Một
làn nắng mỏng mảnh lọt qua kẽ vách. Tiếng chim hót ríu ran hoà lẫn tiếng còi xe
dồn dập lướt ngang. Những dấu hiệu bình minh. Một ngày mới bắt đầu. Nhưng tôi
không muốn ngồi dậy. Đầu nhức, mắt cay. Và, trái tim tôi vẫn còn thổn thức.
Đêm
qua, ba mẹ tôi lại cãi nhau. Không như bao lần trước, với những lý do tủn mủn,
vụn vặt như cái ca nước đặt bậy chỗ, đôi dép mỗi nơi một chiếc, dùng bút xong
quên đậy nắp… Lần nầy, lý do ba mẹ cãi nhau mới mẻ hơn nhưng cũng vô lý.
Cô
Thy ghé thăm ba mẹ tôi. Đó là một người đàn bà đẹp, hoạt bát và lãng mạn. Cô có
một mối tình lớn đã tan rã. Hiện thời, có dăm ba mối tình lẻ. Ba tôi rất ngưỡng
mộ cô. Họ chuyện trò rôm rả, vui vẻ cả giờ đồng hồ. Hết đề tài nầy sang đề tài
kia. Nào là bóng đá quốc tế, sân khấu hiện thời, vấn đề chánh trị nổi cộm ở Mỹ, tình hình báo chí nước ta… Tựu trung là
mỗi người muốn chứng tỏ mớ kiến thức rộng rãi, những thành công của mình. Khách
ra về, niềm vui cũng cuốn gói đi theo. Cả nhà lặng lẽ quanh mâm cơm tẻ nhạt.
Ba
bỗng nhận xét:
- Đàn
bà nhà người ta đã đẹp mà còn giỏi nữa!
Liếc thấy vợ sa sầm nét
mặt nhưng ông vẫn tiếp tục “cú đấm” khác:
- Nè
Trác, sau này chọn vợ mày phải lựa kỹ càng kẻo hối hận. Nếu vợ không đẹp thì cũng phải giàu và giỏi, nghe không!
Tôi rên thầm. Điệu này,
thế nào cũng có… chiến tranh. Không sai! Gương mặt mẹ tối sầm, bà dằn giọng:
- Muốn
vậy, con phải học cho thật giỏi. Một đứa con gái đẹp, giàu có, giỏi giang thì
chắc chắn không lựa một thằng con trai nghèo, bất tài đâu, con ơi!
Ba đùng đùng nổi giận:
- Chán
quá! Mở miệng là nói móc họng.
- Ai
làm anh chán? Không biết ai kiếm chuyện? Bộ anh tưởng tôi không chán sao?
Ba chồm tới, mắt trợn
trừng, vừa nhai ngấu nghiến vừa hét:
- Có
con vợ vừa xấu, vừa nghèo vừa chẳng có địa vị mà còn dở nữa. Không chán sao được.
Mẹ oà khóc:
- Tự
ông tìm tới tôi, chứ tôi đâu có bắt buộc ông cưới tôi.
- Tao
lầm mầy. Hồi đó, mầy đâu có… xấu. Tính tình lại hiền lành. Phải tao cưới được con khác, thì có lẽ cũng làm được ông
nầy, ông nọ.
Mẹ giận dữ gào lên:
- Tôi
tàn tạ, thay đổi tính tình là vì sống gần ông. Ông đã biến tôi thành một con người khác. Môi trường xấu thì con người cũng bị
ảnh hưởng. Tôi giữ vững được nếp nhà như thế nầy cũng tốt lắm rồi.
- Nhưng
lấy mầy, bước tiến của tao bị chặn đứng.
Mẹ bĩu môi:
- Muốn
có địa vị trong xã hội thì phải học tập, phấn đấu không ngừng, tích cực làm việc. Không ngờ, ông chỉ muốn làm một loại
chùm gửi bám vào vợ. Đó, ông muốn đi lấy ai thì đi!
Chỉ vào tôi, ba run
giọng:
- Nếu
không có nó, tao thôi mầy từ lâu rồi.
Mẹ tức tối:
- Tôi
sống với ông chỉ vì con mà thôi. Chứ ông không tôn trọng tôi, tôi còn thiết gì nữa.
Tôi trở thành tấm bia để
cha mẹ nhắm vào nhưng được che giấu dưới hình thức là một sợi dây ràng buộc, là cái cầu nối tình yêu.
Ba mẹ đang sống vì tôi hay đang làm khổ tôi? Tôi muốn gào thét: “Chán quá! Chỉ
có cãi, cãi và cãi!”. Những câu mắng
nhiếc, sỉ vả được tuôn ra không ngừng. Lặp đi lặp lại như những câu kinh cầu
siêu, thấm đẫm vào lòng tôi, xé nát trái tim hồn nhiên, trong sáng. Chẳng biết
tự bao giờ, tuổi thơ đã rời xa tôi. Tôi như một loại cây kiểng bị nuôi ép trong
một chậu trồng cật hẹp, nhỏ bé. Tôi chóng già, trầm lặng và hay triết lý như
một cụ non. Vào lớp tôi không còn muốn đùa nghịch nữa. Mỗi khi định trêu cợt ai
điều gì, tôi chợt nhớ đến hoàn cảnh của mình và bao điều phi lý cứ diễn đi diễn
lại quanh tôi. Lập tức, tôi mím môi, cúi đầu. Tôi thường ngồi ủ rũ một góc, lắng nghe lời giảng và
chép một cách máy móc, vô cảm. Tính cách vui tươi năng nổ của tôi mà thầy cô
vẫn khen giờ đây không còn. Đôi khi tôi bật cười vì một câu pha trò duyên dáng của các bạn. Nhưng, ngay sau đó, tôi
chua xót nghĩ tiếng cười của mình chỉ là tiếng khóc không có giọt nước mắt, thế
thôi.
Tôi
trăn trở mãi, chẳng muốn chui ra khỏi chăn màn. Gian nhà lặng yên như một nấm
mồ. Chắc ba mẹ tôi đã đi làm cả rồi. Nếu không lại…
- Trời
đất! Giờ nầy mà còn ngủ hả Trác?
Cô Kim, cô giáo cũ của
tôi. Cô là bạn thân của mẹ. Chồng cô là một người buôn bán giỏi,
thương yêu con cái. Chỉ tiếc, còn ham vui. Lâu lâu, ông đi đêm một lần. Uống
bia, hoặc karaoke đến gần sáng mới mò về. Thoạt đầu, cô thường khóc với mẹ tôi.
Riết rồi thành quen. Bây giờ, mỗi lần buồn, cô đi chơi và làm vài điều tốt. Cô
bảo, bạn bè là niềm vui của cô, cô tới viện mồ côi, gặp trẻ bất hạnh và giúp đỡ
chúng. Cô tâm sự với mẹ tôi rằng bây giờ cô cảm thấy cuộc sống đáng yêu lắm.
Đang tuyệt vọng mà cố gắng đấu tranh, phấn đấu để chiến thắng đau khổ thì cuộc
sống mới có ý nghĩa. Mỗi lần cô đến, tôi biết cô đang buồn. Nhưng tôi mừng và
cảm phục. Mong sao mẹ tôi cũng thoát ra được nỗi đau đặc sánh trong lòng. Tôi
mừng rỡ reo lên:
- Cô…!
Cô mới tới, con…
Cốc nhẹ vào đầu tôi, cô
cười:
- Ừ,
ba mẹ chắc đi làm hết rồi hả con? Hình như con đang … khóc hả?
Tôi đưa tay quệt nước
mắt, kể lể:
- Tại
con buồn. Ba mẹ cứ cãi nhau hoài. Con chán quá! Chỉ muốn chết thôi.
Trợn mắt, cô kéo tôi
dậy:
- Bậy
nè, dậy, đi rửa mặt rồi kể cho cô nghe coi!
Nghe tôi kể xong, cô thở
dài:
- Tội
nghiệp mẹ con. Sao ba con lại nỡ buông ra những lời tàn nhẫn như thế, để làm gì kia chứ?
- Chắc
là ba đã… hết yêu mẹ con. Ba muốn làm cho mẹ đau khổ.
Cô Kim nhìn chằm chằm
vào tôi:
- Con
trưởng thành rồi sao? Cô không ngờ con nhìn rõ sự việc hơn người lớn. Họ mù quáng
cả rồi!
- Cô
ơi! Sao người lớn thích cãi nhau quá vậy cô? Họ không chịu lắng nghe, không suy
nghĩ tường tận và sợ sự thật về những khuyết điểm của chính mình.
Cô tròn mắt ngạc nhiên:
- Ơ,
thằng này khá thật! Đúng như vậy đó, Trác.
Cô xoa đầu tôi, tiếp:
- Biết
vậy, sao con không giải thích cho ba mẹ hiểu?
Tôi lắc đầu:
- Đâu
có ai để ý gì tới con đâu mà nói. Ba mẹ chỉ lo cãi nhau. Chẳng ai chịu nghe ai. Huống chi con, một đứa con nít.
Cô Kim cười to;
- Rốt
cuộc, hàng xóm phải nghe!
- Chắc
vậy rồi, cô ơi!
Vỗ vai tôi, cô vui vẻ
hỏi:
- Thôi,
bỏ qua chuyện đó đi. Cô đố con hôm nay là ngày gì nè?
Tôi ngớ ra. Ngày gì nhỉ?
Đâu phải là 8/3? Mà cũng không phải 20/11. Tôi vò đầu.
Cô bật cười:
- Ngày
sinh của mẹ con. Nhớ chưa?
- Thật
ra, tôi có nhớ gì đâu. Hay đúng ra tôi không hề để ý đến sinh nhật mẹ.
Kể cả của ba. Tôi mãi lo đau khổ. Tôi bị bao vây
bởi vòng lẩn quẩn giận hờn, căm ghét. Những trận đấu khẩu liên miên đã giết
chết tâm hồn trong trắng, yêu thương của tôi. Tôi xấu hổ ngập ngừng:
- Dạ,
nhớ rồi!
- Bây
giờ, hai cô cháu mình đi chợ mua quà tặng. Hãy tìm cách làm cho mẹ vui, ba bớt
căng thẳng. Con lớn rồi. Cũng có trách nhiệm giữ hạnh phúc. Đàn ông con trai
phải mạnh dạn lên. Ai lại trùm chăn sụt sùi mãi vậy.
Đúng rồi. Sao tôi không nghĩ ra kìa? Tôi phải là chiếc cầu
nối tình yêu của ba mẹ. Tôi hăng hái nắm lấy tay cô giáo cũ:
- Con
cám ơn cô. Con sẽ cố gắng làm cho ba mẹ hiểu nhau và lại… yêu nhau!
Cô rúc rích cười, xỉ một
ngón tay vào trán tôi:
- Dữ
không! Nói một câu nghe được à. Bây giờ, đi chợ.
Tôi mở tủ, lôi cái bì
thư đựng tiền để dành, rút hết xấp bạc, nhẩm đếm. Cô trêu:
- Cô
biết chỗ giấu tiền rồi nghe, coi chừng cô đó! Được bao nhiêu?
- Dạ,
chỉ hơn hai trăm ngàn đồng.
- Tốt
quá rồi. Quà tặng giá trị ở chỗ có ý nghĩa chứ không phải do đắc tiền đâu, cậu
bé.
Tôi theo cô ra chợ. Sau một hồi chọn lựa, cả hai rất hài
lòng với vật mình mua. Cô mua một hộp đồ trang điểm để tặng mẹ tôi. Cô bảo: "Không có đàn bà xấu, chỉ có người đàn bà không biết làm đẹp. Mẹ con thuộc dạng
không chịu làm đẹp”. Còn tôi mua hai phần quà. Một phần để giả danh ba, gởi
tặng mẹ. Một phần cho tôi. Hai cô cháu rủ nhau vào bưu điện. Cô bảo:
- Phải
làm cho mẹ con ngạc nhiên mới được.
Chúng tôi nhờ bưu điện gởi đến cơ quan mẹ phần quà… tặng
của ba. Tôi tưởng tượng khuôn mặt ửng hồng vì xúc động của mẹ khi đọc hàng chữ
đánh máy, đặt bên trên một đoa hoa hồng và một chiếc gương soi xinh đẹp: "Hãy
nhìn vào gương! Em sẽ biết ai là người anh muốn tặng đoá hoa hồng, đoá hoa tình
yêu. Chúc em hạnh phúc!”.
Và, khi ba mẹ tôi đi làm về, tôi khệ nệ khuân món quà “tầm
cỡ” của mình ra tặng. Đó là một cặp gối thêu và một chiếc chăn bông có in đôi
uyên ương bên nhau.
N.T.M (Trà Vinh)
Cũng không hy vọng gì hàn gắn lại được, vì tình yêu đã nguội lạnh rồi. Thương cho đứa con. Đó là bi kịch khá phổ biến trong đời sống vợ chồng. Cám ơn Mây đã viết như một sự nhắc nhở cho những ai sắp lập gia đình.
Trả lờiXóaNhà thơ Nguyễn Trí Tài quý mến!
XóaMây cám ơn anh nhiều lắm. Anh đã chịu khó đọc và đưa ra nhận xét nữa. Điều đó khiến Mây vui mừng lắm anh ạ. Mến chúc anh luôn hạnh phúc anh nhé. Trân trọng!
Câu chuyện rất hay chị ạ. Đó là bi kịch chung của các gia đình ngày nay. Mong rằng trong thực tế mỗi gia đình đều kết thúc có hậu. Chúc chị luôn vui
Trả lờiXóa