Ông
lão mắc con trùn vào lưỡi câu rồi nhẹ nhàng buông xuống nước. Vấn điếu thuốc rồi
uống một ngụm trà nóng hổi thở hì hà. Có ai nghĩ rằng đó là điều hạnh phúc nhất
của ông lão bảy mươi tuổi này không? Đã thuộc lớp người “thất thập cổ lai hi” vậy
mà vẫn hàng ngày chèo xuồng lên đên trên sông nước. Chỉ mong câu dính vài con
cá để đủ tiền chi tiêu cho cái thú vui giản đơn của ông lão. Lâu quá không thấy
cá cắn câu, ông ngồi tựa lưng vào gốc tràm, nghĩ vẩn vơ mấy điều mà nửa cuộc đời
ông đã từng nghĩ. Ông lão đến đây lâu lắm rồi. Không nhớ từ khi nào nữa. Ông chỉ
còn nhớ những điều thê thảm và đau đớn nhất sau khi bọn Khơ me đỏ tràn vào làng
ông. Đùng một cái, vợ con ông chết hết chỉ duy nhất thằng con út theo ông về
thăm ngoại là còn sống. Ông cứ nhớ mãi hình ảnh đó. Ông không muốn sống cái xứ
Ba Chúc đó nữa. Không phải ông hận thù quê hương Bảy Núi không chở che vợ con
ông. Ông không muốn những hình ảnh đó hiện diện lên trong đầu mình khi ở đâu
đâu cũng có những kỷ niệm, những vết máu tanh hôi sau mấy chục năm bị thời gian
tàn phá. Vậy là ông đến cái xứ này. Nơi mà khi ông đến nó vẫn còn là “rừng
thiêng nước độc”. Ông thương xứ này cũng như xứ mình. Ông sống xa thành thị. Ông
tìm vào Tràm Chim nơi mà những đàn chim về với cánh rừng của thiên nhiên. Tất cả
đều hiền hòa và đẹp lắm. Nó đã nuôi ông và thằng Tâm con ông sống tới ngày nay.
Thằng
Tâm lớn lên không có tình mẹ, không tình bà con cô bác nhưng nó có ông – một
người cha dám hy sinh mọi thứ cho nó. Tất cả tiền bạc bán đất bán nhà ở quê đủ
để ông mua một mảnh đất rộng hơn trên cái xứ tràm dày như rừng này. Ông khai
phá một mảnh vườn. Làm thêm một chục công ruộng. Mọi thứ tuy đôi khi thiếu thốn
nhưng vẫn đủ đầm ấm một gia đình. Từ nhỏ thằng Tâm đã được theo cha vào rừng tràm
bắt cá. Ông chèo xuồng khắp mọi ngõ ngách cánh rừng. Ông lượm những con chim
non bị rơi khỏi tổ, trả chúng về với tổ. Thằng Tâm chứng kiến những hành động
này của cha nó và nó làm theo như bản năng một bài học từ thuở bé. Nó không biết
tại sao phải làm vậy và làm vậy để làm gì. Nó chỉ biết mỗi lần thấy chim non rớt
xuống nước thì nó chỉ ông lão lại nhặt lên… Ngày tháng trôi, cha con thằng Tâm
vẫn sống trong lặng lẽ giữa một cánh rừng bao la.
Thằng
Tâm thi đậu đại học, ông mừng lắm. Nhưng ông cũng hơi buồn. Và rồi đây nó sẽ xa
ông. Nhưng có lẽ vì tương lai con nên ông không bắt nó ở nhà sống như ông đã từng
sống hơn nữa đời người. Ông cất mót tiền bạc cho nó ăn học.
Bây
giờ Tràm Chim đã thành một thị trấn. Nơi ông ở cách chợ không còn xa lắc xa lơ
như ngày ông mới đến đây nữa. Những người sống ở bìa rừng đều bán lại đất cho
nhà nước, dọn ra phố chợ ở. Riêng ông thì ở lại cái chỗ này. Dù giờ đây ông lão đã yếu đi theo tuổi tác rất
nhiều nhưng ông không ra thị trấn ở khu dân cư như chính quyền địa phương đã
khuyên ông. Ông lão không nỡ bỏ căn nhà, góc vườn này chăng?
Thằng
Tâm về ra trường. Nó về làm giáo viên ngoài Cao Lãnh. Nó muốn ông bán đất ra đó
sống chung nhưng ông lão nhất quyết không chịu. Một buổi chiều, hai cha con ngồi
ăn cơm trên chiếc xuồng. Thằng Tâm ngỏ ý:
- Cha
ra Cao Lãnh ở với con nha! Cứ để căn nhà mình lại. Khi nào cha thấy buồn thì
cha trở vô thăm.
Ông lão
trầm ngâm một hồi lâu, thấy con nói cũng có lý của nó. Mà đi ra đó rồi lâu lâu
vào đây cũng được. Vậy là ông đồng ý bán mấy công ruộng ra Cao Lãnh mua một cái
nhà nhỏ đủ cho hai cha con sinh sống. Nhà mới, tuy nhỏ nhưng sang trọng. Ông
lão cứ đi ra đi vào mà bực bội tay chân. Ở nhà mới này làm gì có cỏ cho ông
làm, làm gì có tổ chim non để ông săn sóc chúng. Ông nhớ rừng Tràm, nhớ những
con chim dòng dọc, những con cò trắng nhiều lắm. Ông đòi về nhưng thằng Tâm bận
bịu công việc nên hứa hoài mà không đưa ông về được. Vậy là ông gom mấy bộ quần
áo. Đón xe ôm về Tràm Chim.
Vào
nhà, ông đẩy chiếc xuồng xuống mương rồi chèo vào rừng. Ông hoảng hốt, chim non
rớt xuống nước chết nhiều quá. Quy luật tự nhiên đã là như vậy mà sao ông cảm
thấy rất đau khi mỗi con chim non chết. Ở cánh rừng này, không ai có thể đụng tới
những con chim dù là cứu nó. Duy nhất ông là được Ban quản lý cho phép làm như vậy.
Ông lần theo bờ, lượm từng con còn sống sót đưa nó về với tổ của nó.
Chiều
tối hôm đó, ông về nhà. Thằng Tâm đã đợi ông ở đó. Nó đem xe vào rước ông về
nhưng lần này ông lão cương quyết không chịu. Thằng Tâm không hiểu sao ông lại
như thế. Ông lão kêu nó ngồi:
- Con
biết không? Chỉ một đêm thôi mà cả nhà mình chết hết. Chẳng ai ngăn bọn Khơ -
me đỏ tàn bạo đó. Cha không thể nào quên được cảnh đẫm máu ở quê hương. Những
con chim ở đây cũng vậy. Nó làm cho cha luôn nhớ về anh con, mẹ con và cả ông
bà cô bác bên nội mình nữa con biết không? Mỗi lần cha nghĩ tới Ba Chúc là tim
cha như nghẹn lại. Cha không làm gì cho những người đã chết. Cha chỉ biết cứu với
những con chim trong cánh rừng này để mong sao linh hồn những người thân của
cha được nhẹ nhàng ra đi…
Ông
lão không khóc nhưng ông thấy thằng Tâm lấy tay lau nước mắt. Nó bước nhanh tới
ôm ông:
- - Cha!
Cha ơi. Con sẽ xin về đây dạy. Con và cha sẽ ở lại Tràm Chim này nha cha!
Ông lão
cười rồi vuốt mái tóc con. Ông thấy muôn ngàn cánh chim đang bay về trong gió…
Đồng Tháp, 28/10/2012
L.Q.T (An Giang)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét