- Quán dì Tư nay đông khách, vui quá hén!
- Bây cứ nói vậy. Chẳng hiểu sao dạo này
bán buôn thứ gì cũng ế ẩm. Không riêng gì gánh chè của Tư đây mà ngay cả mấy
hàng quán ở cái chợ huyện này cũng ngày một vắng khách. Mấy bà than… như trối
chết vậy, có người đổ nợ phải bỏ trốn đó.
- Thiệt khổ! Tiền kiếm đã khó mà hình như
giá cả thứ gì cũng tăng vùn vụt. Cứ vài ba bữa lại nghe thiên hạ la làng, nào
là xăng lên giá, điện lên giá, sữa lên giá… Đúng là làm lớn chết lớn, làm nhỏ chết
nhỏ, không làm thì… chết đói. Mà cũng lạ, ai cũng than mình nghèo mình khổ mà
không biết tiền ở đâu ra, cứ vài ba tháng thấy họ sắm xe đời mới, rồi đổi bếp
gas, máy lạnh, máy giặt… ôi thôi, đủ thứ.
- Nói thiệt, Tư chỉ dám ước mơ ngày nào
đó có tiền mình mua một cái máy giặt cũ cho đỡ vất vả. Vậy mà… không biết chừng
nào mới có được. Mà thôi, so sánh với người ta làm chi cho xấu hổ. Điều mà Tư
lo lắng nhất là năm nay con bé Mi nếu thi đậu đại học, không biết phải làm sao
đây. Biết là mình nghèo khó mà cho con học cao đâu phải dễ, còn cho nó nghỉ học
thì chẳng ra làm sao cả. Tư nghe nói ngày nào, ai mà thi đậu Tú tài 1 thôi cũng
đủ làm cho họ hàng rạng rỡ mặt mày. Còn bây giờ, có người cầm trên tay hai ba
tấm bằng đại học cũng chẳng thấm vào đâu. Thử hỏi, mình lo cho nó học thêm bốn
năm học đại học mà ra trường chưa chắc xin được việc làm, cũng buồn lắm chứ.
Biết vậy, không cho nó học tiếp thì tội nghiệp lắm!
Nhỏ Hoa lên tiếng:
- Hay là Tư mang gánh chè xuống thành phố
bán tiếp, nếu được Tư mướn mặt bằng mở quán chè “Bà Tư Cô Đơn” luôn. Cứ nấu
ngon, đông khách, làm giàu mấy hồi Tư ơi.
- Cha mày! Dễ ăn ốc bươu vàng ăn hết rồi
con ơi.
- Hứ, mày nói làm như mặt bằng ở Sài Gòn
rẻ lắm vậy. Một ki – ốt nhỏ nhỏ thôi cũng mấy chục triệu một tháng chớ ít sao –
Chị Lan tỏ ra biết chuyện hơn: Theo con thấy, Tư đi bán vé số còn đỡ khổ hơn nhiều. Không phải nấu nướng
cực nhọc, không phải thuê mướn mặt bằng. Tư chịu khó lặn lội một chút, mỗi ngày
cũng kiếm được trăm mấy hai trăm ngàn. Tư biết không, con có quen một bà chị
quê ở miền Trung, cũng vô Sài Gòn lo cho con ăn học bằng nghề bán vé số đó Tư.
Con Quyên nãy giờ cứ gật gà gật gù với ly
chè của mình, bỗng dưng lên tiếng:
- Lo gì Tư ơi, nếu con là Tư, khi bé Mi
đi học đại học, con sẽ không bán chè nữa mà đi ở cho người ta, lấy tiền lo cho
nó học đại học.
Bao nhiêu ánh mắt ngơ ngác đổ dồn về phía
nhỏ Quyên.
- Con nói thiệt đó, Tư đừng có giận. Tư
cứ tính kỹ đi, một ngày gánh chè này giúp Tư kiếm được bao nhiêu tiền lời. Giỏi
lắm cũng chỉ được hai trăm ngàn đồng.
- Bây nói cho quá! Làm như tao vừa bán
chè vừa móc túi người ta không bằng, bữa nào múc khéo lắm cũng chỉ được trăm
mốt là nhiều lắm rồi.
- Tư thấy đó, Tư bán chè mỗi tháng kiếm
chưa đầy bốn triệu bạc, mà chi đủ thứ. Ở xứ này sống còn không đủ thì khi xuống
Sài Gòn liệu Tư có đủ trang trải không. Đó là chưa tính tiền học phí, tiền nhà
trọ… cao ngất ngưỡng. Rồi mấy ngày mưa bão liên miên Tư bán cho ai. Chưa hết
đâu, lâu lâu mấy ông trật tự ở phường đi dọn đường là Tư chỉ còn cách… mang chè
về ăn trừ cơm thôi. Tư nghe lời con đi, Tư đi làm công cho người ta mình không
phải lo thứ gì cả. Từ miếng ăn, chỗ ở đều có chủ lo hết, mỗi tháng Tư còn
nguyên tiền lương, ít nào cũng được ba triệu bạc. Tư đừng có lo chuyện người ta
bỏ tiền ra rồi sai mình “chạy như chó đạp lửa”. Đâu phải mình “ngồi chơi xơi
nước” tới tháng lãnh lương đâu mà Tư sợ họ la họ chửi. Mình cứ làm hết việc này
rồi đến việc khác, “bồng em thì khỏi xay lúa”, thế thôi, có sao đâu. Tư cứ nghĩ
mình đang làm việc nhà của mình, vậy là tinh thần thoải mái. Mình cứ xem ông bà chủ nhà như cha mẹ mình,
đừng bao giờ cãi lại lời của họ, cứ dạ dạ vâng vâng, thế là xong.
- Mày tỉnh lại đi Quyên, đừng có ngủ ngày
nữa. Nhỏ Lan bực tức: Không lẽ ông bà chủ trẻ đáng tuổi con tuổi cháu mày cũng
kêu Tư tôn trọng họ như cha mẹ sao. Không lẽ, con gà mà họ nói con vịt cũng
phải nghe sao.
- Đúng vậy! Sao lại chấp những người
không hiểu biết. Mình cứ dạ rồi chứng minh cho họ thấy gà là gà chớ không phải
là vịt. Nói túm lại, đi ở đợ vẫn sướng hơn là… buôn gánh bán bưng, không phải lo
mưa lo gió, không phải lo lời lỗ, không phải nghĩ đến chuyện đóng thuế nọ thuế
kia. Dù có ăn sau nhà chủ vẫn ngon hơn nước tương kho quẹt ở nhà mình.
- Con này bị khùng nè. Ai cũng muốn làm
ông này ông nọ, được ăn trên ngồi trước chỉ có nó là muốn đi ở đợ thôi – Con
Diễm tỏ ra khó chịu – Nghĩ như mày thì xã hội làm sao phát triển được.
- Ừ, tao khùng vậy đó! Tao cho mày biết,
dù là giám đốc một ty lớn hay một bà lao công quét dọn đường phố đều phải đi
kiếm tiền cả thôi, có gì khác đâu. Làm thứ gì có lợi nhất, thu nhập cao là làm,
miễn không phạm pháp là được rồi. Hứ, muốn có tiền mà bày đặt sĩ diện.
- Thôi, thôi. Tư xin mấy đứa, đừng vì
chuyện của Tư mà mấy đứa giận nhau, mất vui. Tư thấy đứa nào cũng có lý để Tư
coi lại.
…
Cứ tưởng kiếm chuyện nói cho vui, có ngờ
đâu mấy đứa nhỏ tranh cãi nhau dữ quá. Nghĩ lại, thấy mấy đứa nhỏ nói đều có
lý. Biết rằng, đi bán vé số, dù không phải bỏ vốn nhiều, thậm chí là không cần
vốn nhưng nghĩ đến cảnh phải cầm xấp vé số đi mời hết người này đến người kia
giữa cái nắng ban trưa hay những buổi xế chiều mưa như trút nước, sao mà gian
truân quá. Còn theo ý con Quyên, đi ở mướn cho người ta còn phần đỡ vất vã hơn
nghề bán vé số, mình chẳng phải lo lắng điều gì mà mỗi tháng lại có thu nhập ổn
định. Mà khổ nỗi, khi nghĩ đến cảnh tất bật với khối công việc đang chực chờ
mình rồi phải hầu hạ người ta từng miếng ăn giấc ngủ sao mà… ớn cả cổ.
Bà Tư lại trách mình sao mà lẩm cẩm quá.
Tự dưng nghĩ chuyện không đâu. Tại sao lại so sánh nghề này với nghề khác, có
lợi gì đâu. Tại sao phải nghĩ đến chuyện đổi nghề. Chính gánh chè này đã cưu
mang gia đình bà trong suốt mười mấy năm qua. Dù thu nhập không nhiều nhưng
cũng đâu đến nỗi vất vả, vẫn cơm ngày hai bữa, vẫn có điều kiện lo cho bé Mi đi
học đàng hoàng mà. Vớ vẩn! Thôi, chuyện bé Mi có thi đậu đại học hay không vẫn
còn cả năm học nữa. Cứ ngủ lấy sức, sáng mai đi bán chè tiếp, cho chắc ăn.
Tháng 10/2014
P.T.L (BÌnh Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét