Lời tác giả: Chuyện này hoàn toàn hư cấu,
nếu có sự trùng hợp chỉ là sự ngẫu nhiên, mong bạn đọc thông cảm.
- Ông Tâm ơi!
Vừa dựng chống xe trước một cửa hiệu xe đạp và phụ
tùng lớn, bỗng có tiếng phụ nữ gọi sau lưng. Ngoái đầu nhìn lại, thì ra là
người quen cũ – Lánh. Chỉ có điều, đến giờ tôi không biết phải gọi người đàn bà
này là… gì. Bà, Cô, Chị… hay Em?
Tôi và Lánh bằng tuổi nhau, gọi là chị thì có vẻ
khách khí. Gọi là em thì sợ bị coi là hợm hĩnh. Gọi là cô thì hình như không
hợp với cái tuổi đã hơn năm mươi rồi. Còn gọi là bà thì cũng hơi quá đáng, bởi
lẽ Lánh vẫn chưa từng có chồng. Ít ra là chưa có chồng về mặt pháp lý.
Cách đây hơn hai mươi năm, tôi và Lánh cùng cơ
quan. Tôi phụ trách văn phòng, còn Lánh là kế toán. Chúng tôi chỉ quen gọi tên
nhau. Và tôi chưa từng biết Lánh có chồng, có con, đơn giản vì tôi kiêm quản lý văn phòng và nhân sự, và trong lý lịch Lánh không thấy thể hiện phần chồng,
con.
Lánh và tôi lúc đó đều chưa đến ba mươi. Về ngoại
hình thì Lánh cũng thuộc loại khá thu hút. Mình dây, chân dài lại được ăn mặc
đẹp do gia đình nàng thuộc hàng khá giả, nên nàng luôn thu hút ánh nhìn của
biết bao nhiêu chàng trai, cả chưa vợ lẫn có vợ rồi. Thú thật, trong đó có cả
tôi nữa. Kể cả, đến lúc này khi đã hơn năm mươi, vóc dáng của Lánh
vẫn còn rất "chuẩn"...
Nhưng hình như Lánh có vẻ khô khan và luôn cố ý xa
lánh mọi người, kể cả với chị em nữ trong cơ quan. Tuy nhiên, nàng vẫn không
giấu được ánh mắt thèm thuồng khi nhìn những gia đình hạnh phúc trong cơ quan.
Nhất là những đứa nhỏ - con chung của cơ quan. Ngày xưa, dầu cuộc sống còn rất
vất vả và thiếu thốn, nhưng những đứa-con-tập-thể… được sinh ra trong cơ quan,
luôn được sự quan tâm chăm sóc của mọi người.
Với bọn đàn ông, con trai lớn, Lánh luôn giữ kẽ.
Nhưng với bọn trẻ con thì hình như nàng luôn quan tâm một cách đặc biệt. Lúc
ấy, tôi vẫn nghĩ đơn giản “chắc là đã lớn tuổi mà chưa có chồng, có con… nên
thèm con đây mà!”. Có dè đâu…
- Ồ, Lánh làm gì ở đây? Tôi vừa vui vì gặp lại
người quen cũ, vừa ngạc nhiên hỏi.
- Nãy giờ ông có thấy đứa nhỏ nào trong nhà đi ra
đây không? Lánh vẫn gọi tôi bằng “ông” như vậy giống hồi xưa.
- Đứa nhỏ nào?
Lánh bỗng hạ giọng, ra vẻ quan trọng nói thầm vào
tai tôi:
- Thằng con tui!
- Vậy hả? Nó bao lớn? Tôi ngạc nhiên, hỏi lại
bằng đúng cái giọng thầm thì của Lánh theo phản xạ tự nhiên.
- Mới hơn một tuổi thôi.
Úi cha ơi, lần này tôi không tin vào tai mình nữa.
Làm gì có cái vụ “con tui” mà mới hơn một tuổi, với một phụ nữ đã hơn năm mươi
thế này?
- Trời ơi, nhưng lấy chồng rồi đẻ con hồi nào mà
mới hơn một tuổi vậy bà? Tôi trố mắt và nói theo cái âm vực khào khào… bí mật
của Lánh.
- Lâu rồi ông ơi! Chồng gì mà chồng! Đẻ gì mà đẻ!
Bộ ông hổng biết à? Tự nhiên nàng nổi quạu với tôi.
Bỗng từ đằng xa có đứa em của Lánh tất tả lái
honda đi tới và gọi.
- Chị Tư ơi, lên xe em chở về. Nãy giờ đi tìm chị
bắt mệt nè!...
- Ba mẹ có biết chị tới đây không? Lánh lại càng ra
vẻ bí mật hơn khi hỏi cô em mình như vậy.
- Không có đâu, thôi về chị. Em về luôn nghe anh
Hai!
Cô em của Lánh cũng biết tôi nên chào tôi, chờ Lánh
lên ngồi sau yên xe honda rồi quay đầu xe, hướng về nhà. Còn Lánh sau khi tiu
nghỉu lên xe cũng ngoái đầu chào tôi.
- Tui về nghe ông Tâm. Bữa nào gặp nói chuyện tiếp
héng?
***
Về tới nhà, tôi vẫn còn cái dấu hỏi chần dần ở
trong đầu. Chồng đâu? Đẻ hồi nào mà mới hơn một tuổi vậy trời? Vì vậy mà vài
hôm sau, nhân dịp đi ngang nhà Lánh có viêc, tôi quyết ghé vào thăm
nàng luôn.
Ra tiếp tôi, chỉ có cô em gặp tôi bữa trước. Trong
lúc chờ cô em đem nước ra mời, tôi nhìn quanh căn nhà. Nhà hình như rộng hơn ra
vì không có đông người như nhiều năm về trước. Sâu phía trong, trên bàn thờ, di
ảnh của cả cha lẫn mẹ Lánh đều đã yên vị trên đó, khói hương đang nghi ngút. Vì
vậy, tôi biết cha mẹ Lánh đã không còn nữa.
- Bây giờ còn mấy người trong nhà vậy em? Tôi hỏi
ngay khi cô em bưng nước ra.
- Dạ, giờ chỉ còn hai vợ chồng em với chị Tư Lánh
thôi. Cô em ngồi xuống bộ sa lông đối diện với tôi rồi trả lời.
- Tới thăm lần này, anh mới biết hai bác đã mất.
Anh chia buồn với em và gia đình nghen.
- Dạ cũng được 4, 5 năm rồi đó anh. Mẹ em mất trước
ba một năm.
Nhưng tôi chợt nhớ cái thái độ bí mật và lo lắng
khi Lánh hỏi cô em “Ba mẹ có biết chị tới đây không?”. Tôi liền hỏi:
- Mà sao bữa đó chị em hỏi: “Ba mẹ có biết chị tới
đây không?”. Rồi lại còn bảo đi tìm thằng con mới hơn một tuổi nữa?...
Cô em chợt xịu mặt buồn thiu, đứng dậy bước tới một
căn phòng, hé cửa nhìn vào. Rồi khép cửa lại, tới ngồi xuống mới từ tốn nói:
- Chị Tư của em đang bệnh… cô em chỉ tay lên đầu,
và đẩy cả rổ thuốc tây tới trước mặt tôi… vừa uống thuốc nên còn đang ngủ.
Tôi chợt hiểu ra tất cả. Bèn hỏi:
- Đã bao lâu rồi vậy em?
- Từ sau khi ba mẹ em mất…
Cô em rơm rớm nước mắt, nhìn quanh dãy nhà bốn căn
rộng mênh mông mà nặng nề và âm u này. Rồi cô chậm rãi kể tiếp…
***
Năm đó chị Tư em mới mười sáu tuổi, có quen
và yêu một anh. Gia đình anh ấy là cửa hiệu hôm trước anh gặp chị Tư ấy. Kết
quả là chị Tư có thai. Vì gia đình em có tiếng là gia phong nề nếp, còn gia
đình bên kia là một gia đình người Hoa chỉ biết buôn bán nhỏ, ít học. Ba
em lại là người có vị trí nhất định trong Đạo, nên không dễ gì chấp nhận việc
này. Nhưng vì đã quá muộn để “giải quyết”. Nên sau khi đưa chị Tư đến một nơi
xa sinh con, ba mẹ em buộc chị Tư phải đem con giao cho ba nó, sau khi đứa nhỏ
mới vừa mừng thôi nôi xong.
- Ba mẹ ơi, con muốn được nuôi con của con. Chị Tư
của em đã cố van nài cha mẹ. Nhưng ba mẹ vẫn cương quyết.
- Nhưng ba mẹ không thể nhìn mọi người cười chê
con, và cười chê gia đình này. Rồi con còn phải có chồng đàng hoàng.
- Con không cần chồng, con chỉ cần con của con. Ba
mẹ thương con, cho con nuôi con con…. Chị gào khóc thảm thiết.
- Nếu con không nghe lời, ba mẹ sẽ chết hết cho con
vừa ý. Ba mẹ của em dọa tự vẫn để ép chị.
Vốn được giáo dục từ nhỏ, lại là con có hiếu, chị
của em đành nghe lời cha mẹ đem giao con.
Sau khi giao con, chị Tư bị khủng hoảng tinh thần
trong mấy năm. Đến khi xin vào cơ quan làm việc chị mới tạm ổn. Nhưng chị gần
như đóng cửa lòng mình tất cả mọi người con trai muốn đến với chị. Chị luôn bị
dằn vặt bởi cái tội sinh con mà không nuôi. Chị cũng cảm thấy mình không còn
trong trắng để có thể đáp lại tình cảm với bất cứ ai.
Suốt trong những năm tiếp theo, chị vẫn chỉ biết
nhìn con từ xa mà chưa lần nào dám nhận con, dù thằng con chỉ ở cách đây chưa
đầy một cây số. Cho đến khi mẹ em sắp mất, chị lại một lần nữa xin được đến
nhìn con. Nhưng mẹ em vốn là người hoàn toàn lệ thuộc vào mọi quyết định của
cha, nên cũng đành bất lực nhìn con.
Mẹ em mất, cũng là lúc chị Tư cảm thấy mình
không còn có khả năng nhìn nhận con của mình nữa, vì chẳng còn ai có thể đứng
về phía chị để giúp chị đấu tranh với cha. Chị thật sự bế tắc và khủng hoảng.
Rồi dần đâm ra lẩn thẩn, đến mức phải nghỉ việc. Tuy nhiên, có lẽ cũng vì vậy
mà chị ngày càng muốn nhìn con mình hơn. Và chị đã có nhiều lần dám cãi lại với
cha em. Trong một lần tranh cãi như vậy, ba em đã bị tai biến rồi qua đời.
Từ đó, chị em thật sự bị bệnh tâm thần dạng nhẹ.
Chị cứ lãng vãng quanh nhà mà con chị đang sống. Để mong nhìn thấy con. Nhưng
tội cái là chị vẫn còn giữ hình ảnh thằng con mới thôi nôi mà chị phải đem
giao. Và cứ mỗi lần đến đó, chị vẫn lén lút giống như đang trốn cha mẹ để tìm
con vậy.
Cho đến lúc đó thì thằng con của chị đã biết và
nhìn chị là mẹ. Nhưng khổ nỗi chị vẫn không nhận nó, mà vẫn cố đòi tìm cho được
cái thằng mới hơn một tuổi đó. Thằng con đã có vợ và hai con, có cửa hàng lớn.
Nó không thể về ở cùng mẹ, mà cũng chẳng thể đón mẹ về ở cùng. Vì vậy mà nó có
nói với gia đình tụi em là nó sẽ gởi tiền hàng tháng để lo cho mẹ nó. Nhưng
thật lòng mà nói, gia đình em đâu có thiếu tiền. Cái mà chị của em cần là tình
cảm Mẹ - Con…
***
Cô em vừa kể xong thì Lánh mở cửa phòng lảo đảo
bước ra. Khi nhìn thấy tôi, mắt Lánh sáng lên:
- Ông Tâm đó hả? Thấy thằng con tui chưa? Có dắt nó
về đây không? Nói xong, Lánh ngã quỵ xuống đất, có lẽ do vẫn còn thấm thuốc an
thần.
Tôi và cô em cùng dìu Lánh lên giường, Lánh vẫn cố
thều thào:
- Ông nhớ tìm giùm thằng con tui nghen, tui nhờ ông
đó ông Tâm ơi…
- Ừ, tui hứa, tui sẽ tìm cho mà. Tôi vội hứa để
Lánh yên tâm nghỉ ngơi.
Sau khi Lánh ngủ lại, tôi cũng chào cô em ra về.
Cho đến một ngày, được tin Lánh qua đời, tôi đến dự đám tang. Được gia đình kể
lại những giây phút sau cùng của Lánh…
Khi Lánh đang hấp hối, thằng con đến bên giường mẹ.
Lánh vẫn còn cố thì thào:
- Cậu có thấy thằng con tui không?
- Con nè mẹ! Thằng con quỳ xuống bên giường mẹ.
- Cậu đừng gạt tui, thằng con tui mới hơn một tuổi
thôi mà. Cậu làm sao mà con tui được… Ba mẹ ơi, cho con rước con của con về…
Trong cơn mê sảng, chị đã thảng thốt gọi như vậy.
- Thằng con tui, có ai thấy nó không? Không biết có
ai cho nó ăn chưa? Chắc nó đói rồi…
- Mẹ, con nè… Thằng con vẫn kiên nhẫn cố đánh thức
đầu óc mẹ nó.
Nói rồi, chị lọ mọ mò trong góc giường lấy ra cái
gói nhỏ.
- Ai thấy nó, đưa cho nó giùm tui mấy món đồ chơi
bữa ăn thôi nôi của nó. Tội nghiệp, nó chơi không được mấy ngày thì phải qua
nhà ba của nó rồi.
- Mẹ, mẹ cho con… Thằng con ràn rụa nước mắt, nói
giọng đứt quãng.
- Cậu giữ cho nó nghen, đừng làm hư của nó mà nó
khóc… Không biết nó đã biết gọi Mẹ chưa? Bữa thôi nôi… nó chỉ mới… g… ọ… i…
b…a…
Chị buông thõng tay xuống cạnh giường, và nhẹ nhàng
ra đi trong ký ức với hình bóng thằng con mới hơn một tuổi ngày nào của gần bốn
mươi năm về trước…
Đã có biết bao nhiêu sự bất hạnh của số phận nói
chung, và của người phụ nữ nói riêng trong quá khứ. Trong thời điểm mà những lề
thói lạc hậu đã đè nén tình cảm con người… trong đó có tình cảm thiêng liêng
nhất, tình Mẹ - Con…
2012
P.V
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét