Nguyễn Thị Thu Hoài, sinh 1986,
Hiện ở tại Lệ Thủy, Quảng Bình, giáo viên Văn trường Trung học Phổ thông Kỹ thuật Lệ Thủy - Quảng Bình
Sáng nay có
tiết ở lớp 11B, bài học là tiết đọc văn “Thu điếu” – “Câu cá mùa thu” của Nguyễn
Khuyến. Cô say sưa giảng bài, trò cũng hăng hái phát biểu. Ngoài kia mùa thu
cũng đang hiện hình rõ nét trong cái lạnh se se, trong những giọt mưa đang thi
nhau nhảy nhót trên sân trường…
Giảng đến câu thơ “Ngõ trúc
quanh co khách vắng teo”, bỗng nhiên nhớ đến những con đường làng ngõ xóm thân
thuộc quê mình…
Xa rồi cái
ngày xưa ấy, cái ngày những con đường làng lầy lội bùn đất sau mỗi cơn mưa, hoặc
bụi tung mờ mịt trong từng cơn gió nam khô rát. Đường làng ngày nay là những
con đường bê-tông, rộng đến 4 mét, xe đạp, xe máy, xe hơi, ngay cả xe tải hạng nặng
cũng dễ dàng đi vào tận từng ngõ ngách…
Đường đã nhựa hóa, bê-tông hóa nên nhà nhà cũng thi nhau làm tường thành
bao quanh khuôn viên nhà vườn của mình cho “tiến kịp thời đại”. Những bức tường
kiên cố hóa được dựng lên từ những hàng dâm bụt “thắp lên lửa hồng” của tuổi
thơ một thời, những đường viền xanh xanh từ rặng chè tàu được cắt tỉa tỉ mẩn
hay đơn giản là những rặng tre ngà mọc tự nhiên…
Nơi ấy – nơi những hàng rào
thiên nhiên ấy, có biết bao kỉ niêm ghi dấu không mờ: Là những trưa trốn mẹ trốn
cha, không ngủ, chạy ra đường tìm hái bông hoa dâm bụt, xếp lồng đèn, tết thành
tràng pháo, làm đôi hoa tai; là những sáng chạy ra đầu ngõ ngóng mẹ đi chợ về,
đợi lâu mỏi mắt, con bé em ngủ trên lưng chị tự lúc nào; là những chiều chơi trốn
tìm, thằng nhỏ bên nhà chui tọt vào bụi tre rậm rạp, tìm hoài không ra, phải
xin chịu thua nhưng khi thằng nhỏ chạy ra “trình diện” thì chẳng thấy trên mặt
chút gì của kẻ thắng cuộc, đơn giản vì cu cậu đã phải chịu trận “tra tấn” của
nguyên một ổ kiến vàng!
Ngày ấy, người ta vẫn nói về
người thành phố với lối sống “đèn nhà ai nhà nấy rạng” chứ không như người nhà
quê, “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”. Nhưng với cuộc sống hiện tại, với sự giàu có, dư giả hơn về vật chất, người ta dựng
lên những bức tường bê-tông, lắp thêm những cánh cổng sắt to đùng để ngăn cách
“nhà mình” với “nhà họ”, mỗi ngôi nhà ở nông thôn ngày nay cũng chẳng khác gì một
“lô cốt”, một cái lồng chim cỡ lớn! Có gia đình vì lo bị mất cắp tài sản (hay
đơn giản là vì muốn khoa trương?!), họ không chỉ dựng tường rào mà còn “bổ
sung” thêm một lớp tấm lưới sắt, bên trên là những cái cọc nhọn hoắt để “đề
phòng” kẻ gian… Không trách được họ bởi thực tế cho thấy, nạn trộm cắp tài sản ở
nông thôn rất đáng báo động. Trộm cắp đã đành, nhiều vụ việc còn là cướp bóc,
đe dọa bởi nếu bọn trộm còn lợi dụng lúc người khác không để ý
mà lấy đi của cải, tài sản không thuộc về mình, còn bọn cướp thì hiên ngang giật
trên tay, trước mắt người chủ thứ thuộc sở hữu của họ. Nhưng cũng cần thấy rằng,
chính lối sống khép mình, so đo, không quan tâm tới người bên cạnh – biểu hiện
của căn bệnh vô cảm là một trong những
nguyên nhân giúp nuôi dưỡng những hành vi trái pháp luật ấy của kẻ xấu!
Dặn học trò rằng: Nếu có khi
nào ghé qua Yên Đỗ, Bình Lục, đừng ngơ ngác đi kiếm tìm những ngõ trúc bờ tre
quanh co xanh mát, cũng đừng nghĩ rằng cụ Tam Nguyên “bịa” hay đổ thừa cô giáo
dạy Văn nói bừa. Quê mình cũng thế thôi! Thời gian mà… Bao nhiêu lâu đó đủ khiến
mọi thứ thay đổi. Duy chỉ có kí ức – kí ức về những vòm cổng xanh, những con đường
làng viền xanh… là vẫn sẽ còn xanh mãi….
N.T.T.H (Quảng Bình)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét