Mỗi người đều có những quan niệm khác nhau về tình yêu và cuộc sống gia đình. Thông thường số đông người có nhận định rằng: giận, hờn, ghen, cũng chính là chất xúc tác làm dậy men tình, ủ hương thơm cho hạnh phúc thăng hoa. Quan trọng là giận hờn như thế nào? Và ghen ra sao để gọi là đủ dậy men? Thì mỗi người lại có độ dung sai khác nhau. Bạn bè trong lúc cà phê tán chuyện gẫu thường hay có chung nhận định như vậy. Hầu như ai cũng nói gia đình có cuộc sống bình yên là tổ ấm hạnh phúc, chủ gia đình ấy hẳn là người hạnh phúc!
Vậy mà hôm nay người viết đọc được một bài thơ, dẫn đến sự dao động về suy nghĩ. Liệu có phải cứ “gia đình có cuộc sống bình yên” là tổ ấm hạnh phúc? Đọc đi đọc lại. Sau khi tìm ra câu trả lời cho riêng mình về vấn đề vừa thắc mắc, người viết muốn chia sẻ suy nghĩ này và mong bạn đọc cùng đọc bài thơ:
Một Kiểu Chết
Bản nhạc này anh viết cho cô nào?
Vợ tôi hỏi kèm theo vài giọt lệ
Và như thế, tôi gom nhạc xé!
Những khúc tình ca tha thiết hồn nhiên
Bài thơ này anh bóng gió xỏ xiên
Sau cánh hoa ai là con rắn nấp?
Và như thế tôi gom thơ đốt
Những bài thơ từng cứu tôi khỏi điên
Gia đình tôi bắt đầu cuộc sống bình yên
Riêng hồn tôi lần lần vào cõi chết (Đinh Trầm Ca)
Với mười câu thơ tự do, được viết bằng ngôn ngữ bình dị chuyên chở những ý thơ sâu nặng. Qua đó thi nhạc sĩ Đinh Trầm Ca muốn gửi gắm thông điệp về cuộc sống, cùng với tâm tư, tình cảm, cũng như trách nhiệm của người trụ cột gia đình có tâm hồn thi nhạc sĩ.
Một Kiểu Chết là cảm xúc thơ ca? Hay là cảm xúc thật ông đã phải trải qua, xin để ngõ câu trả lời này! Chỉ biết tác giả Đinh Trầm Ca (hay Đynh Trầm Ca) vừa là một nhạc sĩ cũng là một thi sĩ. Người viết biết đến ông là nhạc sĩ với hơn 80 ca khúc tiêu biểu là bản nhạc Ru Con Tình Cũ, Lý Chiều Chiều… Sau năm 75 ông viết nhạc nhiều bản ký tên Mã Thu Giang. Bút danh đó cũng chính là tên người vợ đã đồng hành cùng ông, trong suốt cuộc đời nhiều thăng trầm của nhà giáo, nhà thơ, nhạc sĩ, chủ quán cà phê, người xứ Quảng - Đinh Trầm Ca.
Thi nhạc sĩ Đinh Trầm Ca đến với thơ từ những năm 60 của thế kỷ trước và sau đó học nhạc và trở thành nhạc sĩ trước năm 1975
Xin dông dài một chút về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của thi nhạc sĩ Đinh Trầm Ca để hiểu rõ hơn về Một Kiểu Chết. Bởi trong Một Kiểu Chết có thơ, có nhạc gắn bó với con người và cuộc sống của chủ thể trữ tình Tôi.
Một Kiểu Chết được bắt đầu từ một câu hỏi rất nhẹ nhàng nhưng thật khó cho người được hỏi:
Bản nhạc này anh viết cho cô nào?
Vợ tôi hỏi kèm theo vài giọt lệ
Và như thế, tôi gom nhạc xé!
Những khúc tình ca tha thiết hồn nhiên
Với bốn câu thơ kèm theo một câu hỏi đã diễn tả trọn vẹn một cuộc lục vấn không êm ả giữa hai vợ chồng nhân vật chữ tình Tôi, của nhà thơ Đinh Trầm Ca. Với hành động “Gom nhạc xé” người chồng trả lời cho câu hỏi của vợ. Chỉ ba từ “và như thế” người đọc đã vỡ ra kết cục của cuộc lục vấn này.
Thật tình người viết bài này và có lẽ cũng có nhiều bạn đọc rất khó tin được khi chỉ nghe một câu hỏi, kèm theo vài giọt lệ, thứ vũ khí đắt giá của phụ nữ. Mà nhạc sĩ Tôi đã phải “gom nhạc xé”. Nào phải Tôi viết cho cô này, cô kia cho cam. Xé những bản tình ca mà nhạc sĩ Tôi gọi là “Tha thiết hồn nhiên”. Tôi trong Một Kiểu Chết đã viết “những khúc tình ca tha thiết hồn nhiên” như thế nào? Người viết bài này chưa được diện kiến. Nhưng nhạc sĩ Đinh Trầm Ca thì đã nổi danh với bản nhạc Ru Con Tình Cũ có những ca từ như:
Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình đầu.
Xin một đời tiếc thương nhau
Xin một đời ngủ yên dĩ vãng…
Hay như ca từ:
Chiều chiều ra đứng tây lầu tây, tây lầu tây
Thấy cô tang tình gánh nước
Tưới cây tưới cây ngô đồng
Xui ai xui trong lòng, trong lòng tôi thương
Thương cô tưới cây ngô đồng. (Lý Chiều Chiều)
Hoặc trong Trăng Hờn Tủi có đoạn:
Đêm sáng trăng anh đi dọc bờ sông, anh đi dọc miền thương, nhìn trăng trên nước nổi… buồn thương quá đỗi từ khi em lấy chồng… Anh cô quạnh tình yêu về đâu con nước hỡi. Làm sao nhắn gởi lòng em gió thổi. Buồn ơi sao là buồn (Trăng Hờn Tủi).
Và trong số hơn tám mươi ca khúc ấy còn biết bao nhiêu ca từ nữa, chở nỗi da diết nhớ thương người xưa… Nếu nhạc sĩ Đinh Trầm Ca bị vợ hỏi “viết cho cô nào?” thì có lẽ ông đã trả lời là chỉ viết cho Người cũ, Hay chỉ là “thương cô tưới cây ngô đồng” hoặc giả “Trăng hờn tủi” chứ không phải anh! Nhưng chắc chắn đó không thể là “những bản tình ca hồn nhiên” dù nó có giai điệu tha thiết thật.
Viết đến đây người viết bỗng nhớ tới lời cám ơn của nhạc sĩ Từ Công Phụng tác giả của những bản nhạc tình day dứt… Ông đã nói: “Cám ơn những người tình đã đi qua đời tôi” trước khi cám ơn người vợ đầu ấp tay gối của mình. Bởi theo ông nhờ những mối tình ấy ông mới có cảm xúc để viết nên những bản nhạc của mình…
Hay như vợ của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, người có những bản nhạc tình vượt thời gian đã nói:
“Ông lãng mạn, đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được những bài hát hay thế. Ông muốn “ngang” thì “ngang”, muốn “dọc” thì “dọc”, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế, gia đình, con cái... Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên - sao ông tài thế?... Mỗi bài hát là một mối tình đi qua đời ông. Ông chỉ viết một bài cho tôi...”.
Hình như số đông các nhạc sĩ là như vậy, họ có lãng mạn đa tình họ mới viết được những bản nhạc tình đi vào lòng người nghe. Suy ra ở đây nhân vật chữ tình Tôi của nhà thơ Đinh Trầm Ca bị vợ lục vấn hẳn phải có lý do, nên sau khi vợ chất vấn và kèm theo vài giọt lệ nhạc sĩ Tôi đã “gom nhạc xé”.
Là nhạc sĩ mà phải gom những đứa con tinh thần xé đi vứt bỏ, hẳn nhạc sĩ Tôi đã rất đau đớn trong lòng. Nhưng trách nhiệm làm chồng, cùng hạnh phúc gia đình đã được nhạc sĩ Tôi đặt lên trên tất cả. Âu đó cũng là bản lĩnh của đấng trượng phu ở đời khó kiếm, và không phải cũng ai làm được như vậy.
Xin trở lại với Một Kiểu Chết của nhà thơ Đinh Trầm Ca cùng số phận những bài thơ của nhà thơ Tôi:
Bài thơ này anh bóng gió xỏ xiên
Sau cánh hoa ai là con rắn nấp?
Và như thế tôi gom thơ đốt
Những bài thơ từng cứu tôi khỏi điên
Không nhẹ nhàng như câu hỏi về những bản nhạc nữa. Giờ đây người vợ đã chất vấn thẳng vào vấn đề với câu hỏi “Ai là con rắn nấp?” sau những cánh hoa cùng những lời “bóng gió xỏ xiên” của thi sĩ Tôi. Nước mắt cùng câu hỏi nhẹ nhàng nhạc sĩ Tôi cũng đã xé. Giờ thì câu hỏi khó hơn, nặng nhẹ hơn và không cần đến nước mắt nữa, thi sĩ Tôi của nhà thơ Đinh Trầm Ca đã “Gom thơ đốt”. Xé còn nhìn thấy mảnh giấy tồn tại, nhưng hành động “đốt” khi đi sau ba từ “Và như thế…”. Dù “những bài thơ từng cứu tôi khỏi điên”. Thì số phận những bài thơ ấy đã thành tro.Thi sĩ Tôi đã viết những vần thơ như thế nào? Để cho người vợ khi đọc phải nổi cơn thịnh nộ thì tác giả không nói và bản thân người viết bài này cũng chưa từng biết.
Nhưng người viết thì đã được đọc, những vần thơ của nhà thơ Đinh Trầm Ca, viết từ những năm 1960 và trong những năm tháng khốn cùng của cuộc đời ông. Ấy là sau 75 ông từ một giảng viên đại học trở về quê Quảng Nam làm ruộng. Công việc cày cuốc vốn không quen với một thi sĩ, nhạc sĩ như ông. Sáu năm trụ lại nơi quê cha đât tổ, nhưng cuối cùng ông phải tha phương cầu thực khắp vùng miền tây sông nước.Tới năm 2004 mới hồi quê và trở thành ông chủ quán cà phê Thạch Trúc Viên. Những năm phiêu bạt đất khách quê người, bên cạnh những bản nhạc nhiều bản ông ký với bút danh Mã Thu Giang là những bài thơ. Có thể đơn cử như:
Đêm nằm đất ƙhách quê người mà thương.
Mà thương con chim nhạn nhạc bầу ƙêu sương
Ʀɑу rứt cɑnh trường đâu người уêu mến tâm tình.
Đâu làng quê nắng thɑnh bình người ơi.
Ļàm sɑo tɑ ngăn được lệ sầu chứɑ chɑn.
Ƭhôi đã xɑ rồi mối tình thɑ thiết trong đời.(Đất Khách Quê Người)
Hay như bài Thu Xưa:
Tôi về vườn cũ ngày mưa
Ngu ngơ không biết đời trưa hay chiều
Từ ngày lạc dấu hương yêu
Tôi đi về phía quạnh hiu đất trời
………….
Tiếng em cười tự thu nào
Mà nghe rúc rích bên rào giậu thưa
Em gọi tôi ở ngoài mưa
Hay cơn gió lạnh nào vừa qua sông (Thu xưa)
Hay như khổ thơ sau:
Em khua chi những bước chân
Trái tim tôi rụng và lăn trên đường
Gót son ơi, cứ bình thường
Tặng cho tôi một vết thương ban đầu
Tôi thề tôi ráng chịu đau
Mai em cảm động và khâu lại giùm
Nếu vô tình cứ tung tăng
Trái tim trầy trụa vẫn lăn theo hoài !(Bên Đường Xin Một Vết Thương).
Còn nhiều lắm thơ tình Đinh Trầm Ca. Duy chỉ có một lần có lẽ đã ngà ngà say nên ông đã để gió xé thơ, chứ không phải bị vợ chất vấn mà xé như thi sĩ Tôi của ông:
Gió xé thơ phiêu bồng
Ta xé lòng tri ngộ
Tặng nhau hạt máu hồng (Qua Sông Uống Rượu).
Nhà thơ Đinh Trầm Ca khi viết những vần thơ tình ấy cho ai, hoặc lấy cảm xúc từ đâu chắc hẳn chỉ mình ông biết. Nhưng khi lỡ bị vợ chất vấn hẳn ông đã có cách giải thích của mình để vợ yên lòng, giả như mượn lời thơ của nhà thơ Luân Hoán chẳng hạn:
Yêu em ta làm thơ
Yêu em ta rộng lượng
Thơ thì thường vu vơ
Nhiều khi toàn tưởng tượng ( Luân Hoán).
Trở lại nhân vật trữ tình Tôi của nhà thơ Đinh Trầm Ca. Khi bị vợ cật vấn dồn dập có nguy cơ bùng nổ chiến tranh "Ai là con rắn nấp?” hẳn khó có lời giải thích nào thỏa đáng cho vợ của Tôi. Thật đau lòng và chẳng ai muốn nhưng Tôi cũng đành “gom thơ xé”. Dù thâm tâm Tôi biết những vần thơ ấy đã một thời “cứu tôi khỏi bị điên”.
Yêu thơ làm thơ gửi gắm tâm hồn cảm xúc vào từng câu chữ, thơ bay bổng với bạn đọc. Thích nhạc nhạc sĩ Tôi đã viết nhạc gửi lòng mình, gửi tâm tình vào những giai điệu trầm bổng, ngỡ đâu chẳng có hạnh phúc nào hơn thế nữa. Thế rồi đời cũng chả ai học hết chữ ngờ. Khi viết thi sĩ, nhạc sĩ Tôi cứ tưởng vần thơ, nốt nhạc vô hại. Cho đến một ngày bị vợ lục vấn? rồi có lẽ không thể giải thích hoặc giả có giải thích mà không thỏa đáng… Thi nhạc sĩ Tôi đã phải “gom nhạc đốt” và “gom thơ xé”. Sau hai hành động ấy ta gặp hai câu thơ kết
Gia đình tôi bắt đầu cuộc sống bình yên
Riêng hồn tôi lần lần vào cõi chết
Thật đau đớn và xót xa cho thi nhạc sĩ Tôi trong Một Kiểu Chết. Ngỡ đâu đã bỏ hết hòng đánh đổi sự ấm êm trong gia đình. Thi nhạc sĩ Tôi là trụ cột, là chỗ dựa cho tổ ấm của mình. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở “Gia đình tôi bắt đầu cuộc sống bình yên” và có lẽ người vợ đã thỏa mãn khi thấy những bản nhạc “Viết cho cô nào?” và những bài thơ “Bóng gió xỏ xiên” có những “Con rắn nấp” “sau những cánh hoa” đã được xé bỏ và đốt cháy. Chị thôi không còn chất vấn hỏi han chồng chị và cũng chính là chủ thể trữ tình Tôi của thi nhạc sĩ Đinh Trầm Ca.Tổ ấm của thi nhạc sĩ Tôi và chị đã yên bình không còn xào xáo nữa.Trách nhiệm làm chồng làm trụ cột gia đình thi nhạc sĩ Tôi đã làm tròn.
Nhưng đó mới chỉ là phần xác phần hồn trách nhiệm của đấng trượng phu. Tâm hồn và trái tim nhạy cảm vốn làm nên những bản nhạc, bài thơ tha thiết thì lần lần đi vào cõi chết. Hai cung bậc trái ngược nhau được nhà thơ Đinh Trầm Ca đưa vào hai câu kết khiến nhức nhối lòng người yêu thơ, yêu nhạc. Thầm xót cho một tâm hồn nhạy cảm đã không tìm được một nửa đồng điệu với mình.
Viết tới đây người viết nhớ tới hai tâm hồn đồng điệu trong thơ đó là nhà thơ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết. Mới hay hạnh phúc như họ thật hiếm thay.
Còn nữa hai tâm hồn đồng điệu trong âm nhạc không thể không nhắc đến đó là cặp đôi được mệnh danh là tiếng hát với cung đàn, nữ danh ca Châu Hà và nhạc sĩ Văn Phụng. Họ cũng là một cặp đôi hoàn hảo hiếm thay
Hai cặp đôi hoàn hảo, hai tâm hồn đồng điệu ấy đại diện cho rất nhiều những nhạc sĩ nhà thơ may mắn đã tìm cho mình một nửa đồng điệu, cảm thông và thấu hiểu nhau. Bên cạnh đó có lẽ cũng không ít những nhạc sĩ, nhà thơ không may mắn phải hy sinh đi những sở thích cá nhân, vì không dung hòa được cùng người bạn đời của mình. Như nhân vật trữ tình Tôi trong bài thơ mà thi nhạc sĩ Đinh Trầm Ca gọi là Một Kiểu Chết. Vâng có lẽ đó cũng là một kiểu chết, chết dần, chết mòn, cái chết từ tâm hồn nhạy cảm phải kìm nén mà ra.
Sài Gòn, 1/9/2014
H.X.S
Xuân Sơn cám ơn Hương Quê Nhà đã đăng bài viết! Chúc Hương Quê hà và trang chủ luôn vui và hạnh phúc.
Trả lờiXóa