Nhà văn trẻ Ngô Thúy Nga
Con bé
ôm mặt khóc và vùng vằng bỏ chạy sau cái tát như trời giáng của tôi. Đến lúc
này, tôi vẫn chưa định thần được hành động của mình. Tôi… vừa tát con bé, hay vừa
tự tát mình? Cảm giác như năm ngón tay đang in hằn lên má tôi, nóng rát. Tiếng nức nở của con bé rơi lại giữa sân, nghe
ấm ức. Con bé chạy đi, hình như đã xa lắm, chỉ còn lại lớp bụi mỏng vẫn còn lững
lờ giữa khoảng không vô định nào đó trước mặt tôi. Vân ơi! Bé con của anh ơi!
Vân… Tôi đang gọi hay tiếng lòng tôi gọi? Tôi tát nó? Tôi đang hối hận vì tát
nó? Tôi ơi! Sao vậy? Sao lại làm vậy, hả tôi?
Trong
căn nhà nhỏ, mẹ vẫn nằm quay mặt vào bức tường. Mẹ lại khóc! Tiếng khóc khi rấm
rức, khi tức tưởi, khi lại nghẹn ngào.
Thừa nhận
là tóc em dài và đen, có thể đẹp, vì nhiều người nói thế. Em biết là Ca và mẹ rất
thích nó. Em vẫn còn nhớ như in mỗi sáng mẹ ngồi chải tóc cho em. Nhớ những lần
mẹ cài một bên mái và để mái tóc em buông dài. Nhớ khi mẹ tết bím hai bên, để
em nhìn dịu dàng và thiếu nữ. Có lần, vừa chải tóc cho em, mẹ vừa kể, ngày xưa,
lúc mẹ là con gái, cũng có mái tóc dài và đẹp như tóc em. Ngày đó, mẹ thích tết
bím hai bên lắm. Mẹ nói, lúc đó cảm thấy được làm cô thôn nữ dịu dàng, đeo chiếc
cặp và mang áo dài vào lại giống nữ sinh. Nhưng rồi... Cứ nói đến đây mẹ lại
quay hướng nhìn đi chỗ khác. Hình như mẹ khóc. Em thấy ánh nhìn của mẹ có gì đó
cứ đau đáu, cứ rười rượi buồn như đang trôi về một miền kỷ niệm nào đó.
Đến giờ,
câu chuyện dang dở đó, vẫn còn là một bí mật. Biết mẹ buồn, nên em không gặng hỏi,
không cố đào bới, sợ chạm vào một vết đứt nào đó đã cũ, sợ vết đứt đó lại chảy
máu, làm mẹ đau. Em biết mẹ thương em nhiều lắm chứ, và em hiểu, em là hình ảnh
của mẹ một thời đẹp đẽ ngày xưa. Em cũng biết Ca thương em nhiều, bao nhiêu
tình thương, Ca dành trọn cho đứa em gái duy nhất này. Em biết hết, chỉ có điều,
em không nói ra mà thôi. Cuộc sống nhiều ồn ào quá rồi, có nhất thiết phải nói
ra mọi suy nghĩ của mình nữa không? Em nghĩ, hãy dùng trái tim để cảm nhận, nó
ý nghĩa hơn những lời nói có khi trống rỗng đó. Em đã học lớp 11 rồi mà, em
không còn con nít nữa. Đồng nghĩa với việc em có chủ kiến của mình, có quyền được
quyết định và chịu trách nhiệm với chính mình. Sao Ca và mẹ không hiểu điều đó?
Mẹ nằm
trên giường bệnh, cố nheo mắt nhìn ra phía ngoài sân, nơi thấp thoáng bóng dáng
của cô nữ sinh trong tà áo dài màu trắng quen thuộc. Tôi đỡ mẹ ngồi dậy. Cô gái
đang bước vào ấy làm mẹ và tò mò, vì vừa thấy quen, lại vừa thấy lạ. Mãi tới
khi cô gái lại gần mẹ và tôi, hai tay hất tung mái tóc “đầu sư tử” vàng hoe, cười
tươi rói.
- Mẹ và
Ca xem đầu mới của con có đẹp không này?
Tôi
không thể tin vào mắt mình. Con bé, cùng mái tóc óng mượt, đen dày như làn mây
quen thuộc, nay bỗng dưng biến thành một con nhóc đầu tóc bờm xờm, nhuộm vàng
hoe. Mẹ cũng ngỡ ngàng. Mái tóc mẹ vẫn thường tự tay chải cho nó và tết bím mỗi
sáng, mái tóc mẹ vẫn thường vuốt ve và nâng niu, mái tóc mẹ vẫn thường trở về một
thời con gái… giờ chỉ còn cũn cỡn và… trông như mấy đứa con nhà giàu đua đòi. Mẹ
cắn môi, cố nén một giọt nước chực trào, lưng lưng tròng mắt. Tôi đọc nhanh nỗi
buồn trong mắt mẹ.
Cố lấy
một hơi dài mệt nhọc, mẹ mắng con bé. Nói là mắng, nhưng thực ra chỉ là một câu
nói hơi nặng lời. Tôi biết, mẹ tiếc ghê gớm mái tóc ấy của nó. Mẹ trách nó sao
lại cắt đi. Con bé cười.
- Thời
nay ai để tóc dài nữa mẹ, quê bỏ xừ. Con lớn rồi, phải thay đổi cho bằng bạn bằng
bè chứ mẹ.
Mẹ đứng
ngây người vài giây. Rồi như không thể nhịn được nữa, mẹ buông những câu nói mà tôi biết, chính mẹ đang đau,
đang tự mua muối xát lòng mình.
- Con
gái con lứa phải thùy mỵ, ai lại cắt tóc như thế? Học cái hay cái tốt không học,
lại đi đua đòi theo bọn nhà giàu…
Mẹ quay
mặt vào trong, biết mình vừa lỡ lời. Lần đầu tiên mẹ to tiếng với con bé. Từ nhỏ
tới giờ, chưa bao giờ mẹ nạt nộ hay la mắng anh em tôi cả. Lúc nào trong mắt mẹ,
anh em tôi cũng ngoan ngoãn, không chơi bời phá phách và không đòi hỏi này nọ
như lũ trẻ hàng xóm. Tôi biết, đó là niềm vui lớn nhất của mẹ. Bây giờ thấy con
bé vậy, mẹ không buồn, không đau lòng sao được?
- Sao mẹ
cứ bắt con làm những điều con không muốn? Con lớn rồi mà, đâu cần cắt cái tóc
cũng phải chạy về xin mẹ? – Con bé gần như gắt lên, mặt mày cau có.
Tôi như
không tin vào tai mình. Con bé, đứa em gái ngoan ngoãn, hiền lành và đã từng là
thần tượng của tôi, vừa cãi lời mẹ, vừa láo với mẹ. Phải nó không? Phải em gái
của tôi vừa nói những lời nói đó không? Như vô thức, tôi giơ tay giáng xuống má
nó một cái bạt tai. Dòng máu điên vẫn sôi lên trong tôi.
- Ai
nuôi mày khôn lớn mười mấy năm trời? Ai lo cho mày ăn học đàng hoàng để không
thua bạn thua bè? Ai dãi nắng dầm mưa quanh năm suốt tháng vì mày?
Tôi lại
không tin những câu ấy vừa thoát ta từ miệng mình. Tôi, tôi gọi em gái tôi bằng
mày? Chưa bao giờ tôi dành cho con bé những từ như thế. Không! Không phải tôi
đâu. Là ngọn lửa đang sôi lên trong tôi đó thôi, không phải tôi. Tôi không gọi
con bé bằng mày, không bao giờ. Tôi chỉ muốn dành cho nó yêu thương và những gì
nhẹ nhàng nhất. Nhưng mà… lần này con bé sai. Lẽ ra, nó không nên đua đòi theo
bạn bè như vậy. Xưa giờ, nó vẫn luôn là một đứa em gái ngoan, và thông minh nữa.
Nó phải biết được những gì nên và không nên chứ. Bố mất rồi, giờ chỉ còn lại mẹ
đang bệnh nằm liệt giường đó. Nó phải biết rằng bây giờ nó chính là nguồn động
viên lớn nhất của mẹ chứ. Tôi thì đã là thằng không ra gì, học hành không đến
đâu, cái tôi có chỉ là cái tâm của một người con, là trách nhiệm của một người
anh cả, là bổn phận của một người trụ cột trong gia đình. Nhưng dù sao thì, tôi
cũng không nên đánh con bé. Tuổi trẻ thường nông nổi, như tôi ngày xưa thôi. Nếu
tôi không bỏ học thì giờ cũng đâu đến nỗi phải khổ sở và bị người ta khinh bạc
như vậy. Nếu tôi không lung lay thì đâu có theo tụi nó bỏ học trốn đi làm để giờ
cái bằng cấp ba cũng không có? Cũng tại bố, sao bố lại bỏ mẹ con tôi mà đi
trong những lúc khó khăn nhất? Trong lúc mẹ con tôi cần bố nhất, thì bố lại đột
ngột đi, không thèm trăng trối, căn dặn anh em tôi lấy một lời, không cho chúng
tôi chút niềm tin ít ỏi còn lại. Cũng tại ông trời, sao đối xử bất công với gia
đình tôi vậy? Cũng tại… cũng tại… thôi thì cũng tại tôi mà ra hết. Đỗ lỗi cho
ai nữa giờ? Đỗ lỗi để làm gì nữa giờ? Bố vẫn không sống lại. Mẹ vẫn không khỏe
lại. Và tôi cũng không thể làm lại mọi thứ.
Cái
nhìn lạnh lùng của con bé ném lại khiến tôi sực tỉnh – cái nhìn như xuyên thấu
vào tâm can tôi, khua khoắng trong đó, khiến tôi nhói buốt. Khi đã định thần lại,
thì tôi đã không còn nhìn thấy con bé đâu nữa. Vẫn còn đâu đó giọt nước mắt con
bé, đã vỡ đôi. Lần đầu tiên trong đời tôi đánh nó. Và, tôi đang thấy ân hận,
hình như thế. Cảm giác khó chịu – rất khó chịu, tưởng như đang làm tôi ngạt thở.
Cái gì đó như hàng trăm con kiến đang bò râm ran bên trong tôi, chúng cấu xé
tôi.
Tiếng
thút thít của mẹ làm tôi sực tỉnh. Đỡ mẹ nằm xuống, đắp lên người mẹ tấm chăn
cũ sờn, tôi đi, nhằm thẳng hướng ra cổng mà đi. Tiếng khóc ơ hờ của mẹ rơi rớt
ngay sau lưng, đau đáu. Tôi lao nhanh ra ngoài, cố thoát khỏi âm thanh ấy,
trong đầu mường tượng đến những nơi con bé có thể đến.
Tại sao
chứ? Tại sao Ca và mẹ lại đối xử với em như vậy? Không lẽ, chỉ vì mái tóc, mà mẹ
mắng em, mà Ca đánh em? Có đáng không? Mái tóc thì có nói lên được điều gì đâu?
Miễn sao em vẫn học tốt, vẫn ngoan hiền là được, có cần Ca và mẹ phản ứng gay gắt
vậy không? Ca tưởng em thích cắt tóc lắm à? Em cũng tiếc lắm chứ? Có bao giờ Ca
nghĩ đến lý do tại sao em cắt tóc không? Ca không hiểu gì cả. Ca khác rồi. Ca
không còn là Ca của em ngày xưa nữa. Trả em Ca của ngày xưa đây.
Ngày
xưa, Ca không những xem em là em gái, mà còn xem em như một người bạn, để Ca có
thể trút hết mọi nỗi niềm, để Ca đủ nhẫn nại lắng nghe những câu chuyện trên trời
dưới đất của em mà không biết mệt, biết chán. Ngày xưa, Ca thường làm con diều
bằng giấy, để cứ mỗi chiều về hai anh em lại chạy thả trên cánh đồng, rồi buộc
sợi dây vào cây hoa xấu hổ bên bờ đê. Em còn nhớ, Ca hái bông hoa màu hồng nhạt
của cây đó, cài lên tóc em, Ca nói, để em làm công chúa, hình như lúc đó, tóc
em đã dài lắm rồi. Xong, Ca làm vòng nguyệt quế bằng mấy cây cỏ, cài thêm vài
bông hoa nhỏ phía trước rồi đội lên đầu em như vương niệm. Hai đứa mình chơi
trò cô dâu chú rể. Rồi Ca lội xuống đầm sen gần đó, hái cho em một bó sen, bông
nào cũng to và hồng ngát. Lúc đó, bị chú bảo vệ phát hiện, hai anh em chạy trốn
đến mệt bở hơi tai.
Ca còn
nhớ nữa không, những hôm mình ra đồng cùng với mẹ. Hai anh em thi nhau đuổi
theo những con châu chấu có cánh màu xanh và màu bạc. Tụi châu chấu khôn lắm, cứ
lẫn vào dưới những lá lúa trốn, vậy mà anh em mình vẫn tìm ra. Về nhà, Ca nướng
châu chấu cho em ăn nữa đó, thơm ơi là thơm. Em còn nhớ lần Ca cho em cưỡi lên
lưng con trâu, nó nhột hay sao đó, nhảy dựng lên làm em té xuống mương. Lúc đó,
em đau lắm, mà không dám khóc. Thế mà Ca lại cuống lên, rồi khóc trước em. Đó
là lần đầu tiên em thấy Ca khóc. Tự nhiên, em thương Ca lắm. Em biết Ca lo cho
em, Ca sợ em bị đau, nên mới khóc. Về nhà, Ca lại sợ em mách mẹ, nhưng em là đứa
biết điều mà, để mình Ca lo thôi đã khó chịu lắm rồi, em còn nói làm gì cho mẹ
lo thêm.
Mà Ca
ơi, em không nhớ bố mình mất bao giờ. Trong trí nhớ của em, không có tí tẹo nào
về bố hết. Em thậm chí còn không nhớ nổi gương mặt bố nữa. Hình như, bố bỏ anh
em mình đi từ lâu lắm phải không Ca? Em không thấy mẹ nhắc gì đến bố, nên cũng
không dám hỏi. Em sợ mẹ buồn lắm Ca! Em sợ nhất là làm mẹ khóc. Như hồi đó,
không biết có phải lúc bố bỏ đi hay không, mẹ ngày nào cũng khóc, đêm nào cũng
khóc, đến nỗi bệnh luôn tới giờ. Không ai kể cho em về bố cả. Ca cũng như mẹ,
giấu em. Có thể, Ca sợ em buồn, nhưng em nghĩ là em có quyền được biết mà. Cái
duy nhất em biết về bố là di ảnh đã cũ mờ trên bàn thờ mà ngày nào mẹ cũng nhìn
trân trân lên đó. Ca biết không, đến lớp, lúc nào các bạn cũng nhìn em với ánh
mắt khác lắm, hình như có gì đó khinh thường, cũng có gì đó thương hại, vì em
không có bố. Em ghét điều đó! Em không cần sự bố thí, kể cả một ánh nhìn, Ca có
hiểu không? Và cũng chính vì ghét, nên em luôn cố gắng, luôn không cho mình cái
quyền được thua kém người khác. Vì Ca, vì mẹ, vì gia đình mình. Em không muốn
vì nhà mình nghèo mà bị khinh thường, mà bị bao đồng là cái gì cũng kém cỏi. Em
muốn thay đổi cách nhìn của họ. Em muốn mẹ và Ca tự hào về em. Em còn muốn nhiều
thứ khác nữa, và không muốn làm một người tầm thường.
Nhưng
hôm nay Ca đã rất khác. Ca đánh em – điều có nằm mơ em cũng không nghĩ tới. Em
thấy mình oan ức. Em thấy mình bị cô lập, cảm giác trống trải khủng khiếp lắm
Ca biết không? Với em, Ca và mẹ là cả thế giới, và em cảm thấy cả thế giới đang
quay lưng lại với em. Em không còn cảm nhận được sự bình yên nữa. Và, em sợ điều
đó… rất sợ.
Tôi chạy
nhanh ra cánh đồng ngày xưa hai anh em thường thả diều. Cánh đồng lộng gió. Lạnh
buốt. Cánh đồng hoang vu không cất giấu em tôi. Gió quất vào mặt tôi cái rét căm
căm những ngày cuối đông. Tôi chạy ngược lên con đê nơi ngày xưa hai anh em đào
hầm xây nhà, chơi trò vợ chồng lãng mạn. Con đê hững hờ ném về phía tôi một ánh
nhìn cùng cái hoang hoải rợn người. Tôi cất tiếng gọi: Bé ơi! Bé con ơi! Tiếng
tôi vọng lại từ xa xa, như đang đi lạc trong một hang động sâu thăm thẳm. Mảnh
trăng hắt thứ ánh sáng nhờ nhờ, bàng bạc, in hình một bóng người cao lêu khêu,
bước đi lầm lũi trong đêm tối, không phải em tôi. Tôi vẫn gọi, ngỡ như đang thét
gào. Nước mắt trào qua hai bờ mi, lặng chảy. Tôi đang khóc! Phải. Tôi khóc. Vì
hối hận. Vì thương bé con. Lúc này tôi thấy nó bé nhỏ, mỏng manh như bé con chứ
không phải là con bé nữa. Tôi chạy ra dọc bờ sông, nơi ngày xưa dẫn bé con đi
hái sen và hái bông lục bình, hái cả những bẹ lá để làm chiếc lọ đựng đom đóm
những đêm hè. Chỉ có lục bình vẫn lay lay trong gió, dưới ánh sáng mờ mờ của mảnh
trăng khuyết nửa, bé con vẫn mất hút trên bờ sông mênh mông. Tôi khóc òa như đứa
trẻ. Tên bé con vang lên trong thinh lặng và được đáp lại bằng tiếng gió vi vu.
Tôi đảo
ngược trí nhớ, bắt ép mình đọc tên những địa điểm cất giấu kỷ niệm ngày xưa. Rồi
như sực tỉnh, tôi chạy về nhanh về nhà, chân nọ đập chân kia. Đây rồi góc bếp,
nơi ngày xưa tôi và bé con chơi trò ú tim. Mỗi lần dỗi hờn, bé con đều trốn ở một
nơi nào đó để tôi không tìm thấy, khóc rấm rức. Tiếng thút thít vọng ra sau
cánh cửa. Tôi ùa lại, không dưng khóc òa. Tôi gọi bé con trong tiếng nấc và ôm
chầm lấy nó. Bé con cũng òa khóc, dụi dụi đầu vào lòng người anh trai vừa đánh
nó. “Bé con, anh xin lỗi! Anh sai rồi”. Bên ngoài, tiếng gió vỗ vào nhành cây
khe khẽ…
Bé con
mang ra hai lọ thuốc, cầm bàn tay gầy guộc của mẹ đặt vào. Mắt bé con vẫn còn
sưng, vì hôm qua khóc nhiều.
- Thuốc con mua cho mẹ
đó. Bác sĩ nói, uống thuốc này, bệnh mẹ sẽ bớt. Mẹ sẽ mau khỏe lại thôi – bé
con bặm môi, ngăn không cho mình khóc.
- Con… lấy tiền đâu ra
mà mua thuốc? Bệnh mẹ nó thế rồi, phải sống chung với nó thôi – mẹ trầm buồn, rồi
lại ngước nhìn bé con, hoài nghi – Mà, con lấy tiền đâu ra?
- Con… con… Bé con cúi gầm,
hay tay vân vê vạt áo.
Không dưng, tôi nhìn lên
mái tóc cụt ngủn của bé con, nhớ lại cuộc nói chuyện của hai đứa nhóc hàng xóm
khi đi tìm bé con, gì mà tóc dài bán đắt lắm, như tóc con Vân mà bán phải được
cả triệu, tao mà như nó, tao cũng bán.
Tôi nắm lấy hai vai của
bé con, lắc mạnh.
- Vân, em bán tóc phải
không? Em bán tóc để lấy tiền mua thuốc cho mẹ? Phải không?
Mẹ nhìn bé con, cái nhìn
rất khác, cái nhìn long lanh. Nhìn lại, bé con của tôi mắt cũng đã ngấn nước…
N.T.N (TP. HCM)
Cảm động quá. Nhiều độc thoại nội tâm hay.
Trả lờiXóa