VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC
“NỖI BUỒN PHA LÊ” – THƠ TRƯƠNG NAM CHI
Những lúc bứt thoát được những hệ lụy cuộc sống, tôi chỉ thích được lang thang
lên mạng, mong bắt gặp một câu thơ, một dòng văn nào đó gần gũi với tâm trạng
để ru dỗ mình bằng những phút giây đồng điệu.
Sự đồng điệu chẳng dễ gì gặp gỡ
trong hiện thực quá ư chộn rộn chuyện cơm áo gạo tiền. Thường những lúc vậy,
tôi hay lêu bêu vào trang giới thiệu tác phẩm mới của Tủ sách Văn Tuyển, một
trang mạng thuần túy văn học .
Và rồi chiều nay… bắt gặp ở đây một
thi phẩm mới toanh, mang cái tựa đề nhè nhẹ miên man: Nỗi Buồn Pha Lê, của nhà
thơ Trương Nam Chi.
Tên của Người, tên của thi phẩm và
thể thơ Lục Bát, gần như cùng một lúc xui giục cú kích chuột.
Vốn rất thích thơ Lục Bát, một dạng
thức thi ca hoàn toàn Việt, là của người Việt, và hầu như chưa bị tác động,
biến đổi gì nhiều trong dòng chảy thi ca đang ngồn ngộn tiếp nhận nhiều trào
lưu thơ hiện đại, nên cái quốc hồn quốc túy luôn chảy xiết trong lòng câu thơ
Lục Bát từ xa xưa cho đến bây giờ. Dù rất nhiều nhà thơ từ thế hệ này sang thế
hệ khác trên thi đàn Việt, dày công vận dụng thi tài của mình để cải cách, nâng
cao tính nghệ thuật cho thứ ngôn ngữ trực quan, giao tiếp nhưng mang đầy âm
điệu, nhạc tính rất riêng biệt của người Việt. Dẫu vậy, trước bao nhiêu biến
tấu tài hoa của bao thế hệ thi nhân, thể thơ sáu - tám vẫn giữ được nguyên vẹn
hình hài vốn có của nó, vẫn là thứ phương tiện gần gũi thân quen để người làm
thơ chuyển tải tâm cảm đến với người yêu thơ, từ Tâm đến Cảnh.
Dĩ nhiên, với những lợi thế ấy, thơ Lục Bát đã được nhiều, rất
nhiều nhà thơ chạm vào nên cũng dễ bị “bình dân hóa”, sáo mòn, cũ kĩ… nếu nhà
thơ không bị rù quyến thật sự để gởi gắm hết hồn vía và luôn làm mới nó.
Trở lại với tập Nỗi Buồn Pha Lê, từ
cú kích chuột đầu tiên, dòng đầu tiên, trang đầu tiên của Nỗi Buồn Pha Lê, tôi
hơi bị giật mình:
Bớ
Hồn con chữ
Bơ vơ
Về đây
Xích lại
Cho thơ gieo vần…
(Gọi
hồn)
Mới ghé vào, mới đặt nửa bàn chân vào cõi thơ của Trương Nam Chi,
là chạm ngay một lối cấu trúc khá đặc biệt, mới mẻ và một cảm giác khắc khoải
thống thiết của người đang cầu hồn, cái hồn vía chữ nghĩa.
Phải thừa nhận rằng cái hồn vía chữ
nghĩa trong thế giới thơ hôm nay đang bị loãng tan mờ nhạt, bởi sự xâm thực của
đời sống lệch nghiêng về phía quá thực dụng.
Sự tâm cảm giữa một người viết và một người đọc, có lẽ là cốt lõi
thành công hay thất bại của một thi phẩm. Và tôi, người đọc.
Người đọc thì bao giờ cũng muốn tìm thấy cái cảm xúc thật, trong
mong muốn, ước ao tìm thấy phần hồn qua xác chữ. Sự đồng cảm ấy cũng đã xúi
giục tôi bước đi tiếp đến tận cùng 99 bài thơ trong Nỗi Buồn Pha Lê.
Đọc từ đầu đến cuối, rồi lại đọc… và… đọc, tôi đọc đến lần thứ ba
và không thể không viết vài dòng cảm nhận khi tìm thấy cho mình một khoảng lặng
đầy suy tư:
Trong bài Chiếc
Lá, viết theo dạng thơ tứ tuyệt, chỉ bốn câu, bằng dung lượng của một bài
hài cú, cũng đầy đủ yếu tố chiêm nghiệm và giải quyết rốt ráo tâm ý và tâm cảnh:
CHIẾC LÁ
Ước là chiếc lá
Đong đưa
Mặc trời sáng
Nắng
Chiều mưa
Cũng đành…
Tháng ngày lấy biếc
Làm
Xanh
Lấy sương
Giữ
Nét long lanh
Dâng
Đời.
Hay những nét phác họa chân dung rất lạc quan của Trương Nam Chi
trong Cời lửa có thể trở thành một bài học cần thiết
cho những người không dám trút bỏ thân phận nỗi
buồn pha lê, trong veo, trắng ngần và dễ vỡ:
U buồn thổn thức
Gọi tên
Người đem xâu chuỗi
Phơi
Trên tro tàn
Mình tôi lóng ngóng
Cời than
Khơi lên đốm lửa
Dập tan muộn phiền.
(Cời lửa)
Dung dị, mộc mạc nếu không nói là rất đơn giản trong sử dụng ngôn
ngữ, vậy mà câu thơ đã nói hết, nói bằng hết, nỗi buồn sâu thẳm của tác giả
trong hình ảnh rất đơn độc u uất một người, một mình ngồi cời than. Lan man
trong trầm tư liên tưởng hình ảnh, tôi cũng bị rơi vào một không gian hun hút
cô độc đến kì lạ.
Và cũng chính trong bức tranh tưởng chừng rệu rã ấy lại ẩn chứa
bản lĩnh vượt thắng “… khơi lên
đốm lửa / dập tan muộn phiền…” của
bậc trí giả.
Tôi không biết tiểu sử, không biết cuộc sống của Trương Nam Chi,
nhưng qua tập thơ này, tôi cảm nhận chị phải trải qua nhiều thăng trầm trong
đời thực mới nhận thức được cái chân lý bất biến là vô ưu, để cân bằng được nội
tâm với khách thể.
Nhà thơ cũng đi trước cuộc đời mình
một bước, vượt qua được cảm tính thông thường của một nữ nhân, khi xác thực sự
hiện hữu chỉ là giai đoạn phù phiếm trong vòng chuỗi sinh diệt như một người đã
đắc đạo:
Ơ này! Nhan sắc gió mây
Có nghe tiếng gọi cỏ cây đang chờ
(Nhan
sắc)
Hay trong Gánh buồn, Trương Nam Chi đã
viết:
Gánh buồn ngúng nguẩy rong chơi
Vẩn vơ thiên hạ buông lời quàng xiên…
…
Gánh buồn xốc lại xiêm y
Kẻo bụi oan trái lắm khi bám vào…
Tôi càng đọc, càng thấy thích thú
với cung cách thể hiện tâm ý của chị qua vần thơ sáu - tám tưởng chừng như đã
quá cũ kĩ sáo mòn. Mỗi vần thơ như một lời độc thoại với nội tâm, với cuộc đời
bằng thứ ngôn ngữ trực quan, không màu mè, không bóng lộn như rất nhiều người
làm thơ khác. Có lẽ chính sự đơn giản, mộc mạc trong câu chữ, sự cách tân ngắt
câu, lật dòng mang hơi hướm của dạng hình “thơ thị giác” đã tạo nên phong cách
riêng biệt và thành công trong cuộc chơi gọi
hồn cho xác của Nhà thơ
Trương Nam Chi.
Huế, tháng 10/2014
N.Q
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét