Tôi nhớ thời còn bé, tôi hay dậy rất sớm và ăn sáng cùng gia
đình, sau đó bố sẽ đưa tôi đến trường. Nhưng từ khi vào đại học, thói quen đó
không còn giữ được nữa vì tôi thường dậy muộn hơn mọi người. Tôi hay thức đêm
để làm tiểu luận, để lên mạng chat chit với bạn bè nên khi tôi mở mắt đón ngày
mới thì bố và anh trai đã đi làm, mẹ tôi
đi chợ, còn tôi sẽ ngồi nhâm nhi tách cà phê sữa một mình.
Thời gian đầu, bố tôi hơi cằn nhằn và có phần không vui. Ông
vốn là người Nhật, bữa ăn gia đình với ông rất quan trọng. Bố từng nói rằng bữa
cơm sum họp sẽ khiến mọi người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và đặc biệt là sẽ
tiếp thêm nhiều niềm vui cho nhau. Nhưng rồi sau đó, phần vì nói mãi không
xong, phần vì bố khá nuông chiều tôi – cô con gái út của ông và phần vì lịch
học không thường xuyên nên khó mà “bắt” tôi giữ nếp sinh hoạt như xưa. Vậy là
gia đình tôi không còn ăn chung với nhau nữa.
Thay vào đó, mỗi sáng thức giấc, tôi bước xuống bếp và giở
lồng bàn ra, trong đó luôn có sẵn mẩu bánh mì cùng cái trứng ốp la mà bố đã
chiên. Không phải sáng nào tôi cũng ăn trứng nhưng nếu không phải là cái ốp la
thì cũng sẽ là một tô cháo hay gói mì gì đó mà bố mua cho từ sớm – lúc ông đi
lấy báo. Mẹ tôi hay càm ràm: “Con gái lớn rồi mà ông làm như còn nhỏ dại không
bằng. Phải để nó tự làm đi chứ! Rồi miết tới trưa nó mới dậy, nguội ngắt nguội
ngơ, ăn gì nữa…” Nhưng bố mặc lời mẹ nói và vẫn giữ thói quen như vậy.
Thật ra, khi lớn dần lên thì những cuộc đối thoại với bố mẹ
sẽ ít dần đi, thời gian ngồi chung mâm cơm cũng không còn nhiều, nhưng bằng một
cách nào đó, tình yêu vẫn hiện diện. Như bố tôi chẳng hạn, ông hay chiên cái
trứng ốp la mỗi sáng cho tôi, như thay cho một thông điệp rằng: Bố luôn quan
tâm và thương yêu con gái. Vì thế, cũng như một thói quen, khi thức giấc, bước
xuống bếp, tôi luôn giở cái lồng bàn đầu tiên, để kiếm cái ốp la bố chiên cho
hay bất cứ thứ gì khác mà bố mua sẵn. Mẹ nói đúng, lúc tôi dậy thì cái trứng đã
nguội và hơi ỉu, nhưng dù thế, tôi vẫn vét sạch trơn.
Mọi chuyện cứ bình thường và êm đẹp như thế, cho đến khi bố
mẹ tuyên bố chia tay nhau sau nhiều năm tháng gắn bó. Họ chia tay trong nhẹ
nhàng, nhẹ nhàng tới mức tất cả mọi người đều bất ngờ. Bởi chẳng ai nghĩ một
gia đình trọn vẹn là thế, yêu thương nhau là thế, hạnh phúc là thế mà lại có
thể tan vỡ. Chính tôi cũng không dám tưởng tượng ra điều đó.
Tối hôm ấy, sau bữa cơm, bố mẹ gọi anh em tôi đến và nói về
chuyện chia tay. Tôi sốc không thốt nên lời. Những cảm xúc lẫn lộn đan xen, rớt
dài trong tôi và sau đó là sự đau đớn đến tột cùng. Tôi im lặng bỏ lên phòng
riêng, tự trấn an rằng đó chỉ là một trò đùa, chỉ là bố mẹ muốn thử hai anh em
tôi thôi. Nhưng khi đã khóa kín cửa – chỉ còn mỗi mình tôi, thì tôi lại… khóc.
Tôi chợt nhận ra, có lẽ sự vô tâm của một con bé vốn được cưng chiều, đã khiến
tôi không cảm nhận được những cơn sóng ngầm dữ dội đang diễn ra trong gia đình
mình bấy lâu. Cho đến khi nó lặng lẽ đặt dấu chấm hết…
Đêm đó, tôi không ngủ. Bố tôi không ngủ và hình như mẹ tôi
cũng vậy. Sáng ra, khi tôi thức giấc, bố đã đi đâu đó. Mẹ ngồi cheo queo trên
chiếc so-pha, buồn bã… Anh tôi bình tĩnh hơn, anh bỏ đi nguyên một ngày dài và
chiều tối quay về ôm lấy mẹ. Còn tôi, hoàn toàn kiệt sức, chẳng biết làm gì hơn
ngoài việc gặm nhấm nỗi mất mát của riêng tôi, như thể vừa có ai đó xé mất một
mảng lớn trong tâm hồn…
Mọi việc diễn ra nhanh chóng. Căn nhà của chúng tôi được rao
bán. Tôi ở với bố trong căn hộ nhỏ. Và anh tôi ở cùng mẹ. Cứ như tất cả đã được
chuẩn bị và dàn xếp sẵn. Bởi ngay từ nhỏ, tôi gần bố nhiều hơn và anh tôi thì lại
hay tâm sự với mẹ.
Thỉnh thoảng, cuối tuần hay nghỉ lễ, bố chở tôi đến thăm mẹ
và ngược lại. Bố mẹ nói chuyện với nhau rất vui, như thể chẳng có chuyện gì xảy
ra. Điều đó làm tôi không tài nào tin được chúng tôi đã bị chia rẽ. Vậy nên tôi
chọn cách phản kháng.
Bố xin công ty đi làm muộn hơn để được ăn sáng cùng tôi. Mỗi
khi thức giấc, tôi đều thấy bố ngồi ở bàn chờ sẵn. Nhưng chỉ diễn ra được tuần
đầu tiên. Những ngày sau, tôi viện lí do học khuya hoặc này kia rồi ngủ vùi mãi
tới trưa, để bố không phải chờ nữa. Quả nhiên, bố tôi không đợi được vì công
việc của ông không cho phép. Nhưng thói quen chiên cho tôi cái trứng ốp la vẫn
giữ như xưa. Chỉ khác một điều rằng tôi không còn ăn chúng nữa. Chẳng phải tôi
ngán món trứng mà tôi muốn cho bố biết tôi đang giận ông, dù thực lòng chính
tôi cũng không biết tôi giận ông vì lẽ gì. Chỉ là tôi không thể nào tin vào
chuyện bố mẹ đã không còn thương nhau. Tôi biết, mỗi chiều đi làm về, giở cái
lồng bàn ra và thấy đĩa trứng còn nguyên, ông sẽ thở dài, sẽ buồn nhiều lắm.
Biết là vậy, nhưng không rõ điều gì đã khiến một đứa con gái vốn rất thương bố
thì bây giờ lại đi chọn cách làm cho ông đau lòng…
“Út lớn rồi, tự lo cho mình được. Bố mẹ có nỗi khổ tâm
riêng. Út đừng cứng đầu nữa…” – Anh tôi gọi điện nhắc nhở.
“Anh biết gì mà nói!” – Tôi gằn giọng, rồi cúp máy. Hung
hăng là thế, vậy mà khi nhớ về những tối cả nhà ngồi xem phim chung với nhau,
tôi lại bật khóc…
Những lần nói chuyện của bố con tôi ít hẳn đi. Tôi luôn có
lí do chính đáng để về trễ, để không ăn cơm nhà, đúng hơn là tôi tránh mặt bố.
Nhiều lần về nhà thấy cái trứng ốp la còn nguyên si, bố gọi tôi, hỏi “Sao con
không ăn trứng mà bỏ hoài vậy?”. Tôi vòng vèo vì thế này, tại thế nọ, “Sáng ra
dậy trễ nên con chạy đến trường ăn luôn” hay “Nhỏ bạn qua rủ đi ăn sáng với nó
cho vui!”. Từ lần ấy, bố không còn chiên trứng đặt sẵn lên bàn cho tôi nữa.
Nhưng theo thói quen, mỗi sáng cứ thức dậy là tôi lại chạy xuống bếp giở lồng
bàn, thấy trống trơ, tự dưng tôi nghe lạnh hai bên má, trách bố thật kì cục!...
Những ngày này, Dương hay chở tôi đi hóng gió cho khuây
khỏa. Tôi đã lên sẵn kế hoạch đưa Dương về ra mắt với bố mẹ, nhưng chưa kịp
thực hiện thì gia đình đã tan vỡ. Kế hoạch bị hoãn lại vô thời hạn. Tôi biết
Dương buồn lắm. Chẳng là anh không nói ra vì anh không muốn trút thêm phiền
muộn vào bộ mặt thảm não của tôi thôi…
Có lần, Dương sang đón tôi đi ăn sáng. Thấy đĩa trứng trên
bàn, anh hỏi tôi sao lại bỏ phí như thế, nhưng tôi không trả lời, chỉ ậm ừ cho
qua chuyện. Nhiều lúc, tôi kêu Dương chở tôi đi đâu đó thật xa, khuya rồi hãy
về, anh ngập ngừng hỏi: “Em để bố ăn cơm một mình à?”. Tôi lặng thinh, anh nén
tiếng thở dài rồi cũng chở tôi đi. Tôi biết khi đưa tôi đi như thế này, anh rất
lo lắng, nếu chẳng may bố tôi bắt gặp thì anh rất khó bề ăn nói, nhưng tôi mặc
kệ. Đôi lúc, tôi thấy mình tự bao giờ trở nên ích kỉ, vô cảm và tàn nhẫn đến
nhường nào…
Cuối tuần, tôi đến thăm mẹ, đi một mình. Mẹ vẫn bình thường,
sống tốt hơn tôi nghĩ. Bà treo bức ảnh gia đình ở góc chính, giữa phòng khách.
Mẹ hỏi tôi nhiều điều, về ăn uống, về học tập, về cuộc sống…
Tôi luôn trả lời mọi thứ đều ổn, dù sự thật, có sáu bữa thì hết năm bữa tôi ăn
ở ngoài. Một ngày hai tư tiếng, bố con tôi gặp nhau chẳng được một giờ, có khi
còn chẳng chạm mặt. Nhưng có lẽ mẹ biết hết, bởi bà hay nhìn tôi rồi thở dài.
Ăn trưa xong, tôi hỏi mẹ: “Sao bố mẹ chia tay nhau?”. “Yêu
thương thì phải khiến con dễ chịu. Còn khi đã trở thành gánh nặng thì nên buông
tay con ạ. Nếu cứ níu giữ thì còn tệ hơn…” – Mẹ bình thản thu dọn chén đĩa.
“Sống cùng bố là gánh nặng với mẹ sao?” – Tôi bắt đầu bực mình trước câu trả
lời thờ ơ của mẹ. “Lớn thêm tí nữa con sẽ hiểu.” – Mẹ cười hiền.
Lúc tôi về, mẹ đưa cho tôi hộp đồ ăn cùng đôi lời căn dặn:
về nhà ăn cơm nhiều hơn, nói chuyện với bố nhiều hơn, quan tâm đến bố hơn
nữa… Tôi tự hỏi nếu còn lo lắng cho bố như vậy, cớ sao lại chia tay?
Sự ức chế trong thời gian dài khiến tôi trở nên nóng tính và
đa nghi. Tôi trút toàn bộ khó chịu sang Dương. Anh im lặng, chịu đựng tất cả.
Khi tôi gắt gỏng vô cớ, anh thông cảm vì tôi đang trong tình trạng thật sự bất
ổn. Khi tôi khóc, anh chẳng nói gì mà ôm chặt tôi. Anh làm tất cả những điều đó
vì anh yêu tôi. Nhưng đến giai đoạn khác, anh bắt đầu phản kháng. Anh bảo anh
cũng như tôi, cũng có những lo toan riêng, cũng rất mệt mỏi và tôi đừng như vậy
nữa. Đột nhiên tôi thấy tủi thân, nghi ngờ anh có người khác. Cho đến một lần,
tôi bắt gặp Dương cùng Sa – người yêu cũ của anh vào trong quán cà phê. Tôi
thất vọng, chẳng thể nào kiềm chế được.
- Anh lừa dối em! – Tôi gắt lên trong vô vàn nước mắt.
- Em đừng thế! Mọi chuyện không như em nghĩ đâu, Sa sắp
về Pháp sinh sống nên anh gặp để tạm biệt Sa thôi! – Giọng Dương vẫn bình tĩnh.
- Anh hết yêu em rồi! – Tôi khóc to hơn.
Tôi không biết mình mắc bệnh “hay khóc” từ khi nào. Và rồi
tôi bắt đầu trách móc Dương, với đủ thứ tội lỗi mà tôi có thể gán cho anh lúc
đó.
- Anh nghĩ mình nên tạm thời xa nhau một thời gian. Có lẽ
em cần yên tĩnh. Cứ thế này thì không thể gọi là tình yêu được… - Anh buông
tiếng thở dài và gác máy. Trong sự bất ngờ và hụt hẫng của tôi…
Tôi lê bước trên đường. Đầu óc trống rỗng. Tôi không biết
mình đang nghĩ gì và làm gì. Tôi cáu gắt, nóng nảy, cho rằng ai cũng lừa dối
mình, cũng ruồng bỏ mình…
Về đến nhà, tôi thấy phía trong bếp có một người phụ nữ rất
đẹp đang nấu nướng. Ngoài bàn ăn, bố đang loay hoay dọn trái cây. Bất giác, tôi
nghe tim mình vỡ vụn thêm lần nữa. Bố đang làm gì vậy? Vì người đàn bà này mà
bố rời bỏ mẹ sao?
“Như về rồi đấy hở con!” – Bố tôi hồ hởi.
Người phụ nữ nghe tiếng cũng quay lại, gật đầu cười, chào
tôi “Đây là bé Như sao? Chào Như nhé!”. Tôi im lặng. Cố nén tất cả vào trong và
chạy thẳng một mạch vào phòng, nước mắt rơi theo từng bước chân. Đây không phải
là lần đầu tiên tôi khóc nhưng là lần đầu tiên tất cả mọi thứ trong tôi tan
biến hoàn toàn… Bên ngoài, bố gõ cửa gọi tôi, tôi không mở. Điện thoại reo lên
từng hồi liên tục, tôi tháo pin ném luôn xuống sàn… Nỗi thất vọng, cảm giác mất
mát khiến tôi sụp đổ thật sự…
Tôi thức dậy, đồng hồ chỉ tám giờ sáng. Cái chăn được đắp
gọn ghẽ trên người tôi. Căn phòng bừa bộn sau bao ngày trở nên ngăn nắp. Chiếc
điện thoại cũng được gắn pin lại và đặt yên vị trên bàn. Có lẽ đêm qua bố đã
tìm cách mở khóa phòng để vào.
Ra khỏi phòng, tôi lại theo thói quen lần mò xuống bếp. Bố
vẫn chưa đi làm. Ông đang cặm cụi chuẩn bị đồ ăn sáng. Tôi phát hiện bố gầy đi
rất nhiều và mái tóc đã bạc hơn phân nửa. Tự dưng, tôi thấy thương bố vô cùng.
Cảm giác quen quen khiến tôi chùng lại, lòng nghẹn đắng.
“Bố để con làm cho…” – Tôi bước lại gần. Nói khẽ.
Trong phút chốc, tôi thấy bố ngẩn người. Nhưng rồi, ông cười
tươi: “Thôi để bố làm…”. Ngừng một lúc, ông tiếp: “Bố xin lỗi con chuyện hôm
qua nha. Đó là bạn bố, lâu rồi đến thăm nên cô định trổ tài nấu nướng…”. “Con
sai mà…” – Tôi thỏ thẻ.
Và rồi bữa sáng diễn ra trong êm đẹp. Dù rằng có một điều gì
đó đã đổi thay, nhưng tôi biết lòng mình rất nhẹ nhõm. Đã lâu, tôi cứ sống
trong định kiến và ích kỉ, để rồi làm “đau” chính mình và cả những người bên
cạnh mình. Tôi nhắn tin cho Dương, xin lỗi anh về chuyện hôm qua, rồi gọi điện
cho mẹ và anh, nói rằng tôi sẽ ổn.
Tối đó, tôi ăn cơm cùng bố. Bữa tối đúng nghĩa của bố con
tôi từ ngày bố mẹ chia tay. Tôi tâm sự với bố về những chuyện đã xảy ra trong
thời gian qua và cả chuyện của Dương nữa. Cảm giác yên bình trở lại bên tôi…
Tôi cũng thôi thắc mắc về lí do bố mẹ chia tay. Bởi đến một
lúc nào đó, yêu thương sẽ dừng lại và khi ấy, phải buông tay để nó tự do bay về
phương trời của riêng nó. Người ta đến với nhau bằng tình yêu và sự gắn bó lâu
dài, nhưng chia tay, cho nhau lối đi riêng cũng là một cách để họ thể hiện tình
yêu với nhau…Nhưng chắc chắn một điều rằng, tình yêu mà bố mẹ dành cho tôi sẽ
không bao giờ là hữu hạn…
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm và nấu đồ ăn sáng. Tôi chiên hai
cái trứng, một cho tôi và một cho bố. Đây là lần đầu tiên tôi nấu cho bố ăn sau
rất nhiều lần bố đặt sẵn đĩa ốp la lên bàn cho tôi. Tôi gọi nó là: Ốp la yêu
thương.
Yêu thương của ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi…
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét