“Lương sư Hưng quốc” là cụm mỹ từ hàm súc, khẳng định
vị thế của người thầy, và nghề dạy học. Suy rộng ra là vai trò quyết định của
nền giáo dục đối với công cuộc phát triển đất nước. Có thể xem đây là một đúc
kết khách quan từ những trải nghiệm về quá trình phát triển của đất nước cũng
như hầu hết các nước tiên tiến hiện nay trên thế giới.
Đối với Việt Nam, một đất nước đã có mấy ngàn
năm văn hiến, thấm nhuần truyền thống văn hóa: hiếu học, tôn sư trọng đạo từ lâu đời, cho nên vị thế người thầy, nghề thầy luôn được đề cao, coi trọng. Do vậy,
sự trải nghiệm nói trên càng có thêm ý nghĩa. Dưới đây là đôi nét phác họa về những
khuôn mặt “lương sư” tiêu biểu nhất trong lịch sử giáo dục nước nhà:
* Xử sĩ Võ
Trường Toản và bốn chữ “Lương sư hưng quốc”:
Theo nhiều sử liệu, có lẽ người đã nhấn mạnh và đúc
kết về mối quan hệ, tác động trực tiếp của vai trò người thầy, của chất lượng
giáo dục với sự phát triển, hưng thịnh đất nước bằng bốn chữ thật cô đọng, mang
tính khái quát cao vừa dẫn trên, là một nhà giáo dục sống cách nay khoảng hơn
hai trăm năm. Đó là nhà giáo Võ Trường Toản (V.T.T) sống ở thế kỷ XVIII, vào
thời Nguyễn sơ, người đã được Nguyễn Ánh ban cho hiệu: Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ Tiên sanh. Sở dĩ ông có tôn hiệu này vì
sinh ở đất Gia Định (huyện Bình Dương) và tuy học rộng tài cao nhưng V.T.T
không muốn làm quan, chỉ thích ở ẩn (xử sĩ) và chăm lo việc dạy học. Có nhiều
học trò của ông thành đạt, nhưng nổi tiếng hơn cả là ba vị môn đệ, được đương
thời xưng tụng là “Gia Định tam gia thi”
trong nhóm “Bình Dương thi xã”, gồm
các danh sĩ, nhà thơ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Định. Ông mất
năm 1792, khi quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Phan Thanh Giản cùng
nhiều sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ cải táng đưa mộ ông về đất Bảo Thạnh nay
thuộc tỉnh Bến Tre với ý nghĩa là không muốn để mộ thầy nằm trong vùng giặc
chiếm.
Võ Trường Toản là một nhà giáo dục, là một danh sư có
nhiều đóng góp và ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục đào tạo ở đất Gia Định, phần
đất mới phía Nam của Tổ quốc và là người có liên quan đến cụm từ nói trên, nên trong
bài viết này ông được nhắc đến trước tiên.
Về ý nghĩa của cụm từ “Lương sư hưng quốc” có thể hiểu
một cách đơn giản là đất nước muốn được phát triển giàu mạnh (hưng quốc) cần
phải có những ông thầy xứng đáng, tài giỏi. Tài giỏi ở đây không phải là chỉ có
nhiều tri thức chuyên môn, mà cần phải hội đủ những phẩm chất, đạo đức tiêu
biểu mẫu mực, để có thể đào tạo được nhiều nhân tài, hiền tài cho đất nước.
Khi đúc kết và nhấn mạnh đến vai trò quyết định của
các bậc “lương sư” trong công cuộc “hưng quốc”, chắc chắn nhà giáo V.T.T đã
chiêm nghiệm về những gương sáng mẫu mực, tiêu biểu của các danh sư, quốc sư
như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm… cũng như các hiền tài đi trước. Đồng thời
tiên sinh cũng quan tâm đến những ưu điểm trong tư tưởng định hướng giáo dục,
đào tạo của các thời thịnh trị ở nước ta trước đó, đặc biệt là ở triều đại Lê
Thánh Tông (1460-1497). Những ưu điểm đó
đã được đúc kết một cách sâu sắc, thuyết phục qua bài khắc trên văn bia tiến sĩ
được dựng đầu tiên (1484) tại Văn miếu Quốc tử giám (được xem là trường đại học
sớm nhất của nước ta). Người nhận vinh dự soạn thảo nội dung bài khắc vào bia
này là danh thần Thân Nhân Trung (1418-1499) và cũng có thể gọi ông là nhà
chiến lược giáo dục tiên phong hàng đầu nước ta.
Trong lịch sử hơn một ngàn năm thời tự chủ, kể từ Ngô
Quyền đến cuối triều Nguyễn, nước ta không thiếu những nhân tài trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhưng số nhân tài kể cả hiền tài ấy xuất hiện
nhiều hay ít và đóng góp hiệu quả cho Tổ quốc đến mức độ nào, điều đó phần lớn
tùy thuộc vào tầm nhìn và sách lược phát triển nền văn hóa giáo dục quốc gia
của các vị minh quân, những người lãnh đạo, giữ trọng trách trong việc định
hướng, tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ nhân tài… Tất cả đã được đúc kết
một cách cô đọng, được thể hiện trong nội dung văn bia tại Văn miếu Quốc tử
giám và đã đi vào lịch sử văn hóa dân tộc từ hơn 5 thế kỷ trước (1484-2014).
Riêng trong lĩnh vực đào tạo, đất nước ta cũng không
thiếu những vị danh sư, có thể gọi là Lương
sư như tên gọi tôn vinh của nhà giáo V.T.T, đã góp phần xứng đáng vào công
cuộc “hưng quốc” qua nhiều triều đại, thời kỳ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ
và phát triển đất nước
Trong phạm vi một bài viết ngắn, dưới đây chúng tôi
chỉ có thể nhắc đến một cách khái quát về một số nhà giáo, nhà giáo dục và một vài
triều đại tiêu biểu nhất có nhiều ảnh hưởng đến các thế hệ người đi học, người
dạy học kể cả các vị giữ trọng trách hoạch định sách lược đào tạo giáo dục của
các triều đại đã qua. Theo đó, không thể không nhắc đến những tên tuổi như Chu Văn An (TK XIV), Thân Nhân Trung (TK XV), Nguyễn Bỉnh
Khiêm (TK XVI), Võ Trường Toản (TK XVIII), Nguyễn Đình Chiểu (TK XIX) và Nguyễn
Tất Thành… Riêng ở địa phương này có thể kể đến tên tuổi của một số nhà giáo
tiêu biểu cho tinh thần yêu nước gắn bó, gần gũi với quê hương Thủ Dầu Một -
Bình Dương trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ.
* Chu Văn An
“bậc tôn sư của Nho gia Việt Nam”,
nhà giáo của muôn đời…
Lời tôn vinh
trên đây dành cho Chu Văn An (C.V.A) là của danh sĩ, sử gia Ngô Sĩ Liên, tác
giả bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”
(ĐVSKTT). Nhiều tác gia còn gọi ông là “Ngôi
sao Bắc đẩu của nền giáo dục đời Trần”.
Chu Văn An sinh ngày 25/8/1292 tại Thanh Trì, Hà Nội
ngày nay, mất năm 1370, thọ 79 tuổi, được thờ ở Văn miếu, nơi dành cho các vị
tiên Nho. Thời trẻ ông học rất giỏi, nổi tiếng thần đồng. Tuy đậu Thái học sinh
(Tiến sĩ) nhưng không muốn làm quan, ông mở trường dạy học và đọc sách, có
nhiều học trò thành đạt, có người làm đến chức Hành Khiển (Tể tướng). Danh
tiếng C.V.A vang xa đến triều đình, nhà vua liên tục khẩn cầu ông ra giúp nước.
Sau nhiều lần từ chối, cho đến khi được biết nhà vua thật sự quan tâm đến sự
nghiệp giáo dục, ông mới nhận lời tham chính như sách ĐVSKTT đã ghi: “Hoàng thượng thấy được việc học là trọng,
để duy trì xã tắc nên muốn góp công vun đắp”. Ông được giao nhiệm vụ trông
coi Quốc tử giám (lãnh đạo trường đại học sớm nhất của nước ta). Ngoài ra, ông
còn được giao trọng trách dạy học cho hai Hoàng thái tử là Trần Vượng và Trần
Hạo từ khi còn nhỏ. Sau này cả hai lần lượt đều
lên ngôi vua là Trần Hiển Tông (trị vì 1329 – 1341) và Trần Dụ Tông (trị vì
1341 – 1369). Khi sự nghiệp giáo dục đất nước cần, ông đứng ra lãnh trách nhiệm
gánh vác, nhưng lúc vua không còn nghe những thỉnh cầu chính đáng “dâng sớ đòi
chém đầu bảy gian thần hại nước”, ông liền từ quan lui về ở ẩn tại Chí Linh, dù
nhà vua vẫn còn dành sự kính mến cho ông. Việc này sách ĐVSKTT có đưa ra lời
nhận xét: “Vua biết tôn trọng thầy dạy
nhưng không bàn việc nước [là việc trừ khử gian thần – N.H.H] với thầy. Vì thế
bậc hiền năng không nên ở để làm”
Bình sinh trong việc học tập, dạy dỗ cũng như trong
ứng xử, nhà giáo Chu Văn An luôn cố gắng thực
hiện đúng theo các tiêu chí do ông đề ra cho mình và mong muốn các môn sinh của
ông noi theo. Các tiêu chí đó được gói gọn trong 8 chữ là cùng lý (học, bàn cho hết lý lẽ); chính tâm (luôn giữ lòng mình ngay thẳng); tịch tà (diệt cái xấu, cái ác) và cự bí (cố khắc phục kho khăn để thực hiện cho được các mục tiêu đề
ra)
Nhờ có tài năng, đức độ và lý tưởng đúng trong cuộc
sống, nhà giáo C.V.A không chỉ là một danh sư của một thời mà còn là một vị
quốc sư, “lương sư” muôn đời trong lịch sử văn hóa, giáo dục nước nhà. Ông quả
xứng đáng được ngưỡng mộ như câu thơ của nhà thơ Cao Bá Quát: “Tiết cứng, lòng trong, khí phách hùng”,
tên tuổi ông sẽ còn mãi với hậu thế: “Văn
miếu còn tên hương khói nồng”… Và có lẽ không có sự đánh giá tôn vinh nào
xứng đáng hơn đối với C.V.A như lời nhận xét của danh sĩ, nhà bách khoa Phan
Huy Chú, tác giả bộ Lịch triều Hiến
Chương loại chí: “Tiên sinh học
nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho Việt Nam trước sau chỉ có một
Chu Văn An”
Khi nói đến tầm nhìn trong sách lược đào tạo “hiền
tài” để bồi đắp cho “nguyên khí” quốc gia, không thể không nhắc đến Thân Nhân
Trung, một danh nhân văn hóa tiêu biểu của triều đại thịnh trị Lê Thánh Tông.
* Nhà chiến
lược giáo dục Thân Nhân Trung và triều đại Lê Thánh Tông (1460-1497)
Từ những đóng
góp nhiều ý nghĩa của các thế hệ danh sư, quốc sư như Chu Văn An trong lịch sử
văn hóa của nước nhà, cho đến triều đại Lê Thánh Tông chiến lược đào tạo tôn
vinh nhân tài, hiền tài mới được đặc biệt quan tâm một cách cụ thể, rõ ràng.
Những người đỗ đại khoa (Tiến sĩ trở lên) được tôn vinh làm lễ xướng danh, được
khắc tên vào bia đá tại Văn miếu Quốc tử giám và Văn bia tôn vinh đầu tiên này
được dựng vào năm 1484 (được biết khoa thi lấy tiến
sĩ dưới thời nhà Lê có từ năm 1442). Người được vua Lê Thánh Tông và
triều đình giao cho vinh dự soạn thảo nội dung bài khắc vào tấm văn bia lịch sử
này là danh thần Thân Nhân Trung (T.N.T) (1418-1499). Có thể gọi ông là nhà chiến lược giáo dục, có tầm nhìn
thấu suốt lịch sử phát triển sự nghiệp đào tạo nhân tài và xem đó như là động
lực thúc đẩy sự hưng thịnh của quốc gia. Ông đã đúc kết và đưa ra những khái
niệm, nguyên lý về sự đào tạo “hiền tài”, nuôi dưỡng, bồi bổ “nguyên khí” quốc
gia (tức là nội lực, sức sống của một đất nước). Được biết ông không chỉ có sẵn
tài năng về văn học về giáo dục mà ông còn nắm giữ các cương vị rất thuận lợi
để thực hiện trọng trách được nhà vua và triều đình giao phó. Ông là vị đại
thần làm đến chức Thượng thư, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ,
Nhập nội phụ chính. Ngoài ra còn giữ chức Tế tửu Quốc tử giám (Hiệu trưởng
trường đại học quốc gia lúc bấy giờ), được mời vào cung dạy cho các hoàng tử.
Về học thuật, ông là Phó Tao đàn nguyên súy của Tao đàn Nhị thập bát tú mà vua Lê Thánh Tông là nguyên súy. Dưới
đây là đoạn dịch từ bài khắc trên bia (đầu tiên dựng 1484) có nội dung rất hàm
súc và đầy thuyết phục về đạo lý giáo dục… của tác giả T.N.T:
“Hiền tài là
nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí
suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Bởi vậy các thánh đế minh vương chẳng ai
không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm
việc đầu tiên. Kẻ sĩ có mối quan hệ đối với sự phát triển của đất nước. Vì thế
cái ý tôn trọng họ thật là vô cùng…” (Trích
Tuyển tập Văn bia Hà Nội nhà XB KHXH).
Người thế nào được gọi là hiền tài? Văn bia cũng ghi
rõ là người “Lấy trung nghĩa mà rèn cho
danh thực hợp nhau, thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời,
khiến cho mọi người đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết…” (Văn bia năm 1487).
Để đất nước có được những bậc hiền tài, ngoài nổ lực
học tập, rèn luyện, tu dưỡng của bản thân mỗi người, họ còn cần phải có một
hoàn cảnh thuận lợi như văn bia đã viết: “Nhân
tài phồn vinh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo hóa
của thánh nhân” (Văn bia 1487). Cụ thể chính là triều đại thịnh trị thời Lê
Thánh Tông cùng sự quan tâm đặc biệt của nhà vua đối với việc giáo dưỡng, tuyển
chọn sử dụng hiền tài. Như vậy, đến đời Lê Thánh Tông quy mô giáo dục, đào tạo
càng được mở rộng, việc dạy và học cũng như tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ nhân
tài rất được chú trọng. Chính nhà vua đích thân lấy người đỗ tại các khoa thi
đình, cho khắc tên những người đỗ tiến sĩ vào bia đá để tôn vinh lưu danh lại hậu thế như đã nói ở trên.
Đã có nhiều sử liệu nói đến sự nghiệp đào tạo giáo dục
phát triển một cách rực rỡ dưới thời nhà Lê, đặc biệt là ở triều đại Lê Thánh
Tông. Mới đây cuốn “lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” của giáo sư Lê Thành Khôi viết bằng tiếng Pháp, được dịch ra
tiếng Việt vào tháng 8/2014 vừa qua “Đây là lần đầu tiên tác phẩm được coi là
kiệt tác sử học được xuất bản bằng tiếng Việt” (Lời giới thiệu của nhà XB Nhã
Nam và Thế giới)
Sau khi nhắc lại nội dung bài khắc trên Văn bia của
Thân Nhân Trung, tác giả cuốn lịch sử nói trên đã đánh giá rất cao việc phát
triển sự nghiệp đào tạo giáo dục thời Lê Thánh Tông, như sau: “Hòa bình và thịnh vượng kinh tế tạo thuận
lợi cho sự phát triển vô song về văn chương và văn hóa. Trong vòng 900 năm , kể từ ngày mở đầu các khoa
thi dưới triều lý tới khi bị bãi bỏ vào thế kỷ XX, đã có 2325 tiến sĩ trong số có 30
trạng nguyên. Nhưng chỉ riêng 37 năm Lê Thánh Tông trị vì cho ra đời 20% tổng
số tiến sĩ và 30% số trạng nguyên…” (Sđd trang 274)
Nhờ sự kế thừa và phát triển về văn hóa học thuật qua
nhiều triều đại, nhất là triều đại Lê Thánh Tông mà đất nước ta tiếp tục sản
sinh nhiều danh sư, danh nhân văn hóa lớn. Trong đó phải kể đến nhà giáo, nhà
văn hóa, trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thời Lê-Mạc dưới đây:
* Nhà giáo
Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hóa của dân tộc
Nguyễn Bỉnh
Khiêm (NBK: 1491-1585) đỗ thủ khoa thi Hương, thi Hội và thi Đình (Trạng nguyên
năm 1535), nhưng ông không thiết tha với quan trường, miễn cưỡng ra làm quan
(làm quan tại nhà), dù đã về hưu vẫn được phong chức Thượng thu bộ lại tước
Trình quốc công (vì ông giỏi khoa lý học-tướng số nên người đời lấy họ Trình
của hai nhà lý học nổi tiếng Trung Quốc là Trình Di, Trình Hạo để đặt quan hiệu
cho ông). Giới học thuật xem ông là bậc đại sư trong nho học lẫn khoa lý học và
cho rằng ông có thể biết chuyện quá khứ, vị lai hàng nhiều trăm năm sau. Vì
thế, các vua chúa danh gia nhà Mạc, Trịnh, Nguyễn đều phái sứ giả đến xin lời
khuyên bảo, nhìn xa biết rộng của ông. Nhưng
chính kiến về việc trị nước của ông lại rất thực tiễn, thân dân. Ông thường
khuyên các vị vua chúa, lãnh đạo đất nước phải hiểu rõ “Sức dân như nước, dùng nhân để kết mới vững bền” cũng như “Bền nước an dân là việc đầu mối”, người cầm quyền phải được coi như ngọn đuốc “Soi thấu dân đen ở xóm quạnh nhà tranh”…
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là “một tác giả
văn học kiệt xuất” xứng đáng là một “danh
nhân văn hóa lớn của dân tộc” (Từ điển tác gia tác phẩm văn học Việt Nam,
XB ĐHSP 2009, trang 347)
Nhà giáo N.B.K quả xứng danh là một Lương sư đúng như
tên gọi tôn vinh của xử sĩ V.T.T và được môn đệ tôn xưng là “Tuyết giang phu
tử” (vị thầy đáng tôn kính ở bên sông
Tuyết Hàn)
Ở trên là những nhà giáo thuộc hàng danh sư, nhà văn
hóa lớn của dân tộc trong thời bình. Dưới đây xin nhắc đến một nhà giáo, nhà
thơ đã nêu gương sáng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước trong thời kỳ đặc biệt
của lịch sử nước nhà khi quân Pháp xâm lược nước ta. Đó là nhà giáo mù lòa, nhà
thơ tác giả các danh tác như “Lục Vân Tiên”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”…
* Nguyễn
Đình Chiểu, nhà giáo tiêu biểu truyền thống đạo lý dân tộc, và tinh thần yêu
nước…
Nguyễn Đình Chiểu (N.Đ.C) là nhà giáo, nhà thơ, một
chí sĩ yêu nước chống ngoại xâm, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc. Ông sinh
1822 tại làng Tân Khánh huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định và mất năm 1888, thọ 66
tuổi. Ông bị mù trên đường đi từ Huế (nơi Ông đang ôn tập để thi lại khoa thi
Hương 1849) trở về quê để thọ tang cho mẹ. Khi Pháp chiếm Gia Định, ông về ở
Bến Tre dạy học, bốc thuốc cứu người. Đồng thời ông liên hệ, ủng hộ nhóm nghĩa
binh Trương Định đề chống Pháp. Nhà thơ thể hiện nổi đau lòng trước cảnh mất
nước qua bài thơ: “Chạy giặc”: “Bến Nghé
của tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhóm màu mây”. Ông cổ vũ những
anh hùng nghĩa sĩ ra tay cứu dân cứu nước: “Hỡi
trang dẹp loạn rày đâu vắng. Nỡ để dân đen mắc nạn này”… Ông là nhà giáo,
nhà thơ quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác bằng sở trường của mình để bảo vệ,
đề cao đạo lý truyền thống dân tộc. Ông quyết dùng ngòi bút chống bọn gian tà
phản bội đất nước: “Chở bao nhiêu đạo
thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Ngoài các tác phẩm nổi
tiếng như “Lục Vân Tiên”, “Dương Từ Hà Mậu”, “Ngư tiều y thuật vấn đáp”, ông còn sáng tác
rất nhiều thơ văn bi tráng, đề cao tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm ,
trong đó phải kể đến “Văn tế nghĩa sĩ Cần
Giuộc” (1861), thơ văn truy điệu Trương Định (1864), Văn tế nghĩa sĩ trận
vong… (1874)
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà giáo đặc biệt (mù lòa) ở
vào một thời nhiễu nhương, đất nước bị xâm lăng, bằng tài năng đức độ và ý
chí, ông đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước và những giá trị đạo
nghĩa truyền thống của dân tộc.
Trong lịch sử văn học giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, nhà
thơ N.Đ.C đã giữ một vị trí cao quí đặc biệt “Tượng trưng cho nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam và sự nghiệp
văn chương Đồ Chiểu rất đậm đà sắc thái dân tộc và nhân dân, là một cống hiến
xuất sắc cho thời đại, cho dân tộc” (Lời kết luận về N.Đ.C trong từ điển
Tác gia, tác phẩm Văn học Việt Nam, NXB ĐHSP 2009, trag 398)
* Nhà giáo
Nguyễn Tất Thành, người mở đầu sự nghiệp lớn của một vị Thầy dân tộc
Ở cuối thập niên đầu thế kỷ XX, hoàn cảnh đất nước ta đã
sản sinh một nhà giáo đặc biệt, có thể xem là kết tinh của tinh hoa dân tộc,
đồng thời là người mở ra một thời đại mới mà ngày nay vẫn được gọi là thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nhà giáo
trẻ Nguyễn Tất Thành (N.T.T) ở giai đoạn khởi đầu của một sự nghiệp vĩ đại của
lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sau đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy thời gian trực
tiếp đứng trên bục giảng của N.T.T không nhiều, nhưng với nghĩa rộng về thiên
chức, ảnh hường của một người thầy, nhà giáo ấy sau này xứng đáng là vị thầy
chung của nhiều người, của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước trong thời
kỳ giành độc lập giải phóng và thống nhất đất nước.
Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh là sự tiếp nối của một sự nghiệp vĩ
đại đối với đất nước và cả thế giới. Cơ quan Unesco đã từng tôn vinh Hồ Chí Minh
là “anh hùng giải phóng dân tộc, danh
nhân văn hóa thế giới”
Đối với sự nghiệp giáo dục, qua hình ảnh thầy giáo
Nguyễn Tất Thành, Người xứng đáng là một nhà giáo vĩ đại, một “lương sư” góp
phần bồi dưỡng cho nhiều thế hệ “nhân tài - hiền tài” làm phong phú cho “nguyên
khí” quốc gia trong thời hiện đại.
* Một số nhà
giáo yêu nước tiêu biểu của Bình Dương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp –
Mỹ:
Chính cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, người thầy của dân tộc, đặc biệt là tinh thần yêu nước, đã
tác động sâu xa đến nhiều thế hệ thầy cô giáo Việt Nam, trong đó có thầy cô
giáo của quê hương vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn được nhắc đến
tên tuổi một số nhà giáo tiêu biểu hơn cả cho tinh thần yêu nước nói trên qua
hai cuộc kháng chiến của riêng quê hương TDM - BD trong sự nghiệp đấu tranh
giải phóng chung của dân tộc và thống nhất đất nước
1/ Thầy giáo
Chương (1888-1946): Thầy tên thật là
Lê Văn Lương, sinh năm 1888 tại xã Chánh Hiệp, quận Châu Thành tỉnh TDM nay
thuộc Thành phố TDM-BD, học trường tiểu học Nam Châu Thành. Sau khi tốt nghiệp
sư phạm thầy về dạy tại trường cũ, nhận chức hương sư, đồng thời tham gia Hội
truyền bá quốc ngữ, dưới sự hướng dẫn của tổ chức Việt Minh. Đặc biệt, thầy tự
nguyện nhường phần lớn ngôi nhà của mình để
làm văn phòng cho tướng Nguyễn Bình, đặc phái viên của Hồ Chủ tịch, khi đó vào
Nam Bộ lãnh đạo lực lượng kháng chiến (ngôi nhà này hiện nay mang số 730 đường
Cách mạng Tháng 8, phường Hiệp Thành, thành phố TDM). Đầu năm 1946, thầy bị
quân Pháp bắt nhốt khám đường TDM. Tên cảnh sát Iry, biết thầy từng giữ chức
Hương sư, nên ra sức dụ dỗ thầy theo Pháp, nhưng thất bại. Cuối cùng chúng đưa
ra 2 lá cờ một của “mẫu quốc Pháp” và một của Việt Minh, mà chúng cho là phiến
loạn, rồi bảo thầy chọn. Thầy điềm nhiên, cương quyết chọn lá cờ Việt Minh và
nói: “Tôi là người Việt Nam
nên tôi chọn lá cờ của Tổ quốc tôi”. Tên cảnh sát trưởng tức giận, sai tên Cò
Bân (Việt gian) còng tay thầy, mang đi thù tiêu…
Hiện
nay tên thầy được đặt cho một con đường tại trung tâm thành phố Thủ Dầu Một.
2/ Thầy
Nguyễn Văn Tiết (1909-1948): Thầy
sinh 1909 tại xã Bình Nhâm huyện Lái Thiêu tỉnh TDM. Sau khi đậu bằng tiểu học ở
trường Nam Châu Thành, thầy học thêm và đi dạy học. Thầy dự đám tang chí sĩ
Phan Chu Trinh, tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh và hăng hái hoạt động cách
mạng. Tháng 8/1930 đ/c Nguyễn Văn Tiết (N.V.T) được kết nạp vào chi bộ Cộng sản
xã Bình Nhâm và sau đó bị bắt, xử án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Đến 1945 đ/c
N.V.T tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa CM Tháng 8, đến tháng 3/1946 đ/c được
cử làm Bí thư kiêm Thư ký tỉnh bộ Việt Minh. Đ/c cũng là người sáng lập và làm
chủ nhiệm đầu tiên tờ báo “Tiến lên” của tỉnh. Tháng 9/1947, Quân khu 7 chỉ
định đ/c N.V.T làm Tỉnh đội trưởng vừa là Bí thư tỉnh ủy.
Ngày 19/8/1948 đ/c N.V.T cùng đoàn công
tác bị phục kích ở xã Bình Hòa, huyện Lái Thiêu và hy sinh ở tuổi 39 khi tròn
18 tuổi Đảng.
Ngày nay tên Nguyễn Văn Tiết được đặt cho một con đường tại thành
phố Thủ Dầu Một.
3/
Thầy giáo Võ Minh Đức (1914-1983): Tên khai sinh của thầy là Võ Văn Đợi, sinh ngày 01/8/1914 tại An
Thạnh huyện Thuận An tỉnh TDM. Thầy tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học tại Sài Gòn,
về dạy ở TDM, tại trường tiểu học Tân Ánh Mai (ở ấp Bộng Dầu nay thuộc phường
Phú Cường). Sớm chịu ảnh hưởng của tổ chức Đảng Cộng Sản, thầy giáo Đợi bí mật
dự mít tinh phát động hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 23/01/1940. Đến 15/01/1945
đ/c VMĐ được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam và tham gia giành chính quyền
Cách mạng Tháng 8/1945. Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) đ/c được giao
phó các trách nhiệm quan trọng như Chủ nhiệm tỉnh Đảng bộ Việt Minh, UV UBKCHC
tỉnh, UV Chính thức tỉnh ủy Thủ Biên.
Sau 1954, đ/c được phân công ở lại miền Nam và
lấy tên là Võ Minh Đức. Thời kỳ chống Mỹ (1954-1975), đ/c VMĐ đã hoàn thành
xuất sắc các nhiệm vụ được giao như: Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một (1956-1960);
Khu ủy miền Đông Nam Bộ (1966), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng
tỉnh TDM (1974-1975), Thường vụ Tỉnh ủy… Sau ngày đất nước thống nhất, đ/c nhận
các nhiệm vụ mới như Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông
Bé, Đại biểu quốc hội từ khóa VII (25/4/1976), Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Sông
Bé.
Đ/c V.N.Đ đã được Đảng, Chính phủ tặng
thưởng nhiều huân chương cao quí. Ngành giáo dục rất tự hào về thầy, là một
trong những “Thầy giáo đỏ” của tỉnh nhà. Đ/c mất ngày 13/5/1983 và đến năm
1987, Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định đặt tên một trường trung học lớn mới được
xây dựng tại trung tâm Thủ Dầu Một-Bình Dương là trường Trung học Phổ thông Võ Minh
Đức.
Ngoài ra, trong kháng chiến chống Pháp, có
nhiều nhà giáo đã trực tiếp đảm nhận những trọng trách trong ngành giáo dục địa
phương. Trước hết, phải kể đến các nhà giáo như: Phạm Văn Trình giữ chức Trưởng
ban giáo dục tỉnh (1947-1948), rồi Trưởng ty giáo dục (1948-1952); Nguyễn Văn
Đỏ: Phó Trưởng ty giáo dục (1948-1952); Nguyễn Văn Tép: Trưởng ban Hành chính
học vụ; Giáo sư Lê Văn Cẩm: Trưởng ban Tu thư ty giáo dục, Hiệu trưởng trường
Trung học Nguyễn Văn Tố
Trong kháng chiến chống Mỹ, hai trong số
những nhà giáo yêu nước Bình Dương đã anh dũng hy sinh trong lao tù kẻ thù, đã
để lại cho giáo giới và nhân dân địa phương sự cảm phục và lòng thương tiếc sâu
xa là hai nhà giáo Nguyễn Quốc Phú và Trần Bửu Hoàng Châu.
Tóm lại, những nhà giáo vừa được trân trọng
nhắc đến trên đây, dù ở vào các triều đại, cương vị, tầm vóc ảnh hưởng khác
nhau, nhưng có một điểm chung họ đều là những nhà giáo tiêu biểu cho thời đại
của mình. Họ xứng đáng là những “lương sư” góp phần vào sự nghiệp hưng quốc.
“Hưng quốc” ở đây bao hàm ý nghĩa mở mang, xây dựng và bảo vệ độc lập chủ
quyền, hòa bình cho đất nước. Đó là những điều kiện không thể thiếu để cho quốc
gia phát triển và hưng thịnh
Và tất cả sự nghiệp, gương sáng của các
nhà giáo nói trên càng minh chứng một cách đầy thuyết phục về giá trị đúc kết,
khái quát của cụm từ chủ đề: “Lương sư
hưng quốc” vừa được trình bày trong
bài viết này./.
N.H.H (Bình Dương)
* Sách tham khảo
1/ Từ điển Bách khoa Việt Nam TTBSTĐBKVN-Hà Nội từ 1995…
2/ Ngô Đức Thọ (cb) Các nhà Khoa bảng Việt Nam (1075-1919)
NXB VH 1993
3/ Từ điển Tác gia, Tác phẩm văn học Việt Nam, NXB ĐHSP 2009.
4/ Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB T.H TP.HCM
2006
5/ Từ điển Văn học (Bộ mới) NXB Thế giới 2004
6/ Lê Thành Khôi, lịch sử Việt Nam…NXB Nhã Nam-Thế giới 2014
7/ Tài liệu tổng hợp từ nhiều sách, báo khác…
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét