Đào Phạm Thùy Trang
Thuần ném chiếc áo màu lông quạ lên kệ rồi lần lượt
móc túi lấy gói thuốc lá, hột quẹt, điện thoại bỏ ra để tiếp tục cuộc hành xác bên chiếc chảo rang nóng như
Hoả Diệm Sơn. Quần dài áo rộng cởi ra, cởi ra hết. Điện thoại, thuốc lá không
thứ gì để trong người. Chỉ còn có chiếc quần đùi thiếu điều lột luôn mà còn
chưa hết nóng.
Trước kia vợ Thuần làm công nhân xí nghiệp hạt điều.
Cái xí nghiệp ôn dịch liên doanh với nước ngoài ấy mà cũng bày đặt kỷ luật công
nhân nếu sinh con thứ ba. Mà Thuần có muốn sinh ba con đâu. Hai đứa đã lo sặc gạch rồi. Nhưng hai đứa ấy là gái,
vợ chồng chẳng phải làm việc nhà nước nhà non gì nên ráng thêm đứa nữa cho vui
(?). Nhất là nếu được con trai thì còn gì bằng. “Cầu được ước thấy”, vợ Thuần
sinh lần ba được ngay một cục vàng. Chỉ có đều vàng hơi… non nên cứ bệnh hoài.
Vợ sinh con, mất việc, nhà đông miệng ăn vậy là Thuần phải chuyển nghề từ anh
Trưởng ban bảo vệ xí nghiệp hạt điều sang làm nhân công rang muối. Tất cả vì
tiền cả. Một ngày vào ca từ bảy giờ sáng. Hùng hục trong lò suốt tám giờ đồng
hồ. Mỏi rụng cả tay. Mồ hôi như tắm. Tổ bốn con người ấy phải rang cả tấn muối
để nhận lấy một trăm năm chục ngàn đồng mỗi người. Ra ca lúc hai giờ chiều thì
về nhà đánh giấc tới bảy giờ tối rồi dậy xay cá phụ vợ tới mười hai giờ đêm.
Tiếng vù vù… khậc… khậc… của máy xay đã đi vào giấc
ngủ Thuần như không khí thấm vào cơ thể người vậy.
Là rang muối nêm cho mì tôm ấy mà. Cơ sở đặt hàng với
mấy xí nghiệp đông lạnh cá. Nạc cá philê rồi còn da, đầu, xương, dăm… thì cơ sở
rang muối nhận về chia nhỏ cho các “vệ tinh” sơ chế trước khi lên chảo rang.
Người ta nào giờ ăn mì cứ tấm tắc khen ngon. Mì Cống Chúa gì đó càng ngon; mì
Gấu Đen gói nêm sao mà ngọt thế. Mì bình dân Lá Tre sao cũng đậm đà quá… vắt mì
đều như nhau thôi. Nhưng cái ngon tất cả là nhờ gói nêm. Mà gói muối nên ngon
phải tuỳ vào mấy anh thợ rang muối. Lửa đuợm, muối thơm không sống không khét
thì mì ngon. Nhưng ai biết được muối, bột ngọt là phải lấy hàng tồn kho (mới rẻ
chứ). Ớt làm gì được ớt tươi ngon mà xay nào? Toàn ớt úng, thối, đốm trắng không
đấy! Nhưng lên chảo lửa rồi, vi trùng cha, vi khuẩn con, vi rút ông cháu gì đều
chết sạch, lo gì. Tiêu hả? Làm gì có tiêu hột, tiêu sọ mà làm? Toàn dùng chành
tiêu không đó! Nhưng được cái sắc đen đen và mùi thơm thơm. Cũng “tiêu” chán.
Còn nguyên liệu chính cho gói muối ngọt,
mỡ váng cứng trên miệng tô là bột cá. Thì đã nói rồi. Hầm bà lằng các bộ
phận của cá (trừ nạc) cứ xay nhuyễn ra. Đố ai biết được.
Hai đứa con gái của Thuần mạnh khoẻ và học khá. Lớp 3,
lớp 5 mà một buổi đi học, buổi còn lại biết phụ mẹ xay cá. Bởi vậy nên thời
gian này Thuần có thêm thời gian đi cưa củi cho lò rang. Những mẫu vườn điều
người ta đốn bỏ. Một phần vì quá già cỗi, phần vì điệp khúc “thất mùa trúng
giá- trúng mùa thất giá” làm nông dân mình xoay không kịp. Đốn điều bỏ, găm vào
đó mớ cao su. Quanh quẩn ba năm vừa đánh đề vừa ăn cưới thì cũng tới lúc cao su
“mở miệng”. Cao su mở miệng là coi như nông dân mở túi đựng tiền chứ không cực
khổ như trồng tiêu, trồng điều. Chạy sấp chạy ngửa mà cuối cùng cũng “tiêu
điều” vì nó.
Cây điều sớ gỗ không suôn như tràm vàng, bạch đàn,
mít. Tạo hoá như đánh đố con người. Gỗ điều cứ xoắn theo vòng đùa giỡn của ông
trời vậy. Nên phải cưa ngay khi còn tươi. Chứ để héo rồi thì mất sức thợ cưa
lắm. Vậy là ra ca rang muối thì xách cưa sang vườn điều. Còn trẻ mà không ráng
làm việc thì về già lấy chi nhờ? Chỉ tội nhất chú Bán cùng tổ rang với Thuần đã
ngoài sáu mươi mà cũng phải làm việc theo “thời khoá biểu” của mấy con trâu
điên trẻ tuổi sung sức này. Trong tổ rang, chú Bán chỉ có việc duy nhất là chụm
lò và kềm xửng. Khi muối “tới” thì ba anh em móc chảo đổ sang xửng, chú chỉ
việc phụ một tay kềm cho xửng khỏi bị lệch mà cứ hay than đau lưng. “Làm in ít
thôi mấy con ơi. Tuổi trẻ lấy sức khoẻ đi kiếm tiền, tuổi già lấy tiền đi mua
sức khoẻ đó mấy con à!”. Chú Bán hay càm ràm vậy. Mấy anh em cười xoà “Tuổi trẻ
không làm thì lấy gì ăn để sống tới già hả tía?”. “Đời người ăn để sống chứ
sống để ăn hay sao mấy con ơi”. “Chú thì ăn để sống chứ con nít của tụi này
thì… sống để ăn thôi”. “Bởi vậy nên tao đâu thèm lấy vợ!”. “Hèn gì! Bởi vậy nên
gần bảy chục tuổi rồi mà chú vẫn còn zin chứ gì!”. “Ừ”. “Zin hay bị cọp xơi từ
tám hoánh rồi nên hổng dám lấy vợ dzậy bố già?”. “Đứa nào không tin tao lấy cho
coi! Coi còn hay mất nghen!”. “Thôi… thôi tụi con lạy tía. Coi của tía rồi chắc
ám ảnh suốt đời tụi này luôn quá!”. Một trận cười vỡ tan vòm họng. Mồ hôi khô
nhanh theo những tràng cười để chảo muối khác được nhắc lên.
Chủ lò rang bỏ tiền mua vườn điều. Mướn người khác cưa
mang về lò. Thuần xung phong việc cưa củi vì có hai cái lợi. Được thêm tiền
công mà còn được lượm nhánh nhóc bán cũng khá tiền. Mỗi thước củi hai người cưa
được trả bốn chục ngàn. Cứ củi bằng cườm tay trở lên thì lấy. Ai có vợ con đi theo
róc nhánh nhỏ, bán mớ, bán đống cho mấy bà quán ăn cũng khá.
Thuần quay bên trái, muốn dang tay ra thì đụng con bé
Xíu. Nhưng tay Thuần mỏi quá. Quay bên phải trúng con bé Tí. Thôi thì vung lên
không trung. Những khớp xương kêu rôm rốp. Chiếc giường tre mét tư đung đưa như
gặp bão dưới sức nặng của ba cha con và lực vung tay của Thuần.
- Mỏi quá em à… con nó ngủ chưa, giần giùm anh chút?
- Chưa. Vẫn nhai vú mẹ nhanh nhách. Hai hôm nay nóng
sốt, không biết sốt gì mà cứ đeo dính mẹ.
- Chết chưa? Rồi có mua thuốc cho con không?
- Ban nóng ho, giấp cá đâm nát đắp đầu, lau rượu… ai
bày gì em đều làm hết mà chưa hết nóng.
- Có bỏ ăn, khóc lóc gì không?
- Ăn ít, bú nhiều nhưng không khóc. Chắc mọc răng mọc
xương gì đó…
- Em đừng chủ quan, mùa nắng con nít dễ bị bệnh…
- Chủ quan gì đâu anh… Tại nhà hết tiền ba hôm nay
nhưng em chưa kịp nói với anh…
- Sao không nói? Mà…
Thuần định nói “mà em ráng vài bữa” nhưng nghe giọng
vợ mềm quá. Vợ Thuần được mọi nết, đảm đang, giỏi giắn, chịu cực khổ nhưng
giọng oanh vàng thì cứ luôn xăng xẳng với chồng mỗi lúc có tiền. Còn lúc không
tiền thì mềm như vậy đó. Biết ý nhau thì cố mà lo tiền, chứ để đổ lệ thì coi
như sập nhà chứ chẳng chơi.
***
Ông chủ lò xăng xẳng chửi:
- Công ty nó trả ba tấn muối về kìa! Mấy thằng bây
liệu mà ăn cho hết nghen! Tao nuôi tụi bây suốt ngày chỉ có ăn và rang muối mà
làm cũng không xong. Tổ nào, tổ nào rang muối cát rồi đổ chung vào? Tổ thằng
Thuần hay thằng Tín, thằng Hoan? Bà mẹ tụi bây! Một tấn muối là chục triệu của
tao mà tụi bây “đẩy” một lúc ba tấn. Tổ nào mạnh dạn chịu thiệt thì tao tính
cho. Chứ chối là tao đuổi hết, đuổi hết cho tụi bây đói thấy mẹ luôn!
Tổ Thuần thừa
biết đó là lỗi của ai. Nhưng quả thật không ai dám nhận. Bạc chục triệu chứ ít
ỏi gì! Bán đến món tài sản cuối cùng trong căn nhà tình thương của Thuần cũng
không đủ đền năm trăm ký muối chứ nói gì ba tấn? Hôm ấy đang vào ca rang thì vợ
Thuần báo tin con trai sốt đến co giật, phải đi bệnh viện. Thuần buông rơi cây
dầm rang. Cát từ nền văng lên chảo. Bây giờ con Thuần vẫn ở viện. Vợ nhắn đem
thêm tiền nhưng chưa đào được ở đâu ra. Cả tổ im thin thít như đồng cảm với nỗi
lòng của Thuần.
Ông chủ đi đâu một lúc rồi vào bảo ngày mai đóng cửa
lò rang. Bốn con người thất thểu vắt hững hờ mấy mảnh vải nhàu nát mồ hôi lên
vai ra khỏi vùng Hoả Diệm Sơn mà lòng như lửa đốt.
Ba ngày trôi qua. Thuần chưa một lần dám nhìn mặt vợ con.
Mặc cảm tại mình đẩy gia đình đến nông nỗi này làm Thuần muốn khóc. Ba ngày
nay, hai đứa con gái phải đẩy từng xe củi nhánh điều đi bán rong ở các quán ăn,
quán cà phê để có tiền cơm gạo cho cả gia đình. Vợ Thuần trốn viện vì không còn
tiền- dù chỉ để mua hộp sữa cho con.
Mặc cảm hèn hạ dấy lên trong lòng. Sao mình làm mà
không dám chịu? Thì cứ để ông chủ “bắt đền” bằng cách trừ lương đi. Dù sau cũng
chỉ mình mình chịu. Chứ chú Bán và hai thằng bạn cùng tổ kia có tội tình gì?
Nhưng phải đi “xưng tội” á? Thuần không phải con chiên, cũng không phải là con
nít. Làm sao có thể xưng tội được.
Mưa. Những cơn mưa không biết là mưa cuối mùa rào rào
ra rả dịu dàng quá. Tiếng mớ của con trẻ ú ớ trong trẻo bên nách. Tiếng vợ à ơ
thằng bé nhỏ giường bên. Rồi tiếng thở dài khe khẽ và giọng mềm như lụa của vợ
(nhưng làm Thuần phát sốt vì sợ).
- Anh à… mình cũng phải tìm việc gì làm chớ… nhà hết
củi để bán rồi.
- …
- Phải có hai vợ chồng thì… nhịn ăn cũng được. Còn ba
đứa nhỏ làm sao? Lại học hành, tập vở, đau bệnh…
-…
Thuần vùng dậy đi về phía đầu đường – nơi căn nhà
khang trang của ông chủ lò rang hiện diện.
***
Ông chủ cười vỗ vai Thuần:
- Đang định sáng mai qua nhà chú mày! Nghỉ xả hơi vài
bữa chứ nghỉ luôn sao mậy?
- …
- Thời buổi bây giờ sao mà tìm nhân công khó như đào
vàng. Có mấy thằng tới xin rang mà nhìn cái tướng ẻo uột đầu vàng đầu đỏ rồi kè
kè điếu thuốc trên tai, điện thoại rên rỉ trong túi mắc ghét! Tao đuổi hết! Chỉ
chờ tụi mày thôi. Kêu tổ thằng Tín, thằng Hoan luôn nghen! Tuần sau phải giao
ba chục tấn đó!
Thuần gật đầu lia lịa thay lời cảm ơn. Ông chủ móc túi
ra một xấp tiền:
- Đem về cho mấy nhỏ! Mấy bữa nay nghe nói nó đi bán
củi? Tội quá. Mình làm cha mẹ, cực khổ gì cũng được chứ con còn nhỏ vậy tội lắm
mày…
Mắt Thuần tí tách ánh lửa reo. Phảng phất đâu đây mùi
muối rang thơm nức.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Truyện Bạn viết chân chất mà vốn sống thì ngồn ngộn.Tuyệt quá!HHT
Trả lờiXóa