Người đàn ông mù đi sau, tay trái chống gậy, tay phải vịn vai đứa con
gái, lần dò từng bước.
Vừa thấy bóng họ thấp thoáng ngoài ngõ, bà tôi đã bĩu môi:
- Kìa ông, có khách
quí tới!
Gắng gượng nhỏm dậy, ông tôi ngóng nhìn, kêu lên:
- A, cha con thằng
Tú!
Thường khi ông bươn bả đi ra mở cổng, nhưng sau cơn bệnh tai biến mạch
máu não, nửa người ông đã bị liệt, ông bảo tôi ra đón khách.
Ông Tú co rúm người khi bà tôi lên giọng:
- Chú đến chơi hay
có chuyện gì cần?
Biết vợ bạn không ưa mình, ông Tú ít lân la, lui tới, trừ khi cần vay
tiền của ông tôi. Bà giận cũng phải. Tiền đưa ra dễ dàng nhưng lấy lại rất khó.
Số nợ cứ tăng dần, tình thân do vậy giảm sút đến mức lạnh lùng, tàn nhẫn. Ông
tôi đứng giữa chịu trận nhưng vẫn không thay đổi cách suy nghĩ, ông tiếp tục
cho bạn vay tiền và điềm tĩnh nghe vợ đay nghiến:
- Ông đã bị nó lợi dụng. Ông có mù đâu mà không thấy vợ con nó sống phè
phỡn hơn nhiều người. Mẹ con tôi làm lụng, chắt mót được bao nhiêu một tay ông
phá hết. Ông tiếp sức cho thằng mù nó nuôi con đàn bà trắc nết.
Ông từ tốn giải thích:
- Bà nói đúng! Vợ thằng Tú không đàng hoàng. Tôi thừa biết mấy đứa nhỏ
không phải là con một cha. Nhưng biết làm sao? Thương là thương cho thằng bạn
mù mà còn bất hạnh. Tội là tội cho mấy đứa trẻ gặp hoàn cảnh đau lòng. Mẹ chúng
không hết lòng vì con. Còn người cha thì mù loà, không thể tự kiếm tiền, để
phải đi ăn mày lòng tốt của người khác.
Ông Tú bị mù bẩm sinh. Là đứa con duy nhất trong gia đình khá giả, ông
Tú cũng được yêu chiều. Khi cha mất, mẹ già yếu. Ông Tú lại biết yêu thì cuộc
đời ông bắt đầu thay đổi, tuột dốc. Ông trở thành tấm bình phong cho người đàn
bà hư thân mất nết ẩn núp. Chồng mù, bà ta tha hồ đi ngang về tắt, bỏ mặc
chuyện nhà, thờ ơ với con cái. Ông Tú biết nhưng vì quá yêu vợ nên giả điếc,
chẳng nghe. Ông tự lừa dối mình bằng cái hạnh phúc là làm chỗ dựa cho đám trẻ
thơ vô tội. Ông bán nốt căn nhà hương hỏa để dọn về vùng ngoại ô, ngụ trong một
mái lá tồi tàn. Chẳng bao lâu, tiền hết, ông đành vay mượn ở những người thân thuộc. Lòng tốt có hạn.
Người ta cảm thấy giúp ông như nước đổ lá môn. Họ quay lưng và ông Tú ra thân
ăn mày. Để vợ con không xấu hổ, ông Tú phải tới xứ lạ để xin ăn. Vài tháng ông
mới về một lần. Người ông gầy như con mắm, quần áo tả tơi nhưng cái bị nhỏ lại
chứa đầy bạc lẻ. Lúc vợ “nướng” hết số tiền ấy, ông lại đi. Trừ khi vợ đẻ, túng
thế, ông phải tìm đến nhà tôi vay tiền. Bà tôi thường châm biếm “Quà quạ nuôi
tu hú”.
Ông tôi khuyên can:
- Bà cười cợt nỗi khổ của người khác là tự mình chuốc thêm buồn bực vì
sẽ bị mang tiếng là tàn nhẫn.
Bà tôi có tật hay nói. Nghĩ sao nói vậy, chẳng lựa lời. Mà lời thật thì
mích lòng. Nhưng bà tôi rất tốt bụng. Bà vẫn đưa tiền khi ông cần và một mực
kính yêu chồng.
Ông tôi là con cả trong một gia đình có ba anh em. Đầu óc bà cố tôi sặc
mùi phong kiến, thích định đoạt chuyện hôn nhân của con cái. Bà bắt chúng tôi
sống trong vòng lễ giáo của một đại gia đình. Nhờ đẹp người, đẹp nết, bà tôi
lọt mắt xanh của bà cố, được bà chọn cưới cho con trai cả. May là ông bà tâm
đầu ý hợp nên sống đầm ấm.
Nhưng mãi đến lúc hai người em chồng có vợ rồi sanh con đầy đàn mà bà
vẫn chưa thụ thai thì cuộc sống trở nên cay nghiệt với những câu mắng mỏ, chì
chiết của mẹ chồng: “Gái độc không con”. Vì không đồng ý cưới vợ lẻ, ông tôi bị
mẹ giận, đuổi ra riêng. Cũng là một cái may. Vợ chồng đồng lòng lo làm ăn. Dần
dần, dư ăn, dư để. Một hôm, nhân lúc đi bán hàng rong, bà tôi nhặt được một hài
nhi mang về, nhận làm con. Đó là mẹ tôi. Ông bà nâng niu đứa con rơi như vàng
ngọc. Hay tin này, bà cố tới nhà ra lệnh:
- Cháu ruột đầy đàn không nuôi, lại đi nuôi đồ bỏ bờ bỏ bụi. Vứt nó đi!
Ngày mai, tao sẽ cho mấy đứa con của thằng ba, thằng tư tới cho mà nuôi, kẻo
rỗi việc rồi lo bao đồng.
Vâng lời mẹ, ông tôi đón cháu ruột về nuôi nhưng cương quyết giữ lại
đứa con rơi. Bà cố ức lắm nhưng phải chịu vì ông xử sự phân minh.
Nhà ông tôi bấy giờ biến thành nhà giữ trẻ… không công. Bà tôi trở thành
vú em của bầy con nít tám đứa. Dù vậy, bà tôi vẫn vui vẻ. Bao nhiêu tiền dành
dụm được, bà tuôn hết ra chi dùng. Lẽ ra, bà cố phải thương nàng dâu mới đúng.
Đàng nầy, bà cố ra sức tìm cách đào sâu hố ngăn cách và rạch nát trái tim bà
tôi thành những vết thương không sao lành lặn được. Nó gây đau nhức âm ỉ trong
lòng bà, tàn phá tính nhân hậu, làm chai cứng cảm xúc và bà tôi trở thành một
người tàn nhẫn. Bà thường đem nỗi khổ của mình ra so sánh với cái khổ của người
khác để rồi tự dằn vật rằng ai cũng hạnh phúc hơn mình. Mỗi khi có dịp, bà
không tiếc lời kể lể nỗi truân chuyên. Bà nhắc lại những câu lẽ ra phải để thời
gian xóa nhòa trong trí nhớ. Thậm chí, khi làm giỗ bà cố, bà tôi lại cay đắng
bảo:
- Mẹ ông là một người tàn độc! Xúi ông bỏ tôi, đày đoạ tôi đủ cách.
Không xứng đáng cho tôi thờ cúng.
Ông thở dài:
- Nhưng tôi đâu có vâng lời mẹ. Tôi vẫn chung thủy với bà. Bà nhắc lại
chuyện cũ làm gì cho con cháu buồn. Nếu không muốn, bà đừng cúng. Cứ thắp
hương, bày cỗ bàn mà lòng đầy thù hận, liệu có ích gì không?
Ông bỏ đi nằm, bà ngồi thẫn thờ, lau nước mắt. Bà biết lỗi. Bao giờ
cũng thế, bà thả sức phê phán, kể lể rồi chịu đựng. Hôm nay cũng vậy, bà vặn vẹo
ông Tú:
- Chú tới chơi hay có việc gì
cần?”.
Tội nghiệp, ông Tú ấp úng:
- Dạ, em… nghe bầy trẻ nói anh hai bị bệnh nên… tới thăm.
Bà vẫn chưa chịu thôi, mỉa mai:
- Vậy sao! Quý hóa
quá!
Thấy bà vừa quay lưng, ông tôi nắm tay ông Tú, thì thầm:
- Chú có việc
gì, cứ nói!
Ông Tú lần mò
tìm bàn tay ông tôi, xiết chặt. Mấy ngón tay gầy guộc run run sờ sẫm khuôn mặt
rồi thả dọc xuống cánh tay bị liệt buông thỏng một bên vai của ông tôi, ông Tú
khóc. Ông tôi cũng khóc. Hồi lâu, ông tôi nhắc khẽ:
- Chú có cần tiền không? Cứ nói, đừng ngại!
Ông Tú lắc đầu, giọng khàn đục:
- Hôm nay, em
tới thăm anh, luôn tiện xin trả bớt một ít tiền
để chị cả lo thang thuốc cho anh chóng khỏi.
Mở bị, ông Tú
lôi ra một xấp tiền lẻ đã được ông xếp ngay ngắn, buộc gọn. Ông dúi nó vào tay
ông tôi. Có lẽ đó là đồng tiền ăn mày từ lòng tốt của bao người nơi xứ lạ.
Đúng lúc đó, bà tôi bước vào. Ông tôi lúng túng chưa biết định liệu ra
sao thì bà đã chụp lấy xấp tiền. Và, thật bất ngờ, bà dúi nó vào cái bị của ông
Tú. Xong, bà vừa lau nước mắt vừa bảo:
- Chú cất để dành
lo cho vợ con. Phần ông nhà tôi, đã có mẹ con tôi lo liệu, chú đừng ngại.
Ông tôi mỉm cười. Nụ cười hài lòng khiến khuôn mặt ông rạng rỡ hẳn lên.
Từ ngày ngã bệnh tới nay, đây là lần đầu tiên tôi thấy ông cười, tươi tỉnh như
đã khỏi bệnh. Ông bảo:
- Bà thật là một
người vợ hiền, một bà mẹ tốt, một người cần thiết cho những kẻ bất hạnh. Cũng
như chú Tú, chú là bóng râm của lũ trẻ.
Ngoài kia, ngày sắp tàn nhưng bầu trời vẫn trong văng vắc.
N.T.M (Trà Vinh)
Truyện cô đọng nhưng mang đầy ắp tình người. Thích.
Trả lờiXóaMây cám ơn anh nhiều lắm. Anh luôn quan tâm mọi người và động viên bằng cách ghi lại nhận xét. Mây thật sự quý trọng anh lắm. Chúc anh luôn an lành anh nhé.
Xóa