Sáng nay như bao sáng khác, trời đẹp lắm, xanh thăm thẳm và nắng sớm cứ vàng như mật ngọt. Vài cơn gió bấc non xào xạc trên tầng tầng cây si hàng chục năm tuổi của quán, khe khẽ buông lơi vài chiếc lá vàng như chiếc kẹp tóc xinh xinh cài xuống nền sân màu xi măng xám trắng. Mình ngồi quán cà phê quen thuộc, uống ly ca cao quen thuộc trước khi bước vào nơi làm việc mười năm chưa thay đổi. Bỗng bà cụ già bán vé số đến bên chào mời “Cô mua giúp qua một tấm…”. Chị bạn ngồi cùng bàn đã mua rồi, bà chìa xấp vé còn khá dày về phía mình, mình lắc đầu bởi không quen mua vé số. Bà chào nhỏ “Vậy cảm ơn hai cô, qua xin phép đi…”. Mình… ngẩn ngơ với kiểu chào của người bán vé số này. Bởi mình đã gặp không biết bao nhiêu gương mặt của đội quân vé số. Già có, trẻ có, nam có, nữ có…
Ở quán ăn, họ bất kể mình vừa mới vào đang loay hoay tìm chỗ ngồi hay vừa vội vàng gắp thức ăn vào miệng cho kịp giờ. Họ cứ xìa xấp vé vào mặt, không một lời mời, cũng không một câu nói. Mình mua, tự nhiên lựa, mấy tấm cứ tính mười ngàn nhân lên. Lắc đầu, họ bỏ đi, hoặc “chua” câu “Nghèo mà bày đặt ăn sang! Ăn mà không có tiền mua vé số!”. Tức cành hông. Ở ngã tư đèn đỏ bất kể giờ trưa nắng gắt hay giấc chiều mọi người đang chạy thi với thời gian, đội quân vé số cứ ào ra nắm cổ xe, níu tay áo kêu gọi “cứu bồ”; than cận giờ xổ. Có anh còn khóc hù hụ, có đứa trẻ thì mếu máo… Đành rằng vì miếng cơm manh áo họ mới mạo hiểm như thế, nhưng ai trong cuộc sống này mà không lo cơm áo? Thì sao không có một cử chỉ dễ thương, một lời nói vừa tai?
Bà cụ vẫn còn loanh quanh trong quán. Mình nói với chị bạn, hình như kiểu chào mời của bà không phải là của “dân vé số”? Thêm kiểu quần áo bà đang mặc: bộ bà ba cũ nhưng sạch sẽ và gọn gàng thoảng thơm mùi xà bông. Chị bạn bảo, thì chạy theo, “xin phép’ mua tờ vé số, sẽ rõ mọi thắc mắc.
Bà sẽ sàng ngồi vào bàn cùng mình, cho biết đã 72 tuổi. Nhưng “trời bắt khổ” nên có 3 đứa con mà không nhờ được đứa nào. Hai đứa trước song sinh, cái thời chưa có lồng ấp, chưa có sữa bò. Mà phải ủ ấm trẻ sinh non bằng túi nước nóng. Nước cháo, nước cơm rồi bột Bích Chi chứ làm gì có lồng ấp, có đủ các loại sữa như bây giờ. Bà vốn là giáo viên, nhưng chăm con cơ cực quá, không thể lo tròn việc trường lớp và gia đình, mà nói thật, lương bổng cũng chẳng là bao. Thôi xin nghỉ, về chạy chợ, có đồng tương đồng mắm mà tiện chăm sóc con. Ông chồng vẫn theo nghề giáo, sau đó mất vì chứng lao phổi khi đứa con gái út lên mười. Hai đứa con trai của bà nay đã 49 tuổi, gầy guộc còi cọc nhưng cũng có vợ con. Chỉ khổ nỗi là không nghề nghiệp gì ra hồn, cứ buông cái này bắt cái kia theo nhịp sống. Rồi nhậu nhẹt, quậy phá mang nợ lút đầu. Con gái út nay đã 37, lấy chồng hồi 25, sinh hai con gái. Cảnh gia đình vợ làm công nhân, chồng là một chân văn thư ở Ủy ban xã không dư cũng không thiếu. Nhưng chồng năn nỉ, ráng sinh lần nữa cho “có nếp có tẻ” ai ngờ lần “vượt rào” lại là… công chúa. Chồng cô buồn bã “hô biến” khỏi căn nhà bé nhỏ khi đứa con gái vừa tròn tháng. Vậy là không ai trông con, cảnh công nhân thì nay tăng ca mai thêm giờ không thể nào chăm sóc được bầy con nên thời gian hậu sản con gái bà nghỉ làm công nhân gia nhập vào đoàn quân vé số. Ba đứa nhỏ, đứa lớn lớp 6, đứa kế lớp 4 và bé út vừa lớp 1. Ngày ngày chị lê la qua nhiều cung đường bằng chiếc xe đạp cọc cạch cũng bán trăm tấm, lời trăm ngàn đủ bốn mẹ con rau cháo. Nhưng hôm nào bị giựt dọc, lừa đổi vé là xem như phải mang nợ với đại lý. Bà tuổi thất thập đáng ra đã an nhiên cùng con cháu nhưng cảnh đời vậy làm sao chờ bình yên? Vậy là một chiếc nón lá, một đôi áo bà ba cùng chiếc xe đạp trành bà đi khắp hang cùng ngõ hẹp vừa kiếm cái ăn cho mình, vừa kiếm chút tập bút cho cháu ngoại.
Mình rưng rưng trong dạ khi nghe gia cảnh của bà. Tuổi bảy mươi ngoài mà vẫn nặng nợ trầm luân. Vậy mà có khi mình bị chồng mắng vì tội tiêu hoang nửa tháng lương cho hàng khuyến mãi, nghe đứa con tuổi 15 lý sự về “nhân quyền” thì bảo rằng mình “vô phúc”. Mình, trong cuộc sống này, đã bao lần mở lòng ra để thấy bản thân hãy còn vô cùng hạnh phúc?
Mình không mua vé số, chỉ muốn biếu bà vài chục tương rau. Bà không đồng ý, bảo cô nên mua vé số, vì nếu cô may mắn, chắc chắn nhiều người khác sẽ được nhờ. Còn nếu cô cho tiền, chỉ có mình qua nhận lấy. Còn lý do nào mà mình từ chối? Chia tay bà từ giã bằng lời “Cầu chúc cô may mắn”.
Ôi bà lão vé số… mê nón đó, tấm áo đó, lời nhũn nhặn ý nhị đó… hoàn cảnh gia đình đó… bà đã giúp mình mở lòng ra để thấy đời hãy còn rất nhiều hạnh phúc.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Trao gởi cho người đọc một thông điệp: Hãy sống mở lòng để thấy mình hạnh phúc. Chúc mừng bạn, HHT
Trả lờiXóa