Biển Cửa Lò một ngày hè đầy nắng. Từng đợt sóng vỗ miên man làm mê đắm du khách gần xa. Cửa Lò - thị xã trẻ bên bờ biển Nghệ An không chỉ là niềm tự hào của bao người dân xứ Nghệ mà còn là một điểm đến du lịch đầy hấp dẫn đối với du khách thập phương.
Từ trong cổ tích
Anh Đào Văn Thọ, giáo viên dạy văn tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) đưa chúng tôi đi giữa những bãi cát dài thoai thoải. Đằng xa, hàng trăm du khách nô đùa bên bờ sóng. Biển dài, rộng và đẹp như một bức tranh. Theo giải thích của anh Thọ, Cửa Lò có nghĩa là bãi bồi có nhiều cát sỏi. Anh Thọ tự hào: “Các bạn thấy đó, Cửa Lò quê tôi dài thoai thoải với cát, sóng biển và những cảnh vật đẹp như tranh vẽ. Đến Cửa Lò không chỉ có biển mà còn có đảo Hòn Ngự, Nhãn Sơn, Cửa Hội, Sông Cấm… tạo thành những điểm đến du lịch khám phá đầy hấp dẫn…”.
Vẻ đẹp đến miên man của biển Cửa Lò
Cầu cảng Cửa Lò đón chúng tôi vào một ngày bình yên, những chiếc thuyền vươn khơi, bám biển trở về theo con trăng đầy ắp cá tôm. Niềm vui hiển hiện trên những gương mặt đen sạm vì nắng, gió biển nhưng đầy khí phách kiên cường của ngư dân xứ Nghệ. Từ cảng Cửa Lò, chúng tôi lên một chuyến tàu du lịch khám phá Hòn Mắt, đảo có vị trí chiến lược quan trọng và được xem là “mắt thần” ngày đêm canh giữ biển trời quê hương đất nước.
Về sự tích của Hòn Mắt cũng khá ly kỳ. Dân gian Cửa Lò đến nay vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết về “Nàng Tố Nương mỏi mắt trông chồng” để nói về Hòn Mắt. Tố Nương quê ở An Lạc, Sơn Tây. Chồng của nàng quê ở Hàm Hoan (nay là xứ Nghệ). Cả hai vợ chồng đều là tướng lĩnh của Hai Bà Trưng. Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu, nàng quyết định giong buồm tìm về Hàm Hoan đoàn tụ với chồng. Tuy nhiên, trên đường đi thuyền của nàng bị trôi dạt vào đảo Quỳnh Nhai. Ở đây, nàng không còn sức lực và phương tiện, đành phải ở lại trên đảo ngày đêm mong ngóng và gián mắt vào đất liền, quê chồng. Hòn Mắt - Nhãn Sơn có tên từ đó…
Hòn Mắt, Hòn Ngư giữ biển trời
Miên man trong lời kể của lão ngư Nguyễn Văn Quyết về Hòn Mắt, gần 2 giờ đồng hồ trên biển cùng vô số sự tích kỳ thú về vùng đất này khiến cho hơn 20 hải lý trên biển từ Cửa Lò ra Hòn Mắt của chúng tôi như ngắn lại. Từ xa, chúng tôi đã thấy Hòn Mắt bao gồm một cụm đảo lớn, nhỏ sừng sững, đứng án ngữ giữa biển xanh, gió lớn. Những người lần đầu tiên đặt chân lên đảo như chúng tôi luôn luôn có những cảm xúc dạt dào, khó tả.
Biển Cửa Lò luôn hấp dẫn du khách gần xa
Trong chiến tranh chống Mỹ, Hòn Mắt cũng rất kiên cường bởi khả năng chiến đấu không mệt mỏi của các cán bộ, chiến sĩ ta với phương châm: “Vững ý chí, chắc tay súng. Bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”. Năm 1963, trước diễn biến phức tạp của chiến trường miền Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 nhận được chỉ thị từ Bộ Quốc phòng thành lập 2 chiến tuyến trên biển tại Hòn Mắt và Hòn Ngư để án ngữ phía đông cho hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. “Đảo Mắt anh hùng” được thành lập vào ngày 31-3-1963 và cùng với Hòn Ngư trở thành đơn vị chiến lược quan trọng, tiếp tế vũ khí, đạn dược và nhiều khí tài quân sự, lương thực của miền Bắc chi viện cho miền Nam trên biển.
Chúng tôi vốc một ngụm nước ngọt của cán bộ, chiến sĩ rút ra từ khe đá. Nước mát trong và ngọt nhưng lại pha lẫn vị mặn của mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống nơi đây. Hòn Mắt đứng vững vàng giữa biển, trải qua bao cuộc binh biến và thời gian đã chứng kiến bao đau thương, mất mát. Khi biển Đông “dậy sóng”, vai trò của Hòn Mắt, Hòn Ngự tại Cửa Lò càng có ý nghĩa chiến lược. Đại đội 32 Hòn Mắt không chỉ giành được nhiều chiến công vang dội trong chiến tranh chống Mỹ mà trong bối cảnh hiện nay, các anh với khẩu hiệu truyền thống “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” đang ngày đêm chắc tay súng, vững tâm trước những diễn biến ở biển Đông. Trong chuyến hành trình ngắn ngủi của mình, chúng tôi vô cùng tiếc nuối khi không có thời gian để thăm Hòn Ngư, một danh thắng mà nhiều người kháo nhau: Đi Cửa Lò không thể không đi Hòn Ngư. Tuy nhiên, qua những câu chuyện kể của nhiều người dân địa phương, chúng tôi hiểu thêm phần nào về tinh thần đấu tranh quật cường của đất và người Cửa Lò, nơi có vị trí chiến lược về quân sự, chính trị.
Cửa Lò, đô thị trẻ vừa được thành lập năm 1994 với biểu tượng loài hoa cúc đang vươn mình trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất. Nét quyến rũ của TX.Cửa Lò hôm nay không chỉ bởi có bãi tắm sạch, đẹp bậc nhất Bắc Trung bộ mà còn là một trong những không gian đô thị du lịch không ngừng được hoàn thiện, phát triển để sau mỗi mùa du lịch lại đem lại cho du khách thêm cảm giác bất ngờ thú vị và thêm gắn bó.
Đô thị du lịch Cửa Lò hôm nay đã có những khu chung cư, biệt thự, các cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp nhỏ nhưng hiện đại cùng trường Đại học Tư thục Vạn Xuân... điểm xuyết trong một tổng thể không gian xanh của các khu dân cư và hệ thống cơ sở lưu trú hiện đại, thân thiện. Biển xanh biếc với những dải cát dài trắng mịn màng càng góp phần tạo nên vẻ đẹp quyến rũ cho những bãi tắm Lan Châu, Xuân Hương, Cửa Hội...
Chúng tôi chia tay Cửa Lò trong tiếc nuối vì hành trình thực hiện loạt bài “Tổ quốc bên bờ sóng” vẫn còn dài. Buổi sáng Cửa Lò, hàng trăm du khách trên những chiếc xe hơi đắt tiền thu dọn đồ đạc để trở về sau một chuyến du lịch biển đầy thú vị. Điều đặc biệt so với những điểm du lịch khác là Cửa Lò đón rất nhiều khách du lịch đến từ đất nước Lào. Tại khách sạn Quân khu 4, dưới đại sảnh cùng làm thủ tục với chúng tôi có nhiều người bạn Lào thân thiện cùng chia tay TX.Cửa Lò. Anh Phonthavong, một du khách đến từ Paksé, cho biết: “Người Lào chúng tôi muốn cũng không thể có được bãi biển xanh đẹp và lòng hiếu khách như ở Cửa Lò. Những ngày hè oi bức, chúng tôi thường tìm về đây để vui chơi, giải trí. Hẹn gặp lại Việt Nam, hẹn gặp lại biển Cửa Lò đầy hấp dẫn!”.
Gã “ngông” bỏ bờ, đóng tàu ra biển khơi
Mới 16 tuổi, Trần Văn Mười bắt đầu theo cha đi biển. Nhưng mấy cha con cứ quẩn quanh vài chiếc thuyền nan câu mực nên chán quá, anh bỏ biển lên bờ đi học đại học. Ra trường, Mười “ngông” kiếm được 16 - 20 triệu đồng mỗi tháng nhờ việc làm cho công ty nước ngoài. Ngông hơn nữa, anh bỏ bờ, bỏ nghề để đi biển trở lại…
Chuyến đi biển của anh Mười lần này mang một tư duy rất khác và một lối làm khác. Anh bàn với cha, tàu nhỏ công suất kém, chỉ đi chiều bữa trước hôm sau phải vào bờ, nhiều lần cha con ta không đủ trả “tổn” phải trốn nợ, bán tàu. Lần này, anh tích cóp được bao nhiêu vốn đã dồn vào đóng tàu lớn, ra khơi xa.
Anh Trần Văn Mười với khát vọng vươn khơi bám biển trở thành thế hệ ngư dân thành công của Đà Nẵng
Quãng những năm 2000, nghề câu mực khơi xa rất thịnh hành đối với ngư dân Đà Nẵng. Nói là làm, anh Mười cùng cha hạ thủy chiếc tàu lớn đầu tiên sau nhiều tháng huy động vốn từ Quỹ đầu tư Quốc gia. Nhưng tàu cũng chỉ có công suất 100CV, làm ăn trầy trật không đủ trả nợ. Máu và nước mắt đổ xuống biển khơi, tàu bị chủ đầu tư thu hồi, tay trắng lại hoàn tay trắng. Mất tàu nhưng không bỏ nghề, năm 2006, anh Mười lại gom 190 triệu đồng mua tàu cũ của người bạn đi khơi. Đến năm 2012, anh gây “sốc” bằng việc đóng tàu DNa 90567 công suất đến 1.000CV vươn khơi, làm giàu từ biển.
Đà Nẵng một trưa hè oi ả. Chúng tôi có dịp được tham quan tàu DNa 90567. Anh Mười cho biết, các loại máy móc chuyên dụng như ICOM 710, máy liên lạc tầm xa tích hợp định vị sóng HF… đều trang bị đầy đủ. Tàu thiết kế cho hoạt động câu mực khơi, cabin 2 tầng đủ chỗ ngủ cho 42 thuyền viên. Trên tàu có tivi màn hình lớn, radio. Để nâng cao thu nhập cho thuyền viên, anh chỉ hưởng 10% tổng doanh thu từng chuyến biển. Tuy nghề câu mực đang gặp khó khăn, song mọi người đều quyết tâm giữ nghề, bởi chỉ có câu mực mới bám biển dài ngày tại ngư trường xa bờ. Qua đó, cùng với việc đánh bắt hải sản, với lá cờ đỏ sao vàng lúc nào cũng tung bay trên nóc cabin, tàu là “cột mốc” xác lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa đại dương bao la.
Lúc dẫn chúng tôi đi tham quan tàu Dna 90567 cũng là thời gian anh Mười cho tàu về sau hơn 2 tháng bám biển câu mực ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Anh vui vẻ cho biết: “Tàu bọn tui lấy “tổn” ở âu thuyền Thọ Quang hết 500 triệu đồng nhưng về được hơn 3 tỷ đồng, lãi rất lớn. Chính vì thế, tui cũng có phần thu nhập khá, anh em thuyền viên ai cũng vui vẻ cả”.
Theo cha bám biển từ nhỏ nên những cơ cực, niềm vui trên biển anh Mười đều nếm trải. Anh tâm sự, khổ nhất là đi tàu trên biển công suất nhỏ. Nghe tin báo bão phải chạy, nhưng chạy hoài cũng khó tránh bão. Cùng với thiên tai, ngư dân đánh bắt xa bờ còn phải lo tránh “nhân tai”. Anh ngồi trên mũi tàu nhẩm đếm với chúng tôi: “Lúc còn đi tàu vài trăm CV, tui bị tàu nước ngoài đuổi, đâm va 8 - 9 lần. Có lần vừa thả thúng xuống cho anh em câu mực đã nghe tiếng còi hụ. Đến nơi khác, cũng bị gây hấn, có lần phải di chuyển đến đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận. Tôi bực quá bán tàu lên bờ về Đà Nẵng đóng con tàu DNa 90567 này…”. Nói đoạn, anh vỗ vào mạn con tàu bôm bốp, cười hào sảng.
Tàu DNa 90567 của anh Trần Văn Mười
Tuy nhiên, đóng tàu vỏ gỗ công suất 1.000CV vẫn chưa thỏa tham vọng của anh Mười. Đợt đi biển sắp tới, anh sẽ không lên tàu cùng 42 thuyền viên của mình. Anh cho biết, phải ở nhà lo bản vẽ, thiết kế cho con tàu cá vỏ sắt sắp tới. “Vốn đối ứng tôi đã có. Đi đánh bắt cá trên biển, nhiều lúc tàu lớn nước ngoài ỷ thế áp sát làm cho tàu gỗ của mình tròng trành tức lắm, nuốt giận vào lòng nuôi ý định đóng tàu to bám biển để không phải lo lắng…”, anh tâm sự.
Mẫu tàu mới thiết kế của anh Mười có chiều dài 27m, rộng 7,6m, cao 3,2m, tổng trọng tải trên dưới 200 tấn, với công suất lên đến 1.000CV, chuyên nghề chụp mực vươn khơi. Theo anh Mười, con tàu dự toán có tổng kinh phí khoảng trên dưới 12 tỷ đồng, với trang thiết bị ngư lưới cụ hiện đại vào loại bậc nhất. Anh tự hào: “Ngư dân thừa bản lĩnh, thừa khát vọng, nhưng cái chính họ thiếu vốn. Giờ nếu vay được tiền lãi suất thấp, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đội tàu thép trong tương lai gần…”.
Anh Nguyễn Tú, người bạn đồng hành cùng chúng tôi ra âu thuyền Thọ Quang cho biết, nói về độ “ngông” của Trần Văn Mười, cả ngàn ngư dân Đà Nẵng phải nể. Bởi lúc chưa ai dám bỏ 4 tỷ đồng ra đóng tàu câu mực, anh Mười lại dám làm. Và giờ, nghe Chính phủ có chủ trương, anh Mười là một trong những người tiên phong đi đầu. Đó cũng là tinh thần bất khuất của dân đi biển.
Chúng tôi chia tay âu tàu Thọ Quang, chia tay gã “ngông” Trần Văn Mười cùng bán đảo Sơn Trà kiêu hãnh vươn mình bên bờ biển. Xin chúc cho anh và những dự định tốt đẹp trên biển thành công. Sự thành công ấy không chỉ minh chứng cho tinh thần tiến về biển Đông của người Việt mà còn là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền biển đảo bất biến của Tổ quốc.
Nhớ Quang Trung ngày ấy…
Hành trình thực hiện loạt bài “Tổ quốc bên bờ song” đưa chúng tôi về với Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định) trong một buổi sáng mát trong. Tại đây, chúng tôi đã có dịp hiểu được tư tưởng đóng tàu lớn, phát triển hải quân đánh giặc, giao thương với nước ngoài của vị anh hùng dân tộc áo vải Quang Trung.
Quang Trung - Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đã viết nên một trang sử hào hùng cho dân tộc Việt Nam khi lãnh đạo phong trào nông dân Tây Sơn đập tan 29 vạn quân Thanh ở phía Bắc và hơn 2 vạn quân Xiêm ở phía Nam. Chính ông, từ lúc 18 tuổi đánh trận đầu ở Phú Yên, 29 tuổi đánh tan hạm đội gần 500 chiến thuyền của Nguyễn Ánh với nhiều tàu chiến của Pháp (1782) đến việc đánh bại đội thủy quân gồm 300 chiến thuyền nước Xiêm rồi tiến quân ra Bắc đánh quân nhà Thanh, đã liên tục hiện đại hóa tàu thuyền để nâng cao khả năng chiến đấu của lực lượng hải quân.
Gỗ từ chiến thuyền của thủy binh thời Tây Sơn được vớt từ đầm Thị Nại
Anh Trần Trung Thông, cán bộ của Bảo tàng Quang Trung rất vui khi biết chúng tôi tìm hiểu về lịch sử hải quân dưới thời Tây Sơn. Anh cho biết: “Hải quân Tây Sơn ngày ấy rất hùng hậu. Để giữ nước và bảo vệ chủ quyền, hải quân của ta được hình thành từ thời Lý - Trần, phát triển mạnh vào thời Trịnh - Nguyễn, đặc biệt mạnh mẽ ở thời Tây Sơn”. Như để chứng minh ý kiến của mình, anh Thông đưa chúng tôi đi khắp Bảo tàng Quang Trung và thuyết minh khá kỹ ở gian trưng bày về hải quân dưới thời Tây Sơn.
Những bức ảnh phục dựng lại quang cảnh chiến đấu dưới thời Tây Sơn cho thấy, chiến thuyền nhiều khoang do Hoàng đế Quang Trung khuyến khích đóng đã chiếm nhiều ưu thế trước các lực lượng quân sự lớn trên biển khi ấy là Nguyễn Ánh, quân Xiêm và cả chiến thuyền của phương Bắc. Đặc biệt, trong quá khứ quân Tây Sơn đã có những chiến thuyền rất to, chở đến khoảng 700 - 800 quân. Điều này được ghi chép khá rõ trong quyển “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771- 1802” của Tạ Chí Đại Trường: “Tháng giêng năm Canh Thân 1800, tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng đưa hai chiếc Định quốc Đại hiệu thuyền, chở từ 50 - 60 khẩu đại bác chắn ngang cửa Thị Nại. Dày đặc bên trong là 40 tàu lớn, 20 tàu nhỏ với hơn 100 ghe thuyền đậu san sát đến cửa vào Đầm Nước Mặn. Trên núi, Dũng đặt đại bác yểm trợ đoàn tàu. Trên bộ, Dũng còn có hơn 50 voi trận và quân lính…”.
Du khách gần xa tìm về Bảo tàng Quang Trung nghe kể chuyện thời Tây Sơn đóng tàu lớn đánh giặc
Thực ra, sau khi đánh chìm và tịch thu chiếc tàu Macao của Bồ Đào Nha tại biển Quy Nhơn, Quang Trung đã cho phát triển thủy quân. Ông liên tục kêu gọi và chiêu mộ binh phu từ các vùng khác nhau trong cả nước để đóng tàu lớn đánh giặc. Khi đó, ông đã cho đóng những tàu có thể chở nổi các con voi đánh trận, một vũ khí khiến cho giặc phương Bắc nhiều phen kinh hồn bạt vía. Một trong những chiếc tàu đó là chiến thuyền mà người Anh đi lạc vào thành Quảng Nam trong chuyến tháp tùng phái bộ Mac Cartney nhìn thấy, ước lượng đến 150 tấn trọng tải. Điều này cũng trùng khớp với nhận định của viên sĩ quan người Pháp Chaigneau, người từng theo Nguyễn Ánh trong cuộc giao tranh với nhà Tây Sơn. Chaigneau viết: “Trước khi nhìn thấy thủy quân của đối phương, tôi rất khinh thường, nhưng tôi bảo đảm với các ông rằng đó là sai lầm. Họ (quân Tây Sơn) có những chiến thuyền mang từ 50 - 60 đại bác cỡ lớn”. Chính vì điều này mà dù Pháp có ý định xâm lược vào Việt Nam từ thời Tây Sơn nhưng đã chùn bước trước lực lượng hải quân hùng mạnh của người bản địa.
Chúng tôi sờ vào 2 khẩu thần công được nhân dân Bình Định trục vớt từ biển Thị Nại rồi đem về trưng bày ở Bảo tàng Quang Trung, như nghe trong đó tiếng luyện kim, những chiến tích hào hùng hơn 200 năm trước vọng về. Thời gian trôi đi, những lớp trầm tích văn hóa, quân sự như càng dày hơn để chúng ta thêm tự hào về một thời đại đầy hào hùng của những người nông dân áo vải theo vị anh hùng của mình đánh Nam, dẹp Bắc.
Không chỉ hiện đại hóa hải quân để đánh nhau với nhà Nguyễn, Quang Trung còn mang tư tưởng đóng tàu lớn, tăng cường khả năng quân sự để vươn lên đứng hiên ngang bên cạnh người láng giềng bá quyền nhà Thanh ở phương Bắc. Ông Trần Viết Dũng, một nhà nghiên cứu thời Tây Sơn giải thích kỹ các mô hình tàu chiến thời Tây Sơn cho chúng tôi rồi kết luận: “Thời đó, dù gửi sứ sang nhà Thanh và gửi thư đòi 7 châu Hưng Hóa về lại cho Đại Việt nhưng Quang Trung vẫn không tin tưởng lắm. Ông liền ra chiếu thư sửa soạn, đóng thêm nhiều tàu lớn nữa để một mặt dẹp phương Nam, yên bờ cõi rồi chuẩn bị ứng phó với phương Bắc khi có biến xảy ra…”.
Thật tiếc cho dự định của vua Quang Trung bất thành khi chỉ sau 20 ngày hạ lệnh tập trung đóng thuyền lớn đánh giặc, ông đột ngột qua đời. Khi đó, thư đòi đất của ông rất đanh thép: “Miền Tây có 7 châu: Tung Lăng, Lỗ Tuyên, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu đều của bản quốc. Trấn mục Hưng Hóa bảo rằng thổ dân đã bị phương Bắc đánh thuế… Tôi đâu dám bỏ đất đai, xin cử người lên Nam Quan chờ lệnh. Đồng thời, sai quan văn, võ điều tra địa giới 7 châu đưa về đồ bạ bản quốc…”. Thư đòi đất của Quang Trung đã được vua nhà Thanh chấp thuận. Rõ ràng, đối với Quang Trung chuyện đòi đất, giữ đất do tiền nhân để lại chưa bao giờ nguôi trong lòng ông. Cũng theo ông, giặc phương Bắc luôn là mối họa lâu dài và cần phải vươn vai độc lập.
Chúng tôi chia tay Bảo tàng Quang Trung, chia tay những kỷ vật gắn với người anh hùng dân tộc Quang Trung, một hình tượng minh chứng cho sức sống bất diệt, tinh thần chống giặc ngoại xâm kiên cường của những người nông dân áo vải đất Việt. Cửa biển Thị Nại những ngày đầy gió và nắng đang chứng kiến những đợt sóng vỗ miên man khiến chuyến xe của chúng tôi về phố biển Quy Nhơn, về với chiến trận năm xưa thêm bồi hồi xúc động. Khi biển Đông đang có “sóng dữ”, người hậu thế lại càng thêm nhớ về một vị anh hùng xuất chúng với tinh thần vươn ra biển lớn kiên cường…
Kỳ 11: Nối những mùa vui
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét