Đào Phạm Thùy Trang
Mẹ tôi như bị hòn đá to sắc
lẻm ném trúng chân khi đối diện với người đại tá công an thụ lý hồ sơ vụ án của
X.
X. em tôi sắp ba mươi. Sau
vài phen bay nhảy từ công ty này sang công ty nọ nhưng cũng không “trụ” được đã
tự mình làm… phó giám đốc sau khi “đề bạt” thằng bạn có vốn kha khá hơn làm
“giám đốc”. Lọai công ty bập bõm của mấy chú ngựa non, vốn liếng tòan gom góp
cổ đông và khi giám đốc bỏ chạy thì tay phó bị công an tóm cổ là chắc chắn.
Mẹ tôi khóc đứng khóc ngồi
vì X. là con trai duy nhất trong bầy con nửa chục. Mẹ quý X. vì nhờ có X. ba
mới không ly dị mẹ sau khi đã sinh một lèo bốn đứa con gái. Nhưng áp lực “trai
nối dõi” vẫn oằn nặng trên lưng. Thuở bé X. còn được xỏ lỗ tai ra dáng “con cầu
con khẩn” nữa là.
Chú Hồng hắng giọng ra vẻ thân tình chứ không lạnh lùng như vào cuộc điều tra:
- Bà là Phạm Thụy Quỳnh Lan,
quê ở làng Cổ Cò?
- Dạ.
- Trước nhà có cây Gừa “ma
nữ”?
- Dạ.
- Bà có biết tại sao người
ta đặt tên cho cây Gừa đó như vậy không?
- Dạ. Ngày xưa cô Hai con
ông chánh tổng làng Cổ Cò yêu một anh tá điền nhưng ông chánh không đồng ý. Cô
Hai bỏ ăn bỏ uống làm nư với cha mẹ suốt cả tháng trời. Ông chánh cột anh tá
điền dưới gốc cây Gừa, bảo rằng sau một đêm mà anh còn sống thì sẽ cho hai
người nên vợ nên chồng. Nhưng anh ấy đã bị muỗi cắn đến chết. Cô Hai bèn treo
cổ mình ở đó để chết theo người yêu! Sau, người ta nói cô thành ma ở cây Gừa
đó.
- Bà nhớ kỹ quá!
- Đại tá là…
- Gọi tôi là anh Hồng đi.
Bây giờ không phải giờ điều tra.
- Dạ.
- Sau nhà bà có cái đìa rất
rộng thông ra kinh Cổ Cò đúng không?
- Dạ. Sao đại… a… a... nh… rành
quá vậy?
- …
- Hình như đại tá… à… anh…
cũng quê ở Cổ Cò?
- Tới bây giờ mà Lan không
nhận ra tôi sao? Lan vẫn ác như ngày nào!
Giọng con người tưởng chừng
rất đỗi lạnh lùng ấy bất chợt chùng xuống như có cơn mưa mới vừa thoảng qua.
- Anh Tư lang ben! À… không… anh
Tư Hồng?!
- Vậy là Lan nhớ ra tôi rồi!
Thoáng chốc đã hơn bốn mươi năm!
***
Tôi không ưa nghe mẹ kể
chuyện ngày xưa. Mẹ tôi nay đã ngọai ngũ tuần, chuyện ngày xưa của mẹ là từ
hồi… nửa thế kỷ trước. Cái thời mà y như rằng trong truyện bác Ba Phi. Nào là
cá mú đầy sông, nhiều như bánh canh trong tô, chỉ cần vọc tay xuống nước là
dính mười con cá kèo vào kẻ tay (?). Nào là chỉ cần rảy một nắm cám xuống nước
và huơ thúng ra hứng thì không biết bao nhiêu là cá. Có khi không cần tốn cám,
chỉ bước xuống ruộng thôi, chân trái đi phía trước, chân phải bước theo sau là
đã thấy cá rô, cá lóc nằm sẵn trong dấu chân rồi.
Ngày xưa của mẹ sao dễ
thương quá vậy? Chả bù với bây giờ, con người ta phải làm hả họng hả hầu, làm
quần quật từ sáng sớm tới tối khuya mà có khi còn không đủ cơm bỏ vào bụng.
Ngày xưa của mẹ sao nghe như chuyện phi thực tế. Tôi không ưa chuyện ngày xưa
mẹ kể là vậy.
Mà đã hết đâu, ngán nhất là
chuyện họ hàng dòng tộc mà lâu lâu mẹ lại rủ rê tôi về xứ ấy để “anh chị em
biết mặt nhau”. Chẳng biết họ hàng thế nào mà lòng vòng kỳ quá.
- Ơ… con biết thằng Lành
không? Nhà nó ở dưới Kinh nước đen quận 8 mà có lần mẹ dẫn con tới đó? Bà con
gần với mình lắm nghen, con có đi thành phố nhớ ghé qua thăm nó cho chị em, cô
cháu biết nhau.
- Bà con gần… mấy cây số hả
mẹ?
- Tầm bậy nè! Bà con gần xịt
hà! Ờ, để coi coi… ông cố nội nó là cậu Chín của mẹ, bà ngọai con thứ Hai. Sau
ông cố nội nó cưới bà cố nội nó lại là em chú bác ruột với ông ngọai con… tính
ra nó kêu con bằng dì, bà con gần xịt hà!
Tôi lắc đầu ngao ngán cho mớ
dây mơ rễ má mà mẹ kêu là “gần xịt”. Mẹ tiếp:
- Ừ mà con nhớ chị năm Cầu
trong kinh Ngã Bảy không? Hồi con mười một mười hai tuổi mẹ có dắt về đó! (Trời
đất, chuyện cách nay hơn hai mươi năm mà mẹ kêu tôi nhớ à?). Ba của chị là chú
hai Nếp- bà con cô cậu ruột bên nội của mẹ. Còn mấy anh Voi, anh Vịnh ở Cổ Cò
nữa, họ là bà con đầu ông cố ngọai với nhau. Nhưng lâu rồi không ai biết ai vì
người lớn thì lần lượt chết hết cả. Chậc, mà tụi trẻ bây giờ tệ thiệt, cứ ham
làm có tiền chứ bà con thì không ham lui tới gì hết! Hổng biết chừng tới lúc
đánh lộn mới nhận bà con hè!
- Rồi mấy anh chị đó sao hả
mẹ?
- Tháng tới là đám giỗ chú
hai Nếp, chị Cầu nhờ mẹ về Cổ Cò dẫn mấy anh Voi, Vịnh vô kinh Ngã Bảy để anh
chị em tụi nó biết nhau! Mẹ tính đi…
Chuyện ngày xưa của mẹ tôi
như thế nào đã hết. Người ta vẫn nói, người trẻ hay mơ về tương lai, người già
hay nhớ về dĩ vãng thật không sai tí nào.
Mẹ tôi tóc bạc da chùn, bóng
hòang hôn đã về trên mi mắt vậy mà cứ hay kể về cái thời mới lớn. Thời mà có
người con trai nào đó (mặt khá nhiều lang ben) cứ hay len lén sang nhà rồi cứ
vòng ra phía sau ngó chừng mẹ đang giặt áo dưới cầu ao. Miền Tây ngày mẹ còn
bé, những nếp nhà nhỏ xíu với vách bằng lá dừa nước vá chằm vá đụp. Ông ngoại tôi mất sớm, bà ngọal sống với hai đứa con gái thì làm sao để giàu? Người con
trai ấy không nói không rằng (có một dạo mẹ cho rằng anh ta bị câm) cứ chiều
chiều là sang nhà rồi vòng ra phía sau nhìn cô hàng xóm (là mẹ tôi) quần vo tới
gối, áo hở sườn đang chồm hổm bên cầu ao làm cá, vo cơm.
Mẹ bảo, cũng biết mình đã
lớn, áo xống đã chật hết rồi, nhưng làm gì có tiền mua áo mới. Thi hoảng cũng
có vài người hàng xóm thương tình cho áo cũ. Nhưng đã phải cắt xén cái còn
nguyên lành nhất cho mẹ già và em gái nhỏ, làm sao tới phần mình?
Một hôm mẹ đi làm về trước
ngoại, cũng vo cơm, làm cá như mọi ngày nhưng vẫn không thấy bóng dáng người
con trai ấy đâu cả. Mẹ có ý ngóng chờ bằng cách mang cả thau áo quần ra giặt,
lại cũng chẳng thấy “người ấy” đâu, tim người con gái mới lớn đã bắt đầu biết
xao xuyến. Chạng vạng rồi mà “người ấy” vẫn bặt tăm vô tín. Nấu cơm xong, mẹ vô
buồng lấy quần áo đi tắm thì phải một phen chết ngất vì một bóng người lù lù
trong cánh cửa! “Ấy… đừng la… là tui đây mà… tui đem cho ấy… xấp vải may áo
mới nhưng… nhưng không dám ở ngoài… sợ người ta cười…”. “ … ”. “Thôi… tui về…
ấy đừng nói với ai…”. Nhưng làm sao anh ta về được! Tiếng “ăn trộm má ơi” đã
thốt ra từ miệng mẹ tôi trong lúc hốt hoảng. Và hàng xóm đã vây kín ngôi nhà bé
nhỏ của mẹ để bắt “kẻ trộm”. Người con trai ấy không còn con đường nào khác
đành phải… nhảy xuống đìa cá sau nhà và long mình qua sông, hầu tránh mọi người
nhìn mặt.
Mẹ bảo, xấp vải ấy mẹ cất
kín trong gối nằm, không bao giờ dám đem ra may áo dù thật sự rất thèm một
chiếc áo mới. Mẹ xem như đó là kỷ niệm của mối tình đầu vì nghe đâu sau đó
người con trai ấy đi bộ đội và đã hy sinh. Xấp vải theo thời gian đã bị thất
lạc vì đất nước trong cơn giặc giã.
***
Mẹ tôi lau nước mắt cố dằn
tiếng khóc:
- Sao ngày xưa có tin anh đã
chết? Anh có biết tin đó làm tôi buồn cả mấy tháng trời không?
- Tôi bị thương nặng, tưởng
không qua khỏi Lan à!
- Sao ngày xưa anh không nói
sớm… chỉ một tiếng thôi thì biết đâu tôi sẽ chờ đợi cả đời?
- Cũng vài lần định nói,
nhưng thấy Lan vô tâm quá nên thôi!
- Anh có biết xấp vải đó tôi
cất kỹ lắm không?
- Sao Lan không may cho mình
vài chiếc áo mới? Áo của Lan chật hết cả rồi?
- Tại tôi… thấy thương anh!
Lúc anh long qua đìa cá ra sông để tránh mọi người tôi chợt thấy mình ác quá.
Giá mà lúc đó tôi đừng la làng như vậy…
- Thôi, chuyện qua rồi Lan
à! Biết đâu đó là duyên phận. Mà cũng nhờ vậy nên ngày nay mình mới gặp nhau.
- Hôm con Bé Hai về nói cán
bộ điều tra muốn gặp tôi về vụ án của thằng X. anh biết tôi suýt chết ngất
không?
- Ừ. Chúng mình già cả rồi,
việc gì bất ngờ đều gây khó chịu. Nhưng vì tôi quá mừng khi gặp lại tên em.
- Anh thấy vụ án của thằng
X. thế nào? Liệu nó có bị tù không anh Hồng?
- Việc đó còn tùy vào cuộc
điều tra. Nhưng chúng tôi cần em phải hết sức phối hợp.
- Điều gì em biết em sẽ khai
hết. Chỉ mong anh đừng cho con em ở tù… hic… em chỉ có mình nó anh Hồng ơi…
- Sao em có mình nó được? Em
còn mấy đứa con gái nữa mà!? Chính vì xem trọng nó quá nên mới có ngày nay đó.
- Hic… hic…
- Thôi em nín đi. Mọi việc
không phải chỉ mình anh quyết định. Nhưng anh sẽ cố giúp cho cháu nhẹ tội. Em
cần giữ sức khỏe để phối hợp cùng chúng tôi nhé, Lan!
- Dạ. Cảm ơn anh.
Đường về nhà không phải là
gần nhưng tôi luôn nghe một điệu nhạc nho nhỏ sau lưng. Là mẹ tôi hát đấy!
Trông bà trẻ ra hàng chục tuổi. Hóa ra chú Hồng là mối tình đầu của mẹ. Người
mà hơn một lần mẹ kể qua xoay quanh những câu chuyện “ngày xưa”.
- Gặp được chú Hồng nghĩa là
thằng em con được cứu rồi Bé Hai ạ! Không ngờ chuyện ngày xưa mà chú vẫn không
giận mẹ, bây giờ lại giúp đỡ em mày nữa. Người sao mà tốt quá!
Mẹ tôi hồ hởi. Tôi tin
chuyện của em tôi sẽ dễ dàng hơn một chút, nhưng không hẳn vì em là con của
“người xưa” của chú Hồng.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét