Hoàng hôn chiếu một màu đỏ rực lên bầu trời biển Cửa Lò (Nghệ An), du khách nô đùa bên bờ sóng vỗ miên man bỗng bị những giai điệu da diết, yêu thương của ca khúc “Gần lắm Trường Sa” gây chú ý. Một bài, rồi hai, ba bài hát về biển đảo được những trái tim của biển cất vang khiến hàng trăm khách du lịch chôn chân bên bờ biển say sưa hòa cùng đêm nhạc có một không hai…
Say sưa giai điệu biển
“… Anh thường nói rằng Trường Sa xa lắm xa xôi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ/ Bên đồng đội yêu thương vẫn có lời chim biển…”. Ca từ bài hát được cất lên bởi một giọng hát trầm da diết của ca sĩ nghiệp dư Văn Hoan mở đầu đêm nhạc. Biển mặn rì rào sóng vỗ. Hôm ấy là chủ nhật, biển Cửa Lò đông nghịt những khách thập phương về tắm biển. Cửa Lò mùa này là mùa du lịch. Không chỉ đón khách đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, TX.Cửa Lò còn là nơi du lịch biển, thưởng thức hải sản khá quen thuộc của hàng ngàn du khách Lào.
Một “sân khấu” nhỏ được dựng lên dã chiến với 6 chiếc loa thùng, dàn amply loại hiện đại và 3 chiếc micro. Không băng rôn, biểu ngữ; cũng không cần sân khấu nổi hoành tráng, nhưng bao nhiêu đó cùng với 6 - 7 ca sĩ không chuyên cũng đủ khuấy động bờ biển Cửa Lò. Tiếp sau giọng hát của Văn Hoan là Nguyễn Tính, Trần Hải, Nguyễn Văn Hùng, Đào Văn Thọ… Họ say sưa hát những bài hát về biển đảo như: Nơi đảo xa, Chuyện tình của biển, Chút thơ tình người lính biển…
Ngoài khơi xa, biển Đông đang “dậy sóng” với những toan tính đầy tham vọng của nước láng giềng. Trong bờ, hàng triệu trái tim đang hướng về phía biển. Chính những bài hát về biển đảo trước đây đã mang nặng nghĩa tình, nay lại càng trở nên da diết, sâu lắng mà không kém phần tự hào, rộn rã trong muôn trái tim Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Hùng, sau khi thể hiện xong ca khúc “Nơi đảo xa”, đã vuốt những dòng lệ tuôn dài trên khóe mắt. Anh nói: “Chúng tôi lớn lên trong thời bình, yêu các giá trị lớn lao của hòa bình mang lại nhưng thương các anh anh em ở đảo, giữ đảo và giữ vững chủ quyền đất nước. Hát về biển đảo vừa là để thể hiện tình cảm cũng là để gần gũi với các anh em hơn”.
Anh Lê Thanh Phước, ở tuổi 63, vẫn dẫn chương trình rất “ngọt”. Anh là một viên chức ở ga Vinh về hưu rồi mở công ty tổ chức sự kiện, chuyên phục vụ các đêm nhạc ở TP.Vinh và các huyện lân cận. Đêm nhạc cũng là một sự tình cờ không sắp xếp. Ngày chủ nhật, các anh em trong công ty rủ nhau đi chơi và quyết định mang khí cụ, dàn nhạc ra tổ chức đêm nhạc biển đảo. Anh nói: “Chúng tôi yêu biển, yêu đảo rất nhiều. Trong thời điểm hiện nay, bất cứ trái tim nào yêu đất nước, yêu Tổ quốc cũng có quyền thể hiện tình yêu ấy bằng những cách của riêng mình. Chúng tôi là nghệ sĩ, chúng tôi xin hát để hòa chung tình yêu biển, yêu các đồng chí ngày đêm canh giữ đất trời bằng lời ca, tiếng hát”.
Đêm trắng Cửa Lò
Anh Toau Yang Neng Vong, một du khách Lào đến từ TP.Savannakhet lặng người khi nghe giai điệu của bài hát “Chút thơ tình người lính biển”. Toau Yang Neng Vong cho biết, anh từng có thời gian học tập ở Việt Nam. Khi về nước, nhất là thời gian qua, từ Savannakhet, anh hay xem tin thời sự và biết Trung Quốc đã có hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Khi cùng vợ con và bè bạn tổ chức chuyến sang chơi biển dọc Bắc miền Trung, đến đây nghe những giai điệu về biển, anh càng hiểu và thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.
Không chỉ anh Toau Yang mà hàng trăm du khách cùng người dân địa phương khác cũng bị thu hút bởi những thanh âm quen thuộc từ “sân khấu” nghiệp dư trên bãi biển Cửa Lò đêm ấy. Những trái tim Việt Nam trào dâng tình yêu quê hương xứ sở, bị kích thích mạnh bởi những giai điệu về biển đảo. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, một du khách từ TP.Hồ Chí Minh ra Cửa Lò xin hát phụ họa một đoạn của bài hát “Đảo mùa xuân”. Hát xong, chị xúc động: “Lâu lắm rồi tôi mới có dịp được hát bằng cả trái tim mình như thế này. Cảm ơn đêm nhạc đầy ý nghĩa!”.
Âm nhạc thật kỳ lạ. Nó có một sức mạnh không thể lý giải nổi. Cũng như tình yêu biển đảo. Đối với mỗi người dân Việt Nam, biển đảo là từng khúc ruột. Bởi thế, khi âm nhạc nói lên tiếng lòng, tình cảm của họ, nó kéo hàng trăm người đến với đêm nhạc tự phát bên bờ biển Cửa Lò. Không ai bảo ai, tất cả đều xúc động hòa cũng lời ca, điệu hát để tiếp thêm cho tình yêu biển đảo quê hương. Đêm nhạc biển Cửa Lò hôm ấy không có ngôi sao nổi tiếng, cũng không có những hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại của giới showbiz nhưng nó có đến hàng trăm khán giả say sưa hòa cùng lời ca, tiếng hát…
Anh Lê Duy Ngọc, một quản lý nhà hàng tại đây, cho biết: “Người ngoài dễ tưởng chúng tôi đã sắp xếp tổ chức đêm nhạc này bên bờ biển Cửa Lò nhưng thực ra chúng tôi bị động. Anh em trong đoàn của anh Lê Thanh Phước chỉ xin tổ chức một buổi nhạc nội bộ nhưng khách du lịch đến đông ngoài sức tưởng tượng. Chắc chắn chúng tôi sẽ cân nhắc tổ chức thêm nhiều đêm diễn như thế này để hun đúc thêm tình yêu biển đảo cho mọi người…”.
Trời đã về khuya nhưng mọi người vẫn không ai ngưng hát. Những bài hát về đảo, về bộ đội biên phòng, về các chiến sĩ nơi hải đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa liên tục được cất lên. Chỉ với tình yêu biển, yêu đảo họ đã quên cả thời gian, sự hao mòn năng lượng trong thể xác để say sưa cùng hát. Bình minh trên biển Cửa Lò dát nắng vàng trên sóng. Ánh nắng ấy muôn đời nay mọc lên từ biển rồi nhuộm thắm quê hương, đất nước. Chúng tôi bất giác nghĩ, có lẽ cái nắng ấy là tinh túy của biển, đang từng ngày tiếp thêm năng lượng cho hơn 90 triệu trái tim để tạo nên sức mạnh to lớn cho cả dân tộc.
Sức sống Sầm Sơn
Được thành lập trên cơ sở tách ra từ các xã của huyện có truyền thống cách mạng Quảng Xương (Thanh Hóa), giờ đây TX. Sầm Sơn đang cho thấy sức sống mãnh liệt của một đô thị trẻ bên bờ biển sóng…
Vươn vai từ biển
Sầm Sơn một chiều sóng vỗ, chúng tôi rời TP. Thanh Hóa đi về hướng đông, qua nhiều khu, cụm công nghiệp quan trọng của Thanh Hóa. Vừa qua thị trấn Quảng Xương vài cây số đã nghe đâu đó trong gió hương vị biển. Đô thị Sầm Sơn trong quá khứ không xa chỉ là những làng chài nhỏ ven biển, nơi có bến cảng nghĩa tình nổi tiếng, là điểm tập kết đồng bào, chiến sĩ miền Nam ra Bắc năm 1954.
Mãi đến đầu thế kỷ XX, Sầm Sơn vẫn chưa có tên trên bản đồ Việt Nam, vùng đất này thuộc Quảng Xương và có dãy núi Gầm án ngữ. Đến năm 1907, người Pháp mới chú ý tới tiềm năng du lịch của Sầm Sơn, phát triển địa phương này thành điểm du lịch cho quan lại người Pháp và vua quan triều Nguyễn. Mảnh đất Sầm Sơn dường như thực sự trở thành điểm đến du lịch với chuyến thăm lịch sử của Bác Hồ vào năm 1960. Khi đó, Bác không chỉ đến với bãi biển Sầm Sơn xanh mát thơ mộng mà còn nghỉ lại ở chùa Cô Tiên và yêu cầu, phải phát triển vùng đất xinh đẹp này thành một điểm du lịch biển tầm cỡ. Đến năm 1981, TX. Sầm Sơn được chính thức thành lập, vươn vai trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.
Ông Lê Văn Hinh, Trưởng phòng Kinh tế TX. Sầm Sơn cho biết: “Chúng tôi phát triển mạnh du lịch biển, xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, Sầm Sơn đón 2,07 triệu lượt khách, phục vụ ăn, nghỉ cho 3,23 triệu ngày khách, doanh thu ước đạt 1.028 tỷ đồng…”. Tuy nhiên, ông Hinh cũng cho biết, nguồn thu kinh tế của TX. Sầm Sơn không chỉ đến từ du lịch biển. Hiện toàn thị xã có hơn 1.000 phương tiện đánh bắt hải sản gần bờ, xa bờ. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2013 đạt hơn 20.000 tấn, giá trị khai thác thủy sản lên đến gần 500 tỷ đồng.
Sầm Sơn, cái doi đất nhoi ra như một mũi dùi vươn về phía biển, từng gánh không biết bao nhiêu mưa bom, bão đạn trong chiến tranh, giờ đây đang ngày càng tươi xanh, vươn mình vạm vỡ bên bờ biển. Không chỉ phát triển du lịch biển, du lịch tâm linh, ngày ngày hàng trăm con tàu của ngư dân Sầm Sơn vươn khơi, bám biển góp phần giữ vững chủ quyền dân tộc bằng các nghề đánh bắt hải sản rất đa dạng như lưới kéo đôi, lưới rê, lưới vây, nghề câu-mành chụp…
Chúng tôi bắt gặp ngư dân Hoàng Văn Tiến ở phường Quảng Tiến vừa ra khơi trở về theo lịch con trăng. Anh bảo, cha ông mình đời đời bám biển, sống theo biển nên không sợ những hành động xâm phạm chủ quyền, đe dọa ngang ngược của thế lực bành trướng nào đó hù dọa. Sầm Sơn có hàng trăm tàu thuyền công suất lớn, luôn ngày đêm hợp sức với ngư dân cả nước bám lấy ngư trường truyền thống, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát huy kinh tế biển
Ngoài du lịch biển, gần đây Sầm Sơn còn mở nhiều loại hình vui chơi giải trí khác để thu hút du lịch như: Khu du lịch văn hóa - vui chơi giải trí, Khu tưởng niệm huyền thoại thần Ðộc Cước, Khu nhà luyện tập và thi đấu thể dục thể thao tổng hợp, Khu sinh thái Quảng Cư, Khu du lịch văn hóa núi Trường Lệ… Hiện thị xã đã có gần 500 cơ sở nhà nghỉ, khách sạn với hơn 7.000 phòng nghỉ, bảo đảm đón từ 18.000 - 23.000 lượt du khách/ngày và bình quân mỗi năm đón khoảng từ 2,2 đến 3,5 triệu lượt du khách gần xa.
Tuy nhiên, mục tiêu của TX. Sầm Sơn còn xa hơn nữa. Bởi trong những năm qua dù đã cố gắng phát huy thế mạnh nhưng TX. Sầm Sơn vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ông Lê Văn Hinh vui vẻ đưa chúng tôi xem đề án phát triển thủy sản Sầm Sơn giai đoạn 2013-2015, định hướng phát triển đến năm 2020 và cho biết: “Biển Sầm Sơn rộng lớn bao la là nguồn cung cấp các loại thủy sản có giá trị như tôm, cua, cá, mực. Chính vì thế, từ năm 2008 đến nay, số lượng phương tiện đánh bắt cá chỉ có tăng chứ không giảm. Đáng chú ý, lượng tàu thuyền có công suất trên 400CV ngày càng nhiều, đến nay đã tăng lên 50 chiếc, tổng công suất lên đến 22.860CV…”.
Nhờ đổi mới phương thức khai thác thủy sản và nâng cao công suất tàu đánh bắt nên ngư dân Sầm Sơn liên tục trúng những mùa đánh bắt hải sản lớn để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Hiệu quả của các nghề lưới vây, nghề lưới kéo đôi, nghề lưới rê, khai thác ven bờ… đều ngày một nâng cao. Do nhu cầu sản xuất, những năm gần đây nghề dịch vụ khai thác cũng được ngư dân Sầm Sơn quan tâm, đầu tư phát triển. Đến nay, toàn TX. Sầm Sơn đã có 8 cơ sở chế biến dạng cấp đông với 11 kho cấp đông, mỗi kho có công suất từ 4,5 - 5 tấn/mẻ/… Trong những năm gần đây, dù còn non trẻ nhưng các doanh nghiệp đóng tàu Sầm Sơn cũng được thành lập và thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, đóng mới tàu cho bà con ngư dân vươn khơi, bám biển. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để ngành thủy sản Sầm Sơn phấn đấu tăng trưởng và phát triển mạnh hơn.
Những ngày lưu lại ở Sầm Sơn, chúng tôi được cảm nhận vẻ mặn mòi của biển, tinh thần hừng hực bám biển, vươn khơi của ngư dân Sầm Sơn. Sự phát triển không ngừng của TX. Sầm Sơn cũng là một minh chứng sống động cho sự giàu đẹp, nhiều tiềm năng của biển đảo đất nước. Ở đó, sự ưu ái của mẹ thiên nhiên đã được tinh thần yêu biển, bám biển của người dân tận dụng để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Người lính trở về từ hải chiến Gạc Ma
Cái bắt tay giữa tôi với anh Lê Minh Thoa hẫng đi một chút, bởi tôi phát hiện ngón trỏ bàn tay anh không còn nữa. Di chứng để lại trên cơ thể của người lính trở về sau trận hải chiến Gạc Ma 25 năm trước vẫn còn nặng nề lắm…
Thầm lặng ngày về
Chúng tôi tìm đến thăm anh Lê Minh Thoa trong một căn nhà nhỏ ở số 5D, đường Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn (Bình Định). Anh bảo, ngày xảy ra hải chiến Gạc Ma, anh là sĩ quan tổ máy tàu. Tàu địch gầm rú rồi nã đạn vào tàu HQ406 chỉ chở toàn lính công binh đi xây đảo. Anh Thoa dính ngay những loạt đạn đầu tiên khi tay không một tấc sắt. Tàu chìm, anh vội nhảy khỏi tàu cùng hai quả bí xanh vừa lặn ngụp vừa bơi. Sau đó, anh Thoa bị tàu địch bắt giữ cùng 8 đồng chí khác. Chúng giam các anh ở bán đảo Lôi Châu 3 năm 9 tháng rồi trao trả ở cửa khẩu Hữu Nghị!
Anh Lê Minh Thoa mở quán phở Trường Sa để luôn nhớ về các đồng đội đã ngã xuống
Ngày về, 9 chiến sĩ trận hải chiến Gạc Ma mừng mừng, tủi tủi. Tuy nhiên, khi được hỏi mong muốn cá nhân, 8 người còn lại đều bày tỏ nguyện vọng về quê, riêng anh Lê Minh Thoa lại… xin tiếp tục phục vụ trong hải quân! Anh nói: “Những năm ngồi trong nhà tù địch, bị hành hạ, bỏ đói, đánh đập và lao động như tù khổ sai nhưng chúng không thể nào bẻ gãy ý chí của tôi. Bởi thế, khi trở về tôi chỉ mong muốn một điều, là tiếp tục được cống hiến sức lực còn lại của mình cho Tổ quốc”.
Căn nhà nhỏ với diện tích chưa đầy 30m2 của anh Thoa hằn in những lam lũ, cực khổ của người cựu binh trở về từ hải chiến Gạc Ma. Phục vụ trong quân đội từ năm 1991 đến năm 1996 thì sức khỏe không còn bảo đảm, anh được cho nghỉ hưởng chế độ một lần. Sau đó, anh vật lộn mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm ở TP.Hồ Chí Minh trước khi về ở hẳn cùng cha mẹ già vào năm 2005 ở Quy Nhơn.
“Năm nào tôi cũng cúng cho đồng đội đúng vào ngày 14-3. Tôi buồn lắm, đồng đội mất cả, chỉ còn lại 9 người bị bắt làm tù binh. Những ngày vật lộn mưu sinh ở TP.Hồ Chí Minh tôi vẫn tiếc không còn cơ hội để tiếp tục sống, chiến đấu trong màu áo Hải quân Việt Nam”, anh Thoa kể. Thầm lặng trở về sau trận hải chiến kinh hoàng, anh Thoa sống trong khốn khó, đến mức năm 2005, khi đứa con trai thứ 3 ra đời, người vợ đầu ấp, tay gối không chịu nổi cảnh sống kham khổ đã bỏ con lại cho anh đi biệt xứ.
Khí phách người lính biển
Trong căn nhà nơi phố nhỏ, anh Thoa tự hào chỉ cho tôi nhiều bằng khen, huân chương, huy chương những ngày còn trong quân ngũ. Cái nghèo, cái khó không làm nhụt chí và lu mờ khí phách của người lính biển. Trong cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi của mình, anh được cố Chủ tịch nước Võ Chí Công tặng Huân chương Chiến công hạng ba năm 1988. Sau khi trở về và tiếp tục phục vụ trong lực lượng Hải quân, anh lại được cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh 2 lần tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang vào các năm 1995 và 1996.
Trở về quê hương sau nhiều năm lưu lạc, không ai ở địa phương biết Lê Minh Thoa là nhân chứng sống trong trận hải chiến Gạc Ma năm nào. Anh lặng lẽ vá xe đạp, sửa xe máy cùng người cha già của mình và tiếp tục tham gia lực lượng dân quân tự vệ tại địa phương. Anh Lâm Hữu Nghĩa, một người dân sống cạnh nhà anh Thoa, cho biết: “Trong suốt mấy năm trời bọn tui chơi với nó mà không biết Thoa là cựu binh trận hải chiến Gạc Ma. Thấy nó bị thương tật ở chân, ở tay hỏi đến nó đều nói tai nạn lao động. Mãi sau này nghe các phương tiện thông tin đại chúng đề cập mới biết sự thật”.
Sau khi trở về, anh Lê Minh Thoa được giám định thương tật 11%, bảo đảm sức khỏe và không thể công nhận là thương binh với tỷ lệ thương tật 22%. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, anh thường bị đau đầu dữ dội và đi khám ở Bệnh viện Đa khoa TP.Quy Nhơn. Tại đây, các bác sĩ bệnh viện đã giật mình khi phát hiện ở vai và trong đầu anh Thoa vẫn còn mảnh đạn. Mong muốn duy nhất của anh Thoa lúc này là được phép giám định lại thương tật và phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn mảnh đạn trong cơ thể mình ra để bảo đảm sức khỏe và tiếp tục kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ học hành đến nơi đến chốn.
Giờ thì Lê Minh Thoa vẫn ngày ngày sửa xe và… bán phở tại nhà. Cái tên quán phở của anh cũng toát lên khí khái của người lính biển. Quán phở Trường Sa ngày ngày vẫn đón khách tìm đến ăn sáng và trò chuyện cùng người cựu binh trở về từ trận hải chiến không cân sức. Anh Thoa cho biết: “Tôi trở về đất liền mưu sinh nhưng vẫn nhớ Trường Sa nhiều lắm! Năm 1985 tôi đã ra với Trường Sa rồi, lái tàu đi xây đảo giữ gìn chủ quyền được 3 năm thì xảy ra trận hải chiến Gạc Ma. Từ đó đến nay trải qua nhiều biến cố cuộc đời nhưng tôi chưa một lần được quay lại Gạc Ma, về lại Trường Sa thân yêu. Tôi nhớ Trường Sa, nhớ đồng đội đã ngã xuống!”.
Chúng tôi lặng nhìn người cựu binh trở về từ trận hải chiến Gạc Ma, trải qua bao sóng gió cuộc đời, đôi mắt anh vẫn ánh lên những tia nhìn sắc lạnh khi nhắc về Hoàng Sa, Trường Sa. Những giọt nước mắt đã rơi khi chúng tôi và anh lần giở trang giấy ngả màu ghi tên từng chiến sĩ hy sinh và cả những người sống sót trong cuốn tạp chí của Hội Khoa học lịch sử Bình Dương. Anh khóc như một đứa trẻ khi nhớ về những ngày tháng chưa bao giờ quên trong tâm trí.
Chúng tôi rời Quy Nhơn với lời dặn của anh Lê Minh Thoa: “Anh em có điều kiện đi thực hiện loạt bài “Tổ quốc bên bờ sóng”, đến địa phương nào gặp người thân của đồng đội tôi xin thắp giùm nén hương. Ai còn sống xin cho Thoa này số điện thoại, địa chỉ để liên lạc với nhé!”. Người lính biển trở về sau những đắng cay, tủi uất của trận hải chiến không cân sức, trở về sau những đòn roi, tra tấn dã man vẫn không bị bẻ gãy ý chí chiến đấu, nghĩa tình là thế!
Kỳ 8: Đoàn tàu bám biển Bùi Thanh Ninh
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét