Nhà văn Đào Phạm thùy Trang
Nghe tiếng thổi lửa phù phù
của bà Sáu, tôi giật mình bước ra:
- Trời! Sao bà Sáu bắc bếp
bên vách nhà con?
- Tại… bà hổng biết… chỗ nào… chỗ
nào… tránh được gió…
Bà lão ngoài tám mươi nói
ngập ngừng như đứa trẻ ăn vụng đang thanh minh với người lớn.
- Bà Sáu nấu gì vậy? Sao
không nấu bếp gas cho tiện?
- Thôi… hao gas lắm. Mợ Út
mày nói vậy. Bà luộc mấy trái cau thôi mà. Bà Sáu nói giọng phân trần như cam
chịu.
- Thôi, bà vô coi truyền
hình đi, con luộc cho.
Tôi nói rồi giằng lấy chiếc
nồi bé tí trên tay bà lão hàng xóm đem vào bếp nhà mình bật nút “cốc”. Lên võng
nằm tiếp nhưng miệng không ngớt làu bàu “Cái bà quỷ cái, luộc có mấy trái cau
cho bà già chồng cũng kêu tốn này tốn nọ…”. Ba trái cau trong nồi bắt đầu sôi lọc
ọc, màu xanh vờn phấn trắng đã bắt đầu ngã sang màu dưa cải. Nồi cau lại lọc ọc
sôi. Tiếng xì tiếng xụp theo ngọn gió đàng lửa qua lại quanh bếp. Bà Sáu không
về nhà mà ngồi lại bếp nhà tôi, phân trần mà như tâm sự, rằng cả tháng nay nằm
bệnh không được ăn miếng trầu nào, có khi thèm hơn cả thèm cơm thèm bánh. Vừa
buồn miệng vừa thiếu vắng, năn nỉ mãi mà con dâu thì cứ kêu đi chợ tìm đỏ con
mắt cũng không thấy ai bán trầu. May sao hôm nay có người mang cho ít trầu cau
đám cưới. Nhà mất bếp củi tự bao giờ. Chỉ thấy cái bếp gas chình ình nhưng
không biết sử dụng. Biểu con dâu luộc giùm mấy trái cau thì nó kêu “tốn gas lắm”
nên đành phải ra góc hè bắc bếp.
***
Bà Sáu gần chín mươi. Nhiều
chứng bệnh lâu nay đi chu du đâu đó bỗng dưng “đổ bộ” về thân thể già nua. Mợ
Út được cả họ giao trọng trách chăm sóc bà. Chả là con mợ đã lớn, mà ai cũng
nói chăm người già sướng thí mồ!
Một ngày của bà Sáu bắt đầu
từ năm giờ sáng, dù bà bảo cả đêm có ngủ được đâu. “Người già ăn ít, ngủ ít,
nhớ chuyện nay ít chỉ có chuyện xưa là nhớ nhiều”.
Têm miếng trầu, nhấn vô ống
ngoáy dằm dằm là xong phần “khai vị”. Sáu giờ bà ăn sáng, là bánh canh, bún,
cháo gì đó. Chay mặn gì cũng được, cốt là có thứ bỏ vào bao tử để lua tiếp mấy
viên thuốc chứ không phân biệt ngon dở gì. Thuốc, cháo, sữa, ngủ. Thuốc, cháo…
đó là những công việc “quan trọng” duy nhất mà bây giờ bà Sáu phải thực thi để
duy trì sự sống.
Tầm chín giờ, mợ Út bật tivi
bà Sáu xem ở nhà trên rồi mợ đi… “điều binh khiển tướng” ở nhà dưới. Những
“khạp”, “ù”, “oằn” cứ liên tục được ré lên.
Mấy đứa con a về bảo bà nên
cởi bỏ hết mấy thứ trang sức trên người. Là vì “thầy” khuyên, người già không
nên đeo trang sức. Những xâu chuỗi hạt huyền, vòng đá sa-phia trị hạ máu, chiếc
vòng bạc chắn gió mà bây giờ đã ngã sang màu xám tro… tất cả bà đều run run
tháo ra như đang chia tay những người thân yêu nhất. Chỉ còn chiếc nhẫn bằng
đồng lỏng khỏng khua mình trong ngón tay già nua là bà nhất quyết giữ lại dù
bác Hai bảo rằng nó có thể gây tai nạn cho bà bất cứ lúc nào. Tai nạn gì? Ví
như má cần đi ra ngoài, mà lúc ấy vợ thằng Út không có trong phòng, má bấu
người lên song cửa, chiếc nhẫn kẹt cứng đứt cả ngón tay. “Vậy thì má không đi
ra ngoài. Còn chiếc nhẫn này là của ba bây tặng má lúc đám cưới. Má không xa nó
được. Má đeo vầy để khi chết ba bây biết đường mà nhận ra tao”. Mấy đứa con
quẹt nước mắt rồi không thấy ai nhắc bà tháo chiếc nhẫn ra nữa. Mà chiếc nhẫn
bằng đồng ấy, bây giờ đã xỉn màu như lát dưa cải bé tí vắt ngang ngón tay xương
xẩu của bà chứ có đẹp đẽ gì.
Với bà Sáu hình như chuyện
gì cũng có thể “mang tội” được. Mà tội với ai, ai xử thì bà lắc đầu cười.
Giường lâu ngày có kiến, con cháu giũ tung rồi quét gom kiến lại tặng cho chúng
ít lửa thì bà can “Thôi, con cứ hốt bỏ ra sân. Đừng đốt nó tội chết!”. “Sao hồi
nó cắn nội nó không tính tội?”. “Nó là
vật, biết gì. Trong kinh dạy rằng “… Nó
cũng muốn như mình được sống/ Sao đành lòng tuyệt giống tuyệt nòi”. Bà ve
chai tới nhà cân giấy vụn. Mới hôm qua đứa cháu dọn nhà, quơ cái cân kéo sét
xẹt trong hốc kẹt ra cân hạo, rõ ràng hai mốt ký sáu. Bữa nay bả cân mười chín
ký tám. Nó cự. Bà ôn tồn “Cái cân nhà mình từ thời ông Bảo Đại còn bắn cu li
làm sao trúng được. Thôi, đừng tranh cãi với người lớn, tội à con”.
Con dâu bà Sáu có nết rất
lạ. Hễ không có khách tới nhà thì mợ ấy có thể “ngồi sòng” từ sáng tới tối mặc
bà già chồng ba bữa sáng trưa chiều chỉ ăn tô bánh canh nguội ngắt. Nhưng có ai
tới thăm là mợ cứ xun xoe bên bà cụ, hết rót nước, pha sữa lại vuốt vuốt tóc
tai rồi vừa nói vừa khoát khoát tay như người đang bơi:
- Má tui nè! Bả có cả chục
con, cả trăm cháu nhưng cái gì cũng một tay tui hết á! Bả ăn nè, bả ị nè, gội
đầu, tắm giặt nè… cái gì cũng tui hết á! Mấy ngày bả khoẻ khoẻ thì còn đỡ nhen,
mấy bữa bịnh ị trây đái dầm đều một tay tui hết! Mà cái nhà này có ai phụ hợ,
cho biếu gì tui đâu! Toàn vợ chồng tui “đổ
mồ hôi trán, váng mồ hôi…” sắm sửa
ra không đó chứ! Thiệt là mắc bà già chồng như mắc gông vào cổ. Muốn đi đâu
cũng hổng được hết trơn. Người ta cả xóm này đi du lịch đủ xứ, Sa pa, Bắc Kinh,
Thiên An Môn, Ru- nây, Cao Hùng… mà tui cứ phải ở nhà chăn bà già chồng còn hơn
chăn con mọn…
Người nghe có thể là hàng
xóm, có thể là bà con lâu ngày ghé thăm. Thì cũng có người biếu ít quà, gửi ít
tiền bà Sáu “ăn quà vặt” nhưng cũng có người hỏi xẳng:
- Vậy chứ mợ mày nói cái nhà
này thứ gì cũng của vợ chồng mày thì hồi đó cậu nó cưới mợ về ngủ ngoài gốc cây
à?
- Ơ… thì cũng có nhà. Mà cái
nhà tranh vách ván thì kể gì!
- Tao nhớ hồi đó phần đất 25
x 30m còn bây giờ còn có 6 x 30m là sao vậy cà?
- Thì… bán để thuốc men cho
má tui chứ còn đâu nữa! Mấy đận bả bịnh anh tưởng tiền chùa chắc?
- Vậy sao bây nói cái nhà
này thứ gì cũng bây lo?
Câu hỏi cuối cùng cũng là
câu trả lời cuối cùng cho mối tương giao của người anh em đó với cô dâu út của
bà Sáu. Vì rằng từ rày về sau anh ta sẽ như người dưng nước lã trong mắt cô
đấy!
Cô con dâu bà Sáu từ lúc lấy
chồng về nhà này chẳng thấy làm công việc gì ngoài việc sinh thằng con trai.
Nhà có mấy công ruộng thì cho người ta mướn, khỏi làm mất công tay lấm chân
bùn. Thêm chiếc máy cày thì anh chồng đi cày thuê mang tiền về cho vợ. Cô dâu
chỉ mỗi việc nấu ăn và… “điều binh khiển tướng”. Giờ con trai lớn đã đi hợp tác
lao động, ông chồng vẫn miệt mài với chiếc máy cày. Nhà còn hai người đàn bà
sống với nhau tưởng mọi việc đều an vui ai dè…
- Má! Gas lúc này mắc lắm!
Luộc cau tốn gas thấy bà! Má nghỉ ăn trầu nghen! Già rồi, ăn uống thiếu rau,
người khô khốc mà cứ ăn trầu… ăn trầu hoài, nóng lở môi, lở ruột hết à!
Bà Sáu không ăn trầu bằng
cau tươi mà ăn bằng cau luộc. Bà bảo cau luộc mềm và thơm, độ “thẩm thấu” vào
huyết quản cũng nhiều hơn cau tươi. Mấy chục năm qua bà tự đi chợ lựa từng chục
cau, rồi tự luộc, tự chẻ phơi, cất giữ để ăn dần. Niềm vui của bà sau những
buổi ra đồng cực nhọc là được ngồi bên chiếc ống ngoáy bóng loáng màu đồng mà
nghe hương trầu bay phảng phất. Chiếc bình vôi của bà cũng thuộc hàng “đồ cổ”
bởi nó bóng nhẫy nước men và hình bốn chiếc đầu sư tử màu xanh dương bé xíu gù
lên nhe nanh như sẳn sàng “quặp” ai đó không phải là chủ nó. Vậy mà bây giờ đều
đã bị gói vào góc tủ.
***
Bà Sáu thuộc tuýp người già
xưa. Con cái lấy chồng lấy vợ ít lâu đều cho “ra riêng” với ít của cải tượng
trưng. Còn tất cả đều dành cho thằng út bằng câu cửa miệng “Giàu út ăn, khó út chịu”. Nhà bà không giàu cũng không nghèo.
Nghĩa là cũng có đủ nhà cửa, ít ruộng đất. Ông Sáu về cõi tiên từ lâu. Bà ở với
con trai và con dâu mãi mà “chẳng chịu chết cho” (bà hay nói như vậy) để tuổi
già cứ sầm sập luồn về. Bảy mươi. Bảy lăm. Tám mươi. Tám lăm. Độ tuổi nào bà
cũng có những đợt bệnh thật tử nhất sinh. Có lần đã mua đồ tẩn liệm về rồi
nhưng bất chợt bà vụt ngồi dậy và… sống tiếp (có phần còn khoẻ mạnh hơn). Cô
con dâu chán nãn với chuyện “chết giả” của mẹ chồng nên sau đó mỗi lần bà lên
cơn mệt kêu sống kêu chết đòi gọi con cháu về thì cô không gọi nữa. “Người ta
ai cũng có công ăn việc làm chứ có ở không đâu mà nay kêu mai gọi rồi má vẫn…
sống nhăn”. Cô nói câu quyết định. Bà Sáu bảo, con dâu bà quyết định vậy thì
mai này bà “đi” chắc không thấy mặt ai.
Nhưng dạo này bà khoẻ hẳn
ra. Chín mươi ngấp nghé rồi mà còn tự đi lại, ăn uống, vệ sinh được. Bà còn đòi
ăn uống này nọ, mà thứ nào theo cô con dâu của bà cũng là “đồ độc”. Mợ xốc xốc
rổ chân gà dưới vòi nước gọi vói ra cửa khi thấy tôi đi ngang:
- Giang! Giang! Nhà mày có
gừng không? Cho mợ một chút kho thịt gà cho bà Sáu ăn coi!
- Mợ giỡn hoài, bà Sáu răng
đâu mà ăn chân gà xương xẩu không vậy?
- Mày không tin thì thôi! Gừng
có thì cho một củ!
- Có!
Tôi đi ngang nhà trên, bà
Sáu đang nằm quay lưng vào vách rên hừ hự. Hình như ba đang lên cơn sốt. Nghe
đâu hôm qua bà ăn canh chua cá hú và đi ngoài suốt đêm. Mợ Út bảo “già sinh
tật” vậy đó, hôm qua ăn canh chua chảy te chảy tét mà bây giờ đòi chân gà kho.
Bà cười buồn “Cháu Giang bây có tin lời mợ Út không?”. Tôi lắc đầu. Bà cười, nụ
cười đồng minh.
Mấy hôm nay mợ út đi tới nhà
nào cũng khoe viễn cảnh xứ Nhật Bổn mà mợ sắp được đi du lịch. Rằng con trai mợ
đi hợp tác lao động ở bển, có tiền ghê lắm nên mua vé cho mợ rồi, chỉ chờ tới
ngày là lên máy bay thôi. Nhưng mắc bà già chồng nay đau mai yếu thì hổng biết
chừng nào mới đi được. Thiệt tình… ở đời sao mà ngộ, người sống xâng xẩng ngã
ra chết cái phịch hổng hay, còn bà già chồng của mợ bịnh rề rề mà sao sống hoài
hổng chịu “đi’ giùm. Tôi bảo, sao mợ ăn nói gì bất nhơn quá, người ta muốn cha
mẹ già sống với mình còn không có nữa là, sao mợ cứ mở miệng ra là “trù” bà già
chồng như trù giặc. Mà hình như tương lai mợ cũng là bà già chồng đó à! Mợ “hứ’
cái cóc rồi phủi mông đi về. Chu choa ơi, bộ
đồ thun lạnh mợ mặc sao mà mỏng lét, khoe cái món nội y đỏ loét của nhãn hàng
xì-trum thấy mà xốn con mắt!
Tự dưng hôm nay mợ Út đi chợ
mua cả quày cau về luộc. Dây trầu héo queo trước ngõ cũng được mợ tưới tắm ngày
ba cữ. Ba ngày sau đã thấy những chiếc lá màu xanh ngọc bắt đầu bóng nhẩy. Nia
cau khô cũng đã rút mình. Khay trầu được lôi ra lau chùi thiệt kỹ. Chiếc bình
vôi hình bốn đầu sư tử cũng đầy ắp những vôi. Má tôi bảo, mợ Út hết bị mấy con
ma tứ sắc ám rồi nên mới quan tâm chăm sóc tới bà già chồng như thế! Mợ cười
cười “Thằng con trai em sắp đưa bạn gái về chơi nhà! Việt kiều Nhật nghen chị!
Nghe đâu ông già con nhỏ là một sếp bự trong nghành điện máy ở xứ sở hoa anh
đào ấy! Chà… có con dâu Việt kiều oai gấp mấy lần rể nước ngoài ấy chứ! Bởi vậy
em phải lo cho má em thật chu đáo để làm gương cho con dâu tương lai chứ!”
Sáng hôm nay… con đường hẹp
của xóm nhỏ như nổ tung ra bởi chiếc xe kính đen mang biển số NN… chầm chậm len
lỏi mãi mới vào được sân nhà bà Sáu. Các bóng điện trong nhà đều được thắp lên
dù trời nắng như đổ sao vào mắt. Mấy đứa choai choai bảo, chắc là con dâu tương
lai của mợ Út đẹp như diễn viên Hàn Quốc. Vài cụ già kháu nhau, chắc con bé ấy
sẽ mặc kimônô. Uý chà chà… trời nóng nực như thế này mà mặc cái áo như địu con
sau lưng thì làm sao mà chịu nỗi?
Xe dừng. Không ai lạ gì
thằng cu Tửng con mợ Út. Chỉ khác là bây giờ nó cao lớn hơn ba năm trước. Cô
gái đi cạnh nó mặc áo dài cách tân. Nghĩa là cổ khoét sâu sâu, vạt xén ngắn
ngắn, chân giày cao gót đi suýt té theo đà kéo tay của thằng cu Tửng đi thẳng
vào nhà trên nơi chiếc giường bà Sáu nằm hàng ngày. Thằng cu Tửng kêu to “Nội…
nội… con về nè nội! Mấy năm nay nhớ nội quá trời luôn!”. Nó ào lại giường bế xốc
cơ thể nhẹ như gấu bông ấy lên. Mái tóc trắng xoã xuống lơ thơ trên đôi tay rắn
rỏi. Bà Sáu đã “đi” tự bao giờ.
Mâm trầu cau đầy tú nụ trên
bàn chưa ai dùng đến. Những lát cau luộc màu nâu mỏng dính run run trên tay
thằng cháu nội.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét