Ấn tượng ban đầu của chúng tôi về cái tên Đặng Công Ngữ lại đến từ một buổi họp mặt tại TP.HCM. Buổi gặp mặt đó có một số nhân vật lịch sử quan trọng, như ông Phan Xuân Huy, Nguyễn Hữu Thái... - những thành viên của một cụm điệp báo. Trong câu chuyện giữa những người đồng đội cũ hôm đó, chúng tôi loáng thoáng nghe tên ông Đặng Công Ngữ. Thì ra, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cũng từng là thành viên của Cụm Điệp báo A10 (được thành lập năm 1972) gồm 39 thành viên, phần lớn là trí thức, học sinh, sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng, hoạt động ở Sài Gòn với nhiệm vụ cùng với các lực lượng cách mạng lật đổ Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho người khác ôn hòa lên thay thế nhằm sớm ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam.
Ông Đặng Công Ngữ giới thiệu cho khách tham quan những tư liệu chứng minh Hoàng Sa là của
Việt Nam
Sau này, qua một số thành viên của Cụm Điệp báo A10, chúng tôi còn biết thêm đôi ba chuyện về ông Đặng Công Ngữ. Chẳng hạn, năm 1974 chàng sinh viên Đặng Công Ngữ tham gia Cụm Điệp báo A10. Cũng năm đó, ông biết thông tin về Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Và cũng thật bất ngờ khi đúng 35 năm sau, vào năm 2009, ông trở thành Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.
Ông Võ Vân, cháu của nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, hiện là Phó Chánh Văn phòng Sở GTVT TP.HCM kể: “Đặng Công Ngữ cùng tham gia A10 với tôi, hoạt động ở lõm chính trị Bảy Hiền, bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất từ tháng 4-1974. Chúng tôi có nhiệm vụ nắm tình hình địch ở Bảy Hiền, nhất là các lực lượng mật thám, quân đội, cảnh sát và chuẩn bị các điều kiện để khi thời cơ đến là vùng lên giành chính quyền.
Vào 6 giờ sáng ngày 30-4-1975, tôi và Đặng Công Ngữ cùng một số anh em điệp báo A10 ở lõm chính trị Bảy Hiền dẫn đầu giành chính quyền. Lúc đó, Dương Văn Minh chưa tuyên bố đầu hàng, nhiều đơn vị quân đội, cảnh sát vẫn cố thủ. Do đó, chúng tôi đã tước vũ khí, trói sĩ quan, binh lính, khoảng 40 - 50 người, dẫn về Dinh Độc Lập để chờ quân giải phóng tiến vào thành phố…Nhiều năm sau này, ông Đặng Công Ngữ được biết đến với những hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo, cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ cho TP.Đà Nẵng… nhưng hầu như không mấy ai biết về ông với vai trò của một cán bộ điệp báo A10. Theo hình dung của chúng tôi, điều đó cũng giống như nụ cười rất hiền từ nhưng luôn bí ẩn của ông, một điệp báo viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để rồi, được tin tưởng hoàn toàn khi trở thành Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa đầu tiên. Ông, trên cương vị và vai trò chủ chốt của mình với tình yêu biển, tình yêu quê hương xứ sở đã tiến hành các hoạt động bảo vệ chủ quyền cho Hoàng Sa thân yêu.
“Chúng ta phải kiên cường đấu tranh!”
Đó là lời khẳng định đanh thép của ông Đặng Công Ngữ khi chúng tôi đề cập về những hành động ngang ngược của ngoại bang xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam trong thời gian gần đây. Ông Ngữ nhẩm tính, ông đã có 1.828 ngày ở cương vị Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa (ông nghỉ hưu vào tháng 5-2014). Suốt 1.828 ngày đó có quá nhiều sự kiện nhạy cảm mà một lời nói cũng có thể ảnh hưởng đến đại cuộc cũng như thân phận con người. Nhưng xuyên suốt hành trình dài dằng dặc ấy, cái tên Đặng Công Ngữ luôn được nhắc đến mỗi khi có những sự kiện lớn trên biển Đông.
Và cũng không thể nào quên, trong khó khăn chồng chất ấy, tiếng vang của huyện đảo Hoàng Sa - với những cuộc triển lãm bản đồ, tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo, những hội thảo khoa học đầy trí tuệ, hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước ghé thăm trụ sở UBND huyện, hàng ngàn bài báo, bộ phim, phóng sự truyền hình, hàng trăm tư liệu quý được sưu tầm… đã lan tỏa rộng rãi, vượt qua cả biên giới quốc gia. Tất nhiên, đó là công sức của nhiều người, nhưng chắc ông Ngữ là một phần không thể nào không nhắc đến.Chúng tôi ngồi đối diện với ông Đặng Công Ngữ, con người kiên trung với khuôn mặt nhân từ nhưng đôi mắt vẫn ánh lên những tia nhìn sắc lạnh khi được hỏi về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Với ông, sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và những động thái không thể chấp nhận khác của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như là những lưỡi dao cứa vào da thịt xót xa.
Tiễn chúng tôi rời UBND huyện đảo Hoàng Sa, rời TP.Đà Nẵng xinh đẹp và không kém phần hào hùng, ông Đặng Công Ngữ không quên nhắc đi nhắc lại: “Người Việt Nam đã chiến đấu oai hùng, quyết chiến đấu đến cùng cho toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của dân tộc. Tuy ngoại bang có nhiều thái độ hung hăng, càn quấy nhưng lịch sử và sự thật là không thể nào chối cãi được. Chúng ta phải nhớ rằng, dân tộc ta đã đứng lên và sẽ tiếp tục đấu tranh, kiên quyết bảo vệ, giữ vững chủ quyền quần đảo thiêng liêng này... Tôi xin kính cẩn tri ân đến các dân binh Hoàng Sa, các chiến sĩ, ngư dân, những người đã hiến thân vì Hoàng Sa thân yêu. Tổ quốc sẽ ghi nhớ công ơn họ…”.
Chuyến bay đêm của hãng hàng không Việt Nam Airline đưa chúng tôi dần xa TP.Đà Nẵng xinh đẹp. Từ khoang máy bay nhìn xuống, thành phố biển lấp lánh ánh đèn với cây cầu Rồng vươn mình kiêu hãnh. Xin chào, tạm biệt một tình yêu biển lớn lao và câu nói thật nhẹ nhàng, sâu lắng của ông Đặng Công Ngữ: “Xin cảm ơn đã giúp đỡ huyện! Nhớ là, sau khi xong loạt bài, tập hợp tất cả các bài báo gửi lại để chúng tôi có thêm một tư liệu nữa tuyên truyền về biển đảo nhé!...”.
Nỗi nhớ biển da diết
Khí phách người Việt Nam từ bao đời vẫn thế. Sinh ra trên dải đất hình chữ S, bên bờ sóng vỗ miên man, ngàn đời nay người Việt yêu biển, gắn liền với biển. Bởi thế, đã trót một lần đến, sống ở biển, khi xa người ta nhớ biển vô cùng…
Thành công vẫn quay về với biển
Chiều trên bến cảng Hàm Tử (TP.Quy Nhơn, Bình Định), chúng tôi bắt gặp hai ngư dân Trần Công Thế (42 tuổi) và Võ Văn Khương (40 tuổi) cùng ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn). Anh Trần Công Thế từng có 17 năm thâm niên đi biển. Ngày xưa, tàu của anh chỉ có công suất 45 CV. Tàu nhỏ nên ra ngư trường thường xuyên gặp rủi ro, đánh bắt không hiệu quả. Chính vì thế, sau một lần đi biển bị tàu nước ngoài cố tình gây chuyện, quấy phá, anh đã từng bỏ biển lên bờ làm kinh doanh. Công việc kinh doanh của gia đình anh Thế gặp nhiều thuận lợi nhưng nỗi nhớ biển da diết không bao giờ nguôi ngoai trong lòng. Anh tâm sự: “Đêm về nằm ngủ, chợp mắt một cái đã nghe mùi mặn nồng của biển, sự hào sảng và khí phách của anh em bạn tàu. Họ cũng gặp khó khăn như mình nhưng vẫn quyết tâm bám biển, giữ biển, mình lên bờ sao đành. Trăn trở mãi tôi quyết định dốc vốn đầu tư đóng tàu, đi biển trở lại…”.
Đồng lòng với người anh vợ, ngư dân Võ Văn Khương cũng quyết chí đóng tàu lớn vươn khơi xa, dù anh cũng đã bỏ tàu hơn 25 năm và có kế sinh nhai ổn định trên bờ. Cách đây 25 năm, tàu cá của anh với công suất 260 CV, gọi là có tiếng trong vùng nhưng ra khơi xa vẫn gặp nhiều khó khăn, dù có lần anh đã đóng tàu lớn hơn, công suất 380 CV nhưng vẫn làm ăn không hiệu quả.
Giờ thì hai anh em yêu biển, nhớ biển đã thỏa ước nguyện. Đầu năm 2014, cả hai quyết định dốc vốn, vay mượn thêm tiền ngân hàng để đóng 2 con tàu công suất lớn, tiếp tục vươn khơi. Trong năm 2014, tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp, nhiều tàu của ngư dân Việt Nam liên tục bị cản trở, quấy rối từ các tàu nước ngoài, nhưng hai anh vẫn cương quyết đóng tàu lớn ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản. Anh Khương tâm sự: “Bao nhiêu tâm huyết ấp ủ bấy lâu, không lẽ giờ mình chùn bước trước những sự khiêu khích sai trái? Riêng tôi cho rằng, mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền trên biển của đất nước. Chính vì thế, đóng tàu lớn, khai thác nhiều nguồn lợi từ biển cũng là một hành động yêu nước và góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia…”.
Chuẩn bị đón những mùa vui
Theo thông tin mới nhất từ Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn (Bình Định), sau hơn 4 tháng thi công, 2 con tàu vỏ gỗ của hai anh em Trần Công Thế và Võ Văn Khương đã hoàn thiện các công đoạn cuối để chuẩn bị xuất bến ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản. Đây được xem là 2 con tàu mới, hiện đại, có công suất lớn nhất nhì Bình Định. Mỗi chiếc tàu cóchiều cao 3,5m, dài 22,7m vàrộng 6,7m, tải trọng 70 tấn, có 8 hầm chứa khối lượng 50 tấn cá... Trong đó, tàu cá mang số hiệu BĐ 97279 TS của anh Trần Công Thế có tổng công suất 1.200 CV, máy chính 730 CV, 2 máy phụ hơn 470 CV. Còn tàu cá BĐ 97268 TS của anh Võ Văn Khương có tổng công suất hơn 1.400 CV, trong đó máy chính là 1.020 CV, 2 máy phụ 400 CV.
Chúng tôi đứng trên cầu cảng Hàm Tử mải mê ngắm nhìn 2 con tàu của anh Trần Công Thế và Võ Văn Khương. Mùi nước sơn còn sực lên, từng thớ gỗ vỏ tàu bóng mượt, thơm phức. Tàu kiêu hãnh vươn mình đón từng con sóng biển, gió lộng làm tung bay lá cờ đỏ sao vàng trên nóc cabin. Rồi đây, 2 con tàu lớn sẽ đi biển, mỗi chuyến từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng tại ngư trường truyền thống trên biển Đông.
Không chỉ mạnh dạn bỏ vốn lớn đóng tàu lớn, hai anh em ngư dân này cũng đã học hỏi kỹ thuật, chuẩn bị rất kỹ cho việc vận hành con tàu. “Những năm gần đây, chúng tôi xin đi bạn cho các tàu cá có công suất từ 650 - 800 CV để học hỏi thêm kinh nghiệm trước khi quyết định đóng tàu lớn. Hiện nay, nhiều bạn theo tàu chúng tôi đều là những ngư dân có thâm niên từ 10 - 30 năm tham gia đánh bắt trên các tàu công suất lớn. Họ sẽ hỗ trợ chúng tôi trong quá trình đánh bắt dài ngày trên biển nên rất yên tâm…”, anh Thế nói và dẫn chúng tôi lên tận boong tàu để xem bộ lưới vây rút trị giá gần 1 tỷ đồng, loại lưới chuyên dùng đánh bắt xa bờ. Máy móc trang thiết bị trên tàu để dò cá, định vị đều cực kỳ hiện đại...
Sinh ra từ vùng biển, luôn yêu biển, anh Trần Công Thế và Võ Văn Khương đã biến tình yêu biển thành hành động cụ thể bằng việc đóng tàu lớn, vươn khơi xa. Chúng tôi chia tay hai ngư dân dám nghĩ, dám làm trong một ngày nắng đẹp trên cảng Hàm Tử. 2 con tàu lớn dần xa trong tầm mắt, chuẩn bị ra vươn khơi theo dấu biết bao con tàu của ngư dân Việt, mang về những mùa vui từ đại dương bao la.
Gió lộng… buồm căng ta ra khơi
Chúng tôi tìm đến cảng Hòn La (Quảng Bình) trong một ngày lộng gió. Một rừng cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió trên nóc ca bin các con tàu đang đợi lệnh khởi hành ra khơi. Với hơn 5.700 tàu thuyền khai thác hải sản, Quảng Bình là một trong những địa phương có nhiều tàu vươn khơi, bám biển nhất miền Trung…
Vũ khúc của biển
Ở Quảng Bình, phương tiện của ngư dân được phân bố ở các ngư trường đánh bắt rất đa dạng. Vùng ven bờ với độ sâu từ 20m trở vào là các phương tiện thủ công, thuyền công suất nhỏ chuyên hoạt động bằng các nghề ven bờ như xăm trủ, te giã ruốc, rê ba lớp, giã tôm, khai thác nhuyễn thể. Vùng lộng sâu từ 20 - 50m là ngư trường chính của tàu, thuyền gắn máy từ 20 - 40CV chuyên nghề mành ánh sáng, giã kéo tôm, mành rút, cá, câu mực. Ngư trường sâu từ 50m trở lên đòi hỏi tàu, thuyền trang bị máy từ trên 45CV, chịu được sóng, gió cấp 5, cấp 6 để làm nghề lưới vây, rê khơi, giã kéo cá, câu và chụp mực. Riêng ngư trường ở độ sâu hơn 100m, tàu đánh bắt phải có công suất từ 90CV trở lên, chịu được sóng gió cấp 6, cấp 7 và đánh bắt dài ngày trên biển bằng các nghề vây, chụp mực, câu khơi...
Theo thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình, toàn tỉnh có 3.700 tàu, thuyền có công suất dưới 45CV, trong đó gần 3.300 phương tiện công suất dưới 20CV. Để thấy hết sự phong phú của tàu bè đi biển của Quảng Bình, chúng tôi được cung cấp một con số thống kê những số liệu biết nói. Riêng xã bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh có 572 chiếc thuyền công suất dưới 20CV, làm các nghề te đẩy, kéo lưới tôm, giã cào... ở vùng ven bờ.
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Quảng Bình thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi nghề khai thác vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa thân thiện với môi trường theo hướng vươn khơi. Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã thực hiện mô hình khai thác cá dưa bằng lưới rê tại 2 xã Bảo Ninh, thành phố Ðồng Hới và Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để khai thác hiệu quả với loại hình này, tàu khai thác phải được thiết kế với công suất từ 45CV trở lên, hoạt động tốt ở độ sâu từ 50m nước, chịu được gió cấp 6, cấp 7. Trên tàu cũng phải được trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ thông tin liên lạc và cứu trợ, cứu nạn. Việc ra khơi khai thác thực hiện theo hình thức tổ, đội đoàn kết để hỗ trợ nhau trong quá trình tìm kiếm ngư trường và đánh bắt trên biển. Ông Hoàng Vang, một ngư dân ở xã Bảo Ninh, cho biết: “Nghề lưới rê rất thuận tiện, có hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm khai thác ngoài cá dưa còn có các loài hải sản khác mang giá trị kinh tế cao như cá mú, cá thu, mực...”. Từ 7 tàu đánh bắt làm mô hình “điểm”, hiện nay đã có hơn 50 tàu trong tỉnh Quảng Bình chuyên nghề lưới rê khai thác cá dưa.
Chúng tôi đến cảng Nhật Lệ, một cảng biển nổi tiếng và không kém phần hào hùng trong chiến tranh để tiếp tục chứng kiến những vũ khúc rộn ràng của biển. Hàng trăm tàu đang neo đậu trong âu cảng đợi lấy “tổn” chuẩn bị vươn khơi, đánh bắt cá xa bờ. Sóng nước trong xanh, những khuôn mặt cười rạng rỡ của ngư dân toát lên một vẻ lạc quan trước chuyến đi biển xa.
Đổi mới công nghệ đánh bắt
Theo ngư dân Nguyễn Văn Cẩn, những năm trước, anh và các bạn tàu thường đánh bắt gần bờ. Tàu nhỏ, mỗi khi vươn khơi, chứng kiến tàu lớn của nước khác đến khai thác trong ngư trường của Việt Nam, ai cũng “ấm ức”. Chính vì thế năm 2013, anh rủ thêm nhiều bạn tàu đổi mới công nghệ đánh bắt, lấy nghề lưới rê để đánh bắt cá ở ngư trường lớn. Nghề này dễ làm và ngay cả trong tuần trăng sáng vẫn ra khơi đánh bắt bình thường. Anh Cẩn cho biết: “Lúc thuyền di chuyển đến ngư trường, tôi chỉ cần thả lưới trôi theo dòng nước. Cá vướng vào, nhảy lên sẽ mắc vào lưới bùng nhùng. Sau khoảng 8 giờ đồng hồ thì kéo lưới, thu cá đưa vào hầm bảo quản…”. Với cách làm như vậy, sau 7 chuyến ra khơi, tàu của anh Cẩn đã thu được hơn 6 tấn cá dưa, cá mú và mực, doanh thu gần 400 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, tàu của anh có thu nhập 218 triệu đồng, bình quân mỗi ngư dân được trả lương hơn 5 triệu đồng...
Xã vùng biển nổi tiếng tỉnh Quảng Bình là Cảnh Dương hiện có 50/334 tàu, thuyền đánh bắt gần bờ, trong đó có 17 tàu làm nghề khai thác ghẹ, ốc hương bằng lồng bẫy cũ nên hiệu quả không cao. Tháng 6-2010, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân thực hiện mô hình khai thác hải sản bằng lồng bẫy cải tiến. Với quy mô 880 lồng/4 tàu, ngư dân Cảnh Dương thực hiện được 32 chuyến đi biển, bắt được 483kg ốc hương, 1.245kg ghẹ, lãi 160 triệu đồng. Bình quân mỗi chuyến đi biển 4 ngày, ngư dân thu được 10 - 12 triệu đồng/ tàu…
Theo Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương Ðồng Thanh Ðắng, lồng bẫy mới có diện tích lớn hơn lồng cũ. Cua, ốc hương bắt mùi thức ăn di chuyển vào trong lồng, chìm dưới đáy biển nên không ra được. Cách làm mới này mang lại hiệu quả cao cho ngư dân. “Gần như toàn bộ số tàu, thuyền khai thác gần bờ ở Cảnh Dương chuyển sang làm nghề khai thác hải sản bằng lồng bẫy cải tiến”, ông Đắng nói.
Cùng với việc đầu tư nâng cấp và đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi, giảm mật độ tàu, thuyền đánh bắt tại cùng một ngư trường, sự chuyển đổi nghề và cơ cấu lại phương tiện khai thác ven bờ cho ngư dân theo hướng thân thiện với môi trường là hướng đi hợp lý để phát triển bền vững nghề khai thác hải sản ở Quảng Bình. Có tàu, có công nghệ đánh bắt hiện đại, hàng ngày, hàng ngàn con tàu của Quảng Bình đạp sóng vươn xa ra các ngư trường lớn, đánh bắt ắp đầy cá tôm... Tinh thần vươn khơi, bám biển của ngư dân Quảng Bình nói riêng, ngư dân Việt Nam nói chung chưa bao giờ nguội lạnh. Bao đời nay vẫn thế!
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét