Nhà thơ Bùi Đức Ánh
Nhà thơ Bùi Đức Ánh, hội
viên Hội Nhà văn TP. HCM, sinh năm 1949, quê quán Quảng Ngãi, hiện ở tại TP. HCM.
Trước năm 1975, anh dạy học
ở các trường trung học: Hưng Đạo (Sài Gòn) và Hùng Vương, Bồ Đề, Kim Thông ở
Quảng Ngãi.
Hiện anh là cộng tác viên
thường xuyên của Tập san Kiến Thức & Gia Đình. Ngoài ra, một số tác phẩm của anh còn đăng ở Tuần báo Văn Nghệ TP. HCM, Tạp chí Thất Sơn (An Giang), báo Giáo
Dục & Thời Đại, Tài Hoa Trẻ…
Tác
phẩm đã xuất bản:
- Thong
dong ký ức (thơ), NXB Hội Nhà Văn 2012.
- Biển
không em (thơ), NXB Văn Học 2013.
-
Người đàn bà bên bếp lửa (tập truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn 2014.
Hộp
nữ trang không cánh mà bay. Cả nhà như gặp cơn đại nạn.
Đó
là quà cưới của bên chồng cho Yên lúc thành hôn. Trong đó gồm một sợi dây
chuyền có mặt cẩm thạch hình trái tim tuyệt đẹp! Một tấm lắc tay khắc những hoa
mai bằng vàng mười, một chiếc nhẫn nạm hồng ngọc, và một đôi bông tai đính hột
xoàn lấp lánh. Những món nữ trang không chỉ có giá trị ở chỗ đắc tiền mà còn là
kỷ vật của một người đã khuất. Ông Hải,
ba chồng Yên là bộ đội biên phòng. Từ ngày yêu nhau đến lúc thành hôn, ba mẹ
chồng Yên phải mất ba năm chờ đợi. Tính từ khi được nên nghĩa vợ chồng cho tới
hồi vĩnh biệt nhau thì số ngày họ gần gũi gom lại chỉ độ một năm. Tình yêu được
dưỡng nuôi bằng nỗi nhớ đốt cháy lòng nhau. Những cánh thư chứa đầy yêu thương
bay ngược chiều đến với nhau, kết nối ngày tháng vợ chồng xa cách. Ngày Du,
chồng Lan chào đời, ông Hải về thăm, ông đã bán một số đồ vật riêng tư cộng với
tiền lương dành dụm bấy lâu để mua những
món nữ trang nầy làm quà tặng vợ yêu. Lần đó, ông trở về đơn vị và vĩnh viễn
nằm lại ở một vùng rừng núi Tây Bắc.
Mẹ chồng Yên quí số kỷ vật còn hơn con ngươi
trong đôi mắt đẹp của mình. Gặp lúc gia đình khó khăn, kiệt quệ bà vẫn cố gắng
chịu đựng để vượt qua, cương quyết không bán nó. Bây giờ, bà đã là chủ của hai cửa hàng vải lớn nhất nhì thành phố. Bà có
thừa tiền để mua nhiều món nữ trang quí và hợp thời. Nhưng bà vẫn đeo chúng như
giữ lấy hơi ấm của người chồng quá cố.
Ngày
thành hôn của Du, ai cũng ngạc nhiên khi
thấy bà tháo di vật ấy ra và nói với Yên:
- Bây giờ con đã là con
của mẹ. Mẹ tin và thương yêu con như con ruột. Con hãy giữ lấy những vật này như giữ lấy tấm lòng của mẹ.
Bà tặng
thêm cho Yên nào là đồng hồ, kiềng vàng và một số tiền khá lớn. Cả người Yên sáng
rực bởi ánh vàng lấp lánh. Bà Linh, mẹ Yên vui mừng hơn hết. Bà cứ đưa khăn tay
chậm những giọt nước mắt hạnh phúc.
Nhưng
hôm nay hộp nữ trang biến mất! Ai đánh cắp? Yên về “phản bái”. Cô mang theo nào
gà vịt, rượu, trà để làm tiệc vui. Sợ lúc nấu nướng làm ố những món quà quí nên
Yên tháo ra, đặt nó vào hộc tủ trong
buồng ngủ của mẹ rồi quên khuấy đi.
Chiều,
xong xuôi, Yên sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị cùng Du về nhà chồng thì mới hay nó
không còn nữa. Yên hô hoán lên. Cả nhà té tát tìm kiếm. Mọi người lục lọi khắp
cùng, bới tung cả những đống rác sau nhà. Nhưng hoài công, vô ích. Yên mất hết
bình tĩnh, khóc sướt mướt, bà Linh cũng không còn yên tâm, bà đi đi lại lại,
luống ca luống cuống, chẳng làm được gì. Bà rất ái ngại vì nhà chỉ có hai vợ
chồng bà và con gái với con rể. Đâu có ai ra vào từ khi vợ chồng Yên về. Bà xấu
hổ vô cùng vì sự cố nầy. Có lẽ người lo lắng và buồn bã nhất là Du. Anh
ngồi bất động ở góc nhà. Mắt nhìn trừng
trừng lên trần. Thỉnh thoảng lại thở hắt ra, kèm theo những cái lắc đầu tuyệt
vọng.
Đúng lúc
đó, ba Yên về. Ông có thói quen là uống rượu chưa say chưa chịu thôi. Sau khi
khai vị với con rể, ông bỏ đi tìm bạn nhậu khác để tiếp tục cuộc vui. Thấy cảnh
nhà căng thẳng, ông hỏi:
Òa khóc, Yên nói trong tiếng nấc:
- Mất hộp nữ trang rồi, ba ơi! Làm sao bây giờ hả
ba?
Ngã người ra ghế, ông thong thả đốt
thuốc, phun ra những làn khói uốn éo:
- Thì mua cái khác bù vào, chớ biết làm
sao bây giờ.
- Loại
nữ trang nầy bây giờ đâu có. Mẫu mã xưa nên ít tiệm nào để ý, chọn cho thợ làm.
- Vậy thì đành để cho má mày chửi một
chặp rồi thôi chứ gì.
- Phải
chi mẹ con chửi được thì dễ biết bao. Con chỉ sợ mẹ con buồn rồi mất lòng tin ở
tụi con.
Đúng như
Du dự đoán, bà Mai, mẹ Du biết chuyện sững sờ giây lâu rồi lặng lẽ bỏ vào phòng
riêng. Từ hôm đó, bà trở nên ít nói, tránh gặp mặt con và dâu. Một tháng sau,
bà Mai báo tin đã mua được nhà và cho phép Du với vợ ra riêng. Yên và Du ngỡ ngàng, đau khổ vô cùng, nhưng chẳng
biết làm cách nào.
Ngôi nhà
mới tuy nhỏ nhưng khang trang, sạch đẹp. Nó sẽ là tổ ấm tuyệt vời nếu như ở một
hoàn cảnh khác. Đằng nầy, Du có ý nghĩ đây là nơi lưu đày anh. Từ đó, Du trở
nên cáu gắt. Anh đi sớm về khuya, la cà ở những quán rượu và thường trở về
trong trạng thái say mèm. Anh không còn thiết gì đến chuyện cơ quan. Lâu dần
anh mất uy tín và khi cơ quan tin giảm biên chế thì người đứng đầu danh sách là
anh. Mẹ Du thu xếp cho anh quản lý việc mua bán ở một cửa hàng vải của gia đình.
Anh từ chối. Du bỏ mặc cho Yên lo trong
lo ngoài.
Khổ quá,
Yên chạy về nhà khóc với mẹ. Yên ngạc nhiên hết sức khi trông thấy chiếc vespa rất đẹp dựng ở góc nhà. Bà Linh giải thích:
- Ba con
bảo trúng số được trăm triệu gì đó. Ổng mua được chiếc xe . Còn lại bao nhiêu giữ rịt trong người để
dành nhậu lần hồi. Bữa nay chắc hết rồi nên mới nằm liệt trong buồng tới giờ
chưa chịu dậy.
- Trời ơi! Con khổ gần chết mà ba vẫn
thản nhiên ăn nhậu sao?
Ông Dân
đã dậy, đi ra. Vừa gãi đầu, ông vừa nói:
- Ai biểu mày ham lấy chồng giàu!
- Trời đất! Ông nói gì kỳ vậy hả?- Bà
Linh trợn mắt hỏi.
- Vậy
chớ sao nữa! Bà thấy không, bà lấy tôi có phải mất cái gì không?
- Đúng
rồi, lấy ông không mất cái gì hết. Có đâu mà mất. Bản thân ông có làm ra cái gì mà
mất.
Nghênh nghênh mặt, ông Dân nói:
- Nhưng,
lấy tôi, bà có bị mẹ chồng hất hủi để chạy về nhà khóc với mẹ ruột không?!
Yên cảm
thấy đau khổ vô cùng. Yên thừa biết bà nội chẳng ưa gì mẹ. Nhưng, bà chẳng có
một lời nặng nhẹ bởi bà chẳng lo gì được cho dâu con. Ngược lại, bà còn trút được
gánh nặng lên vai dâu. Mẹ Yên đã phải chạy ngược, chạy xuôi, tần tảo nuôi chồng con. Để gia đình không phải lo
lắng, buồn phiền vì mình, bà Linh không hề than thở một lời khi có việc về thăm
nhà. Bà giấu kín nỗi buồn tận đáy lòng và chỉ biết khóc thầm mà thôi.
Lúc còn bé, đang ngủ, Yên thường bị giật mình
thức giấc vì tiếng nấc của mẹ. Nước mắt
bà rơi ướt đẫm một bên gối. Những lúc như vậy, Yên cũng thút thít khóc theo.
Tuổi thơ của Vi là một chuỗi dài buồn thảm. Những ngày tháng tiếp nối với tâm
trạng bất ổn. Hôm nào ba Yên nhậu say về, ông la hét, đập phá, hoặc lăn lộn
trên giường. miệng gào:
- Con
lạy trời, con lạy phật! Xin hãy trừng phạt con vợ độc ác kia, con vợ… xấu xí…
vô duyên…
Yên không
sao hiểu nổi thái độ của ba. Những lời thóa mạ trắng trợn, vô căn cứ thế mà ông
có can đảm tuôn ra dễ dàng. Yên không hiểu vì
sao mẹ lại nhu nhược đến như vậy. Bà chịu đựng được hết và tự tìm cách
an ủi mình là chắc kiếp trước mình mắc
nợ chồng nên kiếp nầy phải trả. Ba Yên biết
rõ ý nghĩ nầy nên càng vô tâm hơn.
Yên chán đến tận cổ cuộc sống ấy. Yên không sao chấp nhận
được cứ mỗi lần đến kì thi, thay vì được ngồi ở góc học tập ôn bài thì Yên phải
chạy qua nhà bạn xin ngủ nhờ để tránh nhìn cảnh đập phá và mẹ ngồi phơi sương ở
khoảng sân sau. Yên chụp lấy Du như chụp lấy cái phao và Yên cũng tìm thấy hạnh
phúc trong tình yêu của Du và người mẹ
nhân hậu. Nhưng, sự cố bất ngờ xảy ra đã cướp mất niềm vui sống của Yên, dồn cô
vào chân tường. Yên càng kinh tởm khi cha đẻ của mình tuyên bố:
- Chính tao đã lấy hộp nữ trang của mày đem đi bán. Mày với mẹ
mày làm gì tao?
Trong lúc Yên run lên vì giận thì bà Linh
bình tĩnh bảo:
- Ông
bán nó ở đâu? Tiệm nào? Làm ơn chỉ cho tôi để tôi đi chuộc kẻo bên sui gia biết được thì còn gì mặt mũi mình.
- Hứ!
Danh dự hảo! Họ giàu, mất mấy món đó nhằm nhò gì mà mẹ con bà rối lên vậy hả?
- Trời
ơi! Sao mà không nhằm ba? Đó là vật kỷ niệm của ba chồng con.
Đập tay xuống bàn đánh rầm, ông Dân hét
lớn:
- Một
tiếng cũng ba chồng, hai tiếng cũng ba chồng. Tao coi bộ mày trọng thằng đó hơn
tao.
Yên
ôm lấy đầu, khóc ngất. Bà Linh vẫn kiên nhẫn gặng hỏi:
- Ông
bán nó ở đâu? Làm ơn cho tôi biết, tôi đi chuộc được, tôi mang ơn ông suốt đời.
Tôi lạy ông!
Thản nhiên dắt xe ra cổng, ông ngoái đầu
lại nói:
Ông bỏ
đi, mặc cho Yên òa khóc, còn bà Linh đứng bật dậy, mắt tóe lửa, hai nắm tay siết
chặt.
Yên theo
mẹ đi hết tiệm vàng này đến tiệm vàng khác để mong chuộc lại. Nhưng, khi tìm
được chỗ thì người chủ bảo rằng đã biến dạng nó rồi, vì kiểu này xưa quá, không
bán được họ phải tái chế. Hai mẹ con trở về tay không. Tới cửa, họ nhìn thấy ông Dân nằm giăng tay, giăng
chân ngủ trên sàn nhà. Yên òa khóc, bỏ chạy ra đường. Bà Linh đứng lặng bên cửa
sổ nhìn chiều xuống. Nắng tắt dần, bóng tối bao trùm cả căn nhà. Bà lắng nghe
nỗi đau tích tụ nơi tim, chạy dài trong máu, dọc cơ thể rồi biến thành một lớp
chì lạnh buốt bọc lấy vách ngăn yêu thương và nhẫn nhục. Lửa giận từ óc, tràn
xuống, thiêu đốt, nung nấu từng tế bào thân thể. Phút chốc, bà Linh bỗng thấy mình
trở thành một con người khác. Mạnh mẽ, dữ tợn và độc ác!
Bà chạy ra sau bếp, lấy lên cọng dây thừng buộc chó trước
đây. Bà trói gô thằng chồng đang say bí tỉ nằm ngủ như chết. Khóa trái cửa ra
vào. Xong, bà lấy cây song hồng dùng để gài cửa sổ ra và bắt đầu cuộc tra tấn.
Những cú
đánh đầu tiên mạnh đến nỗi ông Dân giật mình, tỉnh hẳn. Ông hoảng hốt, định
ngồi dậy nhưng không cựa quậy được vì bị trói quá chặt. Ông kêu lên:
- Bà điên rồi hả? Bà làm gì vậy?
Chỉ tay vào mặt chồng, bà Linh nói một mạch:
- Hôm
nay, tao tuyên bố là tao với mày không còn tình nghĩa gì nữa. Tao sẽ trừng
trị con người bất lương như mày. Mày là một thằng vô liêm sỉ. Mày không đáng
sống trên cõi đời này. Xã hội không có mày càng thuận lợi hơn. Mày không làm
một việc gì có ích cho ai. Mày sống chỉ hao tốn gạo và bao thứ khác. Đã vậy,
mày còn đang tâm hủy hoại lòng thương yêu kính trọng của đứa con duy nhất. Mày
đã tước bỏ tình yêu, hạnh phúc của nó, xô nó vào địa ngục khổ đau, mày còn có
lỗi với người đã khuất, ăn cắp di vật duy nhất của người vợ thủy chung. Mày
chẳng biết gì về giá trị tinh thần. Mày còn thua con thú. Trâu còn biết cày
ruộng, chó còn biết giữ nhà, con bò còn biết kéo xe. Còn mày, mày chỉ là thằng
ăn hại, vô dụng. Mày hại con gái tao, mày phải chết!
Nhưng,
khi bà Lan định giáng cây gậy xuống đầu người đàn ông bất nghĩa, bà chợt tỉnh.
Giết ông ta để làm gì? Chẳng lẽ sau đó bà phải vào tù? Mang tội giết chồng?
Không! Bà không muốn hủy hoại cuộc đời mình vì một người như vậy? Còn con gái
bà nữa. Nó sẽ nương tựa vào ai? Bà không muốn con gái phải xấu hổ khi có một
người mẹ như thế. Hãy để lương tâm trừng trị hắn. Bà lặng lẽ vào trong phòng
ngủ, thu xếp đồ đạc vào va ly rồi mở cửa, bỏ đi biệt tăm.
Những
luống hoa Dã Yên Thảo, Cẩm Tú Cầu, Thu Hải Đường và nhiều loại khác thi nhau nở
rộ. Chúng tươi rói, đẫm sương. Dù đã quá trưa nhưng
mặt trời vẫn còn ngái ngủ. Tiếng reo trong trẻo của bé Cà Rốt khi lùa được một
chú bướm vào lưới vợt bé tí của mình khiến không gian bừng tỉnh sau giấc ngủ
muộn. Yên mỉm cười. Bà Linh cũng cười, dừng tay kéo, buông nắm lá úa xuống đất,
nhìn theo cháu ngoại yêu. Con bé xinh đẹp vô cùng! Nó được thừa hưởng làn da
trắng mịn màng của mẹ, đôi mắt đẹp của bà nội, nụ cười y hệt cha. Con bé được tượng
hình kịp thời trong bụng Yên đã trở thành cái cớ cho cô từ bỏ ý định tìm đến
cái chết. Sau khi ở nhà ba mẹ ruột chạy về ngôi nhà từ lâu vắng bóng hạnh phúc,
Yên viết một lá đơn xin ly hôn rồi ký vào đó. Yên dằn nó trên bàn viết của
chồng. Yên cảm thấy mình không còn xứng đáng với chồng qua hành vi đốn mạt của
ba. Yên nhét vội vài bộ quần áo vào một
cái túi xách rồi ra bến xe đi Đà Lạt. Yên muốn đến một cái thác tuyệt đẹp nào
đó, thừa lúc vắng người rồi nhảy xuống, cho nước cuốn trôi mình ra đại ngàn, để
nỗi đau tan như bọt nước vỗ vào bờ đá. Nhưng khi vừa đến nơi Yên ngất xỉu. Cũng
may, vợ chồng chủ vườn hoa gần đó nhìn thấy đã gọi nhân công đến cứu giúp. Người
ta dìu Yên vào nhà và mời bác sĩ của gia đình đến khám bệnh cho cô. Vị bác sĩ
bảo Yên đang mang thai gần bốn tuần rồi. Do vậy cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng
ở giai đoạn đầu và ăn uống đầy đủ. Ai cũng vui dù họ chưa hề quen Yên. Yên cũng
vậy. Cô cảm thấy cuộc sống bỗng khác đi. Có một ý nghĩa thiêng liêng buộc cô
phải tồn tại và vượt qua thử thách cuộc đời. Yên kể chuyện nhà cho chủ vườn hoa
biết và xin được làm nhân công ở đây đến ngày sinh nở. Vườn rộng, nhân công
cũng còn thiếu nên hai vợ chồng chủ vườn đồng ý ngay. Họ còn ưu ái cho Yên được
ở trong một phòng nhỏ cạnh gian bếp của gia đình.
Thế là Yên
bắt đầu những ngày mới. Khi bụng đã xồ xề, đi đứng khó khăn Yên chợt nhớ đến
mẹ, muốn nhờ mẹ đến giúp một thời gian.
Yên gọi điện. Thật bất ngờ, bà Linh, mẹ Yên cũng đang ở Đà Lạt và đang làm
phụ bếp cho một khách sạn. Nhận được
điện thoại của con, bà tức tốc đến nơi và rồi thu xếp về ở chung với con gái.
Qua một thời gian tích cực lao động và tiết kiệm, hai mẹ con mua được một mảnh
vườn nhỏ ở ngoại thành. Họ trồng và bán hoa. Giờ rảnh, Yên còn đan áo len gia
công nên cuộc sống ngày càng thoải mái, đầy đủ hơn. Yên và mẹ hài lòng lắm,
chẳng mong đợi gì hơn.
Bé Cà
Rốt chạy vào níu tay mẹ: “Có hai người
nào đến mua hoa kìa mẹ”. Yên bàng hoàng nhận ra Du và mẹ chồng. Bà Linh
cũng sững sờ. Bà Mai đến nắm tay bà: “Mẹ con tôi tìm mãi mới gặp được chị và con
dâu. Còn đây là…”
- Đó là
bé Cà Rốt, cháu nội của chị đó. Chúng tôi thật xấu hỗ, xin chị…
- Khi
Yến bỏ đi, tôi mới tỉnh ngộ, nhận ra rằng di vật dù có quý cũng không bằng hạnh
phúc của con trai. Phải chi tôi nhận ra điều đó sớm hơn thì hạnh phúc của con
đâu đổ vỡ. Tôi đã thuê người dò la tin tức của con dâu. Thằng Du cũng tìm kiếm
vợ khắp nơi. Mãi đến giờ mới có người
quen chỉ cho. Chị tha lỗi cho tôi nghen chị, chị cho phép chúng nó quay lại với
nhau nhe chị sui.
Bà Linh
vừa gật gù vừa kéo vạt áo lau nước mắt. Du nắm lấy tay Yến: “Anh thật nông cạn. Xin lỗi
em!”. Bé Cà Rốt chạy lại giật tay mẹ ra, nũng nịu:
- Ông
không được nắm tay mẹ của con!
Mọi
người bật cười. Du bế bé Cà Rốt lên, hôn vào trán, vào hai má. Con bé bị nhột
cười hăng hắc. Trên cao, mặt trời lú đầu lên giữa đám mây xám ngoét, rải những
sợi nắng vàng óng khắp nơi. Tuy muộn, nhưng nắng ấm vẫn lên và vàng như lụa.
B.Đ.A (TP. HCM)
* Nắng muộn là truyện ngắn trong tập "Người đàn bà bên bếp lửa" của Bùi Đức Ánh sẽ được ra mắt vào 9 giờ ngày mai (28/10/2014) tại Hội Nhà văn TP. HCM, 81 Trần Quốc Thảo (TP. HCM).
Truyện có hậu. Thích.
Trả lờiXóa