Rời chiến trường Campuchia trở về với khí phách của anh bộ đội Cụ Hồ, ông Bùi Thanh Ninh (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định) đã bám biển, phát triển cơ nghiệp nghề cá từ hai bàn tay trắng. Tập đoàn nghề cá Bùi Thanh Ninh giờ đã có 10 chiếc tàu, hợp tác với 6 chiếc tàu khác, nâng tổng công suất lên hơn 6.000 CV.
Thành công từ nghĩ khác
Ông Bùi Thanh Ninh (Sáu Ninh) thống kê cho chúng tôi thấy, hiện Tập đoàn nghề cá của ông đang có tổng cộng 16 chiếc, tạo công ăn việc làm cho hơn 200 thuyền viên. Đội tàu chia làm 4 tổ khác nhau để đánh bắt xa bờ ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bằng lưới vây khơi và hỗ trợ nhau lúc cần thiết. Tàu của ông là tàu công suất lớn, vừa đánh bắt vừa vận tải lương thực và cung ứng vật tư cho hậu cần nghề cá. Được biết, Tập đoàn nghề cá của Sáu Ninh đang phát triển mạnh nhất miền Trung với khả năng phối hợp nhịp nhàng trên biển và khai thác hiệu quả. Năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến tận nhà ông Ninh để thăm hỏi, động viên, khích lệ tinh thần bám biển, làm giàu từ biển của ông.
Ông Sáu Ninh giới thiệu bản đồ ngư trường đánh bắt hải sản (ảnh nhỏ) và đóng tàu lớn, thay thế tàu cũ để vươn khơi, kiên cường bám biển
Sáu Ninh đi lên từ biển, bằng 2 bàn tay trắng. Phục viên trở về, ông cố chống chọi với cuộc sống nghèo khó bằng nghề đi biển. Những năm ấy, ngư dân Bình Định trúng cá chuồng vào quãng tháng 3 đến tháng 5 rất nhiều nhưng giá lại rẻ như bèo. Quyết chí, ông đi tìm đầu ra và phát hiện thị trường miền Bắc rất chuộng loại cá này. Bùi Thanh Ninh trở thành tay buôn cá chuồng với hàng trăm tấn cá mỗi mùa ra thị trường miền Bắc, xe chạy đến tận biên giới Việt - Trung giao cá.
Thành công với công việc buôn cá, ông Ninh lại tính chuyện đóng tàu đi biển. Ông gây bất ngờ bằng việc vay vốn ngân hàng 200 triệu đồng để đóng tàu. Tàu của ông cũng được đóng với kiểu rất khác. Thông thường người ta đặt trọn gói cho cơ sở nhưng ông Ninh lại tự mày mò, học hỏi rồi thiết kế, thuê thợ về mua vật liệu tự đóng. Chiếc đầu tiên ra khơi và đánh bắt ngon lành, mùa nào cũng về đầy khoang cá. Trả hết nợ ngân hàng, Sáu Ninh lại tiếp tục gom tiền liên tục đóng thêm tàu lớn, tàu nhỏ.
Tiếng lành đồn xa, “kỹ sư tay ngang” Bùi Văn Ninh liên tục được nhiều người trong vùng tìm đến đặt hàng đóng tàu. Từ đó, ông không chỉ kiếm vốn đầu tư đóng tàu cho mình mà còn đóng hàng trăm chiếc tàu khác cho ngư dân các tỉnh miền Trung. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Chi cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định thường xuyên theo dõi các tàu đánh cá cho biết: “Kỷ lục nhất là các năm 2004-2005, anh Ninh đã đóng trên 100 chiếc tàu câu cá ngừ đại dương…”.
Kiên cường bám biển
Sáu Ninh mở bản đồ khai thác thủy sản Việt Nam ra chỉ cho chúng tôi biết, các đội tàu của ông đang ngày đêm bám biển ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Tàu của ông có công suất lớn từ 450 - 900 CV, các dịch vụ nghề cá đi kèm khép kín nên hiệu quả khai thác khá cao. Chính vì thế, Sáu Ninh luôn vững tâm khai thác cá ở các ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Ông nói: “Ngư trường của mình bấy lâu nay vẫn đánh bắt, cho dù có thế lực nào gây sự, làm khó đi nữa thì ngư dân chúng tôi vẫn cương quyết bám biển. Không bao giờ có chuyện nhụt chí…”.
Cách quản lý tàu của Sáu Ninh cũng được cho là khác người và rất hiệu quả. Làm chủ đội tàu lớn, nếu không khéo tính toán sẽ có nguy cơ làm ăn thua lỗ, phá sản. Theo ông, đã ra biển thì tài công (thuyền trưởng) là cực kỳ quan trọng. Nếu tài công có kinh nghiệm, giỏi chỉ huy, làm ăn chắc chắn có lãi. Vì thế, ông Ninh cho các thuyền trưởng được hưởng phần trăm bằng “ba lợi ích”: Bạn (đồng đều như tất cả lao động trên tàu), tài (lương thuyền trưởng), của (thuyền trưởng có cổ phần). Ông cho biết: “Anh em không có tiền hùn vốn, tôi cho họ mượn tàu. Mình phải trọng anh em như vậy, họ mới thủy chung và sống chết với mình ngoài biển cả. Anh tài công làm ra 10 đồng, được hưởng trọn 3 đồng, còn chủ tàu chỉ được hưởng 7 đồng, nhưng phải chi phí rất nhiều, đôi khi chỉ được hưởng 1 - 2 đồng thôi…”.
Không chỉ giúp ngư dân có việc làm và thu nhập ổn định, Sáu Ninh còn tương trợ cho vợ con họ trong bờ khi cần kíp. Chính vì thế, ai có việc cần đều chạy đến nhà Sáu Ninh xin giúp đỡ. “Ở các bạn tàu khác, trước khi đi biển nhiều thuyền viên đến ông chủ mượn tiền rồi xù luôn. Chỗ tôi thì khác, tôi giao cho ông thuyền trưởng 30 triệu đồng, ông cho ai mượn thì có trách nhiệm đòi. Làm vậy, anh em vừa ưng bụng vừa nâng cao uy tín của thuyền trưởng…”, ông Ninh nói. Mỗi khi tàu về không cho thu hoạch vừa ý hay thuyền trưởng chỉ huy không đúng, gây thiệt hại ông Ninh đều động viên, khích lệ rồi gặp riêng để chỉ ra cái sai, khiếm khuyết. Vì vậy, vừa giữ thể diện, vừa giúp cho thuyền trưởng vững tin cho chuyến ra khơi sau.
Nhờ cách nghĩ khác và làm khác nên Tập đoàn nghề cá Bùi Văn Ninh luôn ăn nên làm ra dù trải qua nhiều biến cố khác nhau trên biển. Mùa ra khơi, ông thu được hàng trăm triệu đồng lợi nhuận từ biển mỗi tháng. 200 con người gắn bó với ông cũng có đời sống ổn định với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người mỗi tháng. Ông Ninh cũng vinh dự được đại diện cho ngư dân Bình Định tham gia nhiều hội nghị, hội thảo lớn về ngư nghiệp.
Sự nghiệp Sáu Ninh dù trên bờ hay dưới biển đều gặt hái những thành công lớn. Người ta nói, ông thành công nhờ đầu óc biết tính toán khoa học, quyết đoán và sự cần cù, sáng tạo của người ngư dân. Ông là một hình mẫu làm giàu từ tình yêu biển, lòng quả cảm và sự quyết đoán, hào sảng của người dân vùng biển.
Làng đóng tàu cổ bên sông Thu Bồn
Chúng tôi bâng khuâng dừng chân ở làng đóng tàu cổ Kim Bồng bên dòng sông Thu Bồn chảy vắt qua thành phố di sản Hội An. Làng nghề đóng tàu cổ tồn tại qua bao đời, đã đóng biết bao con tàu chinh phục biển cả cho các thế hệ ngư dân Việt.
Làng nghề luôn vang tiếng đục
Thành phố cổ Hội An với hoạt động giao thương tấp nập trong quá khứ, trở thành nơi giao thoa kinh tế, lịch sử, văn hóa. Ở đó, nghề đóng tàu cũng có sự giao thoa giữa các kỹ thuật đóng tàu truyền thống lâu đời của Việt Nam, Chămpa, Trung Quốc và Pháp. Kết quả sự giao thoa của các nền tảng kỹ thuật đặc sắc ấy đã biến nơi đây trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc cho ngư dân khắp dải miền Trung tìm về đóng tàu. Theo nhiều tư liệu cổ, có cả sắc phong từ thời Tây Sơn, làng nghề đóng tàu Kim Bồng, TP.Hội An đã đóng góp hàng trăm chiến thuyền để quân Tây Sơn đánh giặc cùng hàng ngàn thợ đóng tàu đi tu bổ thuyền bè, chiến đấu qua các triều đại phong kiến.
|
Kim Bồng hôm nay đã trở thành một điểm đến du lịch đặc sắc và hấp dẫn bên bờ sông Thu Bồn. Bằng những chuyến phà với hành trình ngắn, du khách có thể vượt sông Thu Bồn, từ phố cổ Hội An thăm làng đóng tàu cổ âm thầm góp tàu thuyền cho ngư dân vươn khơi. Làng nghề bây giờ, sau hàng trăm năm với bao biến cố lịch sử vẫn rộn vang tiếng đục, cưa xẻ, bào, giã… đặc trưng của nghề đóng tàu gỗ. Ông Nguyễn Nhân, một chủ cơ sở đóng tàu ở Kim Bồng, cho biết: “Tổ tiên chúng tôi đã bao đời đóng tàu, thuyền đi biển. Tàu, thuyền do người Kim Bồng đóng nức tiếng gần xa. Tiên nghiệp của cha ông muôn đời truyền lại, chúng tôi nguyện phải giữ gìn và phát huy…”.
|
Nói đoạn, ông Nhân đưa chúng tôi đi thăm xưởng đóng tàu của mình. Ở chỗ của ông, tàu nhỏ, ghe du lịch có đội phụ trách riêng; tàu có công suất lớn trên 200CV thì có những đội đóng tàu chuyên nghiệp hơn, có khi phải thuê thêm người từ khắp nơi về Kim Bồng làm theo thời vụ. Anh Nguyễn Lập, một thợ đóng tàu ở đây cho biết, anh đã học đóng tàu sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Làm nghề để sinh nhai nhưng điều quan trọng là để giữ nghề của cha ông truyền lại. Người làng Kim Bồng dù sau này có đi đâu, làm gì, ai cũng biết phát huy nghề đóng tàu, giúp ngư dân bám biển, giữ biển….
Tàu lớn vươn khơi
Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết chính quyền luôn quan tâm giữ gìn, khôi phục và phát triển làng đóng tàu cổ Kim Bồng. Làng nghề với truyền thống và lịch sử, còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa. Những năm gần đây, tự thân các cơ sở đóng tàu của làng cũng hiện đại hóa máy móc, chú trọng khâu thiết kế… để đáp ứng nhu cầu đóng tàu lớn của ngư dân khắp nơi tìm về đặt hàng.
Làng nghề đóng tàu cổ Kim Bồng không chỉ có những người yêu nghề, hoài cổ trông mong vào những dự án du lịch, biến làng nghề đóng tàu thành điểm tham quan, giải trí. Chúng tôi tìm đến cơ sở đóng tàu Đỗ Văn Thành tại xã Duy Vinh cách Kim Bồng không xa. Anh Thành cho biết kế tục truyền thống đóng tàu của cha ông, anh miệt mài tìm cách đóng tàu ngày càng lớn hơn, đáp ứng đầy đủ sự kỳ vọng của ngư dân tìm đến với mình.
Tại xưởng đóng tàu của anh Thành, dù thời gian đã quá trưa nhưng ai cũng khẩn trương làm việc, không ngơi tay. Xưởng khá rộng với hàng chục công nhân, mỗi người một công đoạn đang chung tay đóng nhiều tàu lớn, công suất trên dưới 1.000CV. Anh Thành cho biết: “Năm nay, nhu cầu đóng tàu lớn của ngư dân tăng vọt. Hàng năm chúng tôi chỉ nhận được đơn đặt hàng khoảng 4 - 5 chiếc trên 1.000CV. Tuy nhiên, từ Tết Nguyên đán đến nay, xưởng chúng tôi đã bàn giao 4 chiếc và hiện đang đóng 11 chiếc trên 1.000CV cho ngư dân nữa…”.
Anh Thành giới thiệu cho chúng tôi xem chiếc tàu thứ 5 đã hoàn thiện phần vỏ và hạ thủy, chờ lắp máy, bàn giao cho khách hàng. Dưới trưa đầy nắng bên dòng sông Thu Bồn lồng lộng gió, chiếc tàu đánh cá QNa 90170 TS xanh mát, nằm bên bờ sóng. Cờ Tổ quốc đang tung bay trên nóc cabin và con tàu như chỉ chực vươn mình về phía biển Đông cùng ngư dân đánh bắt hải sản, giữ vững ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cách con tàu không xa, ngư dân trẻ Nguyễn Đức Vỹ cũng đang miệt mài hoàn thành những công đoạn cần thiết trong việc đóng tàu gỗ công suất 1.100CV, lắp 3 máy. Anh Vỹ cho biết: “Tàu chúng tôi hoạt động đánh bắt thủy sản trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa nên nhiều lần bị tàu nước khác bao vây, đuổi bắt, đâm va, gây khó khăn trong việc đánh bắt xa bờ. Chính vì thế, năm nay tôi quyết định cùng một số ngư dân khác đóng tàu trọng tải 50 tấn, công suất lớn để vững tâm hơn trên biển…”.
Người dân Kim Bồng bao đời nay là vậy, vẫn ngày đêm đóng những con tàu vươn khơi bám biển, sống chết với biển cho dù trải qua bao binh biến, luôn quyết tâm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển trời quê hương đất nước. Nói như người thợ đóng tàu già Nguyễn Phẩm, năm nay đã 71 tuổi của làng nghề: “Kim Bồng không chỉ là làng có nghề đóng tàu truyền thống mà còn có sức sống bền bỉ của tinh thần tiến về biển Đông bao đời nay của ngư dân trong làng…”.
Sang Fish cưỡi gió, đạp sóng ra biển lớn
Chúng tôi đứng trên mũi tàu Sang Fish 01 khi tàu đang chuẩn bị rời âu tàu Thọ Quang (Đà Nẵng) vươn ra biển xanh sóng vỗ. Sang Fish 01 được xem là một trong những chiếc tàu cá vỏ sắt hiện đại nhất Việt Nam đạp gió, cưỡi sóng vươn ra biển lớn…
Tàu cá Sang Fish 01 đang neo đậu trong âu tàu Thọ Quang lấy “tổn” trước khi đi đánh bắt xa bờ ở ngư trường Trường Sa
“Cột mốc thép” trên biển
Theo thông số kỹ thuật từ Công ty đóng tàu SBIC, tàu Sang Fish 01 cócông suất 750CV, dài 25,52m, rộng 7,8m, cao 3,6m, sức chở 200 tấn. Trên tàu cóđầy đủ các trang thiết bị rất hiện đại như máy siêu quét dò ngang (trị giá 1,6 tỷ đồng, với bán kính dò gần 2km), máy định vị, la bàn, thiết bị icom... Đặc biệt, Sang Fish 01 có bộ lưới vây trịgiáđầu tư lên tới 1,9 tỷ đồng và dàn đèn hàng trăm triệu đồng. Trong tàu cóhệ thống máy công suất lớn với 5 hầm chứa hải sản (khoảng 200 tấn), phòng bếp nấu ăn, phòng vệ sinh, hai phòng ngủrộng bảo đảm phục vụ cho 20 - 30 ngư dân...
Anh Phan Bé, 42 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm bám biển, cho biết: “Gia đình tôi rất đông anh em, đều làm nghề biển, lớn lên và sống chết với biển. Anh em trong nhà ai cũng có tàu gỗ riêng nhưng năm 2009 và 2012 liên tục bịbão đánh chìm, trắng tay rồi cắn răng làm lại. Chính vì thế, năm 2013 tôi quyết định cùng em rể Lê Sang đầu tư tiền tỷđóng tàu cávỏ sắt Sang Fish 01 để hạn chếrủi ro…”. Để dốc toàn lực đầu tư vào tàu cávỏ sắt Sang Fish 01, anh Béđã bán luôn hai chiếc tàu cávỏ gỗ khác của mình.
Giờ thì Sang Fish 01 có thể phát hiện tàu lạtừ xa, đặc biệt nếu tàu nước khác có biểu hiện tấn công, quấy nhiễu, Sang Fish 01 hoàn toàn chủ động tránh né. Thậm chí, tàu nước khác có đâm va thì với vỏ sắt dày, tàu có thể vững vàng đứng trên biển cả, không phải lo nỗi lo vỡ tàu, chìm tàu như tàu gỗ.
Trong hành trình thực hiện loạt ký sự “Tổ quốc bên bờ sóng”, chúng tôi đến Đà Nẵng đúng vào dịp Sang Fish 01 ra khơi chuyến đầu tiên trởvề, lấy “tổn” để thực hiện chuyến đi biển thứhai. Theo anh Bé, tàu đạt tần suất hoạt động ổn định, có thể chạy với tốc độ khoảng 9 - 10 hải lý(23 lít dầu/hải lý). Nếu xét vềcùng đoạn đường, so với tàu vỏgỗcùng công suất, tàu Sang Fish 01 tiết kiệm nhiên liệu hơn, khoảng 30%. “Tôi vừa đi một chuyến ra tận khơi xa, thu mua cávà cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm, xăng dầu cho các tàu của bà con đang đánh bắt trên biển trởvề. Chuyến đi có chút lãi, tàu chạy nhanh, ổn định nên tiết kiệm nhiều chi phíkhông cần thiết…”, anh Bécho hay. Được biết, anh cùng các anh em khác trong gia đình đang tính toán đầu tư thêm 2 tàu cávỏ sắt nữa để thực hiện đánh bắt cáxa bờ. Ngoài ra, anh Lê Sang còn đang có tàu vỏ gỗ công suất 1.100CV đang thu mua cá, cung ứng dịch vụ hỗ trợ cho ngư dân miền Trung bám biển…
Vững tâm bảo vệ chủ quyền
Sang Fish 01 đang là tàu cávỏ sắt duy nhất trong sốgần 1.000 chiếc tàu đánh cácủa ngư dân Đà Nẵng và là chiếc tàu sắt thứhai tại miền Trung đang hành nghề đánh cátrên biển Đông. Trong suốt thời gian qua, dù kiên cường bám biển, giữ vững ngư trường của mình nhưng với những chiếc tàu vỏ gỗ truyền thống, ngư dân thường gặp nhiều bất lợi khi bịcác tàu sắt rất hiện đại của thếlực gây hấn trên biển Đông va chạm. Nhiều trường hợp tàu gỗ đã bịđối phương vây, xua đuổi, đâm va gây thiệt hại nặng nề khi đang thực hiện việc khai thác thủy sản hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Anh Phan Bé, vững tâm vươn khơi đánh bắt hải sản xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo với tàu cá vỏ sắt Sang Fish 01
Vì thế, khi Chính phủ có chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu cávỏ sắt, nhiều trường hợp như anh Phan Béđã lập tức hưởng ứng. Anh cho biết: “Chưa kể thiên tai do bão gây ra trên biển, những chiếc tàu vỏ gỗ rất mỏng manh trước nhân tai. Chính vì thế, tàu vỏ sắt vừa chịu được bão cấp 8, cấp 9 trên biển lại vừa chủ động đối phó được sự quấy phácủa tàu nước khác khi họ gây hấn với mình…”. Đồng tình với quan điểm trên, anh Lê Sang cũng khẳng định: “Ngư dân chúng tôi là những người bám biển, làm giàu từ biển và cũng tự hào là những người góp phần bảo vệchủ quyền đất nước. Chính vì thế, tàu cávỏ sắt kiểu như Sang Fish 01 cần được thử nghiệm, nhân rộng để ngư dân vững tâm với nghề, thêm tự tin khi chung tay góp phần bảo vệchủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”.
“Chưa tính độ bền chắc, tàu của tôi đã lấy “tổn” đầy thuyền nhưng vẫn còn khá cao so với tàu gỗ bên kia. Cùng tải trọng, gần như nhau về công suất nhưng anh thấy tàu vỏ gỗ của họ chìm khá sâu trong nước. Điều đó sẽ khiến cho tàu của tôi đạt vận tốc nhanh hơn tàu vỏ gỗ đó khá nhiều. Nói ngư dân Việt Nam khó nắm bắt kỹ thuật vận hành hiện đại của tàu vỏ sắt cũng không đúng. Như tôi chuyển từ tàu gỗ sang tàu vỏ sắt gần như không cảm thấy cản trở gì nhiều. Nếu không kịp thời chuyển sang tàu vỏ sắt thì chúng ta mãi mãi ra biển bằng kinh nghiệm dân gian…”.
(Anh Phan Bé, đồng chủ tàu Sang Fish 01)
Anh Bécũng tiết lộthêm, ngoài việc gia đình sẽ đầu tư thêm 2 chiếc tàu cávỏ sắt, anh còn có kếhoạch liên kết với các chủ tàu cávỏ sắt khác sắp hạthủy để hình thành đội tàu khai thác, đánh bắt xa bờ hiện đại để khai thác tối đa tiềm năng biển cũng như kinh nghiệm, óc sáng tạo của ngư dân Việt Nam. Đội tàu cávỏ sắt không chỉ hỗ trợ nhau mà còn hỗ trợ các tàu cávỏ gỗ khác của ngư dân trên biển lớn, giúp họ yên tâm khai thác thủy sản trước những rủi ro khó lường trên biển.
Chúng tôi chia tay Sang Fish 01, rời âu thuyền Thọ Quang trong niềm tin, sự kỳ vọng lớn lao về những chiếc tàu cávỏ sắt đang được đóng mới và sắp hạthủy cùng ngư dân Việt tiến ra biển lớn. Rồi mai đây, những chiếc tàu vỏ sắt khác, những “cột mốc thép” trên biển sẽ cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền đất nước, đúng với tinh thần cưỡi gió, đạp sóng kiểu như Sang Fish 01 hôm nay.
Kỳ 9: Ký ức về một chuyến tàu không số
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét