“Vợ Tôi” là tên tập thơ thứ 5 của Trần Bảo Định do nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ vừa ấn hành vào quý II năm 2014; sách dày 120 trang, gồm 109 bài thơ, dành viết cho vợ! Viết cho vợ, mà cũng chính là viết cho mình, cho bạn bè, cho tình yêu thương Quê nhà, trong suốt thời gian dài hơn bốn mươi hai năm…
Từ bài thơ đầu “Gặp Em” (trang 7):
“Tình cờ hái mận gặp em”
Buổi gặp gỡ đầu tiên thuở ấy thật hồn nhiên, thơ mộng; chỉ là lúc “tình cờ hái mận” thôi - nó đến như một “ngẫu nhiên” bất ngờ, nhưng đã là một định số, cho dầu “nàng” thì “Vân vê tà áo lặng thinh/ chiến tranh ngày một đẩy mình phân ly”- mà đôi tâm hồn thì đã “Tự dưng lòng thấy nao nao/ mỗi khi quay gót là bao nhiêu buồn!”.
Xa nhau biết buồn - là đã yêu! Biết yêu rồi.
Buổi đầu mộc mạc, ít lời là vậy, mà tình yêu thì rất khắng khít, bất tuyệt. Đúng như M.Gorki đã nhận xét “Ở đâu lắm lời hoa mỹ, ở đó thiếu Tình Yêu chân thật”.
Nhà thơ đã thật thà “thú nhận” ngay sau đó:
“Bóng hình em chạm tận cùng cõi yêu!”
Chàng trai trẻ bấy giờ như đã bị “tiếng sét” của tình yêu làm cho ngây ngất, bởi vì vừa mới “gặp em” mà tình yêu thương nơi nhà thơ đã rất đậm đà (chạm tận cùng cõi yêu), rất xót đau khi chia tay (lòng tiều tụy đau): “Qua sông chiều ráng nắng chiều/ nỗi thương nhớ xé lòng tiều tụy đau”. Tôi nghĩ, cuộc tình của nhà thơ quả là một “tiếng sét” mầu nhiệm của định mênh; đã đem hai tâm hồn quyện vào nhau không thể chia cắt ngay từ buổi ấy. Yêu nhau đến thế, thì chuyện “Em Nhận Lời Cầu Hôn” (trang 8) và “Tiệc Cưới” (trang 9) là chuyện phải đến, như hoa đúng ngày phải nở!
Một lễ cầu hôn thật đơn giản:
“Chiến tranh vui ít, lo nhiều
Biết còn sống sót mà chìu chuộng nhau?
Thôi thì dăm miếng trầu cau
Một chai rượu lễ có nhau trọn đời”
Một “Tiệc Cưới” được người Thầy kính yêu, bạn đồng môn, đồng đội tổ chức ngay trong rừng “không giống ai”:
“Bằng hữu chung tay làm tiệc cưới
Vịt gà, cá mắm; xóm giềng cho
Tập trung nấu nướng vui như hội
Chiêu đãi bà con một bữa no...”
Và tất cả đều nghĩ:
“Thương yêu chẳng ngại lành hay dữ
Dự lễ Tân hôn chấp nhận phiền”.
Sở dĩ có sự gắn bó hy sinh cho nhau trong mọi cảnh ngộ, bất chấp mọi gian nguy, bởi vì cái tình đã chín, cái Tâm đã đạt: "Bạn bè thuở trước sống nhân văn”:
“Ngăn dòng nước mắt lòng câm nín
Có biết ngày mai gặp lại không?”.
Lại một “Đêm Tân Hôn” (trang 11) giữa rừng sâu quạnh vắng, giữa bao mối hiểm nguy đang kề cận - đã để lại cho nhau nhiều ấn tượng sâu sắc không thể nào quên, cho dầu: “Thuyền hoa theo nước về xuôi/ Sóng Tiền Giang nhớ thương ơi quê nhà!”:
“(…) Gối đầu mình gối chung lòng
Màn trời, chiếu đất, động phòng tân hôn”
Từ thuở mới gặp nhau “rụt rè, em rút tay buông, thẹn thùng”, đến khi “vắng nhau, trông đứng trông ngồi/ gặp nhau lưỡi líu nghẹn lời yêu thương”, rồi “cô dâu phụ bếp trông nồi bánh/ chú rể lăng xăng tiếp bạn hiền” là một chuỗi dài thương yêu nồng nàn, lãng mạn; cho nên dù trải qua bao thử thách gian nan - trong “đêm tân hôn”, tình nghĩa vợ chồng càng thêm sâu nặng:
“Giờ thì, bến buộc chặt thuyền
Nghiệp duyên có lẽ từ tiền kiếp xưa?”
Sau đêm tân hôn là một “Bữa Cơm Chiều” (trang 12) tiễn biệt: “Cơm chiều bữa cuối cùng nhau/ tiễn chồng vào chốn binh đao dặm trường” - chiến tranh đã cướp đi của tuổi trẻ bao niềm hạnh phúc, bao ước mơ về một mái gia đình sum họp, ấm êm. Tâm sự của nhà thơ từ khi “Đưa Vợ Xuống Đò”(trang 13):
“Thấp thoáng đò ngang bờ ngóng đợi
Đằm đằm nhớ vợ bến đầy vơi
… Đò xuôi bao khúc, buồn bao khúc
Sóng khói sương mai khuất dạng người!”
“Đằm đằm nhớ” là nỗi nhớ đăm đắm, duy nhất - vừa nhớ vừa dõi mắt xa trông, nhưng bóng người thì biền biệt! Trước đôi mắt nhớ tưởng ngậm ngùi ấy, chỉ có “đò xuôi” lờ lững, lạnh lùng và “khói sóng sương mai” hiu hắt mà thôi: “Đò xuôi bao khúc, buồn bao khúc! Khói sóng sương mai khuất dáng người”.
Dõi theo từng trang thơ trong “Vợ Tôi”, người đọc như được dõi theo suốt cuộc hành trình vào đời mà nhà thơ đã sẻ chia với vợ, gởi gắm cho con, trải lòng cùng người thân, bè bạn - và chúng ta đã nhận ra một điều: Trong nhiều tháng năm yêu thương nhau, họ ít có dịp “ngồi nhìn nhau”, mà chỉ “nhìn về một hướng”. Đó là sự yên lành của Quê nhà! (nhà văn Saint Exupery đã định nghĩa: “Yêu, không phải là nhìn nhau, mà nhìn về một hướng”). Sống là yêu, và đặc biệt là yêu cuộc sống. Chính vì nhờ có một tình yêu chân thật, cao thượng, mà nhà thơ (và vợ) đã vượt qua được bao thử thách gian nguy, để có ngày được trở về “Đãi Rượu Bạn” (trang 42) sau những năm tháng dài đao binh:
“Đã lâu gặp lại bạn xưa
Mừng rơi nước mắt, mừng chưa thõa lòng
Quê nhà liền dải non sông
Mà lòng thì cắt chia lòng xót đau
(…) Mình cùng có một quê hương
Vì sao không thể yêu thương nhau cùng?
Đã lâu giờ mới trùng phùng
Sao gay gắt cãi lý cùn, sự kia?
Máu xương cho cuộc phân chia
Giờ xương máu lại muốn chia phận người!
(…) Rượu tình nghĩa xóa bại thành
Nhớ chi những chuyện chẳng lành ngày xưa?”
Có thể nghĩ, 109 bài thơ là 109 lời tâm tình chân phác, chí tình, của một tâm hồn rộng mở thương yêu; nhìn đời bằng đôi mắt cảm thông sâu sắc, bằng cõi lòng độ lương, bao dung với tất cả! Điều đáng ghi nhận ở “Vợ Tôi” là từ những vần thơ đầy tâm trạng, đầy xúc cảm nhi nhiên ấy, giúp chúng ta nhận ra “Tình Yêu là một kho tàng kỷ niệm” vô giá (Honore De Balzac) đã làm thăng hoa cho đời sống, là “Chân lý cuối cùng trên cõi đời nầy” (Voltaire).
Bài thơ cuối tập là “Dặn Vợ” (trang 116) - một lần nữa, những lời “dặn dò” chân trực đã thể hiện đầy đủ tính cách phóng khoáng của chàng trai Nam bộ & tâm hồn chơn chất của nhà thơ trước lúc đi xa; khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng, cảm xúc:
“Đừng báo tin buồn, đừng tiếc thương
Ngủ yên, mình ngủ giấc vô thường
Chiều trăng tiễn biệt anh vào đất
Một cõi nhân gian thế đã xong
Không có vòng hoa, chẳng điếu tang
Cờ đèn, kèn trống, nhạc rình rang
Buồn lòng lối xóm, gây phiền bạn
Em nhớ lời anh lúc trối trăng
Đưa anh về an nghỉ quê nhà
Mộ đất đơn sơ cỏ với hoa
Sáng rạch Ba Tàu nghe gió hát
Chiều sông Bảo Định sóng tình ca
Thì cũng chỉ là chuyện biệt ly
Xưa nay vẫn thế sự thường khi
Nắp quan khép lại - người thiên cổ
Đường rộng anh về - lúc khởi đi
Vĩnh biệt mình, vĩnh biệt các con
Khói sương giăng kín phố Saigon
Thân tâm thanh thản rời dương thế
Rũ sạch việc đời, việc nước non…”
Nơi đây, xin được gởi đến nhà thơ lời đồng cảm sau cùng:“Chúc mừng anh đã có một cuộc tình đẹp & một người vợ tuyệt vời & một cuộc sống đẹp, giữa cõi tạm lắm nỗi ưu phiền, điên đảo!”
Từ trái sang: Nhà thơ Triệu Từ Truyền & Mang Viên Long
& Nhà thơ Trần Bảo Định & Nhà thơ Ngô Đình Hải (Cafe SEN Saigon, tháng 10/2014 - ảnh Nguyễn Hữu Duyên)
Quê nhà, cuối tháng 10 /2014
M.V.L (Bình Định)
Thơ hay, chân tình, yêu đời yêu người và người bình luận cũng lột tả được hết nét đẹp của thơ. Cám ơn anh MVL, chúc anh luôn vui khỏe.
Trả lờiXóaThăm NGuyễn Trí Tài! Rất vui được "gặp lại"! Vì về quê vội quá - nên anh em chưa có dịp "cụng ly"! Hẹn dịp sau vậy nhé! Chúc Tài & gia đình vui vẻ! MVL
Xóa