Mặt trời bắt đầu chiếu những vạt nắng
đầu ngày lên bãi đất trống phía sau khu công nghiệp, đã có vài tiếng
máy dệt bắt đầu vận hành, tiếng động cơ gì đó cũng bắt đầu nối
tiếp kêu ầm ĩ. Một thằng con trai mười lăm tuổi nằm trên đám
cỏ vàng cháy. Bật ngồi dậy, nó lấy tay dụi vào mắt, mặt nó mốc
hít, những chùm tóc vón cục ngắn ngủn chỉa ra không theo một thứ
tự, đâm loạn xạ. Nó quơ tay kiếm thứ gì đó trong cái ba lô. Chai
nước, đã hết nước, nó vứt bổng cái chai lên trời, cái chai rớt nhẹ
rồi nhịp vài cái trên đám cỏ. Nó thấy tay chân mình cũng đang rớt
nhẹ như cái chai. Hai ngày, à không, hơn hai ngày rồi nó không ăn thứ
gì, không tắm rửa. Nó tìm bãi đất này để trú ngụ qua đêm, may ra
trật tự dân phố không nhìn thấy nó lang thang ngoài đường mà đem về
đồn. Nó bỏ nhà đi, nó sẽ đi mãi không quay về nhà bà Năm nữa. Nó
luôn nghĩ bà Năm ác với nó. Bà Năm quá khó, khó hơn tất cả mọi
người mà nó nhìn thấy. Ví dụ, nó thấy ba má thằng bạn học chung
lớp, luôn cho bạn nó ăn những cái ngon nhất, hôm nó ngồi ngấu nghiến
ổ bánh mì dai nhách, ráng nuốt mà cổ cong như cổ cò thì thằng bạn
lại nghênh mặt ngồi ăn dĩa cơm sườn, miếng sườn phải to, viền sườn
phải có mỡ, như vậy thằng bạn mới chịu ăn. Sao người ta sướng như
vậy? Hôm bữa, nhỏ ngồi kế bên có cái điện thoại cảm ứng xịn thôi
là xịn, nó hỏi:
- Ở đâu có điện thoại đẹp vậy?
- Ba má tui mua cho tui.
- Sao ba má bạn chịu mua cho bạn vậy?
Nhỏ bạn trả lời vẻ hãnh diện, ngon lành.
- Ổng- bả mà không mua, tui bỏ học vài ngày là mua liền chứ gì!
Nó nghĩ mình ngu,
sao mình không nói giống nhỏ bạn. Kiểu như nó sẽ bỏ học nếu bà Năm
bắt nó rửa chén, hay bắt ngồi ăn phải ngó trước
ngó sau, rõ ràng là có ngó trước ngó sau, nhưng có thấy ai đâu, chỉ thấy bà với
nó, vậy mà biểu phải lịch sự, nhẹ nhàng. Mà có khi bà Năm cho nghỉ thật, tại có
lần bà Năm nói, "bây học hành không đàng hoàng, tao
cho nghỉ, ra chợ mà trông hàng..". Nó thấy mình thiếu tất cả
mọi thứ. Phải thoát khỏi
chỗ này, đi mần kiếm tiền, lúc đó muốn ăn sao cũng được, có tiền sẽ mua được
điện thoại xịn.
Nó không có cha, má nó mất lúc nó lên
sáu, bà Năm đem nó về nuôi rồi cho nó đi học. Bà Năm, bạn thân nhất
của má nó, bà Năm không có chồng nên không có con. Bà có tiệm tạp
hóa ở mé chợ, nó không biết cái tiệm này có từ lúc nào, khi nó
về nhà bà thì cái tiệm rất đông khách ra vào. Bà dạy nó bán hàng
từ ngày đó, bà dạy nó bán phải biết nhìn mặt khách, nếu khách mua
lẻ thì bán mười sáu ngàn năm trăm đồng một ký đường, sữa thì mười
lăm ngàn năm trăm... khách mua nhiều bớt mỗi thứ năm trăm đồng. Có lần
bà biểu nó coi hàng để bà đi chợ Lớn lấy thêm đồ, nó dán mắt vào
cuốn truyện tranh, đám cô hồn sau chợ chạy ngang lấy mất bọc bột
giặt, bà phát hiện bị mất, tiếng bà chửi nó inh ỏi cả một mé chợ.
Mấy bà hàng rau, hàng thịt hay trề môi tới mũi mà nói xấu bà Năm,
"đàn bà giá, khó trời thần, đố ai mà ở được...". Nó thấy
mình hay, ít ra mình còn giỏi hơn mấy bà đó, vì mình ở được. Cũng
có người thông cảm với bà, họ nói "tại bà không con, nên chưa
cảm nhận hết tình mẫu tử". Người ta nói, bà Năm lúc xuân thì
bị người tình phản bội khi đang mang trong mình giọt máu của mối
tình vụng dại. Ngày người tình của bà đám cưới với người phụ nữ
khác, bà phóng sông tự tử, may mà có người phát hiện cứu được bà,
còn cái thai thì không. Từ đó, bà trở nên hận đàn ông. Ông Tư ở xóm
trên, chết vợ, con cái du học nước ngoài, nghe đâu gia đình cũng khá giả.
Ông đến nhà chơi, bà Năm đon đả rót nước mời khách, lúc ông Tư mở
lời tình thương mến thương gì đó! Bà xáng ly xuống bàn cái cốp,
chửi ông chạy mất dép. Nó thấy tính bà ngộ, khó hiểu. Với nó lúc
nào bà cũng khó khăn, nhưng bà dạy nó khi ra tiệm bán hàng phải xởi
lởi với khách, vui vẻ chiều khách, có vậy khách mới đông, mới có
cơm ăn hằng ngày. Có hôm bà đang dọn hàng vào, chuẩn bị về nghỉ, có
người hỏi mua bịch bột chiên, bà phải rinh mấy bao đường lên mới lấy
được bịch bột, người ta không đồng ý nhãn hiệu nên trả lại, bà vui
vẻ cất vào.
Đi học về, ăn cơm
xong phải đem chén đi rửa, nó rửa mà làm bể cái chén thì tiếng bà
chửi giống cái chén thứ hai đang bể. Bà bắt nó ngồi ăn cơm phải
đúng chỗ của mình ngồi ăn hàng ngày, bữa nào ngồi sai chỗ, bà chửi
nghỉ ăn. Ăn thì phải ăn cái thừa hôm qua cho hết rồi mới được ăn cái
mới. Bữa nào mà đánh nhau với đám bạn cùng xóm, không cần biết
đúng sai, bà lôi nó về đập một trận nhừ tử. Từ ngày nó lớn lên,
nó ít nói, nhưng không phải không nói, mỗi lần nó sai, bà Năm rầy
nó, nó trả treo từng tiếng. Hôm đó bà hỏi nó chuyện học hành, nó
trả lời ngang, "cũng được". Bà tức ra mặt, "tao không
đáng mặt nói chuyện với bây à? Ừ thì thôi, bây lớn rồi, đủ lông đủ
cánh, nếu nhắm tự lo cho mình được, thì bây đi đi...", nó cuốn
đồ, nửa đêm trèo gác xuống đi mất. Mấy ngày nó đi,
bà Năm đóng cửa tiệm chạy khắp nơi đi tìm, đêm bà thức trắng không ngủ được. Bà
dò tìm tới nhà những người quen coi nó có ghé đó không, bà không bỏ sót một ai,
bà hàng thịt, hàng rau, hàng quần áo... bà cũng tìm tới nhà. Bà Hai chủ sạp
vải, ngồi vuốt ve con chó, nói như cũng muốn an ủi bà, “ thôi nó lớn rồi, nó
không thương bà, nó muốn đi thì bà tìm nó chi nữa?”, bà Năm đáp trả, “bà nuôi
con chó mà bà còn thương vậy, huống chi tui nuôi con người”...
Nó lê từng bước nặng nhọc vì đói, mấy
chiếc xe tải hạng nặng chạy ngang tung bụi mù trời. Hôm nay nó quyết
phải xin được việc, việc gì cũng làm, miễn sao được ăn cơm. Một
chiếc xe loại sang chạy ngang, dáng một người phụ nữ rất giống mẹ
nó, nhưng giàu có, bước xuống hỏi, "con bỏ nhà đi
à? Thôi lên đây, cô chở về, về nhà cô, làm cho cô, cô trả lương
cho...". Nó đến một căn biệt thự rất đẹp, khi bước vào nhà, nó
không để ý đến bất cứ thứ gì trong nhà ngoài bàn ăn. Trên bàn là
một con gà quay, một tô súp cua, một đĩa rau củ xanh đỏ đủ màu được
xào chung với thịt bò... nó ăn, ăn rất nhiều. Tiếng một người đàn
bà văng vẳng bên tai.."Trời đất ơi, tui thương nó như con mình.
Tại, con người ta, mình phải nuôi dạy cho tốt, chứ không, sao
mà đền?. Bọc đường hay ký đậu tui đền được,
đằng này cả một đời người đó cô". Tiếng một người đàn bà khác
đáp lại "từ từ mà dạy chị à, tuổi này bọn nó ương lắm".
Nó mở mắt ra, thấy bà Năm đang ngồi cạnh, mắt bà có nước đọng lại,
bà nhìn thấy nó đang nhìn bà, những giọt nước đó tràn ra chảy dài trên má. Kế bên là cô y tá
đang cầm sợi dây truyền nước, nó thấy tay mình ê ê, nó nhìn từng
giọt nước đang truyền vào người mình, những giọt nước làm cho mình
tỉnh lại, cũng giống như những giọt nước trên mắt bà Năm đang rơi xuống đất...
P.M.H (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét