Nhà văn trẻ Minh Vy
Không biết từ bao giờ, xóm Chài
heo hút dưới chân cầu Bình Lợi này người ta đã thấy ông Ba xuất hiện. Cái dáng
ông Ba nhỏ bé, gương mặt ông đen sạm khắc khổ hằn lên những vết nhăn nheo ở
đuôi mắt. Xóm Chài tự phát này chỉ dành cho những con người phiêu bạt.
Nghe nói từ xa xưa, ông Ba
trôi dạt từ phương bắc vào Sài Gòn, vật vã kiếm tìm cái ăn, cái mặc. Chiếc ghe
máy cũ kỹ đã hơn bốn mươi năm cùng ông sóng gió nơi quãng sông này đường như đã
đến lúc nó mệt mỏi. Bên thành ghe đã bám rất nhiều rong rêu, từng miếng gỗ đã bắt
đầu xộc xệch và mục, nhưng ông vẫn dùng nó, có lẽ vì nó đã gắn với cuộc đời ông
cùng những ký ức khó có thể nhạt phai…
Chiều nhập nhoạng phết lên nền
trời màu vàng nhạt. Ngồi trên ghe đậu ở mé sông, ông Ba canh chừng đám trẻ con
đang tắm sông. Nhìn bọn trẻ đang thỏa sức vẫy vùng dưới nước, ông mỉm cười, dường
như trước mắt là tuổi thơ của ông đang như một thước phim trôi chầm chậm…
Rồi ông Ba lại nheo mắt,
nhìn vào dòng nước xoáy, cái nheo mắt làm người ta thật khó hiểu. Ông thở ra một
tràn hơi thật dài và đứng lên nói lớn cho lũ trẻ con đang tắm sông nghe.
- Tụi bây tắm vừa vừa thôi, lên bờ đi kẻo nước cuốn bây giờ.
Đám nhóc đang chơi đùa vui vẻ
bỗng có người nhắc thì có vẻ bực mình, nói gắt lại với ông.
- Tui tắm kệ tui, ai kêu ông ngồi canh tụi tui làm gì cho mệt.
Trong đám trẻ đó, có đứa là
thằng đánh giày, có đứa bán vé số, và nhiều thành phần khác tập trung lại. Bọn
chúng không được đến trường nên cũng chẳng biết lễ nghĩa phép tắc gì với người
già. Bị đám con nít nói hỗn, nhưng ông Ba vẫn không chấp, ông nhẹ nhàng nhắc nhở.
- Chiều tối con sông này hay có dòng xoáy, tụi bây không lên bờ
thì nguy hiểm lắm.
Một thằng nhóc đáp.
- Ông cứ vô ghe nấu cơm đi, tụi tui tắm chút nữa rồi lên.
Trời đã sập tối, bóng đêm phủ
xuống xóm Chài nhỏ một màu đen sạm âm u. Ông Ba quay người tính bước vào trong
ghe để thổi lửa nấu cơm, đi vài bước ông lại cảm thấy không yên tâm nên lại
quay ra, ngồi ở đầu mũi ghe mà canh chừng bọn nhỏ. Mãi cho đến khi tụi nhóc tắm
sông chán chê lên bờ hết ông mới thở phào, rồi vào trong ghe nấu cơm.
Xóm Chài không có đèn điện,
xung quanh là những bụi chuối xanh um mọc san sát nhau. Cái dáng vẻ lầm lũi và
cô độc của ông Ba ngày này qua ngày nọ đã trở thành thân quen với người dân nơi
đây.
Dạo trước, người ta còn thấy
vợ chồng ông đi về có nhau, nhưng một ngày kia, xóm Chài chỉ còn thấy mình ông
cô đơn đi về, chẳng ai biết vợ con ông đâu rồi. Người thuộc thế hệ của ông thì
đã dọn đi mất, nhưng người mới đến không ai biết được, vì ông chẳng bao giờ tâm
sự chuyện vợ con với họ.
Bữa cơm được dọn ra với món
cá kho và rau muống luộc, ông Ba vẫn giữ thói quen lấy 2 cái chén, múc phần cơm
cho mình rồi múc thêm một chén nữa, để đôi đũa lên như mời thêm một người ăn rồi
ông mới bắt đầu ăn.
- Ùm…
Là tiếng người vừa rơi xuống
nước từ một độ cao. Đang nuốt miếng cơm vào bụng ông Ba vội buông chén, chạy
nhanh ra ngoài rồi chụp sợi dây thừng vào tay và nhào người xuống sông.
Ông bơi nhanh như cá, rẽ
dòng nước đến chỗ giữa sông. Cứ đến tối là con sông này có một dòng xoáy, người
ta hay nói đó là dòng xoáy tử thần vì có rất nhiều người đến đây để tự tử.
Người dân trên các con ghe và
xóm Chài đổ ra xem, một lát sau người ta thấy ông Ba kéo lên một cô gái rũ rượi,
tay chân đã trắng bợt nhưng vẫn còn thoi thóp thở. Ông Ba nhấn bụng cho nước
sông trào ngược ra ngoài, cô gái tỉnh dậy, mắt ràn rụa nước.
Ông Ba ngồi thở dốc, người lạnh
run vì phải ngâm nước khá lâu. Cô gái vẫn nằm trên bờ, mắt nhìn lên bầu trời
đen kịt. Tiếng đoàn tàu nhập nhoạng trong bóng đèn đường vàng võ đang chạy ào
qua, lũ trẻ con và người dân cũng kéo nhau ra về.
Ông Ba vào trong ghe đem ra
chiếc mền dày, đắp lên người cô gái. Rồi ông trở vào ghe thay quần áo, sau đó ngồi
bên cạnh cô hỏi chuyện.
- Sao lại phải tự tử?
Cô gái không trả lời, mắt nhắm
chặt, dòng nước mắt tuông dài. Bóng đêm đã phủ lên xóm chài một màu đen đặc
quánh, lấp loáng dưới sông những bụi lục bình xoay vòng dưới ánh trăng non nhợt
nhạt đang từ từ trôi đi vô hướng…
Đã hai ngày trôi qua, cô gái
chẳng nói gì với ông Ba. Sáng nay ông Ba lại đi giăng lưới và chài bắt cá. Tấm
lưng gầy gò đen đúa của ông lại phơi giữa mênh mông nước. Chiếc chài được quăng
ra xa tạo một vòng tròn trên mặt nước, nhưng khi kéo lên thì chẳng được bao
nhiêu cá, chủ yếu là mấy con tép nhỏ và vài con cá lòng tong…
Ông Ba đãi cô một bữa ăn đạm
bạc với rau muống luộc và mớ tép, cá lòng tong vừa bắt được. Hai ngày sống ven sông
trên chiếc ghe của ông Ba, cô được chứng kiến những cảnh sinh hoạt của ông. Cô luôn
ngạc nhiên khi thấy ông lấy ra ba cái chén và mời cô ăn.
- Ăn đi, để khỏe lại rồi về nhà!
Một chén cho cô, một chén
cho ông Ba và một chén đã múc sẵn cơm để trong mâm. Cô ngạc nhiên nhưng không
dám hỏi, cô nhìn ông Ba rồi và cơm vào miệng, bỗng dưng cô thấy nó ngon lạ
lùng.
Chiều, không thấy lũ nhỏ ra
sông tắm, ông Ba lái ghe tấp vào một bãi chuối rồi đi xuống, cô lững thững đi
theo. Đi vào trong được một đoạn, ông Ba dừng lại ở một cái gò nổi cao. Ông thắp
nhang rồi cắm lên đó, mắt ông ươn ướt trong làn khói đang len lỏi trong bóng
hoàng hôn vàng nhạt.
- Con gái tôi đó!
Cô gái giật mình, tiến lại gần
ông Ba hơn, đốt một nén nhang rồi cắm xuống ngay chỗ chân nhang ông Ba hay cắm.
- Tại sao ông không làm một ngôi mộ đàng hoàng cho con gái?
Ông Ba lắc đầu.
- Tôi không tìm thấy xác của nó, chẳng biết nó đã trôi về đâu rồi.
Đây chỉ là ngôi mộ giả.
Có chút xót xa len vào lòng,
mắt cô cũng đã ngấn nước khi nhìn ông Ba lui cui nhổ cỏ quanh ngôi mộ.
- Tôi có hai đứa con gái, nó là con chị. Mẹ tụi nó bỏ đi khi
chúng còn nhỏ lắm, có lẽ vì nghèo nên bà ấy chịu không nổi. Hôm đó hai chị em rủ
nhau tắm sông, tôi đang loay hoay ở trong lo nấu cơm tối. Rồi đột nhiên tôi
nghe tiếng la của nó: “Ba ơi, ba ơi…” vội chạy ra thì thấy hai chị em nó đã bơi
rất xa chiếc ghe rồi. Chúng bị cuốn vào dòng xoáy. Tôi nhảy ào xuống lo cứu con
em vì nó bị chuột rút, ỷ y vào con chị bơi giỏi, đến khi quay lại thì dòng nước
đã cuốn con tôi đi xa rồi…
Ông Ba khóc nghẹn ngào.
Chiếc ghe máy chở cô gái và
ông Ba về trong tâm trạng ngổn ngang, như bị xoáy vào nỗi đau, suốt buổi tối
ông Ba chẳng nói gì.
Sáng dậy, cô thấy ông Ba đã
trở lại bình thường, ông vẫn đi quăng chài bắt cá. Chiều về ông vẫn ngồi canh
lũ nhóc tắm sông. Giờ thì cô đã hiểu ánh mắt của ông Ba khi nhìn những đứa trẻ
tắm sông. Hôm nay cô lục đục thổi lửa nấu bữa cơm tối để ông ngồi canh đám
nhóc. Xong việc, cô ra ngồi cạnh ông, hai người cùng hướng về đám nhóc.
- Con không nhớ nhà sao? Không nhớ ba mẹ con sao?
Cô gật đầu.
- Dạ, chắc mai con về, con cảm ơn ông đã cứu con.
- Cuộc sống này rất đáng quý, đừng vì một lý do gì mà hủy hoại
bản thân mình.
Cô gật đầu, nước mắt ràn rụa.
- Lúc đó vì nông nổi nên con không hiểu. Nhưng được ở bên cạnh
ông mấy ngày nay con mới biết. Mình ra đi thì dễ nhưng người ở lại sẽ quạnh quẽ
và cô đơn biết dường nào.
Ông Ba cười, quay lại nhìn
cô và lấy tay vuốt đầu cô.
- Ừ! Đừng bao giờ từ bỏ cuộc sống của mình. Được sinh ra làm
con người đã là một điều quý giá nhất trên đời này rồi đó con.
Trên dòng sông chiều nay, những
bụi lục bình nở hoa tím biếc đang sáng lấp lánh trong bóng hoàng hôn…
Cô gái đã trở về nhà. Ông Ba
vẫn một mình bên xóm chài nhỏ với công việc cứu người, rồi chiều chiều nhìn đám
trẻ tắm sông. Có nhiều người và gia đình đến rồi đi với cái xóm Chài, nhưng ông
vẫn chung thủy với nó. Vì nơi đây, có con gái ông nằm lại.
Có nhiều người bảo ông Ba rảnh
rỗi làm việc bao đồng. Ông nghe hết, ông thấy hết, nhưng có sao đâu, miễn ông
thấy vui mỗi khi cứu được một mạng người và nhìn họ trở lại với cuộc đời.
Chiều nay, trên bến sông,
ông lui cui nấu bữa cơm tối, bỗng nghe tiếng gọi.
- Ba ơi! Ba ơi…
Ông Ba ngơ ngác nhìn ra giữa
sông, nơi dòng nước xoáy tử thần ngày xưa đã từng cuốn đi mất đứa con gái yêu
thương của mình, để rồi sau đó vợ ông quay lại đưa đứa con gái nhỏ của ông bỏ
đi. Dòng sông vẫn lững lờ trôi, cùng đám lục bình quen thuộc…
Tiếng con gái lại gọi vang
trên mặt sông.
- Ba ơi! Ba ơi…
Ông Ba nheo mắt nhìn xa xa về
chiếc cầu Bình Lợi mới xây. Thấp thoáng trên sông, cô gái đang lái một chiếc
ghe mới rồi đậu bên cạnh chiếc ghe cũ kỹ của ông Ba. Cô gái cầm trên tay một thùng
quà, với nhiều bộ quần áo mới tặng ông Ba.
Hoàng hôn buông xuống xóm Chài
nhỏ, nhưng đẹp lung linh…
Đọc xong, đọng lại nhiều bâng khuâng về số phận đời người. Cám ơn Minh Vy.
Trả lờiXóa