Tháng 8/2012Chị Linh với tay nhổ sợi tóc bạc trên đầu chồng, vừa phàn nàn:- Răng bựa ni tóc anh bạc mau quá, nhổ hết thì sói đầu mất!Hóa xuề xòa:- Thì già rồi chứ trẻ mô chi nửa mà không bạc, tính tuổi bà mụ thì năm tám rồi chớ ít à. Hôm qua đi Phan Rang anh bị lạc, gặp câu thanh niên đi bộ bên đường, dừng xe hỏi, nó lễ phép: “Thưa ông, rẽ phải, chạy một hồi là tới ạ”. Không già mà nó gọi bằng ông à!- Sống nơi cái đất này bốn chục năm rồi mà còn lạc đường à trời!Hóa quay người đối diện hẳn với vợ:- Em nói răng, bốn chục năm rồi ư?!- Ủa, thì 1972 với 2012 không bốn chục năm thì mấy nữa?Hóa lặng im không nói, thẫn thờ nhìn vợ, lát sau anh lẩm bẩm một mình: “Hơn nửa đời người xa quê, cha, mới đó mà bốn chục năm, ghê thiệt!” Trong đầu anh lại nhớ đến cha, nhớ câu thơ của ông khi rời quê lên tỉnh:“An Lưu luyến, di tha hương tác khách…”Còn anh, bốn mươi năm, hơn nửa đời người trôi vèo nơi đất khách! Tóc bạc rồi mà cũng không định được ngày về nơi cái làng An Lưu xa xôi ấy.***- Mạ ơi mạ, mạ mô rồi rứa?!Thằng Hóa vất cái bao ni lông đựng mấy cuốn vở vô trong chiếc bể cạn khô nước từ đầu mùa, hắn vừa đi học hè bên nhà cậu ở Thượng Trạch về, không thấy mạ liền lên tiếng gọi. Không nghe tiếng mạ từ trong nhà, hắn chạy ra sau hè, mạ hắn đang khom người xăm mấy vồng khoai gần sát hàng rào của đám nương.- Mạ!Mạ Hóa lưng còng từ khi nào rồi, chống cuốc cố đứng thẳng người ngoắt tay, rồi lần trong túi áo. Hắn nhảy băng qua mấy vồng khoai đến bên mạ, đưa cho Hóa một đồng bạc kẽm "Trúc - Ngô" dặn:- Ăn năm hào, còn năm hào để mai nghe con.- Dạ, con đi chơi chặp nghe mạ.Hóa nhảy chân sáo, vừa đưa đồng bạc kẽm lên mũi ngửi. Hắn ghiền nhất là mùi thuốc lá hăng hắc, màu ten xanh xanh nơi đồng bạc cũng toát lên một mùi khó tả, ngậm vào miệng càng có nhiều vị khác hơn, ngòn ngọt. Nhưng hôm trước, anh hắn học trên tỉnh về thấy hắn ngậm, cấm không cho ngậm nữa, nói là mất vệ sinh nên hắn nghe theo, nhiều khi vẫn thèm cái vị là lạ của đồng bạc kẽm.Hắn thẳng theo đường xóm, ghé nhà mụ Khóa, mua năm mươi xu kẹo vòng, cất năm hào thối vào bọc quần rồi đi tìm Thảo.Thảo đang ngồi chơi ô làng một mình ngay giữa đường vô nhà, những hột thầu đâu tróc vỏ, nằm trong những ô, như những tổ trứng chim chiền chiện. Thấy Hóa đi tới, Thảo giả đò không thấy, cứ cặm cụi bốc một ô, rồi rải cho những ô khác.- Ối chao, đau!Thảo giật mình nhìn lên, Hóa nhảy cò cò tay nắm cổ chân, hắn mãi nhìn Thảo nên đạp nhằm nè. Một nhánh nè khô còn mắc dưới chân Hóa, lúc này Thảo mới chạy lại:- Ngồi xuống, ngồi xuống rồi… lấy ra cho.Hóa ngồi bệt xuống giữa nền đất mát của đường làng, Thảo nhẹ nhàng nắm cổ chân Hóa kéo mạnh nhánh nè, một chút máu theo ra. Thảo bứt mấy lá tre xanh nhai nhuyễn rồi đắp vô chỗ chảy máu, Hóa chẳng đau đớn là mấy, nhưng hắn cũng nhắm mắt nghiến răng cho có vẻ trầm trọng.- Đau lắm à.- Ừ, đau!- Ngồi một chặp là hết.Hóa đưa xâu kẹo vòng cho Thảo:- Chia đi.- Của Hóa mà.Hóa với tay lấy xâu kẹo, đưa lên miệng cắn đứt sợi dây, cầm sáu cái bỏ vô tay Thảo còn hắn bốn cái: “Ăn đi, Hóa ăn nhiều rồi!”Lát sau, hai đứa đi dọc theo đường đựng, xuống đường bắt, tìm tới gốc mưng ở chùa, nơi con khe ranh giới làng Phương Sơn, vừa ăn kẹo vừa hái lá mưng non đem về cho mạ Thảo nấu canh.***Thằng Hóa vừa buồn vừa đi dọc theo đường bạn, gần tới chỗ rẽ lên làng, hắn rươm rướm nước mắt. Hắn mới gặp con Thảo ngoài chợ Cạn, cùng mạ hắn đi chào bà con để ngày mai theo chồng vô trong cây số 17. Mạ hắn đi Nam lâu lắm rồi, lấy chồng cũng người Nam, ở lính. Hắn không biết cây số 17 là chỗ mô, nhưng chắc là xa lắm, xa hơn côi tỉnh nhiều ,Hôm trước, khi mới nghỉ hè, anh Dương của hắn học trên tỉnh, cho hắn lên tỉnh chơi, lần đầu hắn lên tỉnh, lại đi bằng xe đạp, sướng ơi là sướng! Đêm hôm đó Hóa không ngủ được, lâu lâu hắn lén lật chiếc gối xem cái quần kaki số 2 xếp dưới gối đã thẳng chưa, nhà hắn không có bàn ủi. Hắn nhớ lần may cái quần này để khai giảng, mạ hắn lấy cái ấm, cho nước sôi vô, ủi qua ủi lại, thẳng mà đẹp lắm. Chừ mai lên tỉnh, hắn nghĩ ra cách xếp cái quần để dưới chồng mền, ngồi lên cả buổi chiều, tối ngủ , hắn dằn dưới gối cho thẳng.Ngồi trước giàn xe của anh hắn, chạy từ nhà ra chợ Cạn, gặp ai hắn cũng chào, khoe là đi tỉnh. Hắn nhớ quán chè ở bờ sông Thạch Hãn dưới cây ngô đồng cao to, hắn chưa từng thấy cây mô to như rứa! Lần đầu ăn chè đá bào, a, răng nước đá trắng như đường cát rứa, ôi chao là lạnh, tê cả răng, nhưng ngon thiệt là ngon! Cả ngày anh hắn chở hắn đi nhiều chỗ, tỉnh rộng lắm. Đêm nằm ngủ trong nhà anh hắn trọ ở làng Thạch Hãn, tre pheo làm hắn nhớ làng và nhớ mạ, hắn rươm rướm làm anh hắn phải dỗ: “Nín đi, mai anh chở về!”Chừ con Thảo đi xa hơn, mà chắc là không về làng nữa, hắn lại nghỉ đến “cây số 17” mà ghét cái chốn lạ lùng xa xôi ấy!***Làng hắn mất an ninh, Hóa không biết an ninh là chi, người lớn nói rứa, thỉnh thoảng hắn nghe mấy chữ lạ hơn, “Lật đổ”, “Đảo chánh”…Cha và anh chị hắn lên tỉnh trước rồi, hắn còn ở với mạ trong làng, đêm nằm ngủ, lâu lâu nghe tiếng súng, mạ hắn ôm hắn, miệng lầm rầm khấn ông mệ.Một buổi sáng, mạ hắn cột cặp gà cho vô cái trác nhỏ, dắt tay hắn đi bộ lên tỉnh. Gặp ai mạ hắn cũng nói to là bới lên tỉnh cho anh chị hắn cặp gà. Qua hết làng An Trụ, mạ hắn dắt hắn đi mau hơn, tới Triệu Tài, có xe hàng, mạ và hắn lên xe, mặt mạ hắn hiện rõ lo lắng. Lâu lâu mạ hắn nhìn xuống hướng làng An Lưu, chợ Cạn mà thở dài! Xe dừng ở Góc Bầu, mạ hắn dẫn hắn đi bộ lên bờ sông Thạch Hãn, nơi quán cơm xã hội. Cha và các anh chị hắn đã ở nhờ nơi đó lâu nay, hắn nhận ra cây ngô đồng và quán chè đá bào ngày nào.Nhà hắn không về lại làng nữa. Ông tỉnh trưởng cho nhà hắn mượn căn phòng triển lãm, số 3 đường Gia Long để ở. Hắn thành dân xóm chợ, hai năm sau, nhà hắn thuê căn nhà số 55 đường Duy Tân, gần nghĩa địa, gần căn cứ Mỹ Macvy. Tết mậu Thân, hắn nằm trong hầm run như cây sậy. Năm đó, hắn chuẩn bị thi vào trường công lập Nguyễn Hoàng thì nhà hắn làm nhà ở thôn Thạch Hãn, đường Hồ Đắc Hanh, xóm “Ba cây dừa”. Lúc này, cha hắn cho vào nhà dòng Thánh Tâm, cha muốn Hóa đi tu.Tỉnh không còn lạ lẫm và quá rộng nửa, mọi con đường , mọi ngõ ngách… hắn rành như trong lòng bàn tay. Tỉnh trở thành chốn quen thuộc hơn cả dưới làng An Lưu của hắn. Thỉnh thoảng hắn cùng bạn bè vô Huế chơi. Chừ thì hắn biết “cây số 17”, gần xịt, nhưng Thảo thì xa xôi chốn mô hắn không biết!Chuyện tu trì không đạt, năm lớp 8 hắn qua học trường Nông Lâm Súc ở Nhan Biều. Hè năm sau, hắn học xong lớp 9, hy vọng được vô Huế học vì Quảng Trị chưa có lớp 10 Nông Lâm Súc, đó là năm 1972.Cha Hóa vừa mất năm ngoái, ông được đưa về làng theo ước nguyện. Có một buổi trưa, chị hắn đi làm dưới tòa tỉnh về, thì thào với mạ. Rứa là hai mạ con qua Mai Lĩnh, lúc này, hai anh đều đăng lính, hai chị lấy chồng, lại Hóa và mạ, lên xe dodger chạy vô Huế, không đem gì theo, chỉ mỗi người một cái túi nhỏ, xe chật. Không nghĩ đến chuyện chia tay bạn bè và cô bạn gái thích mang áo mưa màu tím nơi con đường Quang Trung. Vì hắn không ngờ, lần đi ấy là đi luôn không về nữa, như cái lần hắn cùng mạ lên tỉnh ngày nào, với chỉ hai con gà trong cái trác tre.Mấy ngày sau , bom đan tơi bời ở Quảng Trị và Cầu Dài. Nhà hắn vô Đà Nẵng rồi vô Long Khánh, trở ra Đà Nẵng, rồi lại vô Ninh Thuận! Lần này, gọi là định cư, nhưng sao khó gọi là quê hương quá khi mà trong câu chuyện cùng bạn bè, hồi ức về chốn Quảng Trị vẫn là đề tài chính...***Anh Hóa nắm bàn tay vợ, bóp nhè nhẹ. Chị là người gốc Quảng Bình nhưng sinh Quảng Trị. Hai người cưới nhau vào năm 86, năm ấy anh đã ba mươi mốt tuổi, chị hai chín, giờ cũng đã bốn mặt con. Những cay cực cuộc đời hồi chưa cưới nhau mỗi người nếm trải theo một cách. Những đêm nằm bên nhau, chuyện trò nho nhỏ: “Hồi đó ở Quảng Trị…” Hoặc “cái hồi em dạy ở Sông Lũy, chao ơi là cực, khi nớ anh ở mô?”… “Hồi ấy, anh ở tù, hồi ấy lang thang ở miền Tây… hồi ấy làm chụp hình dạo trong Long Khánh, Bà Rịa…”Rồi những: “Hồi ấy tụi mình có bầu con Thảo, ở nhờ nhà o Tịnh, nhà có cây khế ngọt, ăn cơm chỉ có món khế, khế canh, khế bóp, khế chắm ruốc…. môi em nứt tứa máu, rát ơi là rát!... “Hồi ấy mình làm cái nhà bằng cây, mái lợp giấy dầu đen, gió thổi rách tứ tung, nhà lại ở mặt đường, trời mưa, người ta vô núp mưa, em trẽn ơi là trẽn, toàn bộ áo quần cho vô cái nôi, chạy quanh trong nhà mà cũng khó tìm ra chỗ không dột…”. “Hồi năm nớ, tết vất 3 đứa con ở nhà, tụi mình vô “suối Thương” chụp hình dạo, nắng rát mặt, khát khô cổ, tối về thấy con mà ứa nước mắt, coi như con không có tết…” Ôi, những “hồi ấy” bất tận…***- Có lẽ phải về sơn lại cái mộ ba – mạ em ạ. Anh Hóa nói mà mắt nhìn ra sân.- Không phải hồi đó anh lát gạch men hết rồi à? Hôm mình về kiệu Đại Hội La Vang em thấy mộ đẹp lắm mà!- Hơn 4 năm rồi, nền và chín ngôi mộ thì lát gạch, nhưng bờ thành anh sơn nước, ngoài mình mưa ẩm dễ mốc lắm. Còn cái cửa sắt cũng rỉ sét rồi!- Thì anh gọi ra cho mấy cháu đi, nếu cũ lắm thì sắp xếp mà về. Giá còn anh Phong thì đỡ quá!Anh Phong là anh rể của Hóa, chị Hóa chết hai năm thì anh ấy cũng mất. Hồi anh ấy còn sống, một tay anh lo chăm coi mồ mả cả hai gia đình, giờ cháu, mà là cháu ngoại, cũng thương ông thương mệ, nhưng trẻ quá không bằng cha của chúng!Lắm khi muốn đưa cha, mạ, o, và các anh chị vào trong này, nhưng biết chốn này rồi có lâu dài không hay lại phải theo con, đi nơi khác nữa. 38 năm mà chưa gọi được quê hương là vậy, vẫn còn lạc đường kia đấy! Anh thấm thía hơn cái câu “chôn nhau , cắt rốn!”Anh Hóa lại như mơ màng nhớ quê và những lần về…***Lưu lac , bươn chải mưu sinh rồi cũng có lúc gọi được là tàm tạm !Mà khi đã “tàm tạm “ thì tới lúc phải nghĩ đến chuyện mồ mả cha ông. Ngoài quê thì cha và mạ Đích, cùng các anh chị con mạ đích. O lấy chồng không có con, hồi tôn, thì cũng lo cho o. Trong này thì mạ ở Long Khánh, anh ở Biên Hòa. Thôi thì cứ đễ mạ trong đó với chị đã, lo đưa anh về kẻo người ta giải tỏa nghĩa trang thì khó vô cùng!Đưa anh về thì có chị dâu và mấy cháu đó, nhưng chị thì khố, các cháu thì dại, mà cũng khó, thôi thì….***Thằng lơ nghi ngờ nhìn chăm chăm cái túi xách mới tinh Hóa đeo trên vai. Anh lo thật sự, nhưng lo thì lo, mặc kệ anh, thằng lơ nói nhỏ với tài xế, tài xế dừng xe lại chỗ Hố Nai, mời anh xuống không cần nói lý do.Hóa bất cẩn, lẽ ra nên đi bộ một quãng xa khỏi nghĩa trang Biên Hòa rồi đón xe. Ban đầu nó thấy anh ăn mặc cũng tươm tất, cái túi đựng hài cốt anh cũng mới tinh nên cho lên xe, sai lầm cái là cứ ôm khư khư cái túi xách nên thằng lơ nghi. Anh xuống xe, khấn với anh như người ta thường bày. Lên chiếc xe khác nhằm xe ra Bắc, chỉ chở vài khách còn hàng là chủ yếu, Hóa nằm dài gối đầu lên cái xách cho chắc ăn, túi hành lý nhỏ gọn bỏ một bên, cũng hồi hộp nhưng rồi không bị phát hiện .Anh nằm lo về quê xoay xở ra sao? Từ tỉnh về thì có thằng cháu rể ở Ba Bến, mà không có thì đi bộ về cũng chẳng sao. Nhưng về làng mới gay, đang mùa lúa trổ đòng đòng mà mình đem cốt về, mai mốt mất mùa thì toi. Băng qua đường bạn lên đường đựng thì mé làng nhưng cũng là ruộng… thôi thì cứ về rồi liệu!Chiếc xe dừng ở gần cầu Ga, Hóa nhìn đồng hồ đã mười hai giờ đêm. Anh đi bộ một chút về hướng đường Trần Hưng Đạo cũ. Một chiếc xe ôm trờ tới, anh cười và nói thật với cậu trai:- Chú không lên xe cháu được, chú ở trong Nam ra nhưng có cái cốt ông anh, cháu giúp chú một cuốc chạy về Ba Bến, hỏi nhà thằng Hảo, nói hắn lên chở cậu Hóa về làng. Mấy tiền chú xin trả, được không?- Phải anh Hảo chị Loan không chú?- Ừ, đúng rồi. Loan là cháu ruột của chú đó, cháu quen à?- Dạ, mà răng phải kiêng à chú?- Ừ kiêng, cháu làm ăn là phải kiêng! Người ta nói chở cốt trên xe là xui xẻo, chừ ghé qua bên quán nớ mua cho chú hai gói Jet, chú vô quán cũng xui họ, chịu khó nhé.Hóa đưa cho cậu xe ôm tiền, mua xong Hóa lấy một gói và đưa cho cậu xe một gói, cậu không hút thuốc nên không lấy,- Thôi để cháu chạy về Ba Bến, chút xíu thôi!Hóa đừng nhìn vu vơ hàng quán chờ đợi. Lát sau cậu xe cũng về. Không có đứa cháu rể, nó đi làm trong Mỹ Thủy rồi, Hóa hỏi bao nhiêu tiền xăng chú gởi lại, cậu xe không lấy: “Cậu của anh Hảo chị Loan thì cũng như cậu của cháu mà”. Hóa bần thần nghĩ đến chuyên đi bộ. Trời khá lạnh. Bỗng cậu xe ôm nói:- Hồi nãy chú đừng nói chi cả là cháu vù một hơi về chợ Cạn khỏe re, chừ nghe chú nói kiêng cữ con cũng không dám, thôi ri nì, cháu mới mua chiếc xe đạp Trung Quốc cho vợ cháu hắn đi dạy, chú đạp về rồi mai mốt chi lên trả cho cháu.Hóa cảm động và mừng đến ứa nước mắt,- Có được không cháu, cháu không sợ mất à?- Cháu không sợ mô, chú không thiệt thà thì chú có nói thiệt với cháu mô, cứ ngồi lên xe là cháu chở đi rồi! Mai mốt chi cũng được chú à, chú lên tại chỗ ni, không có thì ngồi quán nớ chờ cháu. Chừ để cháu chạy về lấy xe.Cậu xe ôm quay đi, Hóa thầm cám ơn anh Dương, chắc là anh đã phù hộ!Khi cậu xe ôm đạp chiếc xe đạp ra tới thì đã hơn một giờ sáng. Anh muốn mời cậu uống vài ly rượu, nhưng ngại phải vô quán, hơn nửa, anh cũng muốn tranh thủ ghé Thành cổ cho anh thăm lại một chút trước khi về làng. Trời lạnh hơn!Mang cái túi trên vai, anh đạp quanh một vòng. Quảng Trị đã khác xưa, ghé thành cổ buồn hiu hắt, ra Góc Bầu… Hóa nói thầm với anh: “Ngày xưa anh chở em lên tỉnh bằng xe đạp, chừ em lại chở anh về quê cũng bằng xe đạp đây. Em lên tỉnh lần đầu còn anh về… lần cuối!”Hóa vừa đạp xe vừa nhẩm đọc bài thơ anh Dương cùng hai anh con bác làm ngày nào khi mới lên tỉnh:“Buổi ấy trăng tà chốn Hãn GiangThong dong bách bộ có ba chàngHoài Lưu ,Hoài Lệ, với Hoài AnSánh bước bên nhau ngắm những nàng…Đêm về sông lạnh nước buồn trôiKhơi lại trao nhau mẩu chuyện đờiNhững nàng thôn nữ xinh xinh ấyLạc lõng phương nao cuối góc trời!****Năm ấy Hóa học lớp bốn, nghe những tên Hoài Lưu, Hoài Lệ, Hoài An… Hóa cũng tự đặt cho mình một cái tên, không có chữ “Hoài" như các anh mà lấy chữ sau của quê mẹ ghép với chữ đầu của quê cha là Thượng Trạch và An Lưu thành: “Trạch – An”. Năm học lớp 12, Hóa viết một truyện ngắn đầu tiên, hắn trịnh trọng ghi cái tên ấy vào cuối truyện, nó theo hắn cho tận bây giờ!Gần một tháng vừa lấy cốt, dồn chín ngôi về một chỗ, vừa xây, đã tạm ổn, Hóa chừa chỗ cho mạ ruột đang ở Long Khánh.Bốn năm sau Hóa đưa mạ từ Long Khánh về, sửa sang và lót men nền các ngôi mộ…Chừ cũng đã bốn năm, Hóa lại tình chuyện về…Ôi, Quê hương, ôi nơi chôn nhau cắt rốn! Bao giờ thì tới lúc cái thân lưu lạc này về yên nghỉ cùng cát trắng và rú tràm An Lưu đây?!
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét