Nguyễn Thành Công
Tôi có người bạn vong niên là bác sĩ khả kính có chức vụ trưởng khoa
tại một bệnh viện tuyến cuối, quen nhờ chữ nghĩa. Tôi đọc báo hàng ngày, từng
trang, từng chữ. Những bài viết theo tôi là hay được cẩn thận ép nhựa để dành,
những bức ảnh báo chí nóng và cho là có giá trị được scan lại… Đến một ngày đẹp
trời cách đây năm năm, tôi đọc được một bài viết lạ của một bác sĩ ký tên tên
thật. Bài viết ám ảnh bởi tâm tư người thầy thuốc, đầy trắc ẩn, lay động trước
những cảnh trạng khổ não của bệnh nhân.
Nhiều trường hợp được dẫn ra, và tác giả chia sẻ xúc cảm của mình. Trong bối
cảnh thông tin thời sự tràn ngập những ta thán về y đức, những con chữ của vị
bác sĩ không quen biết kia khiến tôi trân trọng khác thường. Chẳng những ép
nhựa bài báo, scan ảnh vị thầy thuốc, mà tôi viết hẳn một bức thư dài cho tác
giả bài viết. Bức thư được viết xong, thuê đánh máy vi tính (vì chữ tôi quá
xấu), gửi chuyển phát nhanh đến địa chỉ bệnh viện X nơi tác giả bài báo công
tác. Thế là có một cái duyên, một nhịp cầu tri âm cho đến bây giờ.
Vị bác sĩ ấy đã điện thoại nói chuyện với tôi rõ lâu, cho thêm nhiều
thông tin về bài báo, và cả chuyện viết lách.Thì ra người thầy thuốc ấy đam mê
văn chương từ thời sinh viên và viết khá nhiều bài báo, cả sáng tác nữa. Ngay
từ đầu, bác sĩ đã nhấn mạnh với tôi: chữ nghĩa đắt lắm em ạ. Và câu này được
thường xuyên nhắc đi nhắc lại cho đến bây giờ.
Mà quả thật con người khả kính ấy nâng niu chữ nghĩa một cách khác
thường. Là bác sĩ ở cái thời người ta sợ chữ viết thầy thuốc đến mức đặt thành
một cái tên: chữ bác sĩ. Nhưng người bạn vong niên của tôi viết lá thư tay mà
tôi giữ đến bây giờ với nét chữ đẹp, rõ, ngay ngắn và có hồn. Bài viết của bác
ấy được chắt lọc, tính toán cẩn thận, bố
cục chặt chẽ, có tính nghệ thuật cao và rất khoa học. Với người bạn như thế,
mỗi khi có bài đăng báo cho dù chỉ giản đơn ít chữ ở góc khuất, tôi cũng phone
khoe và nhận được sự đồng cảm đặc biệt. Và những cuộc điện đàm thường kết thúc
với lời dặn dò: chữ nghĩa đắt lắm em ạ!
Đấy là một cực. Một cực khác: tôi cũng có một người bạn vong niên khác,
là giáo viên văn hẳn hoi tại một trường THPT. Nhưng vị này không cho thấy chữ
nghĩa là đắt. Mấy ngày là lại nghe thầy gọi: em ơi viết cho thầy cái này, như
thế này, về… Kiểu như bổ toa hốt thuốc. Thường thì tôi không viết được, có thể
do hạn chế khả năng… viết kiểu công nghiệp. Nhưng thầy ấy thì viết rất dễ, và
bài đăng rất nhiều. Mỗi một dịp nào đấy, thầy đều viết được, khi thì cái này,
khi cái khác, dễ dàng. Với thầy, chữ nghĩa không đắt.
Nói chung, khó có thể viết nhanh như thầy ấy, vì như vị thầy thuốc già
cho thấy: mỗi chữ mỗi câu đều trăn trở thao thức, tính toán cẩn thận. Bài viết
được xem đi xem lại, cân nhắc.
Tôi có may mắn chứng kiến khung cảnh làm việc cần mẫn như một đàn ong
của đội ngũ biên tập viên một nhật báo. Bao nhiêu con người im phăng phắc trước
những màn hình máy tính, họ xem tới xem lui từng con chữ, xử lý từng lỗi nhỏ,
trao đổi với người viết… để có những bài viết hoàn hảo nhất đến mức có thể.
Nhìn cảnh ấy mới thấm: chữ nghĩa rất đắt. Thấy giá trị những bài văn, bài báo
mà mình được đọc bấy lâu nay đầy mồ hôi và cân não biết bao người. Thấy không
thể đọc vội vàng, viết vội vàng được.
Nhưng rõ ràng đời sống văn chương chữ nghĩa đang rất vội vàng, ồn ào,
dễ dãi, nhất là trên mạng. Người ta viết nhanh, về mọi thứ. Khen nhau, khích
bác nhau, chưởi rủa nhau, khoe khoang,
tâng bốc…. Công nghệ đã tiếp tay giúp thỏa mãn nhiều thứ một cách dễ dàng,
trong đó có thú vui chữ nghĩa.
Người bạn bác sĩ già của tôi thì không bị như thế, cho dù sống cùng
thời với mọi người và viết như nhiều người. Vị ấy cẩn trọng từng con chữ theo
cách như những nhà nho xưa, những sĩ tử thời lều chõng, và kết quả là có những
bài viết khiến người đọc phải suy nghĩ, thao thức, gửi thư, gọi điện và thậm
chí, tôi đã bắt xe đến tận nhà con người ấy, vượt mấy trăm cây số chỉ để gặp
tác giả một bài báo, một cây bút không chuyên. Cuộc gặp ấy vẫn kết thúc với lời
dặn dò: chữ nghĩa đắt lắm em ạ! Tôi hiểu rằng lời ấy có hàm ý: hãy cẩn thận khi
cầm bút, khi viết, khi gò trên bàn phím, nói chung khi làm những gì có
liên quan đến chữ nghĩa, vì chúng rất
đắt, có thể giúp người, hại người một cách rất sâu sắc và mạnh mẽ.
N.T.C (Bạc Liêu)
Chữ nghĩa đắt lắm. Vì vậy hãy trân trọng nó (dù thời buổi này chữ nghĩa rẻ như bèo).
Trả lờiXóaCám ơn tác giả.