( Viết theo lời kể của
anh Ng.M, trưởng công an phường N.M, nhân kỷ niệm Thành Phố Quy Nhơn 300 tuổi)
Tý xoăn sinh ra
và lớn lên ở khu phố IV- khu phố nghèo nhất phường N.M. Tên giấy tờ của nó là
Trần Vĩnh Trung. Thằng nhóc Tý đen nhẻm, đen nhèm, tóc xoăn tít, có một mảng màu
hung hung đỏ. Thằng nhóc Tý có đôi mắt buồn xa xăm!...
Bố mẹ nó làm công nhân ở một xưởng gỗ. Năm nó vừa bước lên lớp bảy, một
tai nạn lao động đã cướp đi bố nó và ba công nhân khác. Mẹ nó đi bước nữa. Nó
theo mẹ về với bố dượng. Bố dượng là một người đàn ông rất kim chỉ, tủn mủn,
yêu mẹ nhưng không yêu con riêng của mẹ. Ổng theo dõi, xét nét nó hết thảy mọi điều, trút
lên đầu nó từ roi vọt đến những cú đấm tàn bạo vì những lý do rất vu vơ, oan ức! Mẹ
nó buộc lòng phải đưa nó về với bà nội. Năm ngày, bảy bữa đến dấm dúi cho nó
chút tiền, chẳng bõ bèn chi. Rồi thưa dần đến quên luôn và nó cũng quên luôn có một
người mẹ!
Bà nội nó gần bảy mươi, sống một mình trong căn nhà tole thấp lè tè. Ông
nội nó đã mất từ khi chưa có nó. Bố nó là con duy nhất, nhưng ông trời lại muốn
bố nó đi theo hầu ông nội, để bà ở lại với thân già cô quạnh. Bà tự bươn chải
kiếm sống, hết đổi nước chè xanh, lại bán ớt tiêu hành tỏi trên một cái mẹt tre nho
nhỏ khiêm tốn ở một góc chợ! Nội rất mừng khi có nó. Nó là giọt máu còn lại để
sau này hương khói. Vả lại có nó nhà cũng bớt quạnh hiu. Còn nó, nó chỉ mừng một
điều duy nhất rằng từ nay không còn bị ông bố dượng tủn mủn, hẹp hòi rình rập xét
nét, không còn bị bạt tai cú đầu đá đít nữa. Buổi sáng đi học, buổi chiều cắp rỗ
lạc rang mời chào ở các quán nhậu. Bữa ế nhiều hơn bữa được, bởi ngày càng có nhiều
thằng nhóc con nhóc thậm chí có cả bà già ông già cũng làm như nó. Việc học của
nó sa sút dần. Thầy cô nhọc sức la mắng nó vì điểm kém, vì ngủ trong lớp. Nhà trường
mời phụ huynh. Một bà cụ bảy mươi hom hem đến chỉ để nghe rồi về. Dần dần nó nhận
ra mỗi ngày đến trường không còn là một niềm vui nữa. La cà ở quán xá, tụ điểm
vui hơn…
Nó trở thành một tay giang hồ tuổi teen có số với biệt danh Tý xoăn, môn
phái “mõi”.Nó tiếp cận con mồi nhanh như tia chớp! Bất kỳ trước mặt, bên trái hay
bên phải, hai ngón tay nó xuất chiêu như vô ảnh kiếm, thân thủ biến hóa khôn
lường, đẳng cấp thượng thừa! Tý xoăn không gia nhập một băng nhóm nào, nó thích
độc lập, làm ăn riêng lẻ! Hồi còn ở với bố dượng, nhờ những lần rình rập bắt trộm
gà nhà ông Sáu - một võ sư môn phái Vovinam, nó học lóm được rất nhiều miếng đòn
tấn công, miếng thế phòng ngự, đặc biệt là côn nhị khúc, nên cuối cùng nó luôn
là người chiến thắng qua những trận thư hùng đẫm máu để tranh giành lãnh thổ. Không
lập băng nhóm, không tham gia băng nhóm nhưng nó lại đặt ra một giới luật “bé
tha, già chừa!” Một lần nó chấp nhận bỏ dở một con mồi ngon để rượt một thằng
nhóc trạc tuổi dã man giật vé số của một bà cụ. Nó nện thằng nhóc đó nhừ như xương
hầm. Giang hồ hiểm ác đã dạy nó khôn thêm, ranh mãnh thêm, lòng dạ có khi đanh
lại, lạnh lùng! Miếng ăn có lắm phen phải trả bằng máu! Nhưng hình ảnh bà cụ run
lẩy bẩy nhận lại xấp vé số sao cứ làm nó vẩn vơ! Đêm đó - có lẽ đó là lần đầu
tiên trong đời - lòng nó mênh mang một nỗi buồn! Nó thấy thương nội nó vô cùng! Nó
nhẩm tính:lưu lạc giang hồ, dấn thân đời sương gió cũng đã gần hai năm rồi! Đi
“mõi”bán sống bán chết, tranh giành miếng ăn đẫm máu có đôi khi cũng làm nó mệt
mỏi! Và trong đầu nó thoáng qua ý nghĩ “hay là nên về với nội.Chắc là nội
buồn vì nó lắm”. Nhưng cái ý nghĩ hoàn lương chỉ thoáng qua rồi vụt tắt. Nó
thiếp đi với mấy tiếng nấc lạ lùng. Trong mơ nó thấy nội ôm nó vào lòng, và nó
cũng thấy lờ mờ bóng dáng mẹ nó vô tình nhu nhược…
Mùa
hè đang về trên thành phố. Phượng vỹ trên các con đường, trên các sân trường đang
huy hoàng trỗ bông rực rỡ. Phượng làm ửng hồng vòm trời, phượng nhượm đỏ lối
đi. Hồi còn đi học, mỗi lần phượng nở, Tý xoăn thấy các anh lớp 12 hay lén bác
cai trường hái từng chùm phượng tặng cho mấy chị. Chị có,
chị không nên giành nhau, hờn dỗi! Nó thấy vui vui, trí óc non nớt của nó nghĩ
chắc mai mốt lên lớp 12 mình cũng làm như
vậy. Đang lang thang, nó nghe một giọng ca thánh thót từ nhà ai đó phát
ra “mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” Tý xoăn chặc lưỡi “Tầm phào quá! Hè về
sao lại buồn? Nghỉ hè không phải bị dò bài, trả bài, sao lại buồn? Nghỉ hè về quê
chơi sướng chết đi chứ…” Nó chựng lại. “-Ừ nhỉ! Đã lâu lắm rồi, từ ngày mẹ về theo
bố dượng, mình không được về quê ngoại.” Nó bỗng nhớ ngoại, nhớ thằng Hùng con
cậu Hai, nhớ rẫy ngô xanh ngát, nhớ cây ổi sẻ chín đỏ ngọt ngào và nhớ mấy con
cưởng hót líu lo mà thằng Hùng rất quý! Nó chợt nghĩ “hay là hôm nay mình về
thăm ngoại?... Để thử mua quà cho ngoại, cho thằng Hùng, cho cậu Hai cái gì đây
nhỉ? Nó biết ngoại thích nhất món bánh kem Ngọc Nga có hương vị sầu riêng thơm
phức. Nó mỉm cười chắc là ngoại mừng lắm!”
Tý xoăn quyết định bước lên xe bus
tuyến QN đi BS để “hành hiệp”. Xe bus chật cứng khách. Mấy ngày nay bọn “mõi” dô
mánh đậm! Thành phố đang kỷ niệm 300 năm thành lập. Ca nhạc, trò chơi, hội chợ
thật hấp dẫn! Người người đông nghịt. Từ huyện thị, thôn xã buông làng người
người lũ lượt đổ về đông nghịt! Cơ hội ngàn vàng cho “giang hồ võ lâm” hoạt
động, đặc biệt là bang phái “ thổi xế” và bang phái “mõi” tranh thủ thời cơ. Đảo
mắt một vòng, luồng nhãn quang của nó dừng lại phía trước cách nó ba hàng ghế,
nơi đó có một người đàn ông tóc ngả màu mây, áo sơ mi màu xanh lơ đã sờn cổ, đứng quay lưng về phía nó. Tay trái ông mang
giỏ trái cây, kẹo bánh còn tay phải ông mang túi xách bằng da ximili cũ kỹ. Ông
ta luôn luôn cúi xuống nói gì đó với một bà cụ đang ngồi hai tay nắm chặc băng
ghế. Túi sau của cái quần tây dày cộp rất hững hờ, vô cùng hấp dẫn. Tý xoăn áp sát
con mồi và chớp nhoáng:vô ảnh kiếm của nó mở tung nút túi nhẹ như gió thoảng. Tý
xoăn dừng lại vài giây nghe động tĩnh. Người đàn ông không hề hay biết, rất vô
tư, mải mê hết nhìn về phía trước lại cúi xuống bà cụ. Vài giây trôi qua, Tý xoăn
thổi ngay ví của người đàn ông nhà quê ngờ nghệch! Nó lũi ngay về phía cửa sau chờ “ biến” ở trạm dừng sắp đến.
- Mất cắp, bị móc túi! Trời ơi! Mất
hết rồi!
Tiếng la nghe ồ ồ và tuyệt vọng phát
ra từ người đàn ông và bà cụ làm Tý xoăn giật mình! Đây là lần thứ hai nó bị giật
mình sau khi hành sự – lần thứ nhất nó mới vào nghề. Còn lần này vì cái giọng ồ
ồ làm nó quay lại nhìn con mồi đã bị nó xơi tái. “Chết mẹ! cậu…bà..” Tý xoăn buộc
miệng lẩm bẩm rồi đứng trân trân. Thì ra đó chính là cậu Hai và bà cụ kia chính là ngoại nó! Mặt Tý xoăn biến sắc, tái nhợt. Nhưng không ai trên xe có thể nhận biết
vì nó vốn dĩ đen nhẻm đen nhèm. Xe đã dừng ở trạm, nhưng cái đôi chân “đằng vân
thượng thừa” của nó như bị chôn chặt dưới sàn. Khách lên, khách xuống chen nhau,
xô nó ngả lăn quay xuống ven đường quốc lộ. Nó chợt tỉnh và vội vàng lẩn tránh. Nó
đã móc túi chính những người thân yêu nhất mà nó đang dự tính về thăm! Tý xoăn lại vẩn vơ! Hình ảnh bà cụ run lẩy bẩy
nhận lại vé số làm nó vẩn vơ! Bây giờ khuôn mặt ngờ nghệch với tiếng kêu tuyệt
vọng của cậu Hai nữa!... Sự hối hận thoáng về trong tâm tư, và ý định hoàn
lương giải nghệ lại đến trong đầu nó. Nhưng giải nghệ hoàn lương thì biết làm gì
sống, tiền đâu tiêu? Nội già quá, còn mẹ có bao giờ thăm hỏi nó đâu, mẹ đã
quên nó rồi!…
Mùa đông đang trôi qua. Mùa đông ở cái thành phố nhỏ miền Trung rất ẩm ướt
và lạnh buốt. Ca nhạc, tụ điểm vui chơi, tạm dừng. Khách đi xe bus cũng giảm. Tý xoăn
vẫn còn “hành hiệp”, nó chưa gác kiếm. Thu nhập lúc này có hẻo hơn, nhưng nó lại
không quan tâm lắm. Dạo này nó thấy sao lòng nó cứ hoang mang, lo lắng! Nó cũng tính
đến nhà anh Quân – công an khu vực IV, nhờ anh giúp đỡ. Đã đôi ba lần rồi, vừa
dợm đến ngõ nhà anh, nó lại quay về. Nó vẫn biết từ ngày nó bỏ nội ra đi lưu lạc
giang hồ, anh Quân rất hay đến nhà thăm nội nó. Anh Quân là người tốt. Nhưng nó vẫn
sợ- nỗi sợ của người mang nhiều tội lỗi!
Một buổi sáng ngồi ở trạm xe bus, nó chợt thấy một thằng nhỏ chừng sáu
tuổi, đứng ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ, co ro trong mưa phùn và khóc sướt mướt. Ban
đầu nó nghĩ “chiêu lừa của giới cái bang”, và nó ngồi quan sát như một sự tiêu
khiển. Gần suốt một ngày, thằng nhỏ đói lã nằm im bất động dưới từng cơn
mưa lạnh. Tự nhiên lòng nó chạnh lại, nôn nao! Trong sâu thẳm lòng nó, nó cảm nhận
có một cái gì đó bất bình thường! Và Tý xoăn dòm trước, ngó sau, quyết định cõng
thằng nhỏ về “bản doanh” của nó…
Những chiều cuối đông, gió bấc không còn thổi về lồng lộng nữa, gió chỉ
thổi se se đủ làm lạnh thêm những nỗi buồn, đủ làm quạnh hiu thêm cái gian nhà
trống vắng!Bà nội Tý xoăn cũng thế! Lòng bà héo hắt! Héo hắt từ ngày bố nó bỏ bà
ra đi, lại càng thêm héo hắt bởi sự ngu dại của thằng cháu nội. Bà cảm thấy bà
có lỗi quá chừng với cái chi họ Trần Vĩnh ! Chiều nay bà lại ngồi trước hiên,
không đi bán, thẫn thờ như trông đợi một cái gì xa xăm vô vọng! Bỗng mắt bà sáng
lên mừng rỡ: thằng Tý trở về, lại dẫn theo một đứa nhỏ ốm tong teo, vàng võ! Bà
đưa mắt nhìn nó ngơ ngác.
- Con còn nội! Nó chẳng còn ai!
Nó rất kiệm lời, chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu
từ với nội, rồi nó lặng lẽ đến trước bàn thờ ngắm rất lâu di ảnh bố nó! Hôm
sau, hôm sau nữa, Tý xoăn không đi đâu hết, ở nhà dọn dẹp nhà cửa sân vườn ngăn
nắp…
Thế rồi một sớm mai đầu tuần, nắng chợt bùng lên! Nắng ấm áp! Nắng xua tan
âm u của những tháng ngày gió mưa ảm đạm! Bà con khu phố IV trông thấy Tý xoăn
rụt rè bên cạnh chú Toàn - bếp trưởng nhà hàng H.H đi cùng anh Quân- công an khu
vực, rất vui vẻ...
Tết năm đó, khoảnh sân nhỏ trước nhà Tý xoăn có mấy hàng đậu cô-ve xanh mơn
mởn đang chớm nụ, có cúc vạn thọ và đặc biệt hơn có hai chậu hướng dương hoa nở
vàng rực rỡ!
N.Đ.C (TP. HCM)
Bài viết thấm đẫm tình người.
Trả lờiXóa