Ký ức một chuyến tàu không số
Đồ Sơn - Hải Phòng một buổi sáng nắng hanh hao. Từng cơn gió biển ùa về, sóng vỗ rì rào hòa lẫn tiếng cười vui của du khách. Phía cuối con đường ven biển sừng sững những ngọn núi mọc lên giữa biển, càng làm cho thiên nhiên nơi đây đẹp như tranh thủy mặc. Xa xa là những bãi tắm, bến cảng tấp nập… Và, xa hơn chút nữa là một di tích lịch sử mang mật danh K15, “cây số 0” của đường Hồ Chí Minh trên biển. Nơi đây, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có hàng trăm con tàu không số vượt sóng, ra đi…
Tàu 69 - bản hùng ca trên biển
Những ngày tháng 7, lòng dân cả nước đều hướng về biển Đông. Tự hào thay dân tộc Việt Nam - khi Tổ quốc cần thì tất cả đều nhìn về một hướng. Tới đâu, chúng tôi cũng nghe mọi người nhắc tới cụm từ “Biển đảo quê hương”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam…” với một tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng… Nắng mùa hè chói chang. Trên đường phố Hải Phòng, thỉnh thoảng bỗng thấy các cụ già lom khom gánh những hàng hoa bán dạo. Thật lạ. Chắc chỉ có thành phố này mới thấy có người gánh hoa tươi bán những trưa hè. Loanh quanh trong con hẻm, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Xuân Khảm, nguyên thủy thủ tàu 69 - con tàu anh hùng.
Ông Khảm năm nay khoảng 70 tuổi nhưng trông còn khỏe mạnh, khuôn mặt toát lên nét can trường của người lính biển năm xưa. Biết chúng tôi đang viết về biển đảo, ông nhiệt tình tiếp đón. Ông nói: “Biển là cả cuộc đời của chúng tôi, hào hùng và vinh quang, cũng là nơi chứa đựng bao đau thương, mất mát. Chỉ có biển mới biết máu của các chiến sĩ tàu không số đổ xuống như thế nào. Có những con tàu ra đi mà không trở về, xương máu bộ đội mãi mãi hòa tan trong biển…”. Đôi mắt ông Khảm chợt sáng lên khi kể cho chúng tôi về một chuyến tàu vượt sóng vào Nam năm ấy. Sau này con tàu được mang số hiệu là tàu 69 nhưng hồi đó thì không có số hiệu. |
Một đêm tối trời ngày 15-4-1966, tàu 69 của đơn vị ông gồm 16 cán bộ, chiến sĩ được lệnh xuất phát từ K15 Đồ Sơn chở vũ khí vào Nam, dự định sẽ cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) sau 10 ngày. Trên hành trình vượt biển, tàu của đơn vị ông đã bị địch phát hiện, máy bay Mỹ liên tục đeo bám, nhưng bằng sự thông minh, mưu trí của đoàn nên cuối cùng tàu vẫn đến đích. Và chỉ trong một đêm tại Rừng Đước (Càu Mau), toàn bộ 72 tấn vũ khí đã được du kích vận chuyển lên bờ an toàn. Mọi người vui mừng ôm siết nhau vì nhiệm vụ vô cùng khó khăn đã hoàn thành. Sau một ngày nghỉ ngơi, đơn vị ông Khảm chia tay bộ đội địa phương đưa tàu trở về miền Bắc. Tuy nhiên, đi thì trọn vẹn nhưng trở về lại là một cuộc chiến đấu ác liệt. Ông Khảm kể lại: “Đêm ngày 1-1-1967, lợi dụng địch đang đón Tết dương lịch, đoàn chúng tôi cho tàu xuất phát. Tàu đi xa bờ chừng 20 hải lý thì bị lộ và một trận hải chiến ác liệt đã diễn ra ở vùng biển phía đông nam mũi Cà Mau giữa tàu 69 và một lực lượng đông đảo tàu chiến, máy bay của hải quân Mỹ. Sau 3 giờ chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mặc dù con tàu bị hư hại rất nặng, 9/16 cán bộ chiến sĩ hy sinh và bị thương nhưng cuối cùng cũng đưa được tàu trở lại nơi xuất phát, cất giấu an toàn trong căn cứ…”.
Có một “La Văn Cầu trên biển”
Đôi mắt ông Khảm ánh lên như có lửa và những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má khi ông kể cho chúng tôi về một câu chuyện rất bi hùng: “Sau khi tàu 69 quay trở lại Vàm Lũng, địch đã điên cuồng rải chất độc hóa học trên quy mô lớn nhằm lùng sục, tìm kiếm con tàu suốt 3 năm trời. Ngày 11-9-1969, địch cho một tốp trực thăng đổ quân xuống khoảng đất trống gần khu vực ta giấu tàu. Tổ trực chiến ở đây chỉ có 3 người là Hoàng Thanh Loan, Phùng Văn Quý và Lưu Kim Nhật. Trận chiến diễn ra ác liệt và quân ta hết đạn, phải rút lui. Trên đường rút, không may chiến sĩ Hoàng Thanh Loan bị thương và bị bắt…”. Giọng ông Khảm trở nên nghẹn ngào: “Sau khi địch rút đi, anh em quay lại tìm Loan thì thấy Loan đã hy sinh…!”.
Theo ông Khảm, khi khâm liệm thi thể anh Loan, mọi người phát hiện anh chỉ bị duy nhất một vết đạn ở khoảng giữa nách. Như vậy, có thể khẳng định rằng, anh không chết vì vết thương nhỏ đó mà do bọn địch đã tra tấn anh bằng những đòn thù tàn độc hòng khuất phục anh khai ra nơi giấu tàu 69. Trước ý chí kiên cường, bất khuất của anh, địch đã điên cuồng sát hại anh rất man rợ. Sự hy sinh của anh Loan khiến mọi người rất xúc động. Anh lấy cái chết để bảo vệ bí mật cho con tàu và con đường vận tải chiến lược trên biển. Ông Khảm cho biết thêm, hiện ông đang hoàn tất hồ sơ gửi cấp chính quyền, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho anh Hoàng Thanh Loan. Chúng tôi cầu mong cho nghĩa cử của ông được thành công.
Trên chuyến tàu 69 còn có một câu chuyện rất anh hùng. Quay lại trận hải chiến trên biển, khi tàu xuất phát bị lộ, ông Khảm kể tiếp: “Ngay từ phút đầu, ta dùng súng B40, DKZ và pháo 12 li 7 bắn vào đội hình địch. Đòn phủ đầu này khiến một tàu địch bốc cháy. Chúng điên cuồng bao vây, nhả đạn vào tàu 69 khiến tàu ta cũng bị cháy. Thêm nhiều đồng chí bị thương, trong đó đồng chí báo vụ Phan Hải Hồ bị đạn xé nát bàn chân, máu chảy lênh láng. Vậy nhưng anh Hồ không hề nao núng, lê bàn chân chỉ còn lớp da dính ngoài ôm súng bắn trả địch! Có lẽ bàn chân gãy khiến anh vướng víu nên khi thuyền phó Nguyễn Hấn đi tới, anh Hồ đề nghị chặt giúp bàn chân cho khỏi vướng để chiến đấu tiếp!”. Ông Khảm nhớ lại, lúc này đạn địch vẫn bắn như mưa, ông nghe rõ tiếng đồng chí bí thư chi bộ hô to: “Hãy chiến đấu trả thù cho đồng đội. Hãy chiến đấu dũng cảm như đồng chí Phan Hải Hồ!”. Lúc này, anh Hồ tuy đau đớn nhưng vẫn lê đi, điểm từng loạt đạn rất chuẩn. Đồng chí chính trị viên thấy thế rất cảm động, nói to: “Nhân danh bí thư chi bộ, tôi tuyên bố, từ giờ phút này đồng chí đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của Đảng!”. Đáp lời đồng chí bí thư, từng loạt đạn quân ta nổ ran và cuối cùng đã đưa được tàu trở lại căn cứ an toàn… Quê hương anh Hồ ở Nam Định. Rất tiếc, khi chúng tôi tìm đến lại không gặp được anh. Nhắc đến chuyện anh Hồ, người dân Nam Định gọi anh là “La Văn Cầu trên biển” đầy tự hào.
Câu chuyện với ông Khảm còn dài như ký ức khôn nguôi của ông về chuyến tàu không số năm ấy. Chia tay ông, trong lòng chúng tôi dâng tràn một tình cảm tri ân đối với những thế hệ người đi trước. Cảm ơn ông đã kể những câu chuyện về biển quá đỗi hào hùng, bi tráng và đầy cảm động này.
“... vậy là hết chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ… Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu…”. Đó là nội dung được liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi ở trang đầu trong quyển nhật ký khi chia tay các chiến sĩ tàu không số (tức tàu C43)...
Ông Hào đang xem lại hình ảnh chị Đặng Thùy Trâm
Trong những ngày ở Hải Phòng lang thang tìm hiểu về đoàn tàu không số, chúng tôi được một đồng nghiệp giới thiệu: Nên gặp ông Lưu Công Hào, sẽ có nhiều cái để viết. Qua điện thoại, ông Hào vui vẻ mời chúng tôi đến nhà tại phường Thành Tô, quận Hải An, TP.Hải Phòng. Trong căn phòng nhỏ trên gác xép, câu chuyện giữa chúng tôi và người chiến sĩ tàu C43 năm xưa diễn ra nhẹ nhàng, đôi khi ông chỉ ngồi trầm ngâm như đang hồi tưởng về những năm tháng đầy cam go, ác liệt nhưng vô cùng đẹp đẻ. Tôi chợt thấy trên bàn làm việc của ông có lá thư chị Đặng Thùy Trâm gửi cho ông với những lời lẽ rất thân thương. “Chữ chị Trâm đẹp quá!”. Tôi nhìn và nói vậy. Lời nói của chúng tôi hình như đã khơi dậy ký ức nên ông bỗng vui hẳn lên. “Đúng vậy, chị Trâm viết cho tôi hồi năm 1968 đó…”, ông nói.
Lá thư của chị Đặng Thùy Trâm gửi ông Lưu Công Hào năm 1968
“Gặp em chị như thấy lại cả quê hương trong đôi mắt nhìn thắm thiết, trong giọng nói quen thân, trong tiếng cười ấm áp của em…”. Ông Hào nâng niu bức thư và đọc cho tôi nội dung đoạn đầu như thế, rồi ông bắt đầu kể về câu chuyện cách đây hơn 40 năm. Đêm 27-2-1968, từ bến K15 con tàu C43 cùng với ba tàu khác đồng loạt xuất bến chở vũ khí vào Nam. Khi tàu C43 vừa qua quần đảo Hoàng Sa lập tức bị ba tàu chiến và máy bay địch bám theo. Biết đã bị lộ, tàu C43 quyết định quay mũi tàu hướng vào vùng biển Đức Phổ (Quảng Ngãi). 12 giờ đêm, khi cách bờ khoảng 5 hải lý bất ngờ ba máy bay địch vụt qua con tàu thả pháo sáng rực cả một vùng biển. Tàu của ta rõ như ban ngày. Ngoài khơi, bốn tàu chiến địch ầm ầm kéo vào nã đạn, bao vây hòng bắt sống con tàu. Trước tình hình đó, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng hạ lệnh nổ súng bảo vệ con tàu.
Hơn một giờ đồng hồ giao tranh với địch, quân ta tiêu diệt ba tàu chiến địch và một máy bay trúng đạn đổ nhào xuống biển, tung lên từng cột sóng nước. Bên ta có 3 chiến sĩ hy sinh, 11 người bị thương. Trong khi đang chạy vào bờ thì con tàu mắc cạn, đứng khựng lại. Thuyền trưởng ra lệnh mọi người rời tàu để kích nổ tàu. Ông Hào nhớ lại: “Một tấn thuốc nổ TNT được hẹn 30 phút, chúng tôi vừa kịp bơi vào tới bờ thì phía sau tàu đã nổ, chiếc tàu bị phá hủy”. Trận giao tranh diễn ra vô cùng quyết liệt. Ông Hào kể, lúc đầu nhân dân Đức Phổ đứng xem đông nghịt cả bờ biển. Họ tưởng là hải quân Mỹ - ngụy tập trận nên đến xem. Sau, thấy ta bắn cháy một máy bay, bà con mới té ngửa là bộ đội từ miền Bắc vào đang bị oanh tạc. Lập tức bà con tìm cách báo cho các đơn vị bộ đội ở địa phương đồng thời tìm mọi cách cứu các chiến sĩ tàu C43. Sau tiếng nổ hủy tàu, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đồng bào và du kích huyện Đức Phổ vẫn xông vào cứu chữa, băng bó vết thương cho các chiến sĩ và đưa về hầm bí mật an toàn. Ông Hào xúc động nhớ lại: “Nếu không có sự thương yêu, đùm bọc của bà con nhân dân Đức Phổ chắc chúng tôi hy sinh hết cả rồi…”.
Sau 10 ngày được nhân dân đùm bọc trong hầm bí mật, 11 cán bộ chiến sĩ tàu C43 được nhân dân đưa đến bệnh xá Đức Phổ. Tại đây, họ được chị Đặng Thùy Trâm ân cần điều trị và sau đó trở về miền Bắc bằng đường mòn Hồ Chí Minh. Dù đã trải qua hơn 40 năm nhưng kỷ niệm về những ngày ở bệnh xá Đức Phổ vẫn còn in đậm trong tâm khảm ông Hào. Sau này, khi biết chị Trâm hy sinh và để lại tập nhật ký mà trong đó có đoạn chị viết về đơn vị của ông khiến ông rất xúc động. Ông đọc cho chúng tôi nghe tiếp nội dung đoạn nhật ký này: “Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại hình dáng các anh. Những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương… Bỗng dưng, một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong mình như mặt sông những ngày mưa lũ và… mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người…”.
Giọng ông Hào trở nên vui vẻ hẳn: “Chị Trâm rất đẹp, vẻ đẹp dịu dàng của người con gái thủ đô, với nụ cười thường trực trên môi, luôn lạc quan dù cho bom đạn xung quanh bệnh xá rền vang cả ngày lẫn đêm…”. Ông bảo, chị Trâm rất quan tâm đến ông, coi như một người em trai trong gia đình. Lá thư mà chị viết riêng cho ông cũng vào dịp chia tay của toàn đơn vị. Chị còn dặn dò ông, ra miền Bắc, có thời gian đến thăm nhà ba má chị ở Hà Nội...
Chúng tôi đọc hết lá thư chị Trâm gửi cho ông Hào. Nội dung đã thể hiện một tình cảm thiêng liêng với quê hương đất nước, một tấm lòng mong ước hòa bình. Chị viết: “Mong ước một ngày không xa nữa chị sẽ đến Đồ Sơn nghỉ mát và… một buổi chiều nào đó trên bãi biển Đồ Sơn, chị lại được gặp em, được nắm tay em… Nhớ gửi thư nhiều cho chị nghe em”.
Bây giờ, trong căn gác nhỏ của gia đình ông Hào, những tấm huân chương, những bức ảnh về đồng đội tàu C43 năm xưa cùng với bức thư và tấm hình chị Đặng Thùy Trâm vẫn được ông lưu giữ cẩn thận. Tạm biệt ông Lưu Công Hào - người lính biển kiên cường năm xưa, tôi biết ông đang sống với nhiều ký ức về một thời hào hùng và cả tấm lòng đang đau đáu về biển Đông đang bị ngoại bang đe dọa, xâm phạm. Chúc ông mạnh khỏe và luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ làm hết mình để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ từng tấc đất mà thế hệ tiền nhân, trong đó có cả những chiến sĩ quả cảm tàu không số đã phải đổ máu xương mới có được.
Bến cảng nghĩa tình
Trong cuộc đấu tranh giải phóng đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc, tỉnh Thanh Hóa vinh dự được nhiều lần đón tiếp đồng bào, cán bộ chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc… Mảnh đất kiên cường này đã đi vào ký ức của hàng vạn con người về một thời chiến tranh khói lửa…
Xứ Thanh - vùng đất văn vật nổi tiếng này luôn thu hút chúng tôi tìm đến nhưng chưa bao giờ cảm nhận hết sự hấp dẫn của đất và người nơi đây. Kỳ lạ thay, cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã cho đến bây giờ vẫn là niềm tự hào pha lẫn sự ngạc nhiên có phần tâm linh của nhiều người. Trong kháng chiến chống Mỹ, cầu nối liền con đường huyết mạch Bắc - Nam nên đã trở thành túi hứng bom đạn của địch. Hàng vạn tấn bom đã trút xuống nhưng chưa bao giờ trúng cầu Hàm Rồng mà chỉ rơi vào các vách núi xung quanh. Người ta nói rằng, các dãy núi sừng sững bao quanh chiếc cầu đã tạo nên thế phong thủy rất hiểm trở nên mặc cho bom rơi, đạn lạc cầu vẫn bình yên.
Bia tưởng niệm những đoàn tàu nghĩa tình chở đồng bào miền Nam ra Bắc tại TX.Sầm Sơn
Dòng sông Mã mùa này nước đục ngầu, chở nặng phù sa cho những cánh đồng miền xuôi lúa thêm trĩu hạt. Sông Mã - con sông hiền hòa và dữ dội một thời đã đi vào thơ ca và lịch sử dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, hàng vạn con em Thanh Hóa đã ngược dòng sông này đi chiến dịch. Vết chân xưa của cha ông nay vẫn còn vang vọng trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.
Sầm Sơn một chiều biển lặng. Những con thuyền đánh cá đang từ Hoàng Sa trở về trong sự chào đón của người dân ven bờ. Một cảm giác rất lạ - sự đón chào những con thuyền hôm nay không phải chỉ là tình cảm của những người thân với nhau mà là cả tấm lòng của nhân dân vui mừng đón những chàng trai từ vùng biển đang dậy sóng trở về. Thuyền cập bến, cả một rừng cờ Tổ quốc tung bay trong gió biển thổi lồng lộng. Anh bạn tôi xen vào một câu mang tính triết lý: “Dân tộc ta là thế. Khi Tổ quốc vẫy gọi, nhân dân luôn đặt lợi ích của dân tộc trên hết. Sẽ là sai lầm nếu một thế lực nào đó muốn thách thức cả dân tộc bất khuất này”. Thật chí lý! Tôi bỗng nhớ, vùng biển này cách đây hơn nửa thế kỷ cũng đã diễn ra một sự chào đón lớn, đầy ắp nghĩa tình.
Biển Sầm Sơn hôm nay
Từ Sầm Sơn đi về khu vực Bến Hới (nay là Cảng Hới, phường Quảng Tiến, TX.Sầm Sơn) chừng 4km. Chúng tôi đến đây khi nắng chiều đã tắt. Từng cơn gió mát dịu ùa về. Trên bến cảng, thuyền về đầy ắp. Sát bên cầu tàu Cảng Hới vẫn còn một tấm bia khắc ghi một sự kiện lịch sử. Nơi đây, gần 60 năm về trước đã diễn ra cuộc gặp gỡ có ý nghĩa chính trị, lịch sử quan trọng của đất nước ta. Đó là, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ đón tiếp, chăm sóc 1.800 thương binh và hơn 50 ngàn cán bộ, nhân dân từ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Người dân nơi đây còn nhớ rằng: Vào những ngày sục sôi năm ấy, khi chuyến tàu đầu tiên chở chiến sĩ ta bị địch bắt trao trả vừa cập cảng, hàng ngàn đồng bào đứng chật ních hai bên đường chào đón những đứa con thân yêu của Tổ quốc trở về trong niềm vui và xúc động trào dâng. Tiếp theo những chuyến tàu chở bộ đội là những tàu chở cán bộ, đồng bào miền Nam.
TX.Sầm Sơn những ngày năm ấy chan chứa tình người và vui như ngày hội, dù đó là một cuộc chia ly chưa hẹn ngày về. Ông Trần Chí Trác, một người dân địa phương, nhớ lại: “Năm 1954, tôi khoảng 15 tuổi, là học sinh và được trường chọn vào đội phụ trách công tác thanh thiếu niên địa phương. Hồi ấy gọi là “Thiếu niên chim hòa bình”. Nhiệm vụ của tôi là tham gia vào xưởng sản xuất bánh kẹo, phân phát cho các học sinh miền Nam. Những người lớn tuổi thì lo cơm đùm, cơm nắm đến tận nơi đón tiếp đồng bào. Bà con kẻ Nam, người Bắc như chung một nhà…”.
Từ trong môi trường học tập, rèn luyện ban đầu trên miền Bắc XHCN, nhiều đồng chí sau này đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân… và nhiều lãnh đạo khác. Ông Lưu Hùng Sơn, Trưởng phòng Văn hóa TX.Sầm Sơn cho biết: Hàng năm, đều có các lãnh đạo nguyên là con em miền Nam tập kết trở lại thăm mảnh đất này với biết bao nghĩa tình sâu nặng. Ông Sơn còn cho biết thêm, nhằm lưu giữ tình cảm thiêng liêng này, TX.Sầm Sơn đang triển khai việc khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án khu lưu niệm cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc. Đây cũng chính là nguyện vọng, tình cảm của nhân dân Thanh Hóa và đồng bào, cán bộ chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc nhằm ôn lại những năm tháng thắm đượm nghĩa tình.
Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam đã diễn ra nhiều cuộc chia ly của nhân dân. Nhưng chia ly mà không hề ly biệt, hay nói như lời một bài hát là “Cuộc chia ly màu đỏ”. Chia ly để cuối cùng thống nhất một nhà, non sông thu về một mối. Hôm nay, trên mảnh đất nghĩa tình này đang có hàng ngàn người miền Nam ở lại lập gia đình, an cư lạc nghiệp. Họ ra Bắc từ nhiều vùng quê nhưng bây giờ Thanh Hóa đã trở thành quê hương thứ hai của họ như gia đình bác Huỳnh Ngọc Kiều (quê ở Bến Tre), bác Châu Hồng Hải (quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang)…
Chúng tôi chia tay TX.Sầm Sơn. Biển chiều nay thật dịu êm. Trên bến cảng, ngư dân đang tất bật chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để ra khơi cho kịp mùa đánh bắt. Cờ đỏ tung bay. Trong trang phục màu đỏ, ai ai cũng phấn khởi vui cười mặc cho ngoài biển xa có những “cuồng phong, bão tố” do các thế lực phi nghĩa gây nên. Tạm biệt ngư dân Thanh Hóa. Ngày mai, chúc mọi người buồm căng gió lộng ra khơi…
Kỳ 10: Cửa Lò biển sóng
• KIẾN GIANG - KHÁNH VINH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét