Thanh Bình Nguyên (Trưởng Gia đình Áo Trắng TP. HCM)
Chiếc xe
đạp cọc cạch lăn bánh trên con đường sỏi đá gồ ghề, chân Phong vẫn đạp đều, đầu
óc nó cứ lông bông vô hướng. Bùng binh Cây Gõ hiện ra, Phong vòng xe qua chùa
Dừa rồi chạy qua đường Bà Hom.
Lát sau nó
đứng trước căn nhà gỗ dột nát được dùng làm xưởng mộc, nhận đóng gia công vài
cái tủ hay dăm ba bộ bàn ghế. Cũng nơi đây nó đã ở gần được năm trời, từ ngày
chập chững bước vào đại học, cứ sáng sớm nó lại lật đật đạp xe xuyên từ quận 6
vào quận 1 đến trường Nhân văn nó đang theo học. Chiều về nhìn bản đồ với con
đường dài ngoằn ngoèo chấp nối nhau vô hướng, nó cảm thấy sợ và phục cho chính
mình.
Căn phòng
cũ giờ được dùng làm nơi để đồ nghề nào là cưa, kềm, bào, búa… nằm vương vãi
khắp nơi. Ngồi thừ trên đống gỗ vụn, nó thở dài rồi ho húng hắn vài hơi. Giọng
thằng Tuấn lại văng vẳng bên tay nó:
- Tối nay tao muốn bàn với phòng mình
về chuyện của thằng Phong, nói ra sẽ làm nó buồn, nhưng cứ im lặng mãi thì đứa
nào cũng lo lắng, như vậy sẽ khó chịu lắm!
Căn gác trọ
chật chội, u ám, năm đứa lặng lẽ nhìn nhau. Minh vừa đi làm thêm về, đưa tay
quệt mồ hôi rồi lên tiếng:
- Chuyện đâu đã vào đấy rồi, biết là
Phong rất đau buồn vì căn bệnh quái ác này, nhưng chữ ngờ khó học được lắm,
điều quan trọng là phải biết giữ gìn sức khoẻ cho nhau kìa.
Thằng Duy
gật gù tiếp lời:
- Bệnh của Phong rất dễ lây, nhất là
qua đường hô hấp.
- Tao nghĩ kỹ rồi.
Nhân tỏ vẻ
quan trọng, trán nó nhăn lại.
- Tụi mình phải dọn đi nơi khác thôi,
tìm chỗ nào rộng rãi cho thằng Phong nó có một góc riêng, chứ tù túng như thế
này e rằng…
Nhân bỏ
lửng câu nói, nhưng ý của nó thì Phong đã biết và mọi người đều biết. Chuyện
Nhân và duy xích mích về tiền bạc gì đó với bà chủ nhà, thêm vào là chứng bệnh
của Phong làm cho không khí trở nên căng thẳng hơn.
***
Mưa, dạo này
Sài Gòn mưa lớn quá, Phong thích đi trong mưa, thói quen này nó thừa hưởng của
mẹ từ lúc nhỏ xíu ở Bạc Liêu. Những buổi sáng đi thăm đồng, nó chạy loăng quăng
sau lưng mẹ để mặc cho nước mưa bắn vào người.
Rồi huyện
chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm, những biển lúa xanh rì rào giờ lưa thưa cỏ
năng, người ta đào nương bao quanh ruộng, rồi xả nước sông vào cho tôm cua sinh
sống.
Ba mẹ nó
cũng làm vuông nuôi tôm, công việc chỉ bận rộn vào những ngày rằm và cuối
tháng, lúc đó cả nhà lại cùng thức đêm để ra đầu mương xả nước ra sông để bắt
tôm. Mỗi sáng mẹ lại dậy sớm ôm thùng và cân ra chợ bán. Hễ hôm nào trời mưa là
nó lại lạch bạch theo mẹ bám ngón chân xuống con đường nhầy nhụa, trơn trượt
sình đất. Đi không quen nên lâu lâu nó lại bật té chổng vó lên trời, về nhà mẹ
cứ chọc quê nó hôm nay chụp được mấy con ếch bự chảng.
Con đường
qua ngã tư bốn xã nối giữa Bình Chánh và Tân Phú làm bằng đất đỏ nên hễ trời
mưa xuống là trở thành vũng lầy đỏ au. Bánh xe dính chặt sình đất nên không thể
đi được, nó phải dắt bộ. Để cho đất đỏ nhão nhẹt ôm lấy chân, nó treo dép lên
ghi đông xe, rồi bám ngón chân xuống mặt đường đầy sỏi đá.
Phong cứ đi
mải miết và vô hướng, được một đoạn thì gặp đường Bình Long, con đường đã được
tẩy rửa trong mưa nên sáng màu đá và nhựa, nó chợt lẩm nhẩm: “Con đường này sẽ
đến lò thiêu Bình Hưng Hoà, không biết còn bao xa nữa."
Phong dắt
xe xuống một hồ nước rộng nằm ngay ngã ba, để cho sình đất tan ra trong nước,
nó rửa tay chân rồi chậm chạp đạp xe qua cầu Trắng một đoạn thì mưa tạnh.
Sau cơn mưa
trời đất trong lành và mát mẻ, Phong bắt đầu thấy lạnh, cảm giác sờ sợ len lên
trong lòng khi thấy thấp thóang vài nấm mộ trắng toát nằm dọc bên đường. Cố đè
nén cảm giác, nó cho xe chạy chầm chậm qua khu nghĩa địa, những ngôi mồ nằm san
sát nhau chạy dài dưới tán bạch đằng và tràm xanh thẳm…
“Mày nên
viết lách gì đi Phong ạ, tao thấy thơ mày hay chẳng kém gì Hàn Mặc Tử đâu!”. Nó
chợt rùng mình, một cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng, Minh đã làm tim nó
thổn thức, tại sao Minh lại nhắc đến thi sĩ yểu mệnh ấy, phải chăng mình cũng đang rơi vào
nỗi tuyệt vọng vì bệnh tật như anh: “Trời ơi! tại sao lại là tôi chứ”.
Nó đau đớn
nhủ thầm: “Hè này mày không về quê được đâu, bệnh này dễ lây lắm, gia đình mày
sẽ ra sao, dư luận ở quê oan nghiệt và khắt khe lắm”. Giọng thằng Tuấn chùng
xuống:
- Còn tụi tao nữa, biết rằng mày đâu
muốn mang chứng bệnh ấy và mày đâu muốn lây cho tụi tao nhưng lo xa là tốt hơn
Phong à.
Thằng Nhân
nhìn nó đồng cảm. Nó chau mày nghĩ ngợi.
- Hai tháng hè, không được về quê làm
sao chịu nổi, mình biết tìm việc gì làm giữa thành phố xô bồ này đây.
Gió lao xao
trên những tán lá, vài chiếc lá vàng đu đưa xoay theo gió rồi vương vãi trên
những nấm mồ, đầu óc nó mênh mông, trống trải. Chiều đang tắt trên những ngọn
cây, bóng tối nhập nhoạng bao phủ lên khu nghĩa địa lạnh lẽo, thấp thoáng xa xa
những mái nhà ẩn khuất sau những tán cây với ánh điện vàng le lói, nó chợt giật
bắn người khi thấy dãy lò thiêu tồi tàn u ám.
Không cản
được bước chân nó dắt xe tiến gần đến khu nhà ấy, trống ngực nó đập lên thình
thịch. Được một đoạn, thì Phong dừng lại, linh tính mách bảo là nó phải ra khỏi
chỗ này, có lẽ nó sợ chết. Do quá căng thẳng nên người nó run lên bần bật. Nó
cảm thấy khó thở, ngực đau nhói, rồi ho sặc sụa, vài giọt máu đang trào ra khỏi
miệng.
Giọng nó
thều thào nghèn nghẹn: “Tại sao lại là tôi, tại sao phải là tôi, trời ơi tôi
mắc bệnh lao, tại sao, tại sao…”. Nó mệt mỏi ngả người xuống mặt cỏ, ngửa mặt
nhìn trăng đang chênh chếch hiện dần trên những đám lá sum suê, thời gian chầm
chậm trôi qua, lặng lẽ, tĩnh mịch. “Về, phải về thôi, còn phải chuẩn bị dọn
phòng, rồi mai lên Trung tâm lao phổi nhận thuốc nữa”.
Phong chầm
chậm đạp xe dưới ánh đèn neon vàng võ, bóng xe đổ dần trên mặt đường, kéo lê
thê bất tận. Giáo xứ Tân Hương uy nghi sừng sững hiện ra trước mặt, nó định
bụng dừng xe lại, nhưng chân cứ đạp mãi, bây giờ trong lòng nó không còn niềm
tin nào nữa, tất cả đã sụp đổ, vỡ vụn….
***
Vào đến trung tâm thành phố, nó cho xe chạy loanh quanh qua những dãy phố sáng đèn rực
rỡ, Sài Gòn phồn hoa và nhộn nhịp quá. Đứng bên bến Bạch Đằng, gió mát rượi se
vào da mặt.
Nó cảm thấy
mình thừa thãi, vội quay xe ra đường Tôn Đức Thắng rồi vòng qua đường Đinh Tiên
Hoàng. Trường Nhân văn hiện ra trước mắt. Nó dừng xe bên lề đường, rồi dõi mắt
vào sân trường, cảnh vật về đêm thật hoang vắng giống như sự trống vắng cô đơn
đang cuộn lên trong lòng nó.
***
- Phong về đó hả, nói mấy đứa ngày
mai gởi tiền nhà cho cô, trễ cả tuần rồi còn gì.
Giọng bà
chủ nhà the thé vang lên khi nó vừa dựng xe trước cửa, nó thờ ơ gật đầu cho qua
rồi trèo cầu thang lên phòng trọ.
Minh cũng
vừa về, lại nghe giọng bà chủ lào xào phía dưới, thằng Minh cười hì hì rồi lao
vội lên phòng, vừa vào đến cửa thì thằng Nhân lên tiếng
- Tìm phòng mới ra sao rồi?
- Ngày mai tụi mình cùng đến xem, nhà
biệt lập, hơi nhỏ nhưng 5 đứa ở rộng chán.
Thằng Minh
hồ hởi nói rồi đưa tay lên quệt mồ hôi trên trán.
Nhân ngập
ngừng, nói:
- Mai tao dọn đến với tụi thằng Điền,
chắc bốn đứa đến đó ở đi.
- Tao cũng không ở đâu, có lẽ tao sẽ
về nhà chú ở Phú Nhuận thôi.
Thằng Tuấn
nói nhanh như sợ người khác chen vào.
- Minh với
Phong tìm phòng đi, Duy không ở chung đâu.
Phong chết lặng người nhìn ba đứa
bạn, rồi thở dài nhủ thầm: “Chắc tụi nó sợ mình lây bệnh, giờ phải tính sao
đây”.
Nó đưa mắt nhìn thấy Minh cũng đang
há hốc miệng chưng hửng, nó hỏi chậm rãi:
- Minh tính sao.
- Hai đứa ở thì giá hơi cao, để tao
hỏi chủ nhà bớt lại cho chút đỉnh coi sao.
Minh lắc
đầu nhìn nó.
***
Đêm, căn phòng
thật ngột ngạt, mọi người đều trằn trọc. Đêm nay còn nằm chung nhưng ngày mai
sẽ ra sao…
Nó mở mắt
nhìn khoảng không gian tối đen, như nỗi đau đang đè nặng trong người nó, đưa
tay chạm vào người thằng Minh, nó định nói gì nhưng lại thôi.
Khuya,
trăng mờ mờ, nhạt nhạt, lung linh ngoài lan can, gió nhè nhẹ lướt qua cửa sổ
làm cho tấm rèm cửa lắc lư. Nó vực dậy, bước ra hành lang, ngồi bệt xuống thềm,
lật cuốn tập đang viết dở.
Nó cầm bút
nắn nót. “Mẹ ơi! thằng Minh tốt với con lắm nhưng con sợ sẽ lây bệnh cho nó,
chắc ngày mai con dọn về bên quận 6 ở, hơi xa trường một chút nhưng con sẽ cố
gắng. Ước gì bây giờ con được về bên vòng tay mẹ, mẹ ơi…”
T.B.N (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét