Nguyễn Trọng Luân sinh năm 1952 - Kĩ sư Chế tạo máy. Hiện sống ở Hà Nội
Đã in:
- Trăng tháng chạp (thơ) 2009
- Thơ viết cho mùa thu (thơ) 2011
- Mây trên trời Quảng Trị (thơ) 2012
- Những người bạn lính (tập truyện kí) 2012
- Gọi Tây Nguyên (thơ) 2014
- Bóng đổ nhà mồ (tập truyện ngắn) 2014
Chiều đổ bóng, nắng khua giòn tan lên chòm lá cây muỗm già. Loe hoe vài con ong trên mấy chùm hoa muỗm ở những cành chồi. Những con ong cuối cùng lấy nhị hoa muộn màng rồi cũng biến đi mất. Người đàn ông đã già ngồi dưới gốc cây muỗm cổ thụ cụt ngọn, cành lá cũng cộc cằn gộc gạc và ở những tụm lá xanh vẫn trổ hoa. Con dốc vào bản cứ biêng biêng qua mấy gốc muỗm cổ thụ và liền ở đấy là khu nhà mồ. Vài chục cái mồ to nhỏ mới cũ lạnh lùng hoang phế cái có mái che cái phơi vò võ ngoài trời. Vương vất trên đám mồ là những thứ đồ dùng cũ mới của con người. Cả những cây hoa dại chả biết trời gieo hay người trồng mà hoa cũng bé như cái cúc áo và lạnh lẽo vàng. Một con quạ đậu im như chết trên đầu một bức tượng. Bức tượng người đàn ông thổi tù và. Cái tù và vênh lên giời to như ngọn măng chổng ngược. Con quạ thấy có người đi từ dưới dốc đi lên kêu quà quà rồi bay vút lên trời xám. Người đàn ông giật mình cứ ngỡ như pho tượng kia vừa thổi tù và phát ra tiếng quạ kêu não nùng. Nắng sắp tắt, những người đàn bà từ nương về gùi đầy những rau rừng những quả bầu nước lên dốc, họ đi chậm chạp, quai gùi kéo căng bầu ngực, khiến cặp vú hoang dã vênh lên. Những cánh tay trần nâu bóng khoanh trước bụng, họ nhìn nghiêng vào khuôn mặt lạnh băng của người đàn ông miền xuôi xa lạ. Ông ấy vẫn lặng im, khắc khổ hệt như pho tượng. Ông nhìn lịm vào pho tượng mốc thếch trên một nấm mồ choèn choèn không có mái che. Đấy là một pho tượng người đàn bà bụng chửa. Hai tay người đàn bà gần như đan vào nhau đỡ lấy cái bụng to như thai tám tháng. Khuôn mặt tượng hả hê nặng nề và nhìn hút vào xa xăm. Mặt của người đàn bà bụng chửa hướng về phía đông, mặt trời lúc này đã ở phía tây khiến mặt người đàn bà càng thêm bí hiểm. Xung quanh đấy những pho tượng đủ kiểu mới có cũ có chả cái tượng nào giống cái tượng nào, hệt như một cộng đồng đang tồn tại và mỗi thành viên chả ai giống ai. Ông như mình hồi đang trai, hồi ấy và cho tới tận bây giờ ông vẫn tự hỏi mình sao những người đàn bà Tây Nguyên họ hay khoanh tay trước bụng mỗi khi con người và tinh thần của họ gặp phút giây sa sút hiểm nguy? Có lúc ông tự trả lời. Rằng bụng người đàn bà luôn chứa một sinh linh tiềm tàng, nói như đồng bào là ở đó, trong bụng người đàn bà có cái thằng người be bé, vì thế cứ khi nào họ gặp tình huống bất thường họ luôn có bản năng giữ lấy bụng giữ lấy sự sống của thằng người be bé đang nằm trong cơ thể họ. Bàn tay đàn bà ôm lấy bụng là chở che cho cuộc sống nhân gian, cho sinh tồn. Vòng tay đàn bà ôm gọn nỗi niềm sung sướng hay khổ hạnh cho cả thế giới. Ôi đàn bà. Thế mà ngay ở trong vô thức hay ý thức thì tượng người đàn bà cũng khốn khổ hơn đàn ông. Ông đọc đâu đó về những bức tượng nhà mồ Tây Nguyên này tỏ rõ một thời kì Mẫu quyền. Nhưng với ông, bao cái đau đớn trường tồn đều hết thảy in hằn lên những mặt người đàn bà.
Ông ngồi đây từ lúc mặt trời chưa lên đến đỉnh đầu, từ lúc bóng pho tượng nằm ngửa đầu về hướng tây. Sang chiều bóng pho tượng nghiêng sấp mặt về hướng đông và khi mặt trời xắp lặn thì bóng nó nằm úp hẳn xuống đầu vươn về phía biển và chân đạp về dẫy núi Phượng Hoàng phía biên giới. Ngôi mộ nông choèn choèn bởi bao nhiêu năm nay không ai đắp đậy gì thêm. Nó bị mưa gió xối xả khiến đổ ẹp xuống chỉ có lá rừng phủ tả tơi suôt hai mùa đủ để cho tồn tại cái nấm đất lùm lùm cô độc. Kì lạ, khu nhà mồ này có chừng vài chục pho tượng. Mỗi pho tượng đều âm thầm một vẻ. Người ngồi bó gối, chống cằm, người gò lưng đeo gùi lên dốc, người hỉ hoan uống rượu cần, người ôm con nhỏ, người giận dữ nhìn xoáy vào không gian... có pho tượng hình người đàn ông ngoái cổ lại nhìn về phía bản làng như nuối tiếc điều gì ở chốn dương gian... Pho tượng nào cũng còn hằn lên những nhát rìu thô kệch vội vã, những sự níu kéo trần thế cũng rất vội vã và dù ý thức có hi vọng đến mấy thì nỗi thất vọng cũng tràn trề lên khuôn mặt tượng. Những pho tượng là bản sao của linh hồn người trước khi chết, vì thế những pho tượng nhà mồ luôn đồng điệu với hồn hoang của kẻ nằm dưới mồ.
Ông vẫn ngồi bên nấm mồ có tượng người đàn bà chửa, ông nhìn vào pho tượng gỗ cho tới khi trời tối hẳn thì ông thốt lên:
- Hơ Leo! Ơi Hơ Leo. Tiếng ông khô khốc rơi tọt vào màn đêm cao nguyên. Ông khóc. Đêm chìm xuống.
Có bàn tay nào vỗ vào vai ông. Ông thảng thốt.
- Cái A trưởng Thìn về thôi. Giàng đi ngủ rồi, Hơ Leo cũng đi ngủ rồi. Mình về với người sống thôi. Thì ra là trưởng bản Rơ Phiu. Rơ Phiu tìm mình à? Trưởng bản cũng xấp xỉ tuổi ông Thìn nhưng tinh nhanh. Ông bảo:
- A trưởng vẫn đi đêm như con cú đấy chứ. Rơ Phiu cười như tiếng gió, con cú già là cũng lười vỗ cái cánh, lười con mắt tìm bắt chuột rồi. Con cú lại hiền như con heo rồi.
Ông đứng lên, chân ông tê dại. Già Rơ Phiu vội đỡ lấy tay ông. Hai ông già vịn vai nhau về bản.
Đêm ấy trên sàn nhà trưởng bản Rơ Phiu, hai ông nói chuyện với nhau hết cả mấy gộc củi nương. Tới lúc có con chim chót bóp kêu ngoài máng nước cả hai mới ngủ. Giấc ngủ đưa hai ông về gần bốn mươi năm trước.
***
Mùa khô năm ấy đánh đường 5 và Chư Nghé. Đội trinh sát của Thìn bò ra bò vào căn cứ mấy lượt. Suốt một tuần lễ người cứ bám đầy những vẩy đất và hoa cỏ chả đứa nào nghĩ đến tắm. Trên đường về bản Le, thằng Thủ, A phó bảo, khiếp ông Thìn hôi quá! Cả A cười, thằng nào chả có mùi như thằng nào. Thằng Thủ bảo mùi thằng Thìn giống mùi đồng bào. Lập tức có cặp mắt sáng quắc liếc về phía thằng Thủ.
- Mùi đồng bào là mùi cách mạng đó. Mày không ưng đồng bào à? Mày làm cách mạng mà cái miệng mày không quán triệt cách mạng chớ.
Mọi người giật mình quay lại, người vừa nói là đội trưởng du kích làng Ngo Pa dẫn đường cho A trinh sát đang kéo cái khố vẻ bực tức. Thìn cười:
- Ầy dà, bộ đội Thủ nó nói vui như con chó con mà. Rơ Phiu đừng buồn à, buồn là cái suối ít ít chảy là đoàn kết không vui à. Rơ Phiu chen lên trước, đi thật nhanh gai xấu hổ quèn quẹt hai bắp chân trần của Rơ Phiu cái đuôi khố văng bên này bên kia.
Đến đầu bản, một lũ con gái lấy nước về. Họ gùi những quả bầu khô đen như mun quấn những lá chuối tươi làm nút rất khéo. Lũ con gái nép vào vạt cỏ tranh cho A trinh sát lên trước. Thìn đi sau cùng, một cô nhìn vào Thìn nói khẽ bằng tiếng Kinh: Anh mệt không? Chỉ có Thìn nghe tiếng và Thìn thoáng kinh ngạc. Cô gái cúi xuống rất nhanh và Thìn cũng rất nhanh hiểu. Im lặng. Tối ấy, Thìn băn khoăn. Một người con gái Ê Đê nói tiếng Kinh bằng giọng người Kinh Nam bộ? Váy ấy, áo ấy là của người Tây Nguyên. Nước da nâu ấy cũng là người Tây Nguyên. Chỉ có con mắt, mắt ướt và thăm thẳm. Và lúc Thìn đi sát vào cô ấy nhưng không có “mùi đồng bào”. Tối ấy họp tiểu đội xong, Thìn hỏi đội trưởng du kích Rơ Phiu về cô gái gùi nước lúc chiều. Rơ Phiu bảo, nó là người Bình Định dưới xuôi chớ, nó vẫn đi xe ô tô lên bán hàng Đức Cơ bị cái chiến dịch cắt đường về. Hồi cắm cờ nhiều đồng bào Kinh bị kẹt lại, Cách mạng cho về các bản để làm đồng bào Ê Đê với làng mình chứ. Nó thành đồng bào rồi. Nó mặc váy đồng bào làm nương đồng bào đồng bào cũng làm cho nó nhà sàn đẹp đẹp chớ. Nó vào du kích nhưng mình không cho cái súng đâu chỉ cho con rựa thôi, làm du kích nó chỉ biết hát bài anh Núp thôi. Nhà nó đâu? Rơ Phiu chỉ cái nhà nhỏ xíu đang bập bùng lửa. Thìn nhìn sang cái cửa bé quay sang đúng nhà Rơ Phiu, người con gái ngồi giữa cửa, lửa hồng sau lưng khiến cái bóng đàn bà phập phồng lung linh. Cô ấy đang nhìn sang phía mình.
Làng Ngo Pa này ở gần đồn điền Lệ Thanh. Năm ấy, làng bị pháo giặc bắn tan hoang bởi khi bộ đội đánh Đức Cơ, Việt Nam Cộng Hòa nghi có phẫu quân y gần khu vực này. Đằng xa phía tây là núi Phượng Hoàng, còn phía bắc có con đường 5 chạy quành về phía thị xã, dân bản chạy tứ tán vào rừng nay lại trở về. Sáng sớm nay A trưởng Thìn và một chiến sĩ về báo cáo, bộ phận còn lại vẫn chốt ở bản Ngo Pa do A phó Thủ phụ trách. Dọc đường Thìn nghĩ về trận đánh sắp tới của tiểu đoàn phối thuộc với trung đoàn bạn, Thìn nhớ lại bên nam đường 19 cũng có những bản có riêng từng khu người Kinh dưới Bình Định kẹt lại sau khi hiệp định cắm cờ hai bên. Thìn nhớ cặp mắt người con gái Qui Nhơn chiều qua. Thìn chưa có người yêu, chả hiểu thế nào là cửa sổ tâm hồn, ấy vậy mà chỉ một cái liếc rất nhanh và giọng nói lí nhí anh mệt không của người con gái ấy làm anh bứt rứt. Con đường về sở chỉ huy leo lên những ngọn đồi thật dài đầy hoa quì. Chiều qua lúc đi sát vào cô gái kẹt đường về Qui Nhơn ấy Thìn thấy có mùi hoa quì. Khuya đêm qua, đội trưởng du kích Rơ Phiu nói nhát gừng lúc Thìn buồn ngủ lắm rồi. Tiếng Rơ Phiu eo óc hệt như tiếng suối lúc mất lúc không… Có một du kích ưng cái bụng bắt Hơ Leo làm vợ mà Hơ leo không ưng. Chịu chả thể hiểu con Kinh Hơ Leo nó nghĩ gì, nó rực rỡ như bông Pơ lang mà nó cũng lạnh lùng như vòi nước suối. Rơ Phiu ngáp trong tiếng củi nổ lách tách, Hơ Leo đẹp Hơ Leo hiền nhưng đồng bào không hiểu cái bụng nó nhớ ai đâu bộ đội Thìn à…
***
A trưởng Thìn trở lại bản Ngo Pa vào ba ngày sau. Lần này tiểu đoàn yêu cầu A trinh sát tổ chức lấy con đường để du kích và nhân dân sẽ đưa đón bà con trong vùng giải phóng sắp tới. Thìn về đến Ngo Pa và tổ chức họp với đội du kích của Rơ Phiu. Trong lúc mọi người đang thảo luận sôi nổi Thìn nhìn xuống thấy Hơ Leo nhìn đăm đắm mình. Có gì đó như con thằn lằn bò đằng sống lưng. Cũng lúc ấy A phó Thủ bắt gặp cặp mắt Hơ leo. Đội trưởng Rơ Phiu đứng dậy nói tên những du kích sẽ bám theo bộ đội để đưa bà con ra khỏi vùng giải tỏa. Có tên Hơ Leo vì Hơ Leo là người Kinh, vì căn cứ sắp tấn công này đa số là người Kinh. Hơ Leo gật dầu tỏ vẻ ưng ý.
Họp xong Thìn vác súng đi vòng quanh bản giống như mọi lần. Mùa khô, trời cao nguyên chỉ có gió và sao. Gió chạy vèo vèo trên những sườn đồi đầy cỏ tranh và gai xấu hổ. Gió chạy vút vào biên giới phía đằng tây, trước khi gió đến núi Phượng Hoàng thì nó đã òa trên mấy vạt rừng cỏ tranh cao nghi ngút quanh làng Ngo Pa. Có bóng người đứng ở đầu bản nơi xuống vòi nước. Thìn chầm chậm bước tới.
- Anh lại đi rình đấy à?
Thì ra Hơ Leo đứng dưới bụi lồ ô.
- Sao lại là đi rình? Bộ đội xem xét tình hình đó chứ.
Thìn vượt lên ngọn đồi cỏ tranh. Hơ leo gọi:
- Đợi em chút.
Thìn ngưng lại chợt nghĩ nguy hiểm chứ chả chơi nhưng anh vẫn dừng lại chờ. Hơ Leo lên ngang Thìn bước soàn soạt trên cỏ mùi tóc Hơ Leo như hăng hắc như hoa quì. Hơ Leo bảo:
- Em muốn nói chuyện với anh.
Rồi đột nhiên Hơ Leo kéo tay Thìn đi nhanh về sườn đồi cỏ tranh rất rậm có những lối tròn như cái hang khổng lồ dưới tấm thảm cỏ.
Hai người đã ở xa bản. Mùa khô sương khuya mát chứ không lạnh. Hơ Leo ngồi xuống, cái vòm cỏ kín như kén tằm. Mùi người đàn bà và mùi cỏ dại. Tưởng như chưa bao giờ có chiến tranh nơi này:
- Hơ Leo không sợ kỉ luật à ?
Hơ Leo cười:
- Ai kỉ luật được em ha anh. Mà thôi em là Liễu, họ của em là Huỳnh. Em kẹt lại đây người dân tộc gọi Liễu thành Leo rồi gắn cái tên Hơ cho nó ra dân tộc. Chừ em ra Hơ Leo.
Em kể: Em ở Qui Nhơn học trung học tới lớp 11 rồi bỏ ngang đi buôn lên Pleiku. Má em bệnh nhưng không muốn bỏ mối làm ăn trên này. Em Vừa quen việc thì xẩy ra cắm cờ, bây giờ kẹt lại biết bao giờ em về với má. Em biết tôi khi ấy tôi đưa bà con chạy ra khỏi ấp Đức Cơ. Rằng có đêm buồn em muốn tự tử ở Ngo Pa. Bỗng một lần em đã nghe anh nằm võng hát. Lâu nay em chỉ biết lính Cộng Hòa, họ bảo lính Việt Cộng ngu dốt và ác lắm, thế mà em đã nghe anh hát Trở về mái nhà xưa. Đêm ấy em khóc rất nhiều. Em đã từng nhìn thấy các anh ăn cơm với dân bản, chia cho lũ con nít miếng cơm nắm ít ỏi của mình rồi các anh đào hầm tránh pháo cho dân. Các anh đi, em ngơ ngẩn hoài, em cố sống để chờ ngày giải phóng em về xuôi. Em mang cái tên Hơ Leo và rồi rất lâu em không được nói tiếng Kinh, em như một người ở vùng đất khác lưu lạc tới thế giới này. Thấy anh trở lại em mừng quá. Khi bị kẹt lại vùng đất cương thổ hoang dại này em nghĩ đời con gái em hết. Em sẽ phải lấy chồng một anh trai rừng nơi thiêng này ư? Những chuyện trong tiểu thuyết rùng rợn cứ hiện về. Bỗng một ngày em lại nhìn thấy các anh. Em lại thấy mình bỗng là con gái, lại là nữ sinh trung học. Quân Giải phóng là cái tên rùng rợn cho lính Việt Nam Cộng Hòa. Vậy mà em thấy các anh dễ thương, thấy hiền khô. Hình như anh cũng có học hành chi đó hả? Em thấy anh biết mấy bài hát châu Âu mà ở Qui Nhơn chỉ mấy anh tú tài mới biết. Anh à, em chỉ muốn rằng em có con với một người như anh. Lúc đầu em chỉ nghĩ nếu có con với lính Giải phóng là để em sống mà không bị gây khó dễ gì. Nhưng bây giờ thì khác, em thương con người anh rồi. Anh cho em đi anh.
Trong đêm Hơ Leo trải tấm váy ra cỏ, tấm váy người Tây Nguyên rộng như cái vỏ chăn bộ đội. Hơ Leo nằm bất động, chỉ có giọng nói là vẫn đều đều và có hơi thở ấm nồng phả lên ngực Thìn. Thìn vừa sợ vừa kinh ngạc. Thú thật ngay từ lúc chui vào cái kén tằm bằng cỏ này bên hơi ấm người con gái nồng nàn anh đã thấy rạo rực. Giọng nói con gái miền Nam như gió thoảng thật quyến rũ, nhất là khi Hơ Leo cởi váy trải ra cỏ mùi đàn bà ngai ngái như có thuốc mê. Thìn thấy hai bàn tay Hơ Leo lùa vào ngực mình làm thân anh giật ưỡn lên. Trong bóng đêm nhờ nhờ cặp vú Hơ Leo nhoa nhóa trên má trên miệng Thìn. Thìn chúm môi ngậm cái núm vú hăng hăng như cỏ dại, có tiếng pháo bắn từ phía Thanh An vụt về đằng Chư Nghé. Hai người quấn vào nhau trên tấm váy lăn lộn trong cái kén tằm bằng cây cỏ mặc kệ tiếng ríu ríu đại bác qua đầu.
Đến bây giờ Thìn chả nhớ những gì trong cái đêm mình trở thành người đàn ông ấy. Chỉ nhớ được Hơ Leo giật mình từng cơn và vết cắn của người đàn bà hoang dại tê tê trên ngực mình. Hai thân thể cuốn tròn lấy nhau trong cỏ. Trời cao nguyên mùa khô nhiều sao lắm và gió trườn trượt trên chập chùng đồi. Lại ngửi thấy mùi hoa quì dại hăng hắc, Thìn áp mũi lên ngực lên bụng Hơ Leo, mùi hoa quì lại càng nồng nàn. Hai bàn tay Thìn sờ soạng trong đêm lên bầu ngực mềm nóng hổi dinh dính những giọt mồ hôi và thân thể trắng nhờ nhờ trên tấm váy mùi cỏ.
Chiều hôm sau tiểu đội trinh sát rời khỏi bản Ngo Pa.
Thìn gói buộc ba lô và súng đạn dặn dò anh em tập hợp để mình sang quán triệt với đội trưởng du kích Rơ Phiu. A phó Thủ nhìn hút theo Thìn khuất sau cầu thang sàn về phía chòi của Hơ Leo. Thìn đứng dưới sàn nhìn Hơ Leo vừa ở nương về váy áo còn thẫm mồ hôi.
- Hơ Leo à, anh đi đây.
Hơ Leo giật mình mặt bỗng trắng bệch. Lắp bắp không nên lời.
- Hơ Leo mạnh khỏe nhé, anh sẽ quay lại đây Hơ Leo à.
Người con gái chui vào lều rồi quay ra nước mắt đầm đìa trên má loang bụi đất và mồ hôi.
- Anh cầm lấy cái thìa xúc cơm của em và con dao nhỏ này em mang từ Qui Nhơn đó anh. Trở lại với em nha. Em ở Ngo Pa này em chờ.
Đến lúc này Thìn chợt nhớ, chả có gì tặng Hơ Leo, trên người Thìn chỉ có lựu đạn, bi đông và dao găm. Thìn vội tháo bi đông lấy cái ca dưới đáy bi đông mà Thìn đã khắc chữ “TH” lên đó đưa cho Hơ Leo:
- Em giữ cái này của anh .
Thìn kịp nhìn thấy Hơ Leo khóc nấc gọi anh ơi. Đến lúc này Hơ Leo vẫn chưa biết tên anh. Thìn ngoái lại :
- Anh là Thìn, Hơ Leo nhé. Là Thìn, Liễu nhé.
***
A trưởng Thìn không bao giờ còn dịp trở lại Ngo Pa nữa. Ngay sau trận đánh giải tỏa đường 5 Chư Nghé Thìn được điều về bộ binh làm trung đội phó. Thế là suốt năm nữa nằm chốt trên dãy chốt làng Dịt ở phía tây Pleiku. Những ngày mưa dầm chốt chui chốt rúc trong hầm lại ăn pháo bầy của địch lại những trận đánh cản địch ra lấn đất cứ dập vùi lính ta với bùn đất và thương vong. Có những đêm trời quang, ngồi ôm súng trên trận địa Thìn bỗng nhớ tới Hơ Leo và thấy mình đã là người đàn ông từng trải, rồi tự mỉm cười hài lòng với điều bí mật nhất của đời mình. Hơ Leo đang ở vùng giải phóng cách tiền phương mấy chục cây số. Thìn nhớ tấm váy mùi cỏ dại và bầu ngực nóng rực của Hơ Leo .
Đầu mùa khô năm sau, đánh chống chiến dịch lấn chiếm làng Siêu Lệ Ngọc, Thìn gặp tiểu đội trinh sát cũ của mình. Tiểu đội trưởng Thủ nheo nheo mắt cười gọi Thìn.
- Trung đội trưởng ơi có hút thuốc rê bản Ngo Pa không?
Thìn vô tư trả lời:
- Chúng mày có à, tao xin một cục. Vừa hút thuốc đồng bào vừa ôn lại kỉ niệm bản Ngo Pa với bọn thằng Thủ.
Bỗng nhiên Thìn thấy bồn chồn đến thế. Bỗng nhiên Thìn nhớ cái tên Diêu Trì lạ lẫm xa lắc.
Mùa xuân năm 1975, Thìn cuốn theo chiến dịch từ Tây Nguyên tràn xuống Tuy Hòa rồi đến tận thành phố Sài Gòn. Cả anh và tiểu đội phó Thủ đều bị thương ở trận cuối cùng. Thìn từ Sài Gòn về quê và cuộc sống cứ thế kéo hút mỗi người cho đến lúc sức kém lực mòn ai cũng mới nhớ lại thời trai trẻ của mình. Kí ức của lính trận chỉ trở về khi người lính đã già. Kí ức cứ làm họ day dứt khổ đau và nuối tiếc. Ba mươi lăm năm sau lứa lính sinh viên kỉ niệm ngày nhập ngũ Thìn gặp tiểu đội phó Thủ. Thủ làm hiệu trưởng một trường phổ thông trung học sắp nghỉ hưu. Hôm ấy Thủ kể rất nhiều cho Thìn về bản Ngo Pa. Hôm ấy, Thủ xin lỗi Thìn về việc báo cáo lên cấp trên chuyện Thìn với cô Hơ Leo. Thìn thật là bất ngờ cứ tưởng không ai biết chuyện của mình. Thủ bảo, tớ biết hết tớ đã nói với chính trị viên tiểu đoàn rút cậu về không để ở trinh sát nữa nhưng tiểu đoàn trưởng quyết định để sau trận đánh đường 5 mới đưa cậu xuống bộ binh. Bao năm nay tớ cứ ân hận về việc ấy cứ như là đẩy cậu đi để tớ lên làm A trưởng. Cậu đi rồi tớ đã nhiều lần qua bản Ngo Pa và thấy Hơ Leo có thai. Chả biết có qua được cái mùa mưa năm ấy, bọn trung đoàn 53 đánh ra mạn đó không? Rồi đột nhiên thủ hỏi:
- Có bao giờ cậu nghĩ đi tìm Hơ Leo không?
Thìn im lặng.
Chia tay Thủ rồi, Thìn bơ vơ đứng giữa đường, quả thật chưa bao giờ anh nghĩ sẽ đi tìm Hơ Leo. Vài chục năm nay hình ảnh ngôi làng có những ngôi nhà lợp lá trung quân có những cái vòi nước và dẫy nhà mồ dưới gốc những cây muỗm lại hiện lên. Một người con gái câm lặng cúi đầu lên nương và đi về theo những người đàn bà Ê Đê lầm lũi. Trí nhớ ông Thìn vụt sáng láng. Ông nhớ nhà bán nước mắm cửa ga Diêu Trì. Họ Huỳnh tên Liễu.
***
Ông Thìn lên tàu đi Qui Nhơn. Ông xuống ga Diêu Trì. Những người già ở đó cho ông biết có nhà bán nước mắm cửa ga có một cô con gái chết lạc trên cao nguyên từ hồi trước giải phóng. Cả nhà ấy bây giờ đi vượt biên, ngôi nhà cũ của họ giờ thành một khách sạn nhấp nhóa đèn xanh đèn đỏ. Ông ngược đường 19 lên Gia Lai. May mắn sao ông gặp bạn cũ. Già làng Rơ Phiu mốc thếch như gốc cây mà vẫn nhớ tên tiểu đội trưởng Thìn. Rơ Phiu dắt ông ra nhà mồ chỉ ngôi mộ nông choèn đầy lá khô và bảo Hơ Leo đấy. Nó bị pháo Thanh An bắn chết lúc bọn sư đoàn 23 ra lấn chiếm. Làng thương nó chớ, bụng nó to rồi thằng người trong bụng nó cũng chết theo nó. Rơ Phiu thở dài như gió mùa khô trên chòm lá muỗm già rồi nói tiếp, tao làm tượng cho mẹ con Hơ Leo đó tiểu đội trưởng Thìn à. Đồ chia cho nó nghèo lắm. Tao nhớ nó chỉ có một cái gùi và cái ca bộ đội trên mồ thôi. Nhiều năm tao vẫn thấy cái ca bộ đội mốc meo và méo mó ở đó bây giờ không thấy đâu, mai mốt tao cho nó vài cái bát thôi. Ông Thìn ngồi với Hơ Leo dưới gốc muỗm già hai ngày. Ngày thứ ba ông hì hụi mệt nhọc xúc đất đắp thêm lên mộ Hơ Leo. Ông chôn cái cọc bằng cành săng lẻ cạnh nấm mồ và trùm lên đấy cái áo bộ đội mới nguyên ông giữ từ ngày ra quân mà ông mang theo.
Trưa hôm ấy nắng chan hòa, khu nhà mồ rất nhiều con bướm nâu bay về. Ông Thìn ôm Rơ Phiu nói lời tạm biệt. Ông đứng rất lâu cạnh nấm mộ, tay ông lần sờ lên pho tượng. Bàn tay khô khốc lần trên cái bụng tròn của pho tượng nứt nẻ mốc thếch.
Giọt nươc mắt đùng đục ứa ra.
Hà Nội tháng 3/2014
N.T.L
Truyện hay và cảm động nhưng sau mãi mấy mươi năm người lính năm xưa mới đi tìm lại một thoáng ngày xưa của mình . Dù rất muộn màng nhưng ông vẫn đến để nhìn và đắp thêm nắm đất cho ngôi mộ của người xưa
Trả lờiXóaBản thân Ông Thìn cũng là con người xô đẩy theo chiến tranh/ Ông cũng không hề biết chuyện người con gái ấy mang thai cơ mà. Trách chi được ông ấy, ta chỉ thấy tiếc thôi
Xóa