chợ bán rau, em nó phải uống nước cơm pha đường thay sữa những lúc vì buổi chợ trưa mẹ không về kịp.
Mùa xuân năm ấy, nhà không tiền ba mẹ chỉ mua được mảnh vải nhỏ đủ may cho em nó cái áo và cho nó cái quần. Nó diện bộ đồ nửa cũ nửa mới cùng trẻ con trong xóm tụ tập trước nhà bà dì, ngôi nhà xưa có nhiều bậc thềm, ngôi nhà giàu nhất xóm. Mãi chơi đùa cùng mấy đứa bạn nó trượt chân té ngã và đã gãy tay. Nó khóc vì đau, còn mẹ nó khóc vì nhà lúc ấy không tiền lấy đâu ra để chữa tay cho nó. Nhưng ba vẫn cõng nó đi hơn hai cây số để tìm thầy chữa trị, đến nơi ba không biết làm gì hơn là quỳ sụp xuống cầu xin người ta thương tình chữa trị giùm. Ông thầy tốt bụng nên ngoài việc băng bó ông còn cho thêm thuốc về thoa mà không nhận đồng thù lao nào, ba con nó cảm ơn rối rít.
Bữa cơm hàng ngày của gia đình nó thường chỉ có cháo rau hoặc một ít mắm kho, thi thoảng mới có được vài con cá ba nó bắt được đem về kho tiêu, ấy vậy mà cả nhà cứ nhường nhau để đến cuối bữa dĩa cá vẫn còn.
Nhà nó bắt đầu khá lên nhờ vào ghe khoai mà ngoại nó do nghe nhầm giá đã kêu người ta chở về, không đủ tiền nên đã mượn nhờ tiền của bà dì để trả. Luộc khoai bán nhưng không tiền mua củi, ba nó phải gánh từng gánh rơm cách nhà gần chục cây số, mỗi ngày ba nó phải đi như thế không biết bao nhiêu chuyến mới đủ rơm để nấu chín nồi khoai to đùng cho mẹ bưng ra bán sớm mai. Ngày qua ngày cứ thế, những hôm khoai bán ế, mẹ còn làm thêm bánh nướng để bán buổi chiều.
Mười hai năm học phổ thông là mười hai năm nó đi bộ đến trường, đồng phục đi học của nó là những bộ đồ chị họ nó đã dùng qua, ngay cả tập viết cũng vậy. Những năm học tiểu học để luyện chữ viết nó đã dùng lá chuối làm giấy và cọng lá dừa làm viết nhằm tiết kiệm giấy tập mà khó khăn lắm ba mẹ nó mới có thể trang bị cho nó. Cuối năm học nó thường xin mấy quyển tập của anh chị họ, nó cắt những trang tập trắng chưa có chữ viết và khâu lại thành quyển tập mới nó sẽ dùng cho năm học sau, nhiều lúc hết mực viết mà mẹ chưa kịp mua nó phải vắt trái mồng tơi để thay cho mực. Đến những năm học cấp II một buổi đi học một buổi nó làm bánh kẹp, một loại bánh ngọt để giao bán cho các quán cà phê kiếm thêm tiền phụ giúp ba mẹ nó trang trải cho việc học hành.
Rồi tích lũy dần dần nhà nó mở quầy tạp hóa, rồi mở thêm quán cà phê, ba mẹ đã mua hẳn mảnh đất trước đây cậu họ cho ở nhờ. Nhà ven sông thường hay sạt lở ba mẹ đã mua thêm mảnh đất nữa phía trên bờ để xây nhà ở, còn mảnh đất trước đây dùng cho việc kinh doanh, rồi tiếp thêm nữa là những mẫu ruộng và khu vườn nhỏ sau nhà cũng được ba mẹ mua dần. Vậy là từ hai bàn tay trắng ba mẹ nó đã tạo nên cơ ngơi đàng hoàng như hôm nay, tuy không to tác gì so với mọi người nhưng với gia đình nó là một thành công quá lớn lao dẫu rằng thời gian đi đến thành công ấy không phải là ngắn.
Tuổi thơ nó là những chuỗi ngày như thế đó, mỗi khi nhớ lại nó chợt nhận ra rằng không có thành công nào đạt được một cách dể dàng và nhanh chóng, mỗi thành công mà nó và gia đình nó có được đều đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, bằng chuỗi ngày lắm thăng trầm và lắm gian nan.
L.L (Sóc Trăng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét