Cây bút trẻ Lê Quang Trạng
Tôi bỏ cái xứ này đã ba mươi năm. Nhiều lần nghe
tin em gái tôi sanh hay nhà có đám tiệc, tôi bình thản nhếch môi rồi cho qua. Kể
như tôi không còn biết gì về đứa em gái đó. Có người lặn lội đi tìm đứa em thất
lạc mấy chục năm vẫn không được. Còn tôi, có đứa em sờ sờ mà tôi bỏ nó, tôi bỏ
cả cái xứ mà tôi yêu biết là bao nhiêu nữa chứ… Tự tôi đi chứ có ai đuổi xô
đâu, nhưng đi vậy mới thật là đau, đau suốt cả cuộc đời…
Tía má tôi lấy nhau mấy năm mà không sanh được đứa
con nào. Một bữa mưa to, tía tôi lượm được đứa trẻ độ ba bốn tháng nằm ở trước
gian nhà. Không biết con cái nhà ai mà đem trả. Má tôi nhìn thằng bé kháu khỉnh,
bà cũng ham con nên bàn với tía tôi nuôi đứa bé. Mười hai năm sau, má sanh tôi
rồi sau đó sanh thêm đứa em gái nữa. Tôi và nhỏ em gái cách nhau bốn tuổi. Hồi
có chửa nó má tẩm bổ đủ thứ. Nghe ai chỉ cái gì tốt, cái gì ngon là má ăn. Vậy
mà số phận trớ trêu. Tía tôi đột ngột bị tai biến qua đời trước khi má tôi sanh
mấy bữa. Chắc buồn đau quá nên má tôi sanh sớm, con nhỏ sanh ra yếu xìu. Sanh
nó xong mặt má tôi nổi lên những vết chì đau đớn. Vậy mà má vui. Không biết tại
con nhỏ tuổi mèo - má tôi tuổi chuột hay sao mà sanh nó xong má đâm ra bệnh
lao. Bà mất sau đó mấy năm. Dù gì thì bà cũng kịp nuôi nó đủ lớn để đến khi bà
ra đi thì ba mươi năm sau nó vẫn còn nhớ hình ảnh má.
Má mất. Ba anh em tôi sống chung với ông bà nội.
Hàng ngày bà nội đi hái rau, tỉa bắp; ông nội và anh hai đi tận đồng Cái Dầu đặt
lợp. Tôi ở nhà trông em. Cảnh lúc ấy khốn khó mà vui. Hoàn cảnh gia đình cực khổ
nhưng bù lại thiên nhiên rộng bụng nên chúng tôi vẫn có cơm cá qua ngày. Đồ
chơi của anh em tôi là những cây gòn, được ông nội đục đẽo thành những chiếc
ghe cỡ cùm tay. Nhỏ em tôi từ nhỏ đã mang danh “Chúa quậy”. Nó là con gái mà dám
đánh một lượt mấy thằng con trai cùng tuổi. Chiều về người ta dắt con qua mét
ông nội, tôi chun xuống sàn chõng trốn còn nó thì đứng ngây ra đó nghinh
ngang: “Ai biểu nó đánh anh ba con thì con đánh nó lại!”
Nó là vậy nhưng tôi không cưng nó như anh hai
tôi. Anh hai lớn hơn tôi nên anh thấm thía nỗi đau mất mẹ. Anh thương nó là con
gái mà bị mất mẹ thì khổ còn gì bằng. Nó được nước nên chỉ dám ăn hiếp anh hai
tôi. Nó biết tôi lỳ trước nó nên chắc vậy mà ít khi đánh trống trên lưng tôi
như nó đã từng đánh anh hai.
Anh hai vừa đi học vừa đi làm thuê làm mướn cùng
ông bà nội nuôi anh em tôi ăn học. Anh tôi biết cái giá phải trả trả của sự dốt
nát như thế nào nên dù cực khổ đến mấy anh cũng bắt tôi và em tôi đi học. Tôi
thi vào trường sư phạm ra dạy ở một xã nghèo tận trong Xà Tón. Nhỏ em tôi mười
tám tuổi. Trổ mã đẹp nhất xứ. Nó xuống Long Xuyên học. Năm nào cũng lãnh thưởng
mang về. Vậy mà hè năm nay nó ở biệt dưới đó. Tôi nghe bạn bè cùng trang lứa nó
nói là nó đang quen một thằng công tử nhà giàu ở dưới Long Xuyên. Hôm bữa nó dắt
anh ta về nhà, tôi chưng hửng. Chẳng phải đây là thằng Nghi từng học chung với
tôi, rồi nghĩ học ra làm đàn anh ở ngã ba Xa Bổn hay sao? Tôi không sợ nó là kẻ
giang hồ vì những kẻ giang hồ đâu phải hết tất cả họ là người máu lạnh. Nếu thật
sự thằng Nghi cải tà quy chánh, hiền lành đòi cưới em tôi thì tôi vẫn sẵn lòng
đồng ý. Nhưng đằng này, nó là một thằng có cha có mẹ nhưng chẳng xem cha mẹ ra
gì. Một thằng từng sống những ngày cực khổ với anh em, san sẻ từng miếng cơm
manh áo trong mái trường sư phạm. Vậy mà giờ bỏ anh em ra làm giang hồ. Rồi chận
đường bạn mình cướp từng đồng bạc làm trò vui. Hay trả đũa những chuyện cá nhân
nhỏ nhoi mà nó để bụng. Một kẻ như nó tôi thấy nó thật là bất nhân và đê tiện.
Mấy ông hàng xóm gặp tôi, lại nói:
- Sao
bây để em bây quen cái thằng thú vật đó. Ở nhà nó có xem cha mẹ nó ra gì đâu.
Nó là thằng đểu với biết bao đứa con gái xứ mình bây không biết sao?
Tôi cười mà lòng nghe đau nhói.
Ngay
từ đầu, Nghi đã biết tôi không ưa nó. Tôi cũng thừa biết mục đích nó đến nhà
tôi để làm gì. Khoảng hai năm sau, em tôi ra trường về dạy ở gần nhà. Một buổi
chiều, nó nói với tôi:
- Tháng
sau em và anh Nghi đám cưới. Mọi chuyện bên nhà ảnh đã lo xong hết rồi. Đám cưới
xong tụi em ở đây. Anh với anh hai coi lấy vợ lẹ đi để rồi còn ra riêng ở nữa.
- Em
nói ngộ vậy. Có chồng thì theo chồng. Nhà này tía má để lại cho con là để đứa
nào nghèo thì ở. Anh hai bệnh hoạn đau yếu. Đáng lẽ phải nhường cho ảnh chứ. Ảnh
nuôi anh em mình ăn học, ảnh hy sinh cho mình nhiều lắm rồi. Bây giờ đến lúc
mình đáp trả.
- Anh
nói anh hai hy sinh cái gì chứ? Ảnh là con nuôi. Là thứ bớ dơ. Của cải tía má để
lại đâu thể chia cho ảnh được. Còn nuôi mình đi học hả? Em đâu có kêu ảnh nuôi.
Tại ảnh tự nguyện mà…
Tôi
nghe nó nói mà lòng thắt lại. Tôi nhìn lên bàn thờ ông bà nội và má. Má ơi! Má
có cười tươi thật sự không hay má chỉ cười để người ta chụp hình má vậy. Má ơi!
Tôi kể anh nghe sự tình. Mắt anh hình như ướt đẫm
nước mắt hay là máu, trong đêm tôi cũng không nhìn ra rõ. Thôi thì tôi cũng phải
ra đi. Tôi thu xếp mấy bộ quần áo ra đi. Tôi biết đi đâu bây giờ… Rồi cuối cùng
cũng có chỗ để đến mà thôi…
Sau khi cưới nhau mấy năm. thằng Nghi sinh ra tật
xấu. Nó lấy nhà tôi làm một cái ca - si - nô thu nhỏ. Tôi không hiểu sao anh
hai lại không nói gì với vợ chồng nhỏ em tôi. Nghi bị công an bắt và ra tù sau
đó mấy năm. Về nhà, hình như nó tỏ ra bực bội với anh hai. Anh hai tôi mang vết thương trên mình suốt mấy
mươi năm cuối đời. Hình như nhỏ em tôi cũng muốn anh hai “ngoan” như tôi mà ra
đi. Đất đai ông bà nội để lại, vàng của má gửi cho dì… Nếu anh hai và tôi ở lại
đây, chẳng phải nó phải chia phần hay sao. Bởi vậy nó nói khéo để anh em tôi ra
đi là điều đương nhiên. Anh hai thương nó, anh hai biết rõ con người thằng Nghi
như thế nào nên quyến luyến ở lại với nó nhưng giờ nó nói nhà này là nhà của
nó. Nó đuổi ra mặt:
- Anh
có công lao trong ngôi nhà này hả? Anh tưởng anh hy sinh cho gia đình này hả? Ừ,
anh có mất mát gì không mà anh nói là anh hy sinh rồi giờ anh kể công? Tui đâu
có kêu anh thương tôi hồi nào đâu? Hồi đó anh ghét tui lắm nên anh xúi má uống
thuốc độc để sanh tôi sớm. May mà tôi không chết… Ác gì mà ác dữ vậy trời!
Anh tôi trước giờ là người nhường nhịn mấy đứa
em. Anh không trả lời nó mà anh chỉ ngồi im lặng. Anh có khóc không mà bầu trời
trong mắt anh sao mờ mịt quá. Cuối cùng, anh vay mượn bà con, mua một mảnh đất
kế nhà và cất một ngôi nhà nhỏ. Anh cũng có vợ có con sau đó ít năm. Tôi đọc mấy
tờ báo cũ thấy anh đăng tin tìm tôi. Những tôi không bao giờ về nơi mà người ta
đuổi xô tôi đâu anh hai!
Thằng Nghi bán hết đất đai đi cờ bạc, nó bỏ nhỏ
em tôi và bầy con nheo nhóc. Một con người dám đem cha mẹ lên cán cân cân xem
ai nặng tiền hơn thì theo và không nhìn mặt người còn lại như thằng Nghi thì nhỏ
em tôi đối với nó có nghĩa lý gì. Nhỏ em tôi thừa biết vết thương trên bụng anh
hai là do thằng Nghi đâm trong những ngày nó nghi anh báo với công an về phi vụ
kinh doanh của nó. Nó cũng thừa biết tại sao bà nội tôi đột ngột lên máu qua đời
khi nghe tin thằng Nghi là dân anh chị. Nó biết hết đó chứ. Nhưng “khi yêu người
ta cần phải tha thứ cho nhau” – Nó nói thế. Giờ chồng nó ôm tiền bỏ nó. Căn nhà
hạnh phúc ngày nào giờ nheo nhóc bầy con mặt mũi lem luốc. Nó tay trắng hết rồi…
Mấy năm sau này tôi có hỏi thăm số điện thoại
anh chị hai. Tôi vẫn thường gọi về mỗi lúc rảnh rỗi. Anh hai mừng vì tôi còn có
thể đi dạy, làm mấy công ruộng, không đến nỗi đói chết. Nhưng mỗi khi nói chuyện
với anh chị hai, tôi đâm ra giận anh hai khi nghe anh kể lúc nhỏ em tôi bị chồng
bỏ, anh hai đã rút tiền lương hưu để nuôi nó. Tôi giận chị hai sao mà hiền quá
đỗi. Tôi giận anh chị và cả con nhỏ em tôi nên tôi bỏ xứ ra đi mà có ai biết
hay không?
Anh hai sáu mươi mốt tuổi, vết thương trên mình
anh lâu nay im lìm giờ tái phát. Bữa đám giỗ má, anh hai chợt khóc mếu máo. Chị
hai hoảng hốt gọi điện báo hung tin cho tôi hay. Tôi tức tốc về kịp lúc anh hai
hấp hối. Anh nắm lấy tay tôi và tay nhỏ em tôi, siết chặt lại đặt vào giữa ngực.
Anh nói từng chữ một nghe như hơi gió nhưng nó đi sâu vào tới lồng ngực tôi: “Đừng
- giận - nhau - nữa - để - anh - nhẹ -
nhàng…”. Tôi không nói gì cả. Nhỏ em tôi khóc sướt mướt. Con người như nó khóc
lúc nào mà chả được. Nó nhìn tôi kêu: “Anh ba! Đừng giận em nữa nha anh ba. Em
biết em sai rồi anh ba ơi!”. Tôi không trả lời… Mãi đến khi anh tôi hít vào hơi
thở, tôi mới lên tiếng “Ừ!”. Và tôi thấy lúc hơi thở cuối cùng của anh trả về
trần thế đầy bụi bặm này thì anh đã cười thật tươi khi kịp nghe tiếng “Ừ!” của
tôi. Nụ cười của anh không chỉ là niềm vui mà còn là một sự tha thứ. Hồi nhỏ,
tôi vẫn thường thấy anh tôi cười như thế. Nhưng đến lúc này, tôi mới hiểu nụ cười
của anh cũng như một sự cho đi không cần nhận lại. Dường như người ta vẫn còn
có thể thương yêu dẫu kết quả điều đó mang lại là một sự phũ phàng đau đớn...
Mỹ Luông, 11h35’ ngày
06. 05. 2013
L.Q.T (An Giang)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét