Thực ra, theo cách gọi miệt này, thì
“dưới dạ cầu” mới đúng, tức là ở phía dưới cầu- xe chạy ầm ầm bên trên’ “dạ” –
tiếng địa phương: dưới, phía dưới.
Ngày đó anh Hai Bảo còn sống cho dù
cũng có tuổi rồi. Hai anh em “viễn chinh” xuống miệt Cà Mau tìm miền đất hứa –
theo cách nói của anh ấy- để khai thác nước ngầm, vì mấy tỉnh trên đã bão hòa,
giàn khoan đầy ra, công nhân thất nghiệp, khoan trả góp từng giọt mà cũng không
ăn thua vì mật độ giếng đã quá dày. Chúng tôi ra đi với mấy triệu tiền mặt, một
chiếc vỏ lãi gỗ, “tiền trạm” dọn đường, “ngâm cứu” thị trường. Ngoài ra còn có
chiếc dame 50 cc dành cho đường bộ. Đi suốt, có việc, hợp đồng được mấy mươi
giếng khoan, người ở lại, người về mua ống PVC và vật tư, gọi ê kíp công nhân…
“Người ở lại” dân vận làm quen với bà con, kiếm them hợp đồng, chuẩn bị đón đội
khoan sắp đến. Cực lắm.
Lần đấy, Giáng sinh sắp về, tiết
Đông giá lạnh cảm thấy rất gần. Miệt nước mặn cận biển gió mái khắc nghiệt mà
vẫn cảm thấy hơi thở của mùa Đông. Đội khoan ì ầm máy nổ từ đầu trên đến xóm
dưới thực hiện hợp đồng với bà con, tôi và anh Hai Bảo cong giò làm hậu cần: lo
cơm nước, thuốc hút, dầu nhớt... cho đội khoan hoạt động liên tục, ngoài ra còn
phải đi xa mua ống PVC và phụ kiện bổ sung vì đi về nhà rất xa, không kinh tế.
Đứt hơi.
Chuyến đi Cà Mau mua ống gặp mưa
giữa đường, ướt đầm đìa, lạnh cóng. Đến chợ Cà Mau, tìm được cửa hàng ống xong,
thanh toán hết tiền, gửi hàng lại kho, tìm chỗ ngủ qua đêm chờ sang. Gay go vì
vướng víu chiếc võ lãi. Ngủ nhà trọ thì ai ngủ ai giữ võ lãi? Tôi có người quen
song cũng không nỡ bỏ anh Hai một mình. Tính nát nước, cuối cùng hai anh em
đành chọn “dạ cầu” Cà Mau qua đêm! Thế là có một trải nghiệm có một không hai
trong chốn... giang hồ!
Cầu quay Cà Mau (Cầu Mới) khá lớn,
lượng xe cộ lưu thông nhiều, ở dưới chân cầu có thể nhận thấy được qua các nhịp
rung và tiếng động vọng xuống. Cắm sào neo võ lãi xong, cột giữ đàng hoàng, lại
dọn chỗ ngủ. Miếng cao su là giường của hai anh em qua đêm. Tôi khó ngủ quá, và
nằm cạnh bên anh Hai cũng thao thức mãi không yên. Chốn chân cầu có một cuộc
sống đặc biệt ở đấy: nhiều phận đời cơ nhỡ, bất hạnh, bế tắc tìm thấy chốn dung
thân cuối cùng ở đây, vá víu qua ngày… Đằng này nghe tiếng thì thầm của ai đó,
đằng kia bước chân của người mới đến, rồi tiếng của dân phòng, cảnh sát… Tất cả
tạo nên một không khí khó thể quên, không lẫn được vào đâu. Anh em chúng tôi
suy nghĩ nhiều, không ai bảo ai, tự tìm đi mua thuốc lá cho dù cả hai đã cai
được một thời gian! Tôi còn nhớ cô bán thuốc gần chân cầu đã hỏi tôi: “làm gì
mà cực dữ vậy anh?”, tôi nín thinh, vì cô cũng rất cực: ngồi lụp thụp cạnh chân
cầu bán tủ thuốc nhỏ xíu, mưa lất phất trên chiếc nón lá cũ mèm. Cái nghèo khó
mênh mông, song nơi đây mới đích thực là chỗ nghèo tuyệt đối. Thường thì anh em
nói với nhau rất nhiều khi ngủ chung nơi xa, nhưng lần này ai nấy miên man theo nghĩ suy riêng, lặng lẽ miết. Qua đêm, cả hai gói thuốc lá hết vèo…
Giáng sinh năm đó cả đội khoan không
về xứ Đạo vì hợp đồng còn quá nhiều và đã tìm được nguồn cung cấp vật tư với
giá cả mềm ở địa phương. Nơi “đóng quân” lại không có nhà thờ, rốt cuộc chúng
tôi “ăn” Giáng sinh chay không cây thông, không hang đá, không lễ… Lâu rồi, đi Cà Mau, qua cầu lại nhớ mùa Giáng
sinh năm ấy. Có lần chạy xe gắn máy dưới cầu, thấy người ta đã tráng xi măng
hết, cả một cái chợ bé xíu họp dưới đó, mấy cụ già bán trầu cau, thuốc gò… Vui
trong lòng, và rất nhớ.
Anh Hai Bảo đã về nước Chúa, nếu còn
và cùng đi, thế nào anh cũng rất mừng…
Nguyễn Thành Công
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét