Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Cơn
giận bốc lên đỉnh đầu, tóc Hoan dựng ngược, mắt tóe lửa đỏ quạch. Anh nghiến
răng trèo trẹo, muốn quay vào vả cho phù
cái mỏ nhọn chanh chua của vợ cho hả tức. Lời phải không chịu nghe, cứ ong óng
cái miệng. Ngu sao mà ngu động trời động đất. Được, muốn khổ, ông cho khổ!
Hoan đi dọc bờ sông. Gió từ ngoài sông
cái thổi vào, mang theo hơi hướm của biển, mát rười rượi, xoa dịu cơn giận
trong lòng anh. Ngồi bệt xuống bãi cỏ, phóng tầm mắt dọc theo hàng cây lô xô
ven triền sông. Những bụi bần chen chúc với mấy khóm dừa nước rậm rì, thi nhau
thả rễ, cắm sâu dưới bùn, ngâm một nửa thân trong dòng nước ngầu đục phù sa. Lá
bần lao xao như dỗ dành lũ chim chao đảo theo cành nghiêng. Mấy tàu dừa nước hướng
thẳng lên trời tựa như những chiếc lược thiên nhiên mộc mạc, chải vào không
gian yên tĩnh.
Chiều chầm chậm rơi. Cánh đồng bên kia
sông nhuộm đỏ ánh mặt trời rừng rực, hấp háy. Cuối con đường đất, khóm tre đằng
ngà óng ả, rì rào bên ngôi nhà ngói cổ kính, u tịch của mẹ Hoan. Ở đó, xưa kia
rộn rã tiếng nói cười, tiếng quạt lúa xoành xoạch, tiếng hò đối đáp vào những
ngày mùa… Tất cả đã qua đi, lắng chìm vào quá khứ, trở thành kí ức tuổi thơ đẹp
đẽ của Hoan. Ở đó, bây giờ lặng lẽ bóng mẹ ra vào, cúi gầm với công việc. Không
phải để tích lũy, làm giàu nữa mà để giết thời gian. Thời gian là liều thuốc
lãng quên. Nhưng, với mẹ Hoan lại là những chuỗi dài tiếp nối buồn bã, ân hận,
là những khoảnh khắc để bà chẻ vụn nỗi buồn ra làm vạn mảnh, tràn ngập lòng bà.
Thật là khủng khiếp khi thất vọng! Đó là cái chết của một tâm hồn. Đau đớn hơn,
mẹ Hoan đã tự tìm đến cái chết ấy.
Ở vùng nầy, ai mà không biết bà The,
mẹ của Hoan. Một người đàn bà góa chồng lúc tuổi đời mới ba mươi. Nhan sắc như
đóa hoa mãn khai, quyến rũ, ong bướm dập dìu. Vậy mà, bà đã khép chặt cửa lòng,
dập tắt dục vọng thầm kín. Chỉ vì hai đứa con: Chị Ngàn và Hoan. Hạnh phúc của
bà làm tròn bổn phận, gầy dựng cuộc đời của con. Nắng sớm, mưa chiều không làm
bà chùng bước. Mặc cho vất vả chồng chất những nếp nhăn già nua lên vầng trán
phẳng phiu. Bà làm cho đàn ông phải chắc lưỡi tiếc thầm. Còn đàn bà nửa băn
khoăn, nửa ganh tị. Đối với mẹ Hoan, cần cù làm việc là một cách để
tồn tại và giàu có. Giàu có sẽ đem đến hạnh phúc. Theo cách nghĩ của bà, muốn
giàu phải làm. Mà làm bằng tay chân kia. Còn lao động trí óc, mơ hồ quá! Như mớ
chữ nghĩa ít ỏi nằm trong đầu của bà. Hoan cũng không trách mẹ được. Anh học
ngày, học đêm, đến khi ra trường tiền lương không đủ cho Hoan xài thoải mái.
Tháng nào anh cũng xin thêm tiền của mẹ. Vì vậy, bà chẳng hy vọng gì ở Hoan.
Cho con đi dạy như cho nó thay đổi không khí lao động một thời gian. Đâu đó, bà
đã xếp đặt cả rồi. Từ chuyện chia phần đất đai, ruộng vườn cho đến chuyện hôn
nhân của hai con. Mỗi đứa, bà ngắm nghé một nơi không còn biết chúng nó có đồng
ý không. Bà tin ở mình hơn tin hai đứa
trẻ, đầu óc non choèn choẹt.
Chị Ngàn lấy chồng theo sự định đoạt
của mẹ. Chị khóc hết nước mắt để van xin mẹ đừng bắt chị xa anh Mạnh. Nhưng
không lay chuyển được lòng mẹ. Bà nhận xét:
- Thằng Mạnh nó hiền lành, chăm chỉ. Nhưng… nó nghèo. Một
tấc đất cắm dùi cũng không có. Lấy nó, suốt đời con sẽ ra thân làm thuê làm
mướn mà chưa chắc đã đủ no.
Ngày
chị Ngàn lấy chồng, anh Mạnh nấp sau khóm tre đằng ngà nhìn xác pháo rắc đỏ con
đường đất. Anh bỏ về khi thấy chị Ngàn yểu điệu nhảy Lâm Thôn với chồng cho bà
con xem. Ít lâu sau, anh tình nguyện đi bộ đội. Mẹ Hoan có bâng khuâng đôi chút
rồi nói:
- Nghĩ cũng tội nghiệp nó! Nhưng đời bây giờ
đâu có chuyện một túp lều tranh, hai quả tim vàng nữa. Nghèo quá, làm sao mà
sống nổi để hạnh phúc.
Chẳng
bao lâu, mẹ Hoan nhận ra mình đã lầm. Bà cắn răng, chằng mắt để không kêu than,
không khóc lóc khi biết chị Nhàn bị bên chồng bạc đãi. Nhà chồng lớn nhất vùng nhưng chị chỉ được ở trong
nhà vào giờ ngủ. Suốt ngày, chị Ngàn phải “cai quản” ruộng vườn. Như đóa hoa
sớm nở, chóng tàn, chị xác xơ, tiều tụy dần mòn. Hai năm sau ngày cưới chị băng
ruộng chạy về nhà, mặt mày thâm tím vì bị chồng đánh đập. Chị không sinh con mà
còn không chịu cho chồng cưới vợ khác. Từ đó chị về nhà ở với mẹ và Hoan. Đúng
lúc ấy, chị hay tin anh Mạnh đã hi sinh ở chiến trường Campuchia xa tít. Tưởng
cũng tạm ổn, không ngờ, tinh thần chị suy sụp hẳn. Chẳng biết vì buồn giận
chồng hay vì nhớ thương người yêu mà chị khóc mãi, khóc tới mờ mắt, bệnh nặng
rồi qua đời. Bỏ lại người mẹ già chìm trong khắc khoải, đau thương và thằng em
cũng chông chênh trên con dốc cuộc đời. Thành công hay thất bại, Hoan lửng lơ
giữa trò chơi bập bênh. Phấn đấu hay buông xuôi theo số mệnh? Trình độ Hoan
không cao nhưng mớ học thức thu nhập được cũng đủ để anh tin vào bản thân. Anh
quyết không để may rủi vùi dập cuộc đời mình. Như chị Ngàn,
Hoan cũng lấy vợ theo sự định đoạt của bà. Nhưng Hoan quyết uốn vợ theo ý muốn
của mình. Hoan chia tay với Trang, một cô gái hiền hậu và xinh đẹp. Bà The, mẹ
Hoan cũng nhìn nhận Trang là người tốt nhưng… ốm yếu quá. Bộ dạng ấy chỉ có thể
cầm cây bút soạn giáo án chứ làm sao cai quản nổi vườn ruộng nhà bà. Bà còn
bảo:
- Tạng người cỡ nó đẻ chừng hai đứa con là
nhão ra như tấm bột nếp bị nhào nhiều nước.
- Nhưng Trang có kiến thức. Kiến thức rất cần
cho đời sống.
- Nhưng tao không cần. Kiến thức giúp được cho
việc làm ruộng của tao?
Hoan
cố gắng thuyết phục mẹ:
- Có kiến thức, mẹ hiểu rõ hơn về đất đai, biết
cách sử dụng kiến thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, vào cách
làm ruộng thì sẽ tăng năng suất, có kiến thức…
- Thôi! Dẹp
cái kiến thức của mày đi! Tao không có kiến thức kiến ngủ gì hết mà cũng
trúng mùa, lúa vựa đầy bồ, rồi dư tiền để ông giáo Hoan mượn mà hoang phí.
Ít
hôm sau, bà dắt Hoan đi coi mắt vợ. Vừa đặt chân vào nhà, Hoan cũng hiểu được
phần nào duyên cớ mẹ chọn nơi nầy làm xui gia. Bên nhà gái không giàu nhưng
không chê vào đâu được. Ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Nền cao ngang đầu gối. Bậc
lên xuống lót gạch men bóng loáng. Mọi thứ đều sạch bong, gợi cho Hoan cảm giác
thoải mái, thích thú trong một môi trường thoáng đãng, trong lành. Hoan nghĩ
đến người vợ sắp cưới. Chắc chắn phải có bàn tay của cô ta góp vào. Lòng anh
nôn nao. Chẳng phải đợi lâu, cô gái bưng nước ra mời khách, đã khiến Hoan sững
sờ một thoáng. Cô ta đẹp hơn Hoan tưởng. Dáng người chắc nịch. Hai gò ngực vun
cao, chật căng trong chiếc áo bà ba may khéo. Đôi mắt to đen lay láy, lúng
liếng, tình tứ, liếc nhìn anh. Nụ cười duyên dáng, e ấp hớp một nửa hồn anh,
ném đi đâu mất. Bây giờ Hoan mới hiểu vì duyên cớ nào mà mẹ lại chọn Pha cho
anh.
Nhưng,
chỉ vài hôm sau khi ở rể Hoan mới bật
ngửa vì tính tình của Pha
chẳng khác gì
mẹ anh. Cái gì lọt vào tay Pha phải sinh
lợi. Nhặt được mấy cái lon bia bằng nhôm, Pha cắt, uốn chúng thành hai cái lồng
đèn rất đẹp rồi bán cho con nít trong xóm. Nấu chuối ăn, còn mớ vỏ, Pha ném vô
chuồng heo. Hoan bảo:
- Nó phải ăn! Em bỏ đói nó tới chiều thì anh
có ném chiếc giày vào,
- Cho ăn mà ác sao? Mình nuôi nó để sinh lợi
thì phải tập cho nó dễ
nuôi một chút
chứ. Tận dụng được thức ăn thừa thì mới gọi là tiết kiệm chứ.
- Mẹ
anh không cho heo ăn như em. Mẹ luôn nấu cháo độn với rau muống.
- Như vậy thì chẳng có lời đâu. Không lời
nuôi làm chi cho cực.
Hoan
bực bội kể lại cho mẹ nghe. Nhưng bà phì cười khen:
- Con này giỏi! Biết tính toán như vậy thì
mau khá.
Từ
hôm đó, Hoan thấy mẹ hay nhặt vỏ dưa, chắt mót thức ăn thừa để cho heo ăn. Lứa
heo ấy mẹ bảo lời hơn, nhờ Pha.
Pha
còn giống tính mẹ anh ở chỗ ngăn nắp, sạch
sẽ. Cành cây khô dùng
làm củi, Pha
chặt đều tăm tắp. Xếp bằng đầu, bằng đít ở trại củi. Lá dầu khô cũng được gom
vào bao để dành nhóm lửa. Ở cái kho nầy, Hoan còn thấy biết bao thứ khác. Cái
ghế gãy một chân, chai nước tương, keo chao, dép đứt… Mỗi thứ được cho vào một
bao, chờ đầy sẽ đem bán. Pha khoe mỗi lần bán, Pha sắm một món mới như bình
hoa, bộ tách, cái ghế… Hoan lắc đầu lè lưỡi nhưng trong lòng cảm thấy an tâm.
Hoan cưới vợ chưa đầy một tháng thì
chị Ngàn bị chồng hắt hủi, chị về nhà luôn. Một tay vợ Hoan chăm sóc chị lúc ốm
đau. Nhưng chẳng bao lâu, chị qua đời. Hoan cảm thấy yêu thật sự người vợ quê
mùa, ít học của mình. Những ngày nầy là thời gian hạnh phúc nhất đời anh, anh
được vợ yêu chiều đến độ phải ngạc nhiên. Thấy đêm nào Hoan cũng gò lưng viết
giáo án, Pha sốt ruột. Cô bảo anh mượn của đồng nghiệp rồi cô chép giùm cho. Pha
gò từng chữ nên toàn bộ giáo án ấy sạch đẹp còn hơn chính Hoan đã soạn. Anh
tuyên bố:
- Phải
biết cưới vợ sướng như vậy, mình đã lấy vợ từ lúc hai tuổi!
Nhưng
khi Pha có thai, gần ngày sinh, cô mệt mỏi. Cô cũng giúp anh chấm bài cho học
sinh nhưng lười xem nên hễ thấy sạch sẽ thì cho điểm cao, thấy chữ xấu, cho
điểm thấp. Không cần chính xác, miễn xong thì thôi. Ban giám hiệu hay được, mời
Hoan lên phòng làm việc. Hoan tự ái, xin thôi việc. Về nhà, cho vợ hay, Pha phì
cười:
- Người
ta rầy đúng lắm chứ bộ. Tự ái nỗi gì. Dạy như anh thì chết lũ trẻ.
Anh làm ruộng
có lẽ hạp hơn. Thôi, để em giúp một tay.
- Thôi,
tôi sợ bàn tay cô lắm rồi.
Vợ
Hoan cười hinh hích nhưng sau đó cô thực hiện lời hứa bằng cả hai tay. Nghe anh
nói về lợi ích của hệ sinh thái VAC – tức là vườn ao chuồng.
Như bắt được
vàng, Pha thực hành ngay. Đào ao thả cá, trồng rau, nuôi heo…Đợt đầu đã thành
công. Tiền thu mua được hai công ruộng ở bên kia sông. Vợ anh lại trồng mía trên mảnh đất mới tậu ấy. Hai vợ
chồng gánh nước tưới…khờ khạo luôn. Nhưng lúc bán mía, Hoan mừng khôn xiết.
Tiền kiếm được vợ anh mua ngay một máy bơm nước để tưới mía. Hoan không được
vui. Anh bảo có tiền cứ mua, lỡ có gì cần, làm sao? Pha có vẻ nghĩ ngợi. Nhưng
hôm sau, Hoan thấy vợ đẩy máy bơm nước đi… tưới rẫy thuê. Tiền kiếm được chẳng
những đủ đi chợ mà còn dư ra một ít. Chẳng bao lâu, đã đủ vốn cái máy bơm. Rồi
lại tậu thêm đất, lại trồng thêm khoai lang, thêm bắp, rồi Pha lại sắm máy
cày, máy suốt lúa… Công việc làm ăn đang có chiều hướng phát triển thì trong
vùng bỗng có hiện tượng trộm cắp. Hoan bị kẻ trộm đào khoai, bẻ mía. Vợ chồng
anh phải cất một cái chái để thay phiên canh giữ. Ban đêm anh lo, còn ban ngày
thì vợ anh. Hai vợ chồng không có thời gian để chuyện trò, gần gũi. Cuộc sống
trở nên mệt nhọc, nhạt thếch. Đêm nào Hoan cũng phải nằm co ro trong chòi, nhớ
ngôi nhà ấm cúng. Anh than thở với vợ. Hôm sau, Pha ôm con ra ngủ với anh.
Thoạt tiên, anh cho đó là thượng sách.
Nhưng một đêm nọ, đứa nhỏ bị sốt, Hoan phải về nhà tìm thuốc cho con uống. Hoan
bắt gặp mẹ ngồi thẫn thờ bên bàn thờ chị Ngàn, lặng lẽ khóc.
Suốt đêm qua, Hoan không ngủ. Chốc
chốc lại trở mình, sờ trán con, kéo mền đắp cho vợ. Anh nhớ mẹ, giờ nầy chắc bà
vẫn còn ngồi nói chuyện với tấm ảnh của chị Ngàn. Lòng Hoan như có ai đốt lửa, âm
ỉ. Không thể được. Anh không thể để cho mẹ anh cô quạnh, buồn tủi. Nỗi day dứt
sẽ giết lần giết mòn mẹ anh.
Sáng ra, anh bàn với vợ. Pha đùng đùng
nổi giận. Chưa bao giờ Hoan thấy Pha lại chanh chua, hung dữ đến thế. Cô không
muốn làm theo cách của anh. Bán ruộng đất ở đây, trở về, tiếp tục chăm sóc vườn
ruộng của mẹ dành cho. Nhưng Pha quyết liệt phản đối, cô bảo phải tự lập. Mới
gầy dựng có bao nhiêu lại bán đi. Đất bên nấy tốt gấp mấy lần đất bên kia. Làm
ăn mà không chịu thương chịu khó thì làm sao giàu to.
- Tôi
không cần giàu to. Ai chẳng cần tiền nhưng tôi không thể nô lệ
đồng tiền. Nếu
vậy, thà nghèo còn hơn.
- Nhưng
tôi sợ nghèo, con tôi sẽ ra sao?
Hoan
đùng đùng, nổi giận:
- Trước
khi tạo ra miếng vườn nầy, cô sống bằng cái gì hả? Cô có chịu
nghèo đói
không? Bỏ vườn tược bên kia thất bát, chạy qua đây, thêm rối rắm, vất vả mà
cũng chẳng kiếm hơn được bao nhiêu, bỏ mẹ tôi vò võ một nình!
- Nhưng… mẹ đồng ý kia mà!
- Có
người mẹ nào ngăn cản con cái làm ăn không? Bổn phận làm con,
phải biết nghĩ chớ. Mình phải biết cân bằng mọi thứ!
- Vậy
anh về lo bổn phận đi, để mẹ con tôi lo làm ăn.
Hoan
trừng mắt nhìn vợ, người mà anh yêu quí bấy lâu, người đàn bà đẹp người đẹp
nết. Cũng vì cô ta anh phụ người tình
đầu của mình. Bây giờ, cô ta đã hiện
nguyên hình một hồ ly tinh, tham tiền hơn là quý trọng những giá trị tinh thần,
tình cảm thiêng liêng nhất của con người là tình mẫu tử. Hoan đứng bật dậy:
- Vậy
thì cô đừng trách. Tôi về nhà ngay bây giờ đây.
Nhưng
khi đến bờ sông, Hoan lại chần chừ, đắn đo. Thương mẹ, nhưng còn con và vợ. Dù
gì, Pha cũng chỉ vì gia đình. Ôi, cuộc sống sao mà phức tạp vô cùng.
Hoan
quay lại, Pha, vợ anh đã đứng sau lưng anh tự bao giờ. Khuôn mặt Pha còn nhòe
nhoẹt nước mắt. Con anh đưa hai tay về phía anh, nũng nịu:
Hoan
con đang phân vân thì vợ anh bảo:
- Em đã nghĩ lại, em bậy quá! Em sai rồi. Anh
nói đúng lắm, mẹ già như chuối chín cây, như…
Anh
bồng con, bàn tay còn lại siết chặt tay vợ. Đêm về. Gió lùa hương đồng nội mơn
man. Đường vào nhà trăng trải vàng lối đi. Mẹ lại quên cài cửa. Pha đến gần mà
bà cũng chẳng hay. Cô rưng rưng nước mắt, khẽ gọi: Mẹ ơi!
Nhà văn khá thành công khi khai thác mãng đề tài này. Thích.
Trả lờiXóaMây cám ơn Nhà thơ Nguyễn Trí Tài đã dành thời gian đọc và còn động viên người viết. Mây mến chúc anh luôn vui và khỏe mãi nhé.
XóaMảng đề tài không mới mà cũng chẳng cũ; Mẹ chồng con dâu, chồng con, kinh tế và hạnh phúc xoay quanh trục GIA ĐÌNH....Nguyễn Thị Mây đã mở được nút thắt những mâu thuẫn nội tại trong một gia đình thật nhẹ nhàng, tinh tế và, Bà, Vợ Chồng lấy tâm điểm là đứa con, đứa cháu vô tư ấy để cho gia đình rằng, Sự vô tư một phần trong xây dựng hạnh phúc gia đình là điều nên có ở những cặp vợ chồng không kể thành phần. Câu chuyện khá hiện thực, tinh tế, sâu sắc, nhân văn và đậm chất văn hóa Việt...Chúc cô Mây vui nha.
Trả lờiXóaWoo! Mây cám ơn anh Trường Thắng nhiều nha. Cám ơn anh đã có nhận xét sâu sắc. Điều này khiến người viết hạnh phúc lắm anh ạ. Mây mến chúc anh và gia đình luôn an lành, hạnh phúc nha. Còn anh thì ý thơ ngày càng tuyệt hơn.
XóaSự tồn tại trong con người vẫn là cái tình.Câu chuyện đã khắc họa được sự giản dị một cuộc đời nơi chốn hương đồng cỏ nội.Gia đình vẫn là nền tảng của hạnh phúc.
Trả lờiXóaTác giả thật khéo léo trong câu chuyện! Chúc NTM thành công nhiều hơn!