Hắn tru tréo trong điện thoại:
"Cô ở đâu, về nhà ngay, chồng cô bị tai nạn giao thông hết đi được rồi
nè!". Chị thật sự lo lắng, hắn mà bị tai nạn không khéo chị phải nuôi cơm
thuốc cả đời vì ai lại quá vô tâm với người đã một thời đầu gối tay ấp, dù với
chị, thời gian ấy là chuỗi ngày tủi nhọc và đau hận nhất…
Trung tâm thương mại lúc nào cũng
tấp nập người vào ra. Nhất là vào những buổi chiều cuối tuần, tám cửa chợ đầy
đặc người chen vai mua mua sắm sắm. Chợ thì to, người thì nhiều nhưng hình như
không ai chú ý tới một người phụ nữ bé nhỏ cùng chiếc xe đồ chơi trẻ em cũng bé
nhỏ đang chống chằng chịt những cây tó tự chế cho xe khỏi ngã trong những cơn
gió chiều đang thốc ràn rạt từ nhiều phía.
Một chiếc xe chở hai em bé chạy chầm
chậm ngang, đôi cách tay nhỏ xíu vẫy vẫy dừng lại nhưng tiếng máy vẫn nổ giòn,
niềm hy vọng bán được một món đồ gì đó, một chiếc bong bóng hay cây chong chóng
giấy của người chủ xe đồ chơi cũng tan biến theo làn khói xe sau câu nói:
"Thôi con, qua xe khác mà mua, xe này đồ ít sịt, không có gì lựa
hết".
Rồi một bác chở cậu cháu trai chạy
rà rà tới: "Có siêu nhân kiếm không? Lấy một con cho cháu nội tui
đi!". "Dạ, không có siêu nhân kiếm, có siêu nhân dơi thôi ạ, bác
m… ua… gi… ù… m?". "Người ta tìm siêu nhân kiếm, mà mời mua siêu nhân dơi
cho nó lăn đùng ra khóc à?". Tiếng máy xe lại hòa giòn trong dòng chiều ồ
ạt.
Một bé gái biết đi lẫm chẫm đưa tờ
tiền một ngàn về phía người phụ nữ bán đồ chơi và cánh tay non tơ ngắn ngủn ấy
huơ huơ chỉ lên phía chiếc bong bóng màu đỏ. Người phụ nữ trao cho bé chiếc
bóng. Nó chạy ào về hướng người mẹ đang đứng trò chuyện dưới gốc cây me tây
trong hành lang chợ:
"Bơm cái khác, nhỏ nhỏ thôi cho
lâu bể, con nít mà đưa cái bong bóng to đùng cho nó đập đặng bán cái khác liền
à?" - Mẹ bé hướng về phía người bán đồ chơi trẻ em, bảo. Cô búp bê nhỏ
nhắn lúp xúp chạy lại trả chiếc bóng này và chờ nhận chiếc bóng khác.
Đường chiều mỗi lúc một rộn ràng
thêm, không gian như chật chội hơn khi bóng hoàng hôn đã xuống thấp sau rừng ăng
ten, nhà cao tầng.
Sau những câu cù cưa, chê bai lấy
lệ, hai con vịt con, một con siêu nhân, bảy cây chong chóng; mười cái bong bóng
đã được bán đi…
Với chị hôm nay là ngày "bội
thu".
Thằng con hai tuổi đón mẹ ở cổng.
Từng tiếng nói của nó còn chậm chạp, vài tiếng khó phát âm còn ngòng ngòng
nhưng cu cậu vẫn líu lo:
- Mẹ ơi… hồi nãy… Khang thấy con…
chụp (chuột) bự lắm. Thấy nó… Khang hết… đi … được luôn…
- Tội nghiệp con tôi! - Chị ôm thằng
bé vào lòng, siết chặt - Rồi con làm sao?
- Thì Khang… chờ nó bò… bò… đi
mất … rồi Khang… mới đi. Mà mẹ ơi… con chụp không có… nhiều lông…
- Con có sợ không? - Chị dụi mặt vào
đôi má phính phính lông tơ của con, không ngớt trận mưa hôn.
- Sợ… Khang sợ lắm… mai mốt… mẹ đừng
bỏ… Khang nữa nghen… lỡ con chụp nó… ăn… thịch Khang thì sao?
Nghe con nói mà chị chết từng đoạn
ruột. Nó còn quá nhỏ để hiểu cuộc sống này. Làm sao nó biết được để có cơm cho
nó ăn, sữa cho nó uống, thuốc cho nó dùng lúc ốm đau… chị phải bươn bả trong
dòng đời khi con còn chưa rời vú mẹ.
Nó vô phúc có một người cha quá vô
tâm. Với anh ta, cuộc sống là phù du. Anh ta không cần lo toan chi cả, ngày có
ba bữa ăn bỏ vào bụng là hạnh phúc rồi. Bao nhiêu tầm thường cuộc sống đều trút
lên đôi vai bé nhỏ của chị. Cái nghèo, cái ăn, cái mặc đã khiến con người ta
bần cùng đi, tia nhìn của chị đục như nước vo gạo vì món nợ đời: ăn và sống.
*
"Em có còn nhớ anh không?"
- Tiếng anh trầm ấm thân thương qua sóng điện thoại của ngàn cây số. Chị run
lên, người như khuỵu xuống trong lời đáp "Dạ, còn…" như gió thoảng.
"Anh tìm em bao nhiêu lâu nay, em có tội gì mà nỡ đọa đày mình như vậy? Bỏ
ngay, bỏ những thực tế đáng buồn và quay về với chính mình, nếu còn nhớ đến
anh".
"Nhưng anh ơi, còn con em, còn
cuộc sống…?". "Em tưởng con em sẽ tự hào vì cuộc sống vá víu, nhọc
nhằn mà em đang nuôi dưỡng nó à? Em hãy cho con mình một cuộc sống khác hơn
đi!".
Chị đã giấu mình như trốn chạy. Lấy
anh ta chị không dám nói là sai lầm, chỉ có thể chép miệng gạt mình "âu đó
là duyên phận". Ra đường chị nón áo sùm sụp, chỉ chừa đôi mắt, nhưng bạn
bè, người thân tinh ý vẫn nhận ra. Họ hỏi, chị giả vờ như người câm, chỉ đưa
tay "ra dấu" số tiền và gật đầu khi đồng ý lời trả giá; không thì lắc
thế là xong.
Những con vịt cánh cam, những thiên
nga xanh lục, hồng tươi, những siêu nhân đỏ chót, xanh biển bóng ngời, những
cánh chong chóng nhiều màu sặc sỡ… chị mang đi tô đẹp cho tuổi thơ bao nhiêu
đứa trẻ, nhưng với con mình, chị gói gọn tuổi thơ nó trong cuộc chiến áo cơm.
Vậy mà anh tìm đâu ra số điện thoại
của chị, một cái S-phone cũ kỹ của một người không quen bán lại, chỉ cần
"nghe mãi mãi" ấy mà, để liên lạc với chủ cửa hàng khi cần chứ có se
sua đáng giá gì cho cam.
Hắn vẫn vậy, vô tâm và vô tình, chỉ
có cái miệng nói là không bao giờ dứt. Ai đó thử nói với hắn về lĩnh vực kinh
tế đi, từ vườn ruộng rầy nâu, rệp sáp tới bệnh vàng lùn, xoắn lá… hay sang văn
hóa đi, hắn sẽ khiến người nghe phải bái phục.
Tại sao ở tỉnh ta có địa danh
"ngã tư chiêu hồi", giờ làm gì còn chuyện chiêu hồi, sao trong tập
địa chí lại dùng tên đó? Rồi "ngã tư nhà đèn" là sao, bây giờ nơi đó
là trụ sở của điện lực tỉnh, sao trong sách địa chí không in là "ngã tư
điện lực" cho bà con dễ biết? Trên thế giới có bao nhiêu anh hùng vượt qua
được ải mỹ nhân? Hitler vì sao phải kết thúc sự nghiệp của mình sớm như vậy?
Ông Sadam Hussen chết vì sao? Rồi gần nhất là cuộc đua vào Nhà Trắng của cựu đệ
nhất phu nhân và một "anh da màu", hay cái chết của cựu nữ thủ tướng
nước nọ… Hắn đều nói như một cái máy đã được lập trình sẵn.
Chị mệt mỏi với những hiểu biết của
hắn, có người cho chị sướng quá hóa rồ, có phúc mà không biết đường mà hưởng,
có một người chồng uyên bác như vậy mà không bảo hạnh phúc. Hay muốn vồ lấy một
anh chàng trí ngắn như củ lùn, tối ngày chỉ biết mang gạo về đong vô khạp rồi
xoay ra đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành…
Oan không? Chị nào muốn vậy, chỉ
muốn hắn thực tế một chút, hay lam hay làm một chút. Nhưng hắn bảo: "Em
đừng khinh tôi, 47 tuổi tôi sẽ là tỉ phú đó, sách tử vi nói rồi. Cuộc sống này
là kiếp tạm, có cái ăn hàng ngày đã phúc rồi, lo chi nhiều cho mệt".
- Trời ơi, giờ mới ngoài 30, không
chịu lao động, lấy gì ra mà để 47 tuổi là tỉ phú? - Chị muốn gào lên như vậy
nhưng hắn đã nằm úp xuống, hai tay giấu dưới ngực - dấu hiệu hắn ngủ và đừng ai
lay dậy nếu không muốn sinh chuyện. Nuốt nước mắt, chị lại dắt xe đồ chơi trẻ
em ra khỏi nhà, lòng thầm vái hôm nay bán được khá, vì thằng nhóc đã tái chứng
viêm phế quản…
… Những buổi mai anh dắt tay chị đi
trên đường thủ đô ngập nắng. Nhìn nét mặt rạng ngời của chị, người ta cứ ngỡ
người này có vấn đề về trí não. Chứ ai lại nhẩn nha giữa dòng xe cộ đầy bụi
khói mà trên môi không lúc nào tắt nụ cười. Ngày hai lượt qua con dốc cao và
ngắn này, chị không gọi con dốc theo tên mà gọi là "dốc chó đá" vì
đầu dốc, ngôi nhà hai tầng nọ, ông chủ không biết thâm ý gì mà đặt hai con chó
đá to sầm dưới giàn hoa giấy lúc nào cũng khoe màu hồng tím ngập khoảng trời
xanh.
Công ty nước trái nhàu đặt văn phòng
giao dịch và bán sản phẩm quảng cáo ở tỉnh chị. Họ cần nhân viên bản địa, cần
cù với công việc, kiến thức không cần qua đại học mà chỉ cần qua một khóa
maketing ngắn hạn. Thế là chị đăng ký, hồ sơ được duyệt còn ưu ái: khi chị đi
học, họ ở nhà xây dựng văn phòng và trở về chị sẽ là trưởng phòng với điều kiện
chị phải làm việc lâu dài cho công ty và giữ nguyên "vùng nguyên
liệu" là cả hécta nhàu của bà ngoại chị để lại.
Những cây nhàu với lá thon dài xanh
thẫm lâu nay tưởng là cây hoang, trái để trẻ em làm "đạn" chơi ống
thụt giờ bỗng dưng lên hương một cách lạ kỳ, lá nhàu cũng là một vị thuốc chữa
đau lưng, nhức mỏi. Lá nhàu non ăn được, mềm nhưng rất đắng, lá già xắt nhuyễn
xào với dấm ta lót lưng nằm sẽ bớt chứng đau lưng tuổi già.
Nhưng hắn không cho chị đi!
- Em lạ thật đó, cứ phải làm
"ông này bà nọ" mới chịu à? Sao em không an phận sống như các gia
đình khác. Em đi làm chi để con vắng mẹ, vợ thiếu chồng?
- …
- Có được cái ăn là hạnh phúc rồi.
Mình còn có cái xe đồ chơi trẻ em, chứ ngoài đời thiếu gì kẻ phải đi lượm ve
chai mà gia đình vẫn hạnh phúc kìa!
- Sao anh biết họ hạnh phúc?
- Sao lại không, nhìn mắt họ là biết
họ thế nào rồi.
- Vậy có bao giờ anh nhìn mắt em xem
em có hạnh phúc không?
- Em quá hạnh phúc! Tôi không bài
bạc, gái trai thì còn đòi gì nữa?
- Nếu anh bài bạc, gái trai chắc em
dễ xử hơn! - Chị nói với chính mình khi luôn tay dọn quần áo vào vali cho
chuyến đi ngày mai. Ngoài sân, hắn vẫn tru tréo:
- Tôi nói không cho đi là cô không
được đi nghe không? Cãi lời tôi thì tôi bỏ mặc. Cả thằng con của cô nữa, đi thì
nhớ mà mang nó theo giùm! Đừng để ở nhà báo cơm tôi!
- Anh không lo. Con tôi sẽ gửi về
ngoại!
Nhưng khi chị kéo vali và tay bồng
con ra cổng thì hắn níu lại:
- Bích Trân… em suy nghĩ lại đi… Anh
xin lỗi… Nếu em đi… anh… anh lấy gì sống?
- Anh đừng lo, tôi vẫn lo đủ gạo,
mắm cho anh mà…
Và chị đi. Ba tháng học không quá
nhiều về thời gian nhưng với tình mẫu tử sao mà dài thăm thẳm. Nhiều đêm chị mơ
mình xoa tấm lưng bé xíu mịn màng và ấm nóng đó, rồi ôm con vào lòng như ôm báu
vật, rồi say sưa ngắm con như ngắm thiên thần…
Chị lại hôn lên đôi má bầu có lúm
đồng tiền sâu hoăm hoắm của con, đôi mắt một mí, đôi chân mày như cây chổi xể
giắt ngang đầy nghị lực. Chị trở mình mới nhớ ra đang ở nơi xứ lạ. Ôm chặt
chiếc gối, chị mở điện thoại định gọi cho con nhưng chợt nhớ bây giờ chưa 5 giờ
sáng.
Ưm… thì cứ gọi, biết đâu… "Tài
khoản của bạn đã hết, vui lòng quay 900 để…" - giọng nói nhẹ nhàng đã được
mặc định từ tổng đài làm chị ngẩn ngơ. Ưm, sao mình mau quên thế nhỉ, hết card
hai hôm nay, ở nhà chồng chị bảo đã nhận tiền của văn phòng công ty và chuyển
nhanh cho chị nhưng ba hôm nay vẫn chưa thấy.
Anh lại dắt chị đi trên những con
phố dài của thủ đô. Vì câu nói của anh mà chị dám vứt bỏ thực tế để về với
chính mình, chị thừa khả năng và tài sức để làm được công việc khác. Anh bảo,
con người em không phải được sinh ra rồi chết dần đi bên góc chợ cùng xe bong
bóng. Tuổi em còn quá trẻ, tương lai thì rất dài, sao lại để thui chột đời mình
vì món nợ đời không đáng có?
Sống trên đời, ai không phải ăn cơm,
mặc áo nhưng mỗi mâm cơm khác nhau, mỗi chất liệu vải may áo khác nhau, sao
mình không chọn cho mình điều tốt đẹp hơn khi có thể?
Hà Nội cổ kính và thong thả. Buổi
sáng không quá nhiều hàng quán với cảnh chèo kéo khách, càng không thấy chuyện
"nói thách" như ở trung tâm thương mại tỉnh chị. Chị còn nhớ mãi
những gánh trái cây: quất hồng bì, vải, đào, chuối… của các mẹ, các chị. Sao họ
nhẫn nhịn một cách lạ kỳ, khách cứ tha hồ lựa, lựa đến giập bầm cả thời gian nhưng
cũng không mua một món nào, thì mình lại gánh đi. Nếu ở nơi khác chủ hàng sẽ
bảo:
- Không tiền hả, thì xin người ta
cho. Bày đặt lựa làm gì, tay bị thúi à?
- Mở hàng chết giang kiểu này, bán
không được chiều tao mang lại trước nhà đổ cho biết mặt!
- …
Ba tháng học trôi như cổ tích, chị
trở về với công việc, nhưng kỷ niệm êm đềm của một tình yêu cũ đã dắt dìu nhau
qua nhiều lớp sóng mới của cuộc đời không làm sao chị quên được.
Một công việc mới ổn định nhưng tan
vỡ một gia đình liệu cái giá ấy có ngang tầm? Ở nhà, chồng chị đã bán tất cả
những gì có thể của 5 năm chung sống, từ chiếc xe máy cà tàng, chiếc tủ quần áo
đèm đẹp, cả giàn máy tính mà cơ quan cấp cho chị và khoản nợ gần chục triệu mà
hắn mượn của tất cả bạn bè, người thân với lý do "Gởi nuôi vợ tôi đi học",
nhưng kỳ thật chị không nhận bất cứ một đồng nào.
Thằng em họ xa của hắn bảo chị đừng
hỏi tiền đi đâu, hắn đã "nướng" hai tuần lễ thời gian ở quán bia ôm
thì… còn cái nóc nhà là may lắm!
- Bây giờ cô có vai có vế, có
ông này bà nọ trong xã hội rồi cô đòi ly hôn tôi phải không? Tôi
cho cô biết, cô ly hôn tôi chứ tôi không bao giờ ly hôn cô. Vì "thôi"
cô ra, tôi sẽ không kiếm được con vợ nào như cô!
- Biết vậy sao anh không trân trọng
tôi?
- Tôi chỉ trân trọng người biết bổn
phận, thứ học đòi như cô giờ thiếu gì thằng thừa cơm ra phở nó thèm rỏ dãi!
Nhưng tôi không ký đơn ly hôn, tôi cứ "treo" cô đó, cho không thằng
nào dám nhảy vào, cô chết già cho đáng kiếp!
- Anh ký thì mọi việc nhanh gọn,
không thì nửa năm cũng xong thôi. Anh đòi tôi biết bổn phận nhưng trách nhiệm
anh là gì?
- Là làm chồng của cô và cha của con
cô!
- Là tối ngày chỉ biết ăn và phá
của?! - Máu nóng bốc lên tận đỉnh đầu, chị không còn kiềm nén được nữa. Vơ vội
những thứ cần thiết chị cùng con lên xe.
Đứa con ba tuổi của chị đã vào mẫu
giáo bán trú, sáng sáng mẹ đi làm, con đi học. Hạnh phúc như vầng trăng mùng
bốn.
Hắn lại mò tới văn phòng, ném về
phía chị túi hồ sơ xin việc.
- Ở đây tôi không có trách nhiệm
nhận thêm nhân viên. Anh mang tới nơi có thẩm quyền đi!
- Chưa gì mà bà trưởng phòng đã nổi
nóng rồi. Trong phép kinh doanh, nóng vội là hạ sách đó bà ạ! Mời bà xem giùm,
mai tôi đến nhận lại cũng không muộn gì! - Hắn nhún người, nghiêng vai theo
kiểu phương Tây. Chị phải dịu giọng mời ngồi.
"Hồ sơ xin việc…
Sơ yếu lý lịch…
...
...
Vợ: Trần Thị Bích Trân, năm
sinh… Chức vụ: trưởng phòng maketting chi nhánh tỉnh H. Công ty
THHH…".
- Đề nghị anh bỏ dòng này, vì vài
hôm nữa tôi và anh cũng không còn là chồng vợ!
- Bao giờ tới đó hẵng hay! Bây giờ
vợ mình ngồi cao thế, mình phải ghi vào để "hưởng xái" chứ! Hừ… cô
tưởng tôi ham cái chức vụ của cô lắm à? Tôi viết như vậy để thiên hạ cười vô
đầu cô đó!
- ???
- Hừ… ai đời vợ trưởng phòng… mà
chồng phải vác đơn đi xin việc. Vợ chồng người ta, công danh sự nghiệp của
người này là nhờ người kia, còn tôi gần bốn mươi tuổi đầu không có sự nghiệp gì
hết là tại cô đó, cô có biết không? Biết không hả?
Nhưng đó là lời hằn học của hắn từ
ba tháng trước. Bây giờ chán, chị không nghe điện thoại thì tin nhắn lại rít
lên: "Cô có về nhà ngay không? Chồng cô bị tai nạn giao thông, thằng nhỏ
đi xe đạp tông vô làm tôi xi cà que rồi nè! Chồng cô quan trọng hơn hay cái ghế
trưởng phòng kia quan trọng hơn hả con vợ khốn kiếp kia?"
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét