Ngư dân bám biển để khai thác cá ngừ đại dương đã góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc Ảnh: KHÁNH VINH
|
Từ cá mập đến cá ngừ đại dương
Chúng tôi tìm đến nhà ông Năm Rỵ ở phường 6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên). Không còn cưỡi sóng, đạp gió ra khơi nhưng ngày ngày ông vẫn ở nhà theo dõi tọa độ, ngư trường qua bản đồ và chỉ huy 3 con tàu do các con làm thuyền trưởng. Năm Rỵ là một biệt danh trìu mến mà nhiều người trong nghề đặt cho ông vì cảm phục cái tính lì lợm, kiên gan bám biển của ông.
Ông kể, lúc 15 - 16 tuổi, ông đã ra biển, nối nghiệp cha làm nghề câu cá mập. Con cá mập nặng cả trăm kg, chỉ cần một sơ sót nhỏ thôi cũng có thể bị những chiếc răng sắc nhọn của nó ngoạm đứt tay, đứt chân như chơi. Chính vì thế, nghề câu cá mập dạy cho ông tính gan lì, cẩn thận vốn rất cần thiết cho một người dân đi biển. Cũng từ sự kiên gan ấy, ông cảm thấy rất bất bình khi tàu lớn của nước khác tìm đến vùng biển của Việt Nam để đánh bắt cá. Ông cho biết: “Hồi ấy tàu của mình còn nhỏ, không ra được xa bờ nên thấy tàu của nước ngoài tìm đến tận vùng biển của mình để bắt cá, tui ức lắm, vì biết vùng biển chủ quyền của mình còn xa nữa, nhưng tàu nhỏ không làm gì được…”. Cũng chính vì vậy mà ông đã tìm ra một nghề đánh bắt thủy sản mới ở biển khơi: Câu cá ngừ đại dương.
Ông Năm Rỵ đón chuyến câu cá
ngừ đại dương trở về. Ảnh: KHÁNH VINH
Đó là vào năm 1992, khi thấy hai tàu lạ của nước ngoài vào tận vùng biển thuộc chủ quyền của ta đánh bắt, ông đặt dấu hỏi: Họ đến tận biển của mình để làm gì? Băn khoăn, ông bí mật tìm hiểu, nghiên cứu vài lưỡi câu và rẻo câu của tàu lạ. Lạ ở chỗ, lưỡi câu không phải loại dùng để câu cá mập. Ông mắc vào thử chung với dàn lưỡi câu của mình. Chuyến đi biển ấy, thuyền ông bội thu cá mập, đáng chú ý, từ lưỡi câu nước ngoài lại dính một con cá ngừ đại dương.
“Tui mang con cá ngừ đại dương về, vợ tui xỉa xói quá trời. Vì lúc đó con cá ngừ đại dương không ai ăn, độ 6.000 - 8.000/kg, chỉ nấu cho heo!”, ông ngậm ngùi nhớ lại. Nhưng cũng từ chuyến đi biển này, Công ty Thủy sản Bình Định nghe tin ông Năm Rỵ săn được cá ngừ đại dương vội vàng cho người vào tận nơi thu mua. Rồi bỗng dưng, loại cá này có giá. Ông nhờ người thân đặt mua thêm lưỡi câu, dụng cụ câu từ Đài Loan rồi về hướng dẫn các tàu khác cùng đi câu cá ngừ đại dương với mình. Đó là năm 1994, nghề câu cá ngừ đại dương Việt Nam ra đời từ đó.
Trăn trở với biển khơi
Trong ngành thủy sản, Phú Yên là tỉnh đầu tiên có nghề câu cá ngừ đại dương. Còn người Phú Yên lại xem ông Năm Rỵ là “ông tổ” của nghề này. Hiện nay, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã có tổng cộng hơn 1.000 tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu là câu cá ngừ đại dương. Bởi cá ngừ đại dương giờ có giá 70.000 - 80.000 mỗi kg nên nghề này không chỉ trở thành nghề chính để ngư dân khai thác nguồn lợi từ biển cả mà còn trở thành động lực lớn để ngư dân miền Trung vươn khơi, bám biển góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo đất nước.
Đưa chúng tôi ra cảng cá, ông Năm Rỵ đứng trên một mũi tàu lớn cười sảng khoái: “Ai đâu ngờ mình lại phát hiện ra một nghề khai thác mới cho hàng ngàn người. Trong 10 năm qua, con cá ngừ đại dương đem lại thu nhập hàng ngàn tỷ đồng cho ngư dân…”. Riêng với bản thân, nghề câu cá ngừ đại dương biến ông từ một lão ngư nghèo đã trở thành một tỷ phú. Hiện ông có trong tay 3 tàu cá trị giá hơn 4 tỷ đồng và một cơ ngơi đáng mơ ước.
Tuy kiếm được bộn tiền từ nghề câu cá ngừ đại dương và chia đều các tàu cá cho các con trai tiếp tục vươn khơi làm nghề nhưng trong lòng ông “vua” cá ngừ Năm Rỵ vẫn còn nhiều trăn trở. Ông cho biết, chiếc tàu lớn nhất của ông hiện nay cũng chỉ ở mức 370 CV. Đây là một trở ngại lớn đối với những ngư dân như ông. Chính vì thế, ông chỉ ước ao sau này các con và bạn tàu có đủ vốn để đóng những chiếc tàu lớn hơn, thậm chí là tàu vỏ sắt theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ hay tàu composite do những người bạn Nhật hỗ trợ.
Anh Trần Kim Chẩn, con trai út của ông Năm Rỵ cho biết: “Nhiều lần trên biển cả, đương đầu với tàu lớn của nước ngoài rất bực mình vì các hành động khiêu khích, đâm va nhưng phải ngậm ngùi rút dây câu, thu lưới bỏ đi nơi khác. Nếu có tàu to hơn, chắc chắn tình thế sẽ khác…”. Trong số 30 tàu của đội tàu tình nguyện vừa đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Phú Yên, có 2 tàu của nhà ông Năm Rỵ do các con ông làm thuyền trưởng.
Chia tay Năm Rỵ, ông “vua” cá ngừ đại dương, chúng tôi không khỏi cảm phục trước sự sáng tạo, tinh thần vươn ra biển lớn của ngư dân Việt Nam. Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: “Cá ngừ đại dương chỉ có ở vùng biển xa nên nếu được tổ chức tốt, chính ngư dân câu cá ngừ đại dương sẽ góp phần quan trọng rào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tôi đánh giá rất cao sự tìm tòi để phát triển nghề này của ông Năm Rỵ. Ông ấy đáng được vinh danh…”.
Tàu cá đang neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang chờ ngày ra khơi
Nơi những con tàu vươn khơi
Giữa trưa nắng chang chang, bán đảo Sơn Trà vạm vỡ đứng hiên ngang bên vịnh Đà Nẵng. Đi qua cầu Rồng, thêm một đoạn dài qua các dãy phố thênh thang, xanh, sạch của Sơn Trà, chúng tôi đến âu thuyền Thọ Quang (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng). Âu thuyền chen chúc người trên bến, dưới thuyền khiến cho chúng tôi quên đi cảm giác oi bức của cái nắng trưa hè. Những con tàu san sát cập bờ cảng Thọ Quang đang đợi bốc dỡ hải sản sau một chuyến đi biển đầy ắp cá tôm. Thọ Quang không chỉ là âu tàu an toàn tránh bão, mà còn là một trong những chợ hải sản lớn nhất miền Trung.
Ông Phạm Bá Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý âu thuyền Thọ Quang cho biết: “Trong những ngày qua, lượng tàu thuyền của ngư dân miền Trung cập cảng cá Thọ Quang khá lớn, có ngày hơn 70 tàu cập bến. Phần lớn là tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế... Theo thiết kế, âu thuyền Thọ Quang có thể tiếp nhận khoảng 1.200 tàu có công suất 30 CV trở lên cùng một thời điểm. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, âu thuyền luôn là điểm cập bến quen thuộc của tàu thuyền đánh bắt cá gần bờ, xa bờ và nhất là tàu thuyền khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trở về. Có lúc, số lượng tàu cập âu thuyền Thọ Quang lên đến 1.600 chiếc, nhộn nhịp vô cùng.
Chúng tôi bắt gặp anh Nguyễn Quang Hiển, một chủ tàu đánh bắt cá xa bờ vừa cập cảng Thọ Quang. Anh cho biết, chuyến đi biển vừa rồi thuyền có 8 thuyền viên, đi suốt 13 ngày mới về. Sau khi trừ các chi phí, mỗi người thu được từ 5 - 10 triệu đồng. Đây là một thu nhập không nhỏ đối với người ngư dân bám biển. Chính vì thế, từ giờ đến cuối năm, tàu của anh tiếp tục ra khơi.
Ngư dân sửa lưới trước khi rời âu thuyền Thọ Quang đánh bắt xa bờ
Và những trái tim giữ biển
Ngư dân trẻ Trần Văn Mười mời chúng tôi lên tận cabin tàu câu mực của mình, chỉ từng vết nứt trên mạn tàu. Anh kể, trong chuyến câu mực vừa rồi, dù bị nhiều tàu nước khác vây, gây khó dễ nhưng tàu vẫn cương quyết bám lấy ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục khai thác trên vùng biển của mình. Dẫu thế, nhiều tàu vỏ sắt của các thế lực nước ngoài vẫn hay quấy nhiễu, nhiều lần đâm vào mạn tàu của anh để cản trở việc đánh bắt hợp pháp. Vậy nhưng anh rất tự tin: “Tàu của tôi thuộc loại lớn nhất ở đây. Có bị quấy nhiều, tôi cũng phải khai thác đầy tàu rồi mới về. Rời âu thuyền Thọ Quang đi đúng 2 tháng, tàu của tôi về mang đầy ắp mực xà, thu lợi hơn 2 tỷ đồng…”.
Âu tàu Thọ Quang nằm thoai thoải bên giữa biển và những vách núi sừng sững của bán đảo Sơn Trà. Cũng từ đây, hàng ngàn lượt tàu ra, về. Họ về Thọ Quang lấy “tổn” rồi hiên ngang đạp sóng, cưỡi gió, vươn ra biển lớn bất chấp những khó khăn, thậm chí là nguy hiểm rình rập ở khơi xa. Chúng tôi lặng người bên tàu QNg 97093 TS khi bắt gặp cảnh 4 - 5 ngư dân đang ngồi vá lại những mảnh lưới bị rách bươm sau lần đi biển đầy bất trắc. Ngư dân trẻ Trần Văn Bạn cho biết: “Có lần bọn tôi thả lưới vây xong, đang chuẩn bị kéo thì tàu nước ngoài cố tình đi băng qua làm đứt lưới. Bất bình nhưng chúng tôi vẫn kiên gan gia cố tạm rồi kéo lưới. Giữa biển cả mênh mông, mình là tàu gỗ công suất nhỏ nên vừa bám biển bằng sự gan góc, vừa phải tỉnh táo để làm việc của mình…”.
Đứng trên mạn tàu QNg 97093, bên những tiếng nói cười rộn rã, hồn nhiên của những anh ngư dân vá lưới, chúng tôi thầm nghĩ về những vết nứt trên tàu câu mực của anh Trần Văn Mười. Giữa biển khơi, họ kiên gan bám biển, giữ vững ngư trường trước bao khó khăn, thách thức của cả thiên tai và “nhân tai”. Nếu nói vì miếng cơm manh áo thôi cũng không đúng. Đó còn là truyền thống, là sự bền bỉ, kiên định của ngư dân Việt trên ngư trường của cha ông bao đời để lại.
Chúng tôi rời âu thuyền Thọ Quang khi hàng chục chiếc tàu công suất lớn đang khẩn trương lấy “tổn” để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Âu thuyền ngày ngày vẫn rộn ràng sóng vỗ, đưa tiễn những con tàu bám biển, ra khơi đầy khí thế để mang nhưng sản vật của đại dương trở về. Theo thống kê từ Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, năm 2013 sản lượng tàu cá cập cảng khoảng 17.800 chiếc với hơn 77.300 tấn hải sản các loại. Hiện nay, cảng cá Thọ Quang chưa trang bị được cân điện tử nên số lượng chỉ tính trên cơ sở ước lượng sản lượng mỗi tàu. Cảng cá Thọ Quang đang phấn đấu để lên cảng loại 1 và trở thành chợ đầu mối lớn nhất phục vụ ngư dân khu vực miền Trung.
Thọ Quang một ngày biển lộng, đầy nắng. Những con thuyền đang neo đậu chỉnh tề trong âu thuyền đợi ngày vươn mình trên biển. Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên đỉnh những cabin tàu tựa như một vũ điệu lấp lánh màu sắc dưới nắng vàng trên bán đảo Sơn Trà. Ngày ngày, biển vẫn dang tay ôm vào lòng những con tàu ra đi từ Thọ Quang, mang theo hàng ngàn trái tim giữ biển, giữ vững chủ quyền đất nước.
Kỳ 13: Tình yêu biển lớn
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét