(Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 tháng 11
năm 2014)
Trong thời gian nghỉ hưu, đôi khi chúng tôi được nghe
từ đâu đó ở bạn bè, người thân các câu hỏi quen thuộc, đại loại như cuộc sống
khi về hưu ra sao? Có gì thuận lợi hay khó khăn hơn lúc còn tại chức? Tuổi hưu
có đúng là thời an nhàn hay chỉ là lúc có thêm nhiều sự bất an lo lắng?
Quả là không dễ có được câu trả lời thực sự thấu đáo cho vấn đề nêu trên. Bởi lẽ,
cũng như trong cuộc sống nói chung, giai đoạn về hưu vẫn luôn có sự đan xen
giữa niềm vui và nỗi lo, giữa sự may mắn và điều không mong muốn. Hơn nữa, quan
niệm và cách tiếp nhận sự việc nói trên ở mỗi thời, mỗi người lại khác nhau.
Ngay khi những người cùng ở độ tuổi hưu, tuổi già, nhưng cảm nhận có được hạnh
phúc nhiều hay ít còn tùy thuộc vào nhận thức và cách ứng phó với tuổi tác, sức
khỏe và hoàn cảnh sống riêng của từng người.
Nhân kỷ niệm ngày Người Cao tuổi và Ngày Nhà Giáo (20
tháng 11), chúng tôi muốn được chia sẻ cùng các thân hữu đồng nghiệp đã nghỉ
hưu, nhất là với các vị còn đang tại chức, đôi điều cảm nhận, trải nghiệm của một
nhà giáo đã hưu trí về việc nghỉ hưu
và cuộc sống ở Tuổi Hưu – Tuổi Già. Đây chỉ là một vài suy nghĩ về một vấn đề
khá thiết thực mà ai cũng phải quan tâm đến giai đoạn cuối đời của chúng ta.
Trước khi nghỉ hưu, mỗi người đều có một công việc
nghề nghiệp và hoàn cảnh sống riêng, nên sẽ có cách suy nghĩ, tiếp nhận và ứng xử
không hoàn toàn giống nhau về tuổi hưu và tuổi già của mình. Riêng trong nghề
dạy học, không kể một số trường hợp đặc biệt ở những người có cương vị, chức vụ
quan trọng, có lẽ với đại đa số nhà giáo chúng ta, có thể có nhiều điểm tương
đồng trong cuộc sống nói chung, nhất là trong các sinh hoạt tinh thần. Cho nên,
không quá khó để các nhà giáo có thể tìm được tiếng nói chung trong cách đánh
giá, nhìn nhận một số tiêu chí giá trị về cuộc sống, về hạnh phúc… Có lẽ nhờ
thế, hầu hết nhà giáo có thể đón nhận “biến cố” nghỉ hưu và cuộc sống hưu trí của
mình một cách thanh thản, bình thường.
Những cảm nhận, trải nghiệm về tuổi hưu, tuổi già nhắc đến dưới đây được rút tỉa từ những người
đi trước, ở bạn bè cùng thế hệ và ngay chính bản thân mình. Trong đó, có một số
trích dẫn từ các nhà giáo, nhà văn, nhà văn hóa, các nhà chuyên môn y học, tâm
lý tên tuổi, cùng quan tâm đến vấn đề nêu trên.
Khi nói đến việc nghỉ hưu, không thể không nhắc
đến các qui định chung về độ tuổi về hưu
cũng như các khái niệm liên quan đến tuổi hưu, tuổi già…
Các từ điển Hán Việt thông dụng đều giải thích “Hưu”
là “thôi”,
là “nghỉ”
công việc đang đảm nhận, “Trí” là “đến hạn”. Vậy người nghỉ
hưu hay được hưu trí, là người đang làm một công việc ăn lương, nay đến hạn
tuổi qui định phải nghỉ việc và được lĩnh một số tiền hàng tháng gọi là lương
hưu cho đến cuối đời. Khái niệm già thường gắn liền sau khái niệm về
hưu, vì đây là độ tuổi đang bước dần đến sự suy giảm thể lực, hạn chế khả năng
hoạt động làm việc của con người. Tốc độ lão hóa nhanh hay chậm tùy thuộc đặc
điểm cơ thể và lối sống của từng người. Vẫn biết tuổi già thường hay có bệnh
nhưng tuổi già không phải là tuổi bệnh,
nếu ta sớm biết cách phòng bệnh, thường xuyên rèn luyện thể chất và luôn có một
tinh thần lạc quan.
Nhà văn, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong tác phẩm “Già ơi…chào bạn” đã cho rằng về mặt xã
hội, khái niệm “già” khá mơ hồ, tùy theo nền văn hóa và thay đổi từ thế hệ này
sang thế hệ khác (...). Ở Việt Nam
thời Pháp thuộc, tuổi thọ trung bình 32, ngày nay tuổi thọ là 68 (nam), 72 (nữ
) (con số tương ứng hiện nay đã lên trên 70 và gần 80-NHH). Nhưng những người
trên 80 còn hoạt động năng nổ, sáng tạo không hiếm. Về kinh tế, “già” có khi
được định nghĩa như tuổi “về hưu”, mất sức, hết làm việc được, nhưng thực tế
những người về hưu đa số vẫn còn làm việc tích cực, đặc biệt trong một số lĩnh
vực” (sđd trang 32)
Được biết tuổi về hưu hiện nay ở Việt Nam là
60 (nam) và 55 (nữ). Còn ở các nước Âu Mỹ tuổi hưu bắt đầu từ 65 trở lên. Và ở
độ tuổi này, đa số người về hưu ở Việt Nam
chưa hẳn đã già yếu. Hơn nữa, ngày nay y học nói chung và lão khoa trên
thế giới tiến bộ rất nhanh, nên sức khỏe, tuổi thọ của người lớn tuổi ngày càng
được cải thiện và nâng cao. Bởi vậy một số người đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm
một công việc thích hợp nào đó (có thể với cường độ và thời gian lao động ít
hơn lúc trẻ) để tăng thêm thu nhập, bổ sung vào đồng lương hưu (nói chung lương
hưu của số đông người nghỉ hưu hiện nay thường khá khiêm tốn). Những người
không bận tâm nhiều vào lương hưu hoặc có thu nhập tạm đủ họ thường chọn cho
mình các hoạt động ưa thích và hợp với sức khỏe, năng lực của họ. Đó có thể là
công việc viết văn, làm báo, sáng tác, thưởng thức thi ca âm nhạc hội họa hay theo
đuổi một môn thể dục, thể thao vừa sức hoặc một thú vui giải trí thích hợp mà
trước đây vì bận công việc, nghề nghiệp nên chưa thực hiện được. Cũng có người
gặp cơ duyên hoặc vì một lý do riêng, khi lớn tuổi lại muốn hướng phần đời còn
lại vào niềm tin tôn giáo, tâm linh hoặc cống hiến hết tâm lực vào các hoạt
động từ thiện, công ích cho xã hội v.v
Đặc biệt, với những người sống lạc quan, sức khỏe còn
tốt, tinh thần vững mạnh, lại cho rằng “Về
hưu là một giải thoát, một niềm vui lớn” (Sđd trang 22). Và tuổi về hưu là
cái mốc khởi đầu cho một giai đoạn sống mới có nhiều ý nghĩa và thú vị mà thời
gian trước chưa thể có được. Theo đó, đến được cái mốc tuổi về hưu là thành quả
của một quá trình lao động, phải vượt qua bao thử thách mới có thể tích lũy
được những trải nghiệm quí báu cho cuộc sống nói chung. Hơn thế, với những
người già thông tuệ, còn cho đây là giai đoạn tốt nhất để tổng kết thành quả
một đời người, để có thể suy ngẫm hành xử một cách minh triết về nhân sinh, về
ý nghĩa của cuộc sống. Một trong những hiền nhân trí tuệ đó ở Việt Nam,
có thể kể đến Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm. Cụ
là một điển hình cho tuổi già thông tuệ, minh triết ở thời trung đại. Còn muốn nói
đến một ông già trí thức phương Tây luôn dấn thân cho sự nghiệp hòa bình của
nhân loại thời hiện đại không thể không nhắc đến nhà triết học người Anh Bertrand Russell. Cả hai cụ vừa nói đến đều có
tuổi thọ trên 90.
Nhưng trước khi đi sâu vào các đặc điểm lợi thế riêng
của tuổi hưu, tuổi già, chúng ta cũng nên biết đến quan điểm bi quan của một số
người trước “bước ngoặt” phải nghỉ hưu. Đối với họ, về hưu là một sự thay đổi lớn
trong cuộc sống của họ, gây nên tâm lý bất an, hụt hẫng, luôn có cảm giác không
dễ vượt qua sự thay đổi đó. Và nếu có tìm được sự thích nghi nào thì đây chỉ là
điều bó buộc phải chấp nhận, ngoài sự mong muốn của họ. Cũng theo quan điểm bi
quan nói trên “Về hưu là một biến cố, dù
có chuẩn bị đi nữa cũng là cú sốc, nặng nhẹ tùy người. Có người hụt hẫng do thu
nhập bị thu hẹp, sức khỏe giảm sút,
tiếng nói hết trọng lượng, bạn bè xa dần… sinh ra chua chát, đắng cay” (Sđd trang 41). Một nhà tâm lý
cũng cho rằng cú sốc, hụt hẫng đó “đã
được xếp loại là một trong chín
nguyên nhân gây căng thẳng tâm thần trong đời sống. Nhất là ở những người nắm
giữ chức vụ cao, quan trọng” mà không tự tìm được sự hóa giải, vượt qua “thì khi về hưu sẽ cảm thấy mình rơi vào khoảng
không: mất uy quyền, địa vị trong xã hội sợ bị lãng quên (…). Nếu không có
phương hướng sống thì những người này dễ bị rơi vào tình trạng rối loạn tình
cảm trầm trọng trong năm mới về hưu và đó cũng là môi trường màu mỡ cho bệnh
tật” (B/s Nguyễn Ý Đức, An hưởng tuổi
già, trang 204).
Kinh nghiệm cho thấy hầu hết nhà nho thuộc thế hệ ông
cha chúng ta ngày trước đã thấm nhuần và thành công trong thuật “xuất xử” khi
ra gánh vác việc xã hội cũng như khi lui về gia đình an hưởng tuổi già. Ngày
nay, cũng có không ít người từng giữ những vị trí, chức vụ quan trọng nhưng nhờ
có được một nền tảng văn hóa ứng xử thích hợp nên có thể vượt qua sự hụt hẫng
nói trên một cách thanh thản không mấy khó khăn.
Trở lại với quan điểm của những người về hưu sống lạc
quan. Họ luôn mong muốn được sống với tuổi thọ cao, tráng kiện về thể chất và
minh mẫn về tinh thần. Quãng thời gian có được một tuổi thọ tốt đẹp như thế,
người phương Tây thường gọi một cách trân trọng là Giai Đoạn Tuổi Vàng (The
Golden Years). Một bác sĩ lão khoa đã viết một
cuốn sách dành cho người về hưu, người già có tựa đề “An Hưởng Tuổi Già” trong đó có đề cập đến những thú vui thích hợp
cho người lớn tuổi, người đã về hưu đã nói trên: “Không có gì thú bằng khi về
hưu có thể làm những việc mà trước đó không có thì giờ cũng như hoàn cảnh để
thực hiện. Đọc sách, học vẽ, học nhạc, viết lách, làm việc tự nguyện v.v. Nhất
là đi du lịch đó đây để du sơn ngoạn thủy, tìm hiểu thêm về con người, cuộc
sống…”. Tác giả cũng không quên cho rằng những điều thú vị ấy nếu được chia sẻ,
nhất là với người bạn đời vào lúc có tuổi, thì cuộc sống càng thêm ý vị khi ông
viết: “… Hình ảnh cặp vợ chồng chưa già
hẳn, nương nhau mà đi, lòng nhẹ nhàng, không lo nghĩ không bận bịu”. Dường như họ được sống lại thời
thanh xuân, nhưng với cái nhìn đằm thắm từng trải hơn. Tình cảm gắn bó, sự chia
sẻ, đồng cảm đó có thêm một chút lãng mạn cần thiết sẽ làm cho cuộc sống của một
đôi vợ chồng lớn tuổi thêm ý nghĩa : “… Nếu
họ có mối quan tâm chung (…) thì khi về hưu là cơ hội họ sống với nhau nhiều
hơn. Một khi họ được giải phóng cả về công việc xã hội, cũng như con cái đã
khôn lớn, sống xa gia đình. Có gì
vui sướng hơn khi hai vợ chồng già cùng nghe lại một bài hát cũ bên tách cà phê… chia sẻ với nhau những cảm xúc mà bọn trẻ ngày nay không còn ai biết nữa: “Chỉ
còn anh và em cùng tình yêu ở lại” - (Đỗ Hồng Ngọc Sđd trang 43).
Đúng là tình yêu của người có tuổi “tuy không hừng hực
lửa” nhưng có sự trong sáng của tình bạn, sự vững bền của tình nghĩa và sự chia
sẻ chăm sóc ấm áp từ cả hai vợ chồng. Có lẽ đó cũng là nét văn hóa riêng của
người phương Đông, đặc biệt của người Việt. Vì theo
nhà văn hóa B/s Nguyễn Khắc Viện, trong khi phương Tây chỉ có hai từ để
nói về tình yêu là “Amour” và “Sex”, thì ngôn ngữ tiếng Việt có
đến những bốn từ nói về tình yêu hôn nhân giữa đôi nam nữ là Tình
Duyên, Tình Yêu, Tình Dục và Tình Nghĩa. Trong đó, yếu tố tình nghĩa giữ vai trò quan trọng trong
tình cảm tuổi già.
Tổ chức Sức
khỏe thế giới (Who) cũng luôn cổ vũ
cho một tuổi già năng động, sáng tạo, sống hữu ích cùng con cháu trong gia đình
giữa những người yêu quí trong vị thế “già
không phải là gánh nặng mà là một nguồn lực”. Và ở đây, lại là thứ nguồn
lực của kinh nghiệm và trí tuệ, rất cần cho con cháu, gia đình và cộng đồng xã
hội…
Sự nhìn nhận trên đây cũng thích hợp với truyền thống luôn
dành sự quan tâm, quí trọng đối với người già của văn hóa, xã hội Việt, được
thể hiện qua câu châm ngôn quen thuộc “kính
lão đắc thọ”, và theo túi khôn dân gian: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”
Đó là niềm vui, là bóng dáng hạnh phúc của tuổi hưu,
tuổi già mà người phương Đông gọi là “Hưởng Lạc Dư Niên”, được vui sống
trọn vẹn những năm tháng còn lại, khoảng thời gian coi như được cộng thêm vào tuổi
thọ của đời người.
Tất nhiên, muốn có được hưởng trọn vẹn “giai đoạn tuổi
vàng” hoặc tìm được ý nghĩa những năm tháng “hưởng lạc dư niên”, vừa nói trên,
chúng ta phải cần hội đủ một số điều kiện không thể thiếu. Và các điều kiện đó
có thể ở trong tầm tay của hầu hết chúng ta nếu có quyết tâm… Nhà văn André
Maurois, Viện sĩ Hàn lâm văn học Pháp cũng cho rằng muốn có được hạnh phúc ở tuổi
già, chúng ta phải có “một nghệ thuật
sống” trong đó, có việc nên hiểu thấu đáo “nghệ thuật già”.
Theo kinh nghiệm được đúc kết từ các công trình chuyên
tìm hiểu về tuổi già và cách tiếp cận với cuộc sống có hạnh phúc ở người cao
tuổi, cũng như ở những trải nghiệm rút tỉa từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta có
thể phát họa một số tiêu chí cơ bản giúp cho tuổi về hưu, tuổi già có được một
cuộc sống tích cực, hạnh phúc ở cuối đời như dưới đây:
- Trước hết, chúng ta phải duy trì được một sức khỏe tương đối tốt so với tuổi tác và phát
hiện sớm các bệnh hiểm nghèo, nhờ vào phương pháp bảo vệ sức khỏe, kiểm tra
bệnh tật thường xuyên ngay từ khi còn trẻ.
- Có mức thu
nhập ổn định (từ lương hưu và nếu có thêm ít tiền, ít tài sản dự phòng càng
tốt) vừa đủ cho nhu cầu cá nhân và gia đình (theo tiêu chí và hoàn cảnh riêng
từng người) để khỏi phải lệ thuộc vào người khác, kể cả con cháu, người thân.
- Có được một
mái ấm gia đình hoặc một nơi nương tựa tin cậy (chủ yếu là được chăm sóc về
mặt tinh thần), một nhóm bạn hữu thân thiết (có thể
xem là tri âm, nếu có được một vài bạn tri kỹ thì đáng quí).
- Sau hết, có
một công việc thích hợp, vừa sức để theo đuổi, một cuộc sống tinh thần lạc quan thanh thản và có nhiều người để
thương yêu và được những người chung quanh quí trọng.
Muốn có được những thuận lợi như trên, theo nhà văn Maurois,
chúng ta phải chuẩn bị cho mình một nghệ
thuật già ngay từ khi con trẻ. Và một trong những điều cốt yếu của nghệ
thuật già, là phải luôn “nuôi dưỡng, duy
trì niềm hy vọng trong tâm hồn. Những người lâu già là người biết giữ lẽ sống”. Ngoài những yếu tố
cần có như sức khỏe, vật chất nói trên, nên có một nếp sống thanh đạm, hiền
hòa, nhân từ và một tinh thần lạc quan. Nhà văn hóa Trung Hoa, Lâm Ngữ Đường đã
phát họa chân dung của một người già tiếp cận với cái đẹp hoàn thiện như sau: “Không có gì đẹp bằng một người già minh
mẫn, hiền hòa, khỏe mạnh, ôn tồn bàn về thế sự một cách từng trải”
Trong những yếu tố làm nên sự vui sống,
hạnh phúc của người già nói trên, sức khỏe giữ vai trò tiên quyết, ảnh hưởng
nhiều đến chất lượng sống của tuổi già. Nhưng đây lại là yếu tố không hoàn toàn
tùy thuộc vào sự mong muốn chủ quan của ta, như việc tìm kiếm, thủ đắc về tri
thức, về của cải vật chất. Tổ chức Who đã đưa ra một bản phúc trình cho thấy “tuổi thọ con người ngày nay càng tăng
nhưng một số bệnh tật của tuổi già đã để lại những di chứng đáng tiếc”. Do
đó, không ít những người cao tuổi có thể kéo dài tuổi đời nhưng không thể gọi
đó là tuổi thọ hạnh phúc, nếu không muốn nói là một gánh nặng cho người thân,
cho xã hội. Vì thế, tổ chức trên đã khuyến cáo phải thực hiện các biện pháp
SAFE một cách nghiêm túc, để kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống
(quality of life Assessement), trong đó sức khỏe là quan trọng nhất. Được biết,
“SAFE” là những chữ viết tắt của Smoking
(thuốc lá) Alcohol (rượu), Food (thức ăn) và Exercise (luyện tập). Và theo giải thích của tác giả “Già ơi… chào bạn!”: là không nên hút
thuốc lá để tránh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim mạch (…)
(nếu không bỏ hẳn được thì phải cố gắng giảm bớt hút thuốc lá). Bớt rượu để tránh
bệnh gan ruột, thần kinh (có thể mỗi ngày uống một cốc vang hoặc vài ly bia).
Dinh dưỡng đúng cách với nhiều rau đậu, hoa quả có nhiều chất xơ, để tránh ung
thư, táo bón và bớt đường, mỡ, muối và quá thừa chất đạm để tránh bệnh cao
huyết áp, tiểu đường, gout… Thường xuyên vận động rèn luyện thể chất, tập thể
dục, đi bộ, bơi lội, hít thở đúng cách…
Thực ra, những điều này không mới và ai
cũng có thể biết, nhưng cái khó là mỗi
người phải tự thắng bản thân để thực hiện cho được lời khuyến cáo “vàng ngọc”
nói trên, nhất là với những người có thể chất không được khỏe mạnh và phải
phòng ngừa trước khi bệnh mới bắt đầu phát sinh. Ngoài ra, muốn được trường thọ
cần phải luôn giữ cho lòng được an lạc, như người xưa đã nói: “Lạc giả trường thọ, ưu giả dị yểu”
(vui vẻ sống lâu, buồn phiền dễ chết sớm).
Có một sự thật khách quan chúng ta phải
chấp nhận: về hưu và tuổi già, đó là qui định chung của xã hội, là giai đoạn
sinh học tự nhiên của đời người. Chúng ta chỉ có thể tiếp nhận và ứng phó một
cách thích hợp, khôn ngoan trước bước ngoặc nghỉ hưu, cũng như không ngăn chận
được tuổi già, nhưng vẫn có thể làm chậm lại quá trình lão hóa, bằng cách sống
tích cực, biết “nghệ thuật già” ở cuối đời. Ở những người sống lạc quan, họ còn
biết phát huy một số lợi thế của tuổi hưu, tuổi già mà ở các giai đoạn trước đó
chưa thể có được. Nhà văn Maurois lại chỉ
ra những lợi thế đó như là sự bù trừ vào điểm yếu của tuổi tác, khi ông đưa ra
nhận xét khá tinh tế, sâu sắc: “Sau năm
sáu chục năm nếm trải những thành công và thất bại, hỏi ai còn giữ được những
điểm sung mãn của tuổi trẻ. Đi vào hoàng hôn của cuộc đời như đi vào vùng ánh
sáng đã được điều hòa, ít chói chan hơn, mắt
khỏi lóa bởi những màu sắc rực rỡ của bao ham muốn. Người ta
nhìn mọi vật đúng như thực chất của nó” (André Maurois, Sđd trang 130)
Sau khi đã sống trọn vẹn tuổi già tích cực, đã tận
hưởng những lạc thú chính đáng của đời người, nay đến lúc thật sự đã già, cách
êm đẹp nhất là chúng ta phải biết chấp nhận tuổi già. “Thời tranh đấu đã qua, sự đời đã xong, chốn ẩn náu ngàn thu đã cận
kề, khốn khổ tai họa không còn đáng kể nữa (…). Mất đi vài lạc thú mà không còn
luyến tiếc nữa. Họ vui hưởng những gì còn lại với mình (…). Trong buổi xế tàn cuộc đời, làm thế nào có
được an vui. Sau khi thấy rõ ảo vọng của danh lợi ở đời, người già tìm đến sự
yên tĩnh ẩn dật, tìm vài công việc riêng hợp với sức mình (…). Riêng tôi, tưởng không có gì đẹp hơn trong lúc đã già, được về
ở nhà quê, đừng quá xa thành thị, đọc lại vài cuốn sách mà tôi đã hết lòng yêu
quí” (Maurois Sđd trang 149-150). Cũng nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống và sự đĩnh đạc từng trải của tuổi
già, nhà tư tưởng Pascal đã nói: “Người
già hưởng hạnh phúc bình tĩnh, làm kẻ ngoại cuộc linh động bất vụ lợi của một
thời không còn phải của ta nữa. Vẻ
mặt êm ả, cái nhìn thẳng thắn, vui vẻ nói rõ tâm trạng của người già”
Từ nhận định trên, có thể nói người già, tuổi già có
thể dễ tìm thấy hạnh phúc, bởi yêu cầu, tiêu chí hạnh phúc người lớn tuổi đơn
giản và cụ thể hơn lúc còn trẻ, vì lẽ họ không còn nhiều mơ ước cao xa, lớn lao
mà chỉ có những mong muốn thiết thực, gần gũi. Chẳng hạn như muốn được sống một
tuổi già bình an, ít bệnh tật và được nhìn thấy con cháu thành đạt nên người.
Những người sống từng trải, có nhiều kinh nghiệm sẽ dễ
tán đồng với nhận định cho rằng: “Những
người hạnh phúc là những người biết khám phá những niềm vui nhỏ nhoi ngay trong
ta, quanh ta thôi, miễn là ta biết ngạc nhiên, tỉnh thức, khám phá của trẻ thơ”.
Có lẽ chính những niềm vui bình dị bất ngờ được phát hiện đó, đã mang đến cho Kim Thánh Thán (danh sĩ Trung Hoa) niềm khoái
cảm như ông đã kể lại, chẳng hạn như khi “… mở rương, vô tình được một lá thư
của cố nhân” hoặc “mở cửa sổ cho con ong bị kẹt bay ra, chẳng cũng khoái ư?”
(Lâm Ngữ Đường, Sống đẹp).
Nếu đồng cảm, chấp nhận cách tiếp cận hạnh phúc một cách
đơn giản nhưng tinh tế như thế, chúng tôi nghĩ rằng đa số người về hưu nhất là nhà giáo không khó tìm thấy được cảm giác
thanh thản, dễ chịu, cũng như sự vừa lòng có thể thích ứng với cuộc sống vốn
không ít những điều khó khăn, nhưng thường tiềm ẩn nhiều điều thú vị, hạnh phúc
bất ngờ… nếu chúng ta biết “khám phá” và luôn biết “ngạc nhiên”.
Trước đây, khi còn là nhà giáo tại chức, sau một năm
làm việc cực nhọc chúng ta được nghỉ ngơi trong mấy tháng hè. Nay đã về hưu,
tại sao không coi đây như là kỳ nghỉ hè dài hạn đầy thú vị, sau bao năm đã bỏ
nhiều công sức để dạy dỗ, dìu dắt các thế hệ học sinh của mình. Từ đây, ta hoàn
toàn tự do, tự chủ sắp xếp thời gian, chương trình cuộc sống còn lại của ta.
Tất nhiên giờ đây quỹ thời gian còn lại hạn hẹp, sức khỏe ngày càng suy giảm,
nên chúng ta chỉ có thể nhắm đến các mục tiêu cụ thể, ngắn hạn. Nhưng bù vào
đó, ta có thể chủ động nâng cao chất lượng, ý nghĩa cuộc sống sao cho phù hợp
với tuổi già cũng như đặc điểm, sở thích riêng của từng người. Phải coi năm tháng
còn lại như thứ quà tặng “hưởng lạc dư
niên”, cần tăng thêm giá trị chất
lượng sống “(quality of life). Và phải “thêm
đời sống vào tuổi tác” (adding life to years) chứ không phải chồng chất
năm tháng lên đời sống (not just adding to life) như tổ chức Who đã đề ra.
Cho nên, từ đây mỗi buổi sáng thức dậy ta hân hoan vì sắp có thêm một ngày vui mới được cộng vào
tuổi đời. Chiều đến, ta tự nhủ vừa được hưởng thêm một ngày thanh thản bình an. Rồi ngày mai lại đến, ta
nên cám ơn cuộc đời vì sẽ có thêm một ngày
để thương yêu và được thương yêu,
như lời tự tình trong câu thơ quen thuộc của nhà thơ nổi tiếng Li-băng Gibran (1883-1931):
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm một ngày để yêu thương”
(Một nhà văn Việt Nam đã dịch từ
bản tiếng Anh)
Có lẽ đây cũng chính là niềm vui hưởng lạc dư niên và là thứ hạnh phúc bình dị cuối đời có thể có được ở tuổi hưu, tuổi già của chúng
ta./.
N.H.H (Bình Dương)
* Sách
tham khảo
1/
André Maurois, Một nghệ thuật sống, bản dịch của Hoàng Thu Đông XBTH 1997
2/
Đỗ Hồng Ngọc, Già ơi…Chào bạn!, NXB TP HCM 2009
3/
Bertrand Russell, chiến sĩ tự do và hòa bình, Nguyễn Hiến Lê, NXB Lửa Thiêng
1971.
4/
B/s Nguyễn Ý Đức, An hưởng tuổi vàng, NXB Y Học 2002.
5/
Lâm Ngữ Đường, Sống đẹp, NXB Nguyễn Hiến Lê, 1964.
Viết hay...
Trả lờiXóachúc tuổi già bình an...