Nhà văn Mang Viên Long
Trong một dịp được mời ăn giỗ nhà
bạn, tôi ngồi cùng bàn với một nhà giáo trẻ - anh ta vui miệng kể lại ba trường
hợp “nổi bật” trong sinh hoạt văn
học, và hỏi tất cả: “Đây là “hiện tượng”
gì?”.
“… Một
vị có quyền chức nọ vừa cho xuất bản một tập thơ thuộc loại “ngâm vịnh thù tạc”
lúc nhàn rỗi "trà dư tửu hậu” với bầu bạn; liền được quý nhà “phê bình lý luận
văn học” viết bài phân tích, tán dương hết cỡ; xem đây là một kiệt tác vừa xuất
hiện trên văn đàn (...). Lại có một nữ doanh nghiệp ngành khách sạn du lịch, tổ
chức một buổi dạ tiệc chiêu đãi ca nhạc hoành tráng, để giới thiệu tác phẩm -
theo lời ghi ở bìa sách là “Tuyển tập Lý luận thơ văn”, chỉ vài hôm sau là báo,
mạng, đưa tin rôm rả cùng với những lời ca ngợi rất mùi mẫn (…) Lại có một nhà
văn trẻ tuổi gần 60 vừa in tập truyện đầu tay, bởi quá ức chế về tình dục và
hoàn cảnh, với cái tâm ngã mạng sẵn có, không chuyển hóa (hay hóa giải được) đã
viết nhăng nhít, thô lậu, bạo mồn - không có chút “chất nhân văn” (…) cũng đã được báo mạng xưng tụng là “hiện
đại, tiên tiến, và can đảm! (…)”.
Tôi nghĩ: Tình trạng này trong sinh
họat văn học nghệ thuật sở dĩ phổ biến - đều phát sinh từ cái “tâm siểm khúc” mà ra. Nghĩ cho cùng, sự
“siểm khúc” (thường đi đôi với sự “đố kỵ”) trong sinh hoạt văn học (hay
trong các sinh hoạt khác của đời sống), chỉ làm rối ren, ô nhiễm và vô ích,
cho tất cả mà thôi! Hễ tâng bốc kẻ nầy dễ dàng, thì cũng sẽ sẵn lòng chê bai
người khác “vô tư”, để “thủ lợi” cho riêng mình! Bởi vậy, tâm siểm khúc rất
nguy hại, cần phải hết sức hạn chế, và loại bỏ - mới hy vọng mọi sinh hoạt trở
nên trong sáng, có thể đi vào con đường chân chính; phục vụ tốt hơn cho đời
sống, cho văn học nghệ thuật trong tương lai… Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật cũng
đã ân cần khuyên dạy chúng đệ tử lần cuối: “Người
ít ham muốn thì không có tâm siểm khúc để cầu cho được vừa lòng người, lại
không bị các căn dẫn dắt!” - xem
vậy, Tâm siểm khúc cũng được phát sinh từ cái tâm tham lam, không biết đủ,
không đoan chánh mà ra!
Xét về từ ngữ:“Siểm” là nịnh hót, bợ đỡ - để cầu lợi riêng cho thân. “Khúc”
là cong vạy, chẳng ngay thẳng - có nghĩa là lòng dối trá, chẳng theo
đúng sự thật! Nói “siểm/khúc” vì hai
nết xấu nầy thường đi đôi với nhau: Đã nịnh hót, bợ đỡ thì ắt chẳng thể nói lời
ngay thật được! Người có tâm siểm khúc lại rất dễ “mắc bệnh” đố kỵ thấp kém!
Hơn lãnh vực nào khác, sinh hoạt
văn học nghệ thuật rất cần tính “chất
trực” - nghĩa là chơn chất, ngay thẳng; không vì bất cứ tác động nào, vì
lơi ích riêng mà gian dối - bóp méo sự thật! Sinh hoạt văn học nghệ thuật là
một sinh hoạt thuần túy tinh thần, trí tuệ - có một thiêng trách rất mẫu mực,
nên đã tự nguyện tham gia vào các sinh hoạt “vui chơi” nầy, người ta không thể
mang theo tính “siểm khúc” để tự hạ mình (và dối người), lại gây “ô nhiễm” sang
người khác!
Người xưa có câu “Văn là Người” (và “Văn dĩ tải Đạo”) - ở trang văn (thơ) đều phản
ánh rất rõ tính chất của người sản sinh ra chúng. Nếu “gốc” là sự ngay thẳng, chơn chất - nhiệt tình, thì sự chia sẻ,
giãi bày - cũng sẽ lấp lánh ánh sáng của tấm chân tình ấy. Ngược lại, sự “lừa
dối” của cái tâm siểm khúc, cũng sẽ chẳng lừa được ai lâu, mà lộ rõ sự u ám, vô
tích sự của chúng…
Trong thực tế của đời sống,
chúng ta cũng dễ dàng nhận ra điều nầy: Hễ người “chất trực” thì không thể mắc lỗi “siểm khúc” - bởi đức “tàm
sỉ” (tự xấu hổ khi làm điều sai trái) luôn sẵn có trong con người chơn
chất, ngay thẳng, để ngăn ngừa sự “tự làm xấu mình” mà chẳng hề quan tâm đến
hậu quả!
Ba trường hợp “nổi bật” người bạn trẻ đã kể, chỉ là hai ví dụ điển hình trong
sinh hoạt văn học nghệ thuật đa dạng, rất vi tế mà thôi. Bài viết phản ảnh (chỉ để ca ngợi, tâng bốc hay
chê bai, hạ nhục), vì lợi riêng - vô tình, gây tác hại không nhỏ cho người
“được” viết, và cả tác giả ký tên dưới bài viết nữa! Từ rất lâu, hình như người ta xem thường mối nguy hại nầy - nên đã
“thản nhiên” mà làm theo ý đồ của mình, thành “cái nếp” chung - mà chẳng có ai
chịu mất thời gian để góp ý, ngăn cản (!)
Xem vậy - tâm “siểm khúc” (hay “đố
kỵ”) trong sinh hoạt VHNT chẳng đem lại lợi ích gì cho ai - mà tạo một không
khí sinh hoạt không trong sáng, không lành mạnh; làm suy giảm lòng tin ở người
đọc - rất cần phải quan tâm loại bỏ!
Xin được trả lời nhà giáo
trẻ: “Đây một hiện tượng “xuống cấp” của
VHNT vậy!”.
M.V.L (Bình Định)
Bài viết hay quá. Cám ơn anh Mang Viên Long. Chúc anh luôn vui, khỏe.
Trả lờiXóa