Cánh
màn nhung đã khép, buông rũ, lặng lẽ. Anh đèn vàng vọt hắt bóng buồn tênh. Phía
trước, hàng hàng lớp ghế ngồi trống không. Mấy cây quạt trần đứng yên, trầm tư
nhìn xuống. Trên thềm xi - măng lạnh tanh, những mảnh giấy gói kẹo, xác mía, vỏ
hạt dưa, miếng ổi gặm dở nằm vương vãi khắp nơi. Dấu tích khán giả để lại sau
một cuộc mua vui trong nhà hát. Họ mang niềm vui đi rồi, quanh đây, giờ chỉ còn
lại nỗi buồn da diết, lan tỏa, tràn ngập.
Phía
sau tấm màn nhung, hậu trường vắng lặng vô cùng. Nghệ sĩ đã ra về. Gương lược,
phấn son la liệt, hỗn độn trên bàn trang điểm... Mọi thứ gợi buồn se sắt, đau
thương.
Hương
Thu đứng yên ngắm nhìn và khóc. Cô đắm chìm trong tiếc nhớ xa xăm. Quá khứ tựa
vó câu qua song, thoảng chốc đưa Hương Thu về thời con gái tươi đẹp với những
thành đạt bất ngờ.
Ngày
ấy, Thu chỉ là một cô gái nhỏ vùng sông nước quê mùa. Thu lớn lên và sống bình
dị bên ba mẹ. Hằng ngày, sáng sớm, Hương Thu phải đưa ba mẹ qua sông bằng chiếc
thuyền con. Mấy công ruộng của gia đình Thu nằm bên kia bờ. Thu yêu làm sao
những lúc lênh đênh trên sóng nước. Thuyền lững lờ trôi. Mây trông thấy, tinh
nghịch đuổi theo. Thu khua nhẹ mái chèo, sóng dồn lên, chụp lấy ánh hồng vừa
hé, mơn man mặt nước. Mặt trời còn mơ ngủ, đỏ lừ trên cao. Sương nấn níu chưa
chịu tan quanh hàng cây nằm dọc bên bờ, lóng lánh, mát lạnh, gợi chút se se
buôn buốt đầu đông. Xa xa, thuyền ai xuôi ngược! Vẳng đưa câu hò ngọt lịm, gợi
cảm dạt dào:
Hò ơi... Ôi thôi rồi!
Thuyền về Đại Lược, thuyền ngược Kim Long.
Tới đây chổ rẽ của đôi lòng, gặp đây còn biết
Trên sông bến nào... ơ hờ.
Nhất
là vào những ngày mùa, bến sông càng vui hơn. Thuyền nào thuyền nấy đầy ắp lúa
chín vàng rực, thơm lừng. Ai cũng phấn khởi, sung sướng. Câu hò, điệu hát mang
âm điệu rộn ràng:
Hò ơi... thuyền anh đầy ắp lúa vàng
Thuyền em chở khẳm ánh trăng đêm rằm
Em ơi... hẹn tới cuối năm
Anh xin cha mẹ... Ơ hờ, anh xin cha mẹ cưới nàng cho anh.
Những
câu hát đẩy đưa, trêu ghẹo bâng quơ thế mà tô đậm nét đẹp quê hương, làm xao
xuyến lòng cô gái tuổi dậy thì.
Có
lần, khi còn lại một mình trên xuồng ba lá, Hương Thu đánh bạo cất giọng hò:
Hò... Hớ... Hơ... Thuyền em lờ lững trên sông
Chờ người lữ khách ngược dòng sông xưa
Trăng tàn, bến lạnh, sương thưa...
Người ơi có biết? Sao chưa thấy về!...
Vừa
dứt câu, âm ba giọng hò còn ngân dài, mênh mang mà đã có ai đó buông lời trêu
ghẹo:
Hò ơi... nầy cô em nhỏ kia ơi...
Có anh bên cạnh còn đợi người phương xa
Mơ chi trai chốn phồn hoa
Ta về ta tắm ao ta cho rồi...
Hương
Thu vừa buồn cười vừa tức lý, cô liền cất giọng trả đũa:
Hò hớ... hơ... chẳng phải em chê ao nhà nước đục
Nhưng, tính anh... kỳ cục quá anh ơi...
Mở miệng ra anh nói nặng lời...
Hò ớ... thôi thì đành để cho đôi chân mỏi...
Hò hớ, đành để đôi chân em mỏi mà cái lỗ tai em nhẹ nhàng...
Hò
xong, Hương Thu định chèo rảo về nhà thì có tiếng gọi lại:
-
Cô ơi, cô!
Quay
ngang, Hương Thu bắt gặp một chiếc xuồng vừa trờ tới. Tú Đờn và một người đàn ông lạ đang ngồi trên đó. Cả hai
cười vui vẻ. Tú Đờn chắc lưỡi:
-
Cô hò hay quá mà giấu nghề ta ơi!
Thu
lúng túng đáp:
-
Ơ, tui... hò bậy bạ vậy mà hay hả anh Tú? Anh đi đâu vậy?
-
Tui đưa chú Ba lên xóm trên có chút việc. À, chú Ba đây là trưởng ban nhạc của
đoàn Hoa Hướng Dương đó cô Thu.
-
Vậy sao! Mèn ơi! Cháu thích đoàn của chú lắm đó chú.
Người
đàn ông vui vẻ bảo:
-
Cám ơn cô, giọng hò của cô hay lắm. Vừa ngọt ngào, vừa dí dỏm, duyên dáng. Cô
mà ca vọng cổ chắc phải hay lắm. Nếu chịu tập luyện thì sẽ không thua ai hết.
Cô có thể thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Cũng
vì lời nhận xét đầy hảo ý ấy, Hương Thu bắt đầu mơ mộng xa xôi. Cô tưởng
tượng mình được mặc áo đẹp, đứng giữa
ánh đèn màu rực rỡ, trước bao cặp mắt hâm mộ. Nên khi đoàn Hoa Hướng Dương ghé
lại chợ huyện diễn tuồng, lúc họ rút lui, Thu lén trốn theo gánh hát. Dù Thu
vẫn nhớ câu nói nghiêm ngặt của người xưa:
Trồng trầu trồng lộn với tiêu
Con theo hát bội, mẹ liều con hư.
Thu
cho rằng, ai đó chắc không ưa nghề ca hát nên đã thốt ra như thế, chớ chẳng lẽ
tất cả những ca sĩ, nhạc sĩ đều hư hết hay sao? Nói gì thì nói chứ Thu chỉ thấy
dân chúng mê nghệ sĩ như điếu đổ. Tên tuổi một nhân vật lịch sử và ngày tháng
họ dựng nên những trang sử lẫy lừng chưa chắc những người bình dân nhớ được.
Nhưng, ngày tháng sinh đẻ của nghệ sĩ , tên vợ, tên chồng của diễn viên và tất
cả những cuộc tình của họ, người ta nhớ không sót một chi tiết. Dù vậy, Thu vẫn
không dám xin phép cha mẹ để đi hát. Cha mẹ Thu là những người chất phác, hiền
lành. Họ sống với nương rẫy. Quanh năm, suốt tháng chỉ lo làm lụng nuôi đàn con
dại. Niềm vui, nỗi buồn của họ phụ thuộc vào thu hoạch cao hay thấp, lúa đầy bồ
hay cửa nhà trống hoác, chẳng có hạt thóc nào. Đói no, ấm lạnh chi phối họ suốt
đời. Thỉnh thoảng, có gánh nào ghé qua, cả nhà kéo nhau đi xem hát đã là vương
giả lắm rồi. Còn chuyện cho phép một đứa con, mà lại là con gái, đi theo đoàn
hát thì quả là phiêu lưu, mạo hiểm. Một việc chưa bao giờ họ nghĩ tới.
Vì
vậy, Hương Thu đã lén ba mẹ trốn theo... đoàn hát. Thu cố gắng học hỏi, vượt
mọi khó khăn ban đầu và đã thành công.
Đêm
nào, tuồng nào có Hương Thu góp mặt thì được khán giả nhiệt tình ủng hộ. Làm
sao Hương Thu quên được những ánh mắt ngước nhìn chăm chú, những cặp môi hé mở
như uống lấy từng lời ca tiếng hát của Hương Thu. Thỉnh thoảng họ kêu lên: “Hay
quá!”, “Ca mùi quá mạng!”. Trên sân khấu, trong ánh đèn màu, Hương Thu biến
thành một người khác. Sang trọng, kiêu kì hoặc nghèo nàn, hiền dịu. Qua vai
diễn, Thu điều khiển cảm xúc của mọi người như một cô tiên có chiếc đũa thần
như ý. Khán giả cười khi Hương Thu cười. Khán giả khóc khi Hương Thu sụt sùi,
rơi lệ. Họ căm phẫn khi Hương Thu độc ác. Họ đau khổ khi Hương Thu bị hành hạ.
Họ thở bằng hơi thở của Thu. Và, ngược lại, Thu sống nhờ vào lòng ngưỡng mộ,
say mê của khán giả. Hương Thu cảm thấy mình đã chinh phục được đám đông. Và,
nỗi vui lên đến mức tuyệt đỉnh khi có một hiện tượng lạ xảy ra.
Cứ
mỗi đêm, sau khi diễn, tan hát, Thu nhận được một đóa hoa hồng nhung của một
người lạ, giấu mặt. Không phải một bó mà chỉ có một cành duy nhất. Nhưng tuyệt
đẹp. Cánh hoa tươi mượt mà như nhung. Màu đỏ thắm cứ như máu tim ai đó len nhẹ,
hòa nhập vào lòng Thu rồi luân lưu khắp cơ thể. Nó tạo thêm sức mạnh cho Thu,
góp hơi ấm cho tiếng ca, giúp Hương Thu xuất thần khi diễn.
Chẳng
biết ngày xưa chàng Trương Chi xấu đến mức nào mà tiếng sáo của chàng không còn
gây xúc động khi Mỵ Nương diện kiến. Còn Hương Thu, cô rất xấu, điều này ai
cũng biết. Mỗi nét trên gương mặt Thu là một đường vẽ vụng về của tạo hóa. Cặp
mắt bé tí nhưng mũi lại quá to. Nó choáng giữa khuôn mặt Thu một khoảng khá
lớn, đôi môi dầy, nhợt nhạt. Vì vậy, dù hát hay, diễn giỏi, Hương Thu vẫn còn
cô đơn, chưa có ai ngỏ ý cầu hôn. “Đóa hồng” xuất hiện, như mật ngọt rót vào
lòng Thu niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thu chơi vơi trong cảm xúc mới lạ xao xuyến
dị kỳ. Lúc đoàn chuyển đi tỉnh khác để tiếp tục lưu diễn. Thu cứ tưởng cô sẽ
phải xa “đóa hồng nhung” của cô. Nhưng, thật bất ngờ, từng đêm, đóa hoa cứ đều
đặn đến khi cánh màn nhung vừa khép. Trong đoàn, ai cũng thắc mắc, họ đoán già,
đoán non về chủ đóa hoa. Họ giục Thu tìm hiểu xem ai nhọc lòng dữ vậy? Thu cứ
tảng lờ và ra vẻ chẳng quan tâm. Thật ra, mỗi khi cánh màn nhung khép lại, vãng
hát, Thu háo hức chờ hoa như trẻ thơ chờ quà bánh. Thu chẳng dám tìm kiếm, cô
sợ giáp mặt với sự thật. Biết đâu, mình sẽ lại là một Trương Chi xấu số. Người
ta thường bảo: “Tình yêu trông xa như hạt kim cương. Nhưng khi đến gần thì chỉ
là giọt nước mắt”. Thu vừa mong ngóng vừa muốn chạy trốn. Cuối cùng, chủ đóa
hoa cũng xuất hiện trong một tình huống khá ngộ nghĩnh. Đứa bé “Sứ giả” hôm ấy
thay vì mang hoa đến tặng Thu lại chạy ào vào hậu trường kêu cứu:
-
Cô ơi! Chú gì đó... bị người ta đánh ghen lầm.
Chưa
kịp thay quần áo, Hương Thu chạy vội ra đường với bộ cánh của một nàng công
chúa. Thu chỉ kịp nhìn thấy gương mặt sưng húp của người ấy thoáng qua khi xe
cứu thương vụt chạy. Thu đứng trơ vơ giữa phố khuya, lòng nhói đau lúc bỗng
thấy đóa hoa hồng dập nát bên đường.
Nhưng,
sau đó, người ấy đã tặng Hương Thu trái tim cháy bỏng yêu thương của mình. Và,
Thu cũng hiến dâng cả cuộc đời lẫn vinh quang để đánh đổi. Hai người làm lễ
cưới xong, Thu theo chồng về xứ lạ. Bắt đầu cuộc sống mới mẻ là làm vợ, làm một
người bình thường.
Tuần
trăng mật qua mau. Vị ngọt mất dần rồi chuyển sang đắng ngắt. Trong hoàn cảnh
mới, Thu trở về con người thường nhật. Thu sống giản dị, không son phấn lụa là.
Thu cặm cụi, vun vén hạnh phúc, chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ cho chồng. Thu
chỉ vui khi chồng vui, buồn cái buồn của chồng. Có lẽ, nếu chồng cần, Thu sẵn
sàng chết. Người chồng dường như không nhận ra tấm lòng của vợ. Anh sống như
đang xem một vở tuồng hạnh phúc gia đình. Trong đó, ngoài Thu, anh còn được một
vai diễn. Có phải vì sung sướng quá, con người dễ hư hỏng, đổi thay? Anh quên
Thu đã rời bỏ sân khấu để về với mình. Cô hy sinh tiếng tăm, đánh đổi những
tràng pháo tay, những câu khen ngợi để trở lại hạnh phúc đời thường. Bây giờ,
anh đi tận khuya và thường trở về với cái hơi men sặc sụa. Rồi một lần trong
cơn say, anh đã thét vào tai Thu:
-
Hương Thu đây sao? Một mụ đàn bà xấu xí! Trời, sao tôi lại điên khùng đến thế
không biết? Sao tôi lại có thể cưới cô ta?
Hương
Thu nhận ra sai lầm của mình. Chỗ của cô là ở sân khấu, trên sàn diễn, dưới ánh
đèn màu. Ở đó, Thu có thể phô diễn tài nghệ, năng khiếu độc đáo của mình bằng
giọng ca đầy chất quyến rũ. Ở đó, Thu mới có thể khẳng định lại giá trị của
chính mình bằng lối diễn nhập vai, xuất thần. Ở đó, son phấn sẽ tô điểm nét mịn
màng trên làn da, màu xanh lên mắt, màu hồng lên môi. Ở đó, ánh đèn khi mờ khi
tỏ đã che phần nào vẻ thô kệch trên dáng dấp. Và, ở đó, còn có tình yêu đồng
nghiệp thiết thân vây bọc, chở che. Họ yêu thương Hương Thu chân thành và họ
cũng mong đợi Hương Thu thành công như mong cho chính họ. Mọi người lúc nào
cũng nương tựa vào nhau mà sống. Vậy mà Hương Thu đã bỏ chốn đó, mặc kệ sự hưng
hoặc suy, mạnh yếu của đoàn để ra đi. Cô chụp lấy hạnh phúc, tình yêu như người
ta chụp lấy khí trời để thở. Tiếc thay, Hương Thu vớ phải một quả bóng bay dễ
vỡ. Hạnh phúc tan nhanh. Và quanh cô, bây giờ, tình yêu đã biến thành một hồ
nước mắt không vơi.
Biết
chồng có vợ lẽ, Hương Thu bỏ nhà trở lại đoàn hát. Thu muốn tìm về chỗ đứng của
mình. Nhưng đã muộn. Trong đoàn, giờ đây, nhiều tài năng trẻ xuất hiện. Họ có
thế mạnh là cái xông xáo của tuổi trẻ. Họ năng nổ, ham học hỏi, có nhiều đột phá
trong cách diễn và sáng tạo khi cất giọng ca. Ngoài ra, họ còn có một lợi thế
mà Hương Thu không có. Đó là nhan sắc. Những cô đào trẻ đẹp như đóa hoa hồng
nhung tươi mơn mởn ngày nào. Chớ đâu như Thu, tuổi già ngấp nghé tới. Chất
trong trẻo của tiếng hát giảm sút rồi. Làn hơi dường như ngắn lại, thiếu sức
thuyết phục. Khán giả đã quên Hương Thu rồi. Và, bây giờ, Hương Thu chỉ được
đóng những vai phụ, già nua, xấu xí.
Dù
được anh em nghệ sĩ thương yêu, đùm bọc, Hương Thu vẫn cảm thấy khổ sở, đau
đớn. Cô co lại và gục ngã bên nỗi đau bất tận của mình. Đêm đêm, Hương Thu chờ
đợi cánh màn nhung khép lại. Mọi người về hết. Cô loanh quanh sân khấu, nhìn
ngắm nhà hát về khuya. Hương Thu tìm kiếm quá khứ và đóa hồng nhung mà mình đã
đánh mất từ dạo ấy.
N.T.M (Trà Vinh)
Giàu kịch tính, ảo và thật cách nhau mong manh quá.
Trả lờiXóaTất cả đều vô thường.
Mây cám ơn anh rất nhiều. Mến chúc anh luôn khỏe và ý thơ dào dạt nha.
XóaNhững câu hò rất Huế, hát tuồng cho vua chúa nghe..Các tố chất này đã nói lên sự am hiểu của tác giả về giá trị văn học xưa và nay rất sâu sắc. Cấu trúc truyện tác giả đã cho chúng ta tìm về những câu ca dao, tục ngữ Việt rất tế nhị mà hàm súc như: "Đứng núi này trông núi nọ", "Bỏ cá chọn canh", "Yêu hóa mù" ...rất là trải nghiệm...Chuyện ngắn nhân văn, đầy biểu cảm, tính sắc không rõ ràng, đậm nét. Cảm ơn cô Mây đã cho chúng ta một chuyện ngắn tuyệt vời.
Trả lờiXóaMây cám ơn nhà thơ Trường Thắng rất nhiều. Lời khen của anh khiến người viết hạnh phúc vô cùng. Mây sẽ cố gắng hơn để xứng với lời anh khen .Mến chúc anh luôn vui, khỏe nha anh. Trân trọng!
Xóa