Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (bên trái), và nhà thơ Kiên Giang
Trong một lần
đề tặng tập thơ, nhà thơ Kiên Giang ghi: Mến
tặng nhà thơ Trịnh Bửu Hoài với tình thơ mộc mạc bát ngát của người vùng châu thổ Cửu Long. Hôm nay, tôi xin mượn
câu nầy làm đầu đề cho bài viết về ông, một trong những thi sĩ trưởng bối của nền
văn học miền Tây sông nước.
Từ thập niên
60 của thế kỉ 20, “bọn nhóc” làm thơ chúng tôi đã biết nhà thơ Kiên Giang qua
chương trình thơ Mây Tần trên Đài phát thanh Sài Gòn. Lúc đó, ông đã nổi tiếng
với bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo
tím và là người chủ xướng của dòng thơ chân phương, giản dị nhưng đầy ắp
hình ảnh và tình cảm của đồng bằng Nam bộ. Kế tục dòng thơ nầy, một số
cây bút trẻ ở miền Tây Nam
bộ cũng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc và thành danh trên văn đàn.
Cụ thể là nhóm thơ văn Về Nguồn ở Cần Thơ với Lê Trúc Khanh, Hà Huy Thanh,
Huyền Vân Thanh, Kiều Diễm Phượng, Phạm Hữu Quang, Nguyễn Hoài Vọng, Lê Hà
Uyên, Lăng Cảnh Huy, Trân Khanh… và nhóm thơ 20 Gò Công với Trần Ngọc Hưởng,
Trần Anh Tài, Đan Dạ Uyên… Đây là một khuynh hướng thơ có tính ưu việt là khắc
hoạ tinh tế những sắc thái đặc thù của vùng đồng bằng mênh mông sông nước với
hình ảnh cây cầu khỉ, chiếc xuồng con, cô gái quê, khói bếp cơm chiều, hàng cau
thơ mộng, bông ô môi đỏ thắm… rất gần gũi với tâm hồn chân chất của người Nam
bộ. Tất cả được các nhà thơ đưa vào thơ một cách gợi cảm và ban cho nó một linh
hồn làm rung động lòng người.
Những
năm sau 1975, đất nước hoà bình, tôi có dịp gặp nhà thơ Kiên Giang nhiều hơn.
Khi thì ở nhà anh Ngô Nguyên Nghiễm bên cầu chữ Y, trên đường về nhà (lúc đó
ông ở chỗ Nhà Văn hoá quận 8) với chiếc xe đạp cà tàng và cái giỏ bàng, thỉnh
thoảng ông ghé ngang ngồi cà-phê tán gẫu. Lúc tại Hội Ái hữu Sân khấu thành phố
ở đường Cô Bắc. Ông sống giản dị, chân tình, gần gũi thân mật với anh em. Mỗi
lần về Long Xuyên thăm con gái hoặc dự đám cưới của cháu ngoại, ông cũng đi tìm
tụi tôi ngồi quán tán chuyện đời rồi mời đi dự lễ cưới của cháu ông cho vui.
Mặc dù An Giang không phải là quê hương nhưng ông có nhiều kỉ niệm, nhiều tình
cảm với vùng đất nầy. Từ đó, mối thâm
tình giữa ông và anh em văn nghệ An Giang ngày thêm gắn bó.
Khi về phụ
trách Hội Văn học nghệ thuật An Giang, tôi có điều kiện mời ông về tham gia một
số công việc liên quan. Lúc nào ông cũng sốt sắng nhận lời và về đúng hẹn. Mấy
lần tôi mời ông về làm giám khảo các cuộc thi sáng tác bài ca cổ hoặc kịch bản
ở địa phương, ông luôn làm việc nghiêm túc, cẩn trọng và đầy tinh thần trách
nhiệm. Ngoài làm thơ ông còn viết bài ca cổ và tuồng cải lương với bút hiệu Hà
Huy Hà. Người hâm mộ cải lương đâu thể nào quên vở Áo cưới trước cổng chùa một thời vang bóng của ông. Tôi vẫn còn nhớ
lần gặp gỡ ba vị giám khảo tại thành phố Hồ Chí Minh gồm có ông và hai soạn giả
Thu An, Quy Sắc. Chúng tôi kéo nhau ra Thanh Đa trao đổi công việc và dùng một
buổi tiệc thân tình do nhà thơ Nguyễn Thanh Nhã chiêu đãi. Sau đó, hai soạn giả
Thu An và Quy Sắc đã qui tiên, chỉ còn ông ở lại với một túi thơ nặng gánh nhân
gian. Và hôm nay, ông cũng bỏ lại túi thơ ấy cho nhân gian sau một cơn đột quị.
Năm
2006, tôi cùng anh Huỳnh Công Mước, bí thư Huyện uỷ Thoại Sơn và một số anh em
ở Uỷ ban nhân dân, Trung tâm Văn hoá thông tin huyện lên gặp ông và Hội Ái hữu
Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh bàn việc kết hợp tổ chức lễ giỗ lần thứ 22 của cố
soạn giả Hoa Phượng tại quê hương Thoại Sơn. Ông đã tích cực mời các anh chị ở
Hội Ái hữu, các nghệ sĩ một thời gắn bó với soạn giả Hoa Phượng cùng đoàn An
Giang bàn bạc chương trình tổ chức và về dự lễ giỗ cho thật long trọng, xứng
đáng với công lao đóng góp cho sân khấu cải lương của người soạn giả tài hoa
nầy. Ông còn đưa chúng tôi đến chùa Nghệ Sĩ để viếng nghĩa trang, thắp nén
hương cho soạn giả Hoa Phượng và một số tài danh khác.
Thơ
ông có nhiều người thuộc, được phổ nhạc và nhiều bài nổi tiếng. Trong đó có
những bài người ta nghe qua một lần là nhớ mãi. Nhạc sĩ Lý Dũng Liêm ở Kiên
Giang, đồng hương với ông, mỗi lần qua An Giang lãnh giải hoặc dự trại tôi
thường đưa đi thực tế xuống huyện. Anh nhạc sĩ nông dân cục mịch Lý Dũng Liêm
còn có giọng ca trời cho khá truyền cảm. Trong những buổi tiệc giữa làng quê êm
đềm, mỗi khi anh ôm đàn hát bài Tiền và
lá phổ thơ của nhà thơ Kiên Giang là mọi người buông đũa lắng nghe.
… Kiếp tôi là kiếp làm thơ
Vốn
riêng chỉ có muôn mùa lá rơi
Tiền
không là lá em ơi
Tiền
là giấy bạc của đời in ra
Người
ta giấy bạc đầy nhà
Cho
nên mới được gọi là chồng em
Bây
giờ những buổi chiều êm
Tôi
gom lá đốt khói lên tận trời
Người
mua đã bị mua rồi
Chợ
đời họp một mình tôi… vui gì!
Những
lời thơ dung dị, mộc mạc nhưng sao mà thấm thía đến nao lòng… Đó là chất, đó là
hồn của Kiên Giang.
An Giang, cuối thu 2011
T.B.H
Ông đi đã để lại cho đời một túi thơ, và những ai yêu văn chương sẽ còn nhớ mãi.
Trả lờiXóa