|
Cây bút trẻ Lê Quang Trạng |
Hai vợ
chồng thầy giáo trẻ về dạy ở cù lao Ông Hổ. Từ tả Ngạn sông Tiền qua bờ Tây
sông Hậu phải vượt qua cù lao Ông Chưởng nằm chắn ngang con sông Hậu. Hai con
đò Hành Dinh và Tư Nỉ đưa vợ chồng thầy giáo trẻ đi về hàng tuần nhưng chắc
chẳng ai biết họ là giáo viên nếu chỉ nhìn sơ vẻ bề ngoài…
Hồi ấy,
khi thầy còn học lớp mười hai, cả nhóm bạn thầy đều thi sư phạm và thầy thấy
thế nên đi thi theo chứ cũng chả nghĩ là thi để làm thầy giáo. Nhà thầy trước
đây đâu có nghèo – đó là một tiệm tạp hóa kếch xù nhất ở miệt cù lao Ông Chưởng.
Gia đình làm ăn suy sụp rồi cùng nhau về quê nội Mỹ Luông sinh sống bằng nghề
làm ruộng. Vậy là mười mấy công ruộng với gần mười miệng ăn. Mọi thứ trở nên
khó khăn và chật vật hơn.
Thầy gặp
cô trong trường sư phạm. Thương nhau rồi đến với nhau. Sau đám cưới, thầy và cô
được phân công về đất cù lao dạy. Từ trường về nhà gần ba chục cây số, mà còn phải
vượt hai con đò nên thầy xin trường cho ở lại trong một căn phòng học nhỏ do dư
phòng học nên bỏ trống.
Cô và
thầy có con. Chẳng biết đó là tin vui hay tin buồn với thầy và cô lúc này. Thế
là mỗi tuần hai vợ chồng người giáo trẻ lại khăn gói về nhà một lần. Đường từ
Mỹ Luông đến cù lao đều là đường đá lỏm chỏm. Thầy cô chỉ có chiếc xe đạp là
phương tiện đi lại mà cũng là thứ quý giá nhất của họ. Vợ chồng thầy đèo nhau
suốt quãng thời gian qua. Cô giáo có thai, nhưng biết phải làm sao khi đồng
lương ít ỏi. Hai vợ chồng cất mót tiền lo sinh con đôi khi quên cả việc lo
miếng cơm manh áo cho bản thân mình.
Thai nhi
bảy tháng rưỡi, cô sinh. Cô sinh tại nhà của bà mụ vườn ở Mỹ Luông. Thằng bé
một kí lô chín. Nó yếu quá, phải để thằng bé lên cái gối mềm rồi mới ôm nó
được. Vợ chồng thầy lo sốt ruột. Hai hôm sau, anh xe lôi trong xóm chở vợ chồng
thầy qua bệnh viện Hành Dinh. Có ai tin là vợ chồng thầy giáo này đã ba tháng
không có một đồng lương và giờ đưa con đi bệnh viện hai vợ chồng chỉ có vỏn vẹn
năm chục ngàn đồng thời đó. Anh xe lôi là bạn hồi còn nhỏ của thầy nên một mực
không lấy tiền. Em trai thầy là y sĩ bệnh viện Hành Dinh nên thằng bé được nằm
vào diện cấp cứu “hộ nghèo”. Thấy tình hình không ổn, bệnh viện cấp giấy chuyển
đi Long Xuyên. Phương tiện bằng tắc rán nhưng máy dầu thì gia đình tự lo. Năm
giờ rưỡi chiều rồi, biết đâu mà mượn máy dầu bây giờ. Nhớ chực nhà chị Tám ở
bên cầu Bà Vệ có máy dầu đi tắc rán, thầy tức tốc sang mượn. Ngồi nói vòng vo e
ấp một hồi lâu, chị Tám lắc đầu:
- Anh bây khó lắm. Tối nay ổng đi Biển Hồ mua cá. Bây
đi về không kịp đây chắc ổng rầy tao. Hông ấy vợ chồng bầy mướn ghe Hòa Hảo chở thằng nhỏ đi đi. Nào tao có tiền tao cho chứ giờ tao cũng hết tiền rồi…
Thầy đã
không dám ứa nước mắt khi thấy con mình thở bằng những nhịp thở khó khăn và giờ
thầy lại không dám khóc trước mặt người chị mà gia đình thầy đã từng cho cả cây
vàng để chị đưa anh đi trốn vào những ngày bị giặc lùng kiếm… Mọi thứ dường như
càng lúc càng thu hẹp trước mặt vợ chồng thầy giáo trẻ. Khuôn mặt thầy đã nổi
những vết chì đêm qua. Có lẽ do buồn rầu đau đớn… Giờ đây hình như thầy ốm hơn
nhiều...
Cô bạn
của thầy cô giáo – dâu nhà máy xay lúa – đứa em kết nghĩa của thầy, nó ở chợ Bà
Vệ, lên Hành Dinh thăm thằng nhỏ. Nó cứ tặc lưỡi trước thằng bé hoài. Có lẽ cô
giáo từng là người hết lòng với nó khi nó nằm viện ở Tân Châu. Hay vì những
chuyến nó và chồng nó (lúc chưa cưới nhau) bỏ nhà đi bụi, tụi nó ở nhà thầy,
nương từng bữa cơm của thầy mà giờ nó tình nghĩa với thầy:
- Nào tàu chạy ngang nhà em, anh cho tàu ngừng lại.
Em cho anh tiền mua dầu đổ cho người ta.
Thầy giáo
tin vậy mà mừng, thầy đi mướn tàu dầu Hòa Hảo chở thằng bé đi Long Xuyên. Chín
giờ đêm tàu bắt đầu nổ máy. Ghé ngang Bà Vệ kêu cửa nhà nhỏ em. Nó bước ra, mặt
cú sụ lắc đầu:
- Anh thông cảm, chồng em với em cự lộn. Ảnh giữ chìa
khóa tủ. Em mở không được. Hông thôi anh đi qua bển đi. Nào em quởn em qua
thăm.
Tàu vẫn
chạy, may thay ông tài của tàu là bạn của ông già thầy giáo. Ông nhận mặt cháu
rồi cho vợ chồng thầy thiếu tiền dầu.
Lên bệnh viện,
thằng bé được đưa vào hấp điện ngay lập tức. Vợ chồng thầy giáo ngồi ngoài hành
lang, khuôn mặt buồn đau não ruột. Đêm đó hai vợ chồng chỉ dám mua hai ổ bánh
mì ngồi ăn. Mà giờ biết làm sao khi chỉ còn ba mươi mấy ngàn trong túi. Đêm nay
lỡ bệnh viện kêu đóng tiền thì lấy đâu mà trả. Giờ này biết báo với bên nội
ngoại thằng bé thế nào? Hàng trăm câu hỏi đặt ra làm thầy và cô thêm rối… Một
ông cụ độ khoảng sáu bảy chục tuổi nuôi cháu nội nằm gần đó lại hỏi thăm vợ
chồng thầy. Nói chuyện vài câu mới biết ông lão là người Mỹ Hội Đông. Ông cụ
móc khăn tay, lật ra từng lớp, đến cuối cùng là ba tấm giấy một trăm ngàn. Ông
đưa cho vợ chồng thầy một tấm:
- Chú cầm lấy đi. Cái này qua cho chú mượn. Ngày mai
người nhà tới rồi trả cho qua cũng được. Để đó tối nay bác sĩ có kêu mua thuốc
men gì thì mua.
Vợ chồng
thầy chỉ biết cầm lấy và cảm ơn ông lão. Cuộc đời nhiều khi đưa đẩy con người
ta vào một con đường tối tăm, nhưng nó không phải con đường cùng, nó luôn có
lối thoát cho những con người như vợ chồng thầy giáo…
Sáng sớm,
ông nội thằng bé qua bệnh viện Hành Dinh thăm thì mới hay bệnh viện đã chuyển
đứa nhỏ qua Long Xuyên hồi hôm. Ông già bảy mươi tuổi này tức tốc về nhà. Lôi
bốn thùng phi lúa ăn ra bán. Ông chạy xe đạp qua Long Xuyên. Ghé vào bệnh viện.
Thầy giáo mắt ướt đẫm ôm cha khóc như một đứa trẻ. Ông nội đứa bé nghe thầy kể
chuyện hôm qua, ông tháo nón, lấy ra một trăm ngàn sang trả cho ông lão Mỹ Hội
Đông. Hai ông cụ nói chuyện nhân nghĩa với nhau. Đó là chuyện ơn, chuyện đời
của những người lớn tuổi thường hay nói với nhau. Vậy mà kẻ trẻ bây giờ một lớp
nào đã lãng quên. Nếu không lãng quên thì người già đâu còn ngồi đây mà ơn
nghĩa?!
Thằng bé
quá yếu, chắc bảy chục phần trăm không qua đêm nay. Nước biển truyền dịch đã
bấy rấy tay chân và cả trên đầu thằng bé. Mạch máu không nổi lên. Bác sĩ buộc
lòng phải truyền nước biển trên những mạch máu ở đầu của thằng bé. Đầu thằng bé
giờ đã phù lên sưng húp. Vợ chồng thầy giáo nhót lòng mà xin ôm thằng nhỏ về.
Thôi thì duyên số nó với cuộc đời này vậy. Nhưng bác sĩ Đặng – người phụ trách
khoa nhi lúc này không cho xuất viện. Ông nói: “Còn nước còn tát”. Nhưng có lẽ
vợ chồng thầy giáo đã quá đau và đuối dần suốt thời gian qua. Cô thì lâm bệnh
hậu sản, thầy phải về nhà lo thu xếp lúa đang bị vỡ đê. Thầy giao con lại cho
đứa em gái vợ. Mắt thầy rưng rưng, thầy nói những câu nhẹ nhàng mà sao đau xót
quá:
- Nếu cháu có số có phận với mình thì nó sẽ mạnh giỏi
mà sống. Nhưng nếu rủi không may nó ra đi đêm nay thì em hãy ôm nó về nhà cho
ông bà nội nó thấy mặt. Đừng bỏ nó ở lại nơi này. Lạnh lắm...!
Thằng bé
có số còn duyên với dì nó, nó yếu nhưng không chết. Tạo hóa không bao giờ bỏ
quên những con người có tình thương. Bác sĩ Đặng truyền cho nó mũi kim kể như
là mũi cuối cùng ở đỉnh đầu… Đêm đó đứa em gái cô giáo phải chạy sang khoa sản
xin sữa, vắt vào trong bình cho thằng bé bú đỡ. Có lẽ duyên phận mà mũi kim
cuối cùng đó đã làm cho thằng bé tỉnh. Sáng hôm sau nó dần dần có sức sống trở
về…
Thằng bé
nằm viện đúng ba tháng trời rồi về nhà ngoại ăn đầy “ba tháng”. Một năm sau,
thằng bé kháu khỉnh, tươi tắn hơn lúc nó mới xuất viện nhiều. Lễ thôi nôi của
nó, ông ngoại vẫn cúng đầy đủ cặp vịt, chè, xôi và vẫn có mâm đồ để nó chọn.
Thằng bé liếc mắt qua các đồ vật rồi nhanh tay chụp ngay cây viết và quyển vở.
Nó quẹt qua quẹt lại gì trong đó mà nó chẳng hiểu. Chỉ có người lớn trong nhà
nhìn ra dạng dạng là một chữ “Văn” nguệch ngoạc… Ngoại nó đoán lớn lên nó sẽ
thành nhà văn. Có lẽ vậy mà ngoài tên trong giấy nó còn có tên là Văn. Chẳng
biết thằng bé có thành nhà văn được hay không. Nếu nó thành nhà văn thật, nó sẽ
viết về những tháng ngày này…
Bé Văn ba
tuổi, thầy và cô xin về Mỹ Luông dạy. Cả hai vợ chồng đều được giả quyết về quê
một lượt. Cảnh khổ của đồng lương giáo viên vẫn đeo theo vợ chồng thầy. Dù vậy
nhưng chưa bao giờ thầy bỏ trường bỏ lớp. Hộp sửa Beerri cho thằng bé giá mười
ngàn đồng, thầy và cô mua thiếu ở chợ gần một tháng nay vẫn chưa trả đủ, người
ta lên tới nhà đòi. Ông nội thằng bé bấm bụng bán mấy quyển sách xưa để trả…
Cuộc sống chật vật cứ diễn ra suốt mười mấy năm trời.
Chợ Mới
mấy năm sau đó, nghề mộc phát triển rầm rộ. Có một người bạn rủ thầy và cô hùn hạp đi cây ở Biển Hồ nhưng hai vợ chồng không dám đi. Dành dụm mấy năm nay cũng
được phân vàng. Thầy cô gửi anh bạn đi mua cây về xẻ gỗ. Chuyến đi thành công
như mong đợi. Thầy giáo cưa ra thành vạc chỗng để bán trước nhà. Thời đó vạc
chỗng cưa sẵn bán đắt như tôm tươi, chỉ vài ngày là đã bán hết. Vậy là thầy
giáo lại có thêm nghề tay trái là mua cây về xẻ vạc chỗng. Ba năm bán vạc chỗng
mà thầy và cô có thêm tiền dành dụm. Vậy là họ chuyển qua nuôi heo, đẩy từng
thùng hèm, nấu từng nồi cơm, xắt từng cọng rau cho heo ăn; rồi làm mấy công
ruộng cứ thất lên thất xuống nhưng vẫn đủ cái ăn trong gia đình…
Mười mấy
năm qua vợ chồng thầy mới khá lên một ít. Thế nhưng so với các bạn cùng thời
thì thầy chỉ đứng ở mức trung bình. Trước những ngày tháng này thì người ta vẫn
thường thấy hình ảnh vợ chồng thầy giáo đèo nhau trên chiếc xe đạp đạp về Long
Xuyên, thằng bé ngày nào tưởng đã chết, lên năm sáu tuổi đứng ôm cổ cha suốt
mấy chục cây số đường và suốt mấy năm gian khổ ấy. Vậy mới hiểu, sau một chuỗi
ngày khó khăn, nó rèn luyện con người nhiều hơn và nó cũng ban cho con người
nhiều nghị lực…
Từ những
năm vợ chồng thầy giáo mới về ở Mỹ Luông, người ta vẫn thường thấy họ đi qua
bệnh viện Hành Dinh cho tiền những người nghèo khó. Chẳng ai hiểu tại sao vợ
chồng thầy giáo nghèo này lại làm thế? Chỉ có những người trải qua đau đớn thì
họ mới cảm thấy đau trước những phận người đồng cảnh ngộ.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét