Nhà văn Phạm Hữu Hoàng
Ngày ấy, ở làng Nam Hạ, Khả Từ là người tính tình hào phóng, thích giao du, kết bạn, lấy lòng thành để đãi người. Khách văn nhân tìm đến đàm đạo chuyện nhân tình thế sự, văn chương thi phú, luận bàn tứ thư ngũ kinh… Có khi đối ẩm thâu đêm suốt sáng. Năm 1813 vua Gia Long mở khoa thi Hương tại kinh đô Huế. Tin ấy về đến Nam Hạ. Khê Thượng, bạn vong niên thân thiết bên bầu rượu túi thơ cũng là người cùng làng nói:
- Kẻ sĩ bao năm đèn sách chỉ chờ gặp hội long vân. Gặp thời thì bước lên thang mây. Trước đem tài ra giúp vua, báo quốc, sau lập công danh làm rạng rỡ tông đường. Chú đã cố công dùi mài kinh sử thì cũng nên thử sức một phen. Biết đâu có ngày làng Nam Hạ cờ biển rước chú vinh quy bái tổ.
Bà Cửu Huỳnh, mẹ Khả Từ cũng ân cần khuyên bảo:
- Mẹ chịu khổ chịu cực nuôi con ăn học chỉ mong có ngày con mở mặt mở mày với đời. Mẹ lo chuẩn bị hành trang, chọn ngày tốt cho con lên đường.
Vốn là người con hiếu thảo, chàng cung kính đáp:
- Con xin vâng lời mẹ.
Khả Từ học thầy Tú trong làng. Thầy văn hay chữ tốt, đỗ cử nhân dưới triều chúa Nguyễn Phúc Thuần nhưng chán cảnh quan trường về mở trường dạy học vui thú điền viên. Tháng ngày chuyên cần học ở nhà thầy, Khả Từ tiến bộ rất nhanh. Thầy Tú hết lời khen ngợi. Thầy có một người con gái tuổi chừng mười tám, dung mạo xinh đẹp, đoan trang. Nàng tên là Ý Uyên. Khả Từ đem lòng yêu và ngỏ ý với nàng. Ý Uyên cũng đáp lại tình cảm đó. Mối tình ngày càng thắm thiết. Ông Tú rất hài lòng về chuyện tình duyên của con. Ông hứa gả Ý Uyên cho Khả Từ. Hai gia đình đã bàn định xong xuôi, chờ Khả Từ thi xong trở về sẽ tiến hành hôn sự. Có người bảo với ông Tú:
- Con gái ông thuộc hàng khuê nữ danh giá. Sao lại gả cho kẻ ngụ cư mẹ góa con côi như thế?
Ông Tú cười đáp:
- Ta xem bà Cửu Huỳnh từ ngày chồng mất ở vậy mà lam lũ nuôi con ăn học tử tế. Chỉ chuyện đó thôi, đàn ông mấy người sánh được. Khả Từ thông tuệ hơn đời, phong thái nho nhã, con ta được nương tựa là phúc phận má hồng. Mối lương duyên đó không gì tốt đẹp bằng. Còn chuyện dân ngụ cư với bản địa, ta không bận tâm.
Khả Từ không phải gốc gác ở Nam Hạ. Trước kia, chàng ở làng Vạn. Làng nằm trên một dải đất thoai thoải ngay cửa con sông lớn. Ngược sông có thể tới những buôn làng người dân tộc ẩn khuất giữa chốn đại ngàn. Khả Định, cha của chàng cũng là người có chữ nghĩa nhưng lại thích cuộc sống chân chất của người dân chài. Mẹ chàng có nghề làm nước mắm gia truyền. Nước mắm bà chế biến có mùi vị thơm ngon đặc biệt. Nhờ nghề riêng ấy mà có thêm cái ăn, cái mặc. Lúc này, triều Tây Sơn đến đời vua Cảnh Thịnh rối ren, lòng người lìa tan. Khả Định vốn là người ưu thời mẫn thế, mỗi khi hoàng hôn xuống, rảnh công việc, ông thường ra đứng trên bờ cát dõi mắt đăm đắm ra biển lớn như đang đeo đuổi theo một ý nghĩ nào đó. Năm Đinh Tỵ (1797), quân chúa Nguyễn vượt biển ra đánh thành Quy Nhơn. Một đội thuyền chiếm cửa biển làng Vạn. Viên tướng chỉ huy đội thuyền dẫn một tốp lính tiến vào làng. Ông ta tập hợp các tráng đinh nói chuyện. Không biết ông ta nói gì mà Khả Định và nhiều người trong làng hăng hái đi theo. Quân Tây Sơn đánh tới. Viên tướng được lệnh rút quân. Binh lính nhổ trại xuống thuyền. Lúc chia tay, Khả Định nói với vợ:
- Ta gửi lại nàng đứa con thơ dại. Nàng thay ta nuôi dạy nó nên người. Gánh nặng gia đình ta đặt cả lên vai nàng. Ta ra đi chưa biết chừng nào về. Cầu mong đến ngày sum họp, ta sẽ đền đáp cho nàng.
Ông quay lại dặn Khả Từ:
- Con lo học hành chăm chỉ, đỡ đần công việc giúp mẹ, đừng làm mẹ buồn nghe.
Mẹ con Khả Từ lã chã nước mắt, ngậm ngùi ngồi trên bờ cát, trông Khả Định trên con thuyền lướt sóng ra khơi, con thuyền nhỏ dần rồi mất hút nơi chân trời lam biếc. Ít lâu sau, Khả Định chết trong cuộc thủy chiến ác liệt với quân Tây Sơn tại cửa biển Thị Nại. Nghe tin ấy, bà Cửu Huỳnh khóc vật vã mấy ngày liền. Khả Từ đau đớn không kém… Nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì mẹ con Khả Từ phải gạt nước mắt dắt díu ra đi. Bởi làng Vạn nằm ở vị trí xung yếu của cuộc chiến, là cửa ngõ của con đường thủy dẫn tới phủ thành Quy Nhơn. Chiến sự diễn ra liên miên. Nhiều lần, quân chúa Nguyễn bất ngờ từ ngoài biển ập vào. Liền đó, quân Tây Sơn trong đất liền đánh tràn ra… Dân làng phải phiêu tán tránh tai vạ. Mẹ con Khả Từ dẫn nhau đến làng Nam Hạ nương nhờ người em trai của bà đang sinh sống ở đây. Người em tên Thụy, trước là bộ tướng thân tín của Thái phó Trần Quang Diệu. Trong trận hỗn chiến với quân Nguyễn, ông Thụy bị chém đứt lìa cánh tay phải, nên được giải ngũ. Đến Nam Hạ tá túc một thời gian, bà bàn với ông Thụy mở hàng bán nước mắm. Ông Thụy đồng ý ngay. Nam Hạ nằm ngay trên con đường thiên lý nên thuận lợi cho việc đi lại. Thương khách bốn phương chuộng nước mắm của bà tìm tới… Việc buôn bán phát đạt… Cuộc sống khá lên chóng vánh… Bà cất được ngôi nhà nho nhỏ có lối đi giữa những luống hoa…
Bấy giờ, khi đã bình định xong thế cuộc, vua Gia Long hạ lệnh trả thù những người từng theo nhà Tây Sơn. Ở Nam Hạ, ông Thụy bị kết tội. Cả nhà ông già trẻ lớn bé bị quan phủ sai quân lôi ra giữa chợ chém sạch. Bà Cửu Huỳnh điếng người, mắt khô khốc, đờ đẫn nhìn gia đình người em đầu rơi máu chảy. Cõi lòng bà tê tái như đông cứng. Bà nom nóp lo sợ cho mẹ con bà. Tai họa đang lởn vởn trên đầu. Giữa lúc căng thẳng đó, thì thật bất ngờ, một người chú họ có chân trong hội đồng kì mục làng Vạn tìm tới trao tận tay bà tờ giấy vàng đóng ấn son của vua ghi rõ công trạng Khả Định và truy tặng ông hàm Chánh cửu phẩm, ban hai tấm lụa đào và mười lạng bạc để bà chăm lo hương khói cho chồng. Tờ giấy sắc phong ấy như tấm bùa hộ mạng bảo vệ mẹ con bà trước sự rình rập, dòm ngó của bọn cường hào ở Nam Hạ. Bởi bọn chúng đang lộng hành tác oai tác quái. Đứng đầu là tên chánh tổng Kiêu. Hắn theo chúa Nguyễn từ thuở còn trai trẻ. Do dốt nát nên cả đời chinh chiến, liều chết lập công, hắn cũng chỉ ngoi lên được chức cai. Khi Nguyễn Ánh đăng cơ, việc binh kết thúc, triều đình ghi nhận công lao bằng việc phong cho hắn hàm Bát phẩm bá hộ. Về Nam Hạ, hắn được các chức sắc của làng trọng vọng. Quan tổng đốc tin cậy bổ nhiệm hắn làm chánh tổng cai quản ba làng: Nam Thượng, Nam Trung, Nam Hạ. Cậy mình có công với triều đình, hắn vênh váo, ngông nghênh, không coi ai ra gì. Ngay cả quan lại địa phương cũng có phần kiêng nể. Trong câu chuyện thường ngày với đám tay chân hắn thường cao giọng:
- Tao một đời xông pha nơi lằn tên mũi đạn, thân còn mang hàng chục vết thương, đã chịu đến tận cùng cái khổ. Mạng tao lớn lắm mới còn tới ngày này. Giờ đây, tụi bay theo tao, trung thành với tao thì có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Còn nghịch lại thì… hắn rút thanh gươm ngắn đeo bên mình cắm phập xuống mặt bàn, thế đấy!
Cả bọn đều xanh mặt. Chúng đều biết, chánh tổng Kiêu không họ hàng thân thích. Hồi trai trẻ, hắn một mình tới Nam Hạ lập nghiệp. Lại thêm quãng đời chinh chiến đã cướp của hắn tuổi thanh xuân. Gần tứ tuần mà trông hắn đã lọm khọm như ông cụ. Vì lẽ ấy khiến hắn trở nên ích kỉ, tàn nhẫn. Hắn đã ganh ghét người nào dù chuyện có nhỏ tới đâu đi nữa cũng moi móc, hãm hại cho bằng được. Hắn ngang nhiên kiếm chác, từ việc chiếm đoạt những đám ruộng nhất đẳng điền hoặc việc xử ép những vụ tranh chấp trong vùng để kiếm của đút lót. Oan trái hắn gây ra thấu cả trời nhưng không ai dám ho he…
Một hôm, ngồi uống rượu bù khú với đám đệ tử thân tín trong đình, hơi men chuếnh choáng, hắn thổ lộ:
- Tao chừng này tuổi mà vẫn chịu cảnh phòng không. Giá mà tao cũng có được một người vợ cho bớt cảnh quạnh hiu.
- Chuyện ấy có gì khó, một kẻ trong bọn nói. Chiến tranh mấy mươi năm, trai tráng phần lớn chết trận. Đàn ông trong làng có kẻ năm thê bảy thiếp. Huống chi ông Chánh là người có quyền thế. Chỉ cần ông Chánh chọn người vừa ý, việc còn lại để chúng tôi lo.
- Không dễ như chúng bay nói đâu. Tao nghĩ nát óc rồi mà không ra cách.
Một tên khác đế thêm:
- Cả Nam Hạ, Nam Trung, Nam Thượng, ai cũng sợ ông Chánh một phép. Vậy mà có người làm ông Chánh phải nhọc lòng đến vậy sao? Rốt cuộc thì đó là nàng nào?
Chánh tổng Kiêu thở dài:
- Con gái lão Tú làng mình.
- Ý Uyên! Cả bọn tròn mắt kêu lên.
Chúng kinh ngạc vì không ngờ một cô gái phơi phới, mỹ miều như một bông hoa tươi thắm nhất làng lại chui vào cái đầu hợm hĩnh của chánh tổng Kiêu.
- Tao cũng đã đến nhà lão Tú dạm ý rồi. Lão ta thẳng thừng từ chối…
Ông Tú là người khoa bảng, đức độ, làm sao ông chịu gả Ý Uyên cho một gã võ biền thô kệch đáng tuổi cha chú. Với lại Ý Uyên đã có Khả Từ, một đôi thanh mai trúc mã. Việc quả thật khó thành. Cả bọn lơ ngơ chưa biết phải làm sao cho phải. Bỗng một kẻ có tiếng giảo hoạt kề miệng vào tai hắn thì thào một chặp. Mắt chánh tổng Kiêu bỗng sáng lên:
- Diệu kế! Thật là diệu kế! Phải rồi! Chỉ tại nó, không có nó thì sự thể biết đâu lại khác. Hừ! Tao không lấy được nó thì tao để yên cho mày ôm ấp nó à? Tao sẽ cho mày biết tay chánh tổng Kiêu này.
Gã giảo hoạt lại lên tiếng:
- Phải ra tay nhanh lên kẻo muộn. Để cho nó lên kinh ứng thí là thả hổ về rừng, thả rồng ra biển. Một mai nếu nó đắc chí thì ông chỉ còn đường sắm sửa lễ vật đến khom mình trước mặt quan tân khoa mà chúc mừng thôi.
Chánh tổng Kiêu nổi tức:
- Không đời nào! Tao đánh giặc Tây Sơn một đời giờ không phải để cho thằng ranh con đó hưởng thụ dù chỉ một ngày. Hất mặt về phía tên vừa hiến kế, mày lo đầy đủ mọi thứ như vừa nói ban nãy, tao vào dinh quan phủ lập tức. Việc xong xuôi, tao thưởng…
Chiều hôm đó, mẹ con Khả Từ đang lấy các vật dụng cần thiết bỏ vào tay nải để sáng mai chàng lên đường sớm. Bỗng có tiếng ồn ào ngoài sân. Chánh tổng Kiêu dẫn một đám bộ hạ xộc ngay vào nhà. Tên nào tên nấy gậy gộc gươm giáo sáng quắc. Bà Cửu Huỳnh chưa kịp mở miệng hỏi, chánh tổng Kiêu lớn tiếng:
- Có người tố cáo nhà mày theo nghịch đảng Tây Sơn. Chúng tao phụng mệnh quan bắt mẹ con mày về phủ đường xét hỏi. Bay đâu trói con mụ này lại.
Khả Từ thất kinh, bước nhanh tới lấy thân che chở cho mẹ. Chàng nhỏ nhẹ:
- Có sự lầm lẫn nào đây. Oan cho chúng tôi lắm! Xin ông Chánh nghĩ tình người cùng làng, về bẩm lại với quan tra xét kĩ cho chúng tôi nhờ.
- Oan à? Hừ! Có oan thì cứ ra công đường mà kêu với quan!
Hắn chỉ vào mặt Khả Từ:
- Trói luôn thằng này nữa!
Đám bộ hạ sấn ngay tới trói gọn mẹ con Khả Từ. Chàng van xin:
- Có bắt, ông bắt tôi đây này. Thả giùm mẹ tôi ra! Tôi xin ông!
- Bịt miệng nó lại, chánh tổng Kiêu thét, lục soát kĩ cho tao.
Một thằng lấy giẻ nhét vào miệng Khả Từ. Mấy thằng khác xới tung đồ đạc trong nhà, hất cả bài vị Khả Định trên bàn thờ rớt xuống đất vỡ đôi. Tờ giấy sắc phong màu vàng đóng ấn vua rơi bên cạnh. Chúng dẫm bừa lên rách bươm. Nhìn Khả Từ bị trói, bà Cửu Huỳnh muốn nói điều gì đó nhưng không thốt ra lời. Gương mặt mỗi lúc mỗi tái nhợt. Bà ú ớ mấy tiếng rồi tay xụi lơ, chân khuỵu xuống té nằm sóng soài trên nền nhà. Có kẻ khẽ nói:
- Mụ ta xỉu rồi.
Khả Từ vùng vằng chực chạy lại chỗ mẹ nhưng không sao thoát được hai cánh tay lực lưỡng của hai thằng người nhà chánh tổng Kiêu đang kẹp hai bên.
- Kệ nó! Chánh tổng Kiêu khoát tay ra hiệu cho đám tay chân, giải thằng này về phủ trước đã. Chờ mụ kia tỉnh dậy rồi bắt sau cũng chẳng muộn.
Cả bọn rầm rộ kéo về. Chờ chúng đi khuất, mấy người hàng xóm mới chạy vội vào đỡ bà Cửu Huỳnh dậy…
Ba tháng trời bị giam trong ngục, bị tra khảo, hành hạ, bị bỏ đói bỏ khát khổ sở trăm bề. Nhưng nỗi khổ tâm nhất đối với Khả Từ là chàng không hề biết tin gì về mẹ chàng và Ý Uyên. Lòng chàng nóng như lửa đốt. Mẹ chàng có mệnh hệ gì không? Ai chăm sóc cho mẹ lúc ngặt nghèo? Còn Ý Uyên nữa? Nàng có bị liên lụy vì chàng không? Nàng hiện như thế nào? Đêm đêm, Khả Từ thường trằn trọc không sao chợp mắt. Phần thì lo lắng cho những người thân yêu, phần thì nghĩ mãi không biết vì lý do gì mà chánh tổng Kiêu lại ra tay tàn độc với mẹ con chàng. Bao nhiêu điều tốt đẹp đang mở ra trước mắt bỗng chốc tối sầm lại như rơi xuống địa ngục. Liệu chàng có thoát khỏi ngục tù tối tăm này? Một đêm như thế, chừng như đã qua canh ba, chàng ngồi trên ổ rơm trông ra cửa ngục. Tên gác ngục ngủ gà ngủ gật. Ngọn đèn dầu trên bàn sáng yếu ớt như ánh ma trơi… Ngọn đèn chợt chao qua chao lại sáng lóa thành một vừng sáng lạ lùng, thứ ánh sáng lạnh lẽo đến rợn người… Một người đàn ông từ vừng sáng đó bước ra, đi tới chỗ Khả Từ. Chàng sững sờ như không còn tin ở mắt mình nữa. Miệng lắp bắp:
- Cha… Là cha thật sao?
- Ta đây! Khả Định đến trước mặt Khả Từ. Gương mặt phong trần của ông đầm đìa nước mắt. Khả Từ nghẹn ngào:
- Chúng nó vô cớ làm tình làm tội! Thân con ra nông nỗi này. Còn mẹ không biết ra sao?
Đôi mắt Khả Định lộ vẻ đau đớn tột cùng:
- Bọn khốn nạn! Ta tiếc là không thể băm vằm chúng ra cho hả giận. Hồi ấy, ta hăm hở dấn thân là cứ ngỡ sẽ đem lại điều tốt đẹp cho đời. Nào ngờ, lại để bao oan trái cho những người ta thương yêu nhất. Ta chưa làm tròn bổn phận người chồng, người cha. Ta hối hận vô cùng… Trầm ngâm một chặp, ông nói tiếp, ta không thể ở lâu với con được. Ta về gặp con là chỉ mong con hãy tha thứ cho ta…. Thôi! Ta phải đi đây.
Khả Định quay lưng bước vội. Khả Từ kêu to:
- Cha ơi! Cha ơi!
- Im ngay! Tiếng quát của tên lính gác ngục làm Khả Từ mở choàng mắt ra. Tên gác ngục giận dữ:
- Kêu cái gì? Làm mất giấc ngủ của tao. Muốn ăn đòn hả?
Khả Từ không chú ý thái độ của tên gác ngục. Chàng chằm chằm nhìn ngọn đèn dầu vẫn đang cháy leo lét giữa bốn bức tường nhà ngục tối tăm…
Ngày tháng trong ngục kéo dài lê thê. Khả Từ không còn ý niệm về thời gian. Cho đến khi viên đề lại xuất hiện cùng tên cai ngục. Cánh cửa ngục xịch mở. Viên đề lại cười trơ tráo:
- Quan phủ tha cho mày đấy. Để bắt vào đây một lần nữa là không còn đường sống nghe chưa?
Ra khỏi nhà ngục, Khả Từ thấy Khê Thượng đợi sẵn bên cỗ xe ngựa. Khê Thượng ra hiệu Khả Từ lên xe. Người xà ích ra roi. Chiếc xe ngựa chạy vun vút về làng Nam Hạ. Khê Thượng vắn tắt:
- Được sự ủy thác của mẫu thân chú, tôi luồn lót khá nhiều vàng bạc cho tên quan phủ mới lo được việc. Nam Hạ giờ đây lành ít dữ nhiều. Tôi đưa chú về thăm nhà một lát rồi lánh đi ngay. Tôi cũng phải tìm chốn dung thân cho mình.
- Thế còn mẹ tôi? Khả Từ lo lắng hỏi.
Khê Thượng thở dài đáp:
- Hôm chú bị bắt, bà bệnh nặng nằm liệt giường. Tôi mời thầy thuốc tận tình cứu chữa nhưng chỉ cầm cự được ít hôm thì mất.
Khả từ ôm lấy mặt. Chàng khóc ngất một chặp. Khê Thượng an ủi chàng mãi. Lát sau, chàng hỏi về Ý Uyên. Khê Thượng kể tỉ mỉ chuyện Ý Uyên vào nhà ngục thăm chàng, bị chánh tổng Kiêu thông đồng với bọn lính ngục lừa gạt bắt nàng đem về nhà hắn. Chánh tổng Kiêu đã hãm hiếp nàng. Nhục nhã, Ý Uyên đã gieo mình xuống sông Nam Hạ tự vẫn. Ông Tú đau lòng trước cái chết thảm thương cuả nàng, phẫn uất treo cổ chết theo. Cha con ông Tú được mai táng bên cạnh mộ mẹ chàng… Gương mặt Khả Từ quắt lại… Chàng lặng im như pho tượng. Chỉ còn nghe tiếng vó ngựa lộc cộc đều đều suốt chặng đường về…
Tới nhà lúc chạng vạng tối, Khả Từ bước vào. Một cảnh tan hoang hiện ra. Khê Thượng giúp chàng dọn dẹp mọi thứ đâu vào đó. Rồi chàng mặc áo xô, đầu chít khăn tang, cầm mấy nén hương cùng Khê Thượng đi ra gò. Trăng thượng tuần nhuốm màu vàng vọt trên bãi tha ma u ám. Khê Thượng chỉ mộ mẹ chàng, thầy Tú và Ý Uyên, những nấm đất đắp sơ sài. Chàng thắp hương khấn vái, rồi quì sụp xuống. Khê Thượng quì bên cạnh. Cả hai cứ quì như thế giờ lâu… Chỉ có tiếng gió xào xạc trên các lùm cây và tiếng ếch nhái kêu thê thiết… Sau lưng chàng, chánh tổng Kiêu cùng đám bộ hạ núp sau mô đất căng mắt nhìn. Từ lúc Khả Từ về làng, hắn cho bọn tay chân theo dõi nhất cử nhất động của chàng. Bởi vậy, nghe tên đàn em báo Khả Từ và Khê Thượng ra gò, hắn liền dẫn bọn tay chân theo ra. Hắn lo lắng Khả Từ và Khê Thượng mưu tính điều gì chăng? Bỗng… từ các ngôi mộ hiện ra những cái bóng trắng. Dưới ánh trăng lờ nhờ, những cái bóng lượn lờ, lướt qua lướt lại, hai tay đưa về phía chánh tổng Kiêu như đòi mạng. Gương mặt những cái bóng lúc ẩn lúc hiện nhưng chánh tổng kiêu cũng nhận ra được: bà Cửu Huỳnh, Ý Uyên, ông Tú… Hồn lạc phách xiêu, hắn muốn bỏ chạy song chân nặng như đeo chì, không nhúc nhích được. Hắn muốn kêu cứu nhưng miệng lại cứng đờ… Những cái bóng chờn vờn sáp lại gần hơn…Chánh tổng Kiêu sởn cả gai ốc, chân tay lẩy bẩy… Chợt hắn hét lên một tiếng rợn người rồi ngã nhào, máu miệng ộc ra nhỏ ướt cả áo. Bọn đàn em thấy thế hoảng hốt đỡ hắn dậy cõng chạy về nhà.
Sau đêm đó, chánh tổng Kiêu mắc chứng bệnh lạ, lúc tỉnh, lúc mê. Mặt mũi hắn ngẩn ngơ nom đến thảm hại. Đám bộ hạ lui tới ít hôm rồi bỏ mặc. Không ai chăm sóc. Lúc mê mệt, hắn đại tiện ra, phân bôi khắp người hôi thối nồng nặc. Lúc tỉnh, hắn lê bước ra đường. Thấy hắn, ai nấy lo tránh mặt… Dân làng Nam Hạ bắt đầu lưu truyền câu vè:
“ Nam Hạ có chánh tổng Kiêu. Hại người, trời hại hết điều kêu ca”… Còn Khả Từ. Chàng lặng lẽ rời làng. Không một người nào ở Nam Hạ gặp chàng nữa. Nhưng bốn câu thơ mà chàng viết trên vách tường nhà như lời từ biệt thì dân làng cứ nhắc đi nhắc lại mãi không thôi:
Non sông hề một cõi
Nơi ta về mịt mùng
Ngoảnh đầu trời ảm đạm
Lệ sầu và bão dông
P.H.H (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét