Thành
đã trở về nhà sau những cuộc khám phá miệt mài, kiếm tìm bản thân và để hiểu
cuộc đời này. Nói như thế nghe to tát, chữ nghĩa quá, nhưng không hoàn toàn vô
lý. Thành đã đi, vơi hai bàn tay trắng, không biết bao nhiêu dặm đường, đủ hết:
thôn quê, thị thành, duyên hải… Đói no, còn mất, nhục vinh, tưởng chừng nếm
hết, vậy mà không: lại đi tiếp, nếm trải tiếp. Về thôi, và về thật. Thành trở
lại quê nhà, chiều chiều tản bộ với ông giáo già, ôn cố tri tân, hàn huyên về
mọi sự trên đời. Thị trấn đã trở mình, có công viên, hồ nước, và những con
đường mới. Hồ sạch lắm, có thể nhìn thấy cá tung tăng, và chim lượn ở trên soi
bóng xuống. Cây nhiều, sum suê, lả lướt. Thầy giáo nói về âm nhạc, và Thành
hứng thú nhập cuộc. bài “Đưa em tìm động hoa vàng” được Phạm Duy phổ nhạc từ ý
thơ Phạm Thiên Thư đã trở thành đề tài luận bàn không chán giữa hai người: ngày
xưa có gã từ quan, lên non tìm chốn hoa vàng đi tu… Giai điệu thánh thót, có
chất thiền, và tiết tấu lạ. Bản nhạc hay lắm, sâu sắt và đẹp. Rồi hai người lại
bàn về giới hạn: cái gì cũng có hạn của nó – ông giáo nói- và Thành ngay lập
tức đồng ý, đúng, cái gì cũng có giới hạn. Vài ngày sau, thầy giáo lại hỏi: thế
em có biết cái gì vô hạn hay không. Như một cái máy, Thành nói về cái vô hạn
trong thiên văn học, về vũ trụ, ông giáo ý tứ lắc đầu. Câu hỏi được lập lại,
Thành bất giác trả lời: em hiểu rồi, đấy là tình yêu. Thầy giáo già im lặng.
Vâng,
tình yêu quả thật vô hạn, vượt thoát khỏi mọi cân đo đong đếm theo cung cách
phàm phu tục tử của nhân gian. Và Thành khôn nguôi trăn trở trong lòng khi nghĩ
về tình yêu của mình, về sự vô hạn mà mình được chứng nghiệm.
Em
ở xa lắm, cách Thành không dưới năm trăm cây số. Hai người quen nhau qua yahoo,
trong một cung bậc cô đơn cùng cực của cả hai. Những cản trở chằng chịt vây lấy
hai thân phận đã không ngăn được tình yêu, Hạnh – tên người con gái ấy- đã vượt
qua hết, đến với Thành trong mùa mưa năm ấy. Không gian phủ đầy những cuộc gọi
của hai người, họ đến với nhau. Trên chiếc xe gắn máy cũ, họ đến một
hòn đảo nhỏ đầy sóng biển. Tình yêu đã nói với nhau tất cả những gì có thể. Một
tuần.
Thành
cũng vượt qua tất cả, đến với Hạnh ở nơi xa xôi, và tình yêu nói với nhau những
gì có thể. Không gian phủ đầy tình yêu của họ.
Ngày
Valentine năm ấy Sài Gòn hiện ra trong lung linh ánh đèn. Thành cùng Hạnh tung
tăng dắt nhau đi chụp ảnh, ăn vặt, tự tình. Những nơi có thể đi đến, họ đã đi
đến: bến Bạch Đằng, nhà thờ Đức Bà, Thảo Cầm Viên… Và họ đã cùng dự một lễ
Valentine ấm áp trong một nhà thờ. Người
ta tổ chức một cuộc thi nhỏ trong sự kiện ấy, hỏi về tình yêu. “Theo bạn, người
ta cần những gì khi yêu?”, và họ liệt kê những gợi ý: tha thứ, tôn trọng, hy
sinh, thủy chung… Cái phiếu nhỏ Hạnh đưa cho Thành đánh dấu đáp án, và Thành đã
trả lời đúng ý ban tổ chức. Hạnh lên sân khẩu nhận phần thưởng, rạng ngời hạnh
phúc. Đấy là kỷ niệm khó quên.
Cuộc
sống khắc nghiệt đã ngưng nghỉ đôi chút sự nghiệt ngã để hai người có khoảng
lặng để mà yêu đương, sau đấy gió bụi cuộc đời lại như cũ, cay nghiệt, xót xa…
Thành và Hạnh không thành tựu, cho dù Thành đã ghi đúng các câu hỏi dành cho
tình yêu trong lễ hội Valentine ngày ấy, trong tiếng chuông ngân ở Thánh đường.
Hạnh có chồng, người ấy không phải là Thành.
Sự
vô hạn của tình yêu ở đây được hiểu theo hướng: họ chia tay nhưng không phải
mọi thứ đều chấm dứt. Như người ta nói trong triết học: sự vật hiện tượng tiêu
vong, mất đi, song vết hằn của nó trong ký ức, trong ý thức, hãy còn và còn dài
lâu lắm. Sự hữu hạn đã chia cắt họ trong thực tế, song sự vô hạn làm nó tiếp
diễn, cho đến bây giờ. Nói như vậy không hiểu có bị cho là ngô nghê hay không?
Cái
gì muốn quên lại khó quên, đấy là một nghịch lý. Hòn đảo nhỏ vẫn còn, những bức
ảnh đẹp đẽ lãng mạn vẫn còn, những tin nhắn yêu thương vẫn còn, và trên hết: tình
yêu hình như vẫn còn…. Đấy, sự vô hạn.
Valentine,
ngày lễ tình nhân, với Thành, nhờ Hạnh mà nó đẹp đẽ, để lại dấu ấn không phai,
song cũng đầy đau đớn. Để cứu một cái kết bi kịch nhiều quá, trong vô thức,
Thành vẫn tỉnh tảo để nói với Hạnh: em không có lỗi. Không có sự ghen tuông,
trả thù… Đấy cũng là sự vô hạn.
Thành
vẫn cùng Thầy giáo già thủng thỉnh quanh hồ nước, én vẫn liệng trên mặt hồ làm
bạn với họ. Có khi mãi đi, mãi chuyện, mưa lướt thướt phất phơ mà họ không
nghỉ, Thành vuốt mặt, nghe có nước ươn ướt, chắc là nước mưa. Ông giáo vẫn cứ
mải mê với chuyện văn chuyện đời, có lẽ không hiểu được tâm trạng của học trò
cũ, hôm nay vẫn là bàn luận về Phạm Thiên Thư, về “Động hoa vàng”…. Hạnh ơi!
N.T.C (Bạc Liêu)
tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận của Anh.Cái gì vô hạn ở trong đời .Còn chăng là hoài niệm.HHT
Trả lờiXóa