Hắn chém
tay vào khoảng không:
- Nói
thiệt với mấy huynh, đệ không làm quan làm tướng gì, cũng không ông nọ bà kia
gì. Nhưng đệ muốn xài tiền bao nhiêu thì không ai qua đệ đâu à! Vùng Vạt Sương
này mấy huynh cần nhà nghỉ nào không bị “soi”, em Mai, em Hồng, em Loan, em Lệ,
em Cúc, em Hoa…em nào zin, em nào sé- cềnh hai mươi phần trăm, ba mươi phần
trăm, em nào “hàng dạt” một ổ bánh mì cũng xong… đệ đều rành như lòng bàn tay!
Hé… hé… nào, chúc mừng cuộc hợp tác hôm nay. Mời các huynh cạn ly rồi thẳng tới
nhà hàng X. để mấy huynh thưởng thức những thứ mà thị thành đỏ mắt cũng khó tìm
ra!
Cũng cần
điểm qua lý lịch của hắn một chút. Hắn tên Phường. Chẳng biết ông bà vãi nhà
hắn suy nghĩ gì mà đặt cho con tên lạ đời như thế? Phường là một đơn vị hành
chính nhỏ bé nhưng đầy quyền lực? Hay “phường” là để chỉ những kẻ đàn ông không
ra gì như luôn ra vẻ ta đây? Với hắn, có lẽ ở vế thứ hai thích hợp hơn. Hắn,
tên đàn ông mới ngoài bốn mươi nhưng đã hai đời vợ. Cái đời vợ thứ nhất thôi
không thèm kể ra làm gì, bởi có thằng đàn ông nào đàng hoàng lại bị vợ đứng đơn
ly hôn? Vợ bỏ, trốn nợ, bỏ cha mẹ già cho đứa em gái nuôi dưỡng, hắn về Vạt
Sương làm ăn. Nói “làm ăn” cho có văn vẻ vậy chứ thật ra làm cu li, bốc vác và
làm chồng của chị Đan tôi thôi. Vạt Sương là cửa khẩu mới. Làm cu li thợ hồ cho
các công trình xây dựng, bốc vác hàng hoá bên này khẩu chuyển đi, bên kia khẩu
đưa về. Hay đơn giản bốc vác ở một vựa cây tạp cũng dư sống. Ngày hắn về Vạt
Sương chỉ có bộ quần áo dính da duy nhất. Cu li, bốc vác gì thì cũng một tuần
mới tính công, cơm có chủ thầu nuôi, cà phê, thuốc hút có mấy cái quán tranh
khách sẵn sàng ưu đãi cho khách… thiếu nợ. Một tuần hắn không cần cầm tới đồng
tiền cũng sống được. Rồi lãnh tiền ra, đem trả hết mấy vòng nợ, tiếp tục quãng
thời gian bảy ngày không cần tiền.
***
Tôi
thích những chiếc om đựng giá của chị Đan. Bụng tròn như bụng bầu, cổ cao nhỏ
nhắn, toàn thân thuần màu đất nung hồng đỏ cảm giác lúc nào cũng ấm nóng. Những
buổi chợ, chị Đan cũng không trút giá ra chiếc thau to sầm xâm xấp nước như bao
người khác. Buổi chợ của chị là lủ khủ những chiếc om theo chủ. Mỗi khi ai mua
giá thì cho tay vào om, vốc ra một ít, cân cân kéo kéo. Rồi lại người khác mua,
vẫn cho tay vào om, vốc ra một ít. Những chiếc om rỗng ruột theo những bước
chân kẻ mua hàng đi qua. Om này hết, vứt qua một bên, om khác lại
nằm chễm chệ trên giàn. Cuối buổi chợ, mang chúng chất vào chiếc giỏ bội sau
xe. Om này đựng ít bánh cam ế của bà bạn hàng cạnh bên, om kia đựng ít trứng gà
vịt bể của cô Ba đầu chợ bán rẻ, om nọ chứa mấy bịch chè… Mỗi khi chị Đan đi chợ
bán giá về tôi và bầy con chị lại có những phút hồi hộp khi thò tay vào miệng
om be bé đó và “đoán mò” xem trong ấy là quà bánh gì. Những chiếc om ấy là
miếng cơm manh áo cho cả gia đình với bầy con trai 4 đứa nheo nhóc của chị.
Nhưng hình như hắn không ưa mấy chiếc om đó, đôi ba ngày lại thấy hắn chọi bể
vài cái kèm những câu chửi nhề nhệ quen thuộc:
- Đù má
mày… tao đã nói nghỉ bán giá đi… ngày nào cũng ế bắt tao ăn thấy mẹ! Ăn riết
rồi đẻ toàn con trai, mà tao thì thèm một đứa con gái! Cộp… cộp… cốp…cộp…
Tiếng
cốp… cộp… phát ra là một chiếc om bị bể. Khúc gốc tầm vông đực hắn chọi thì mấy
cái om bằng đất này sao chịu nổi. Tôi cười thằng cha điên, đời người ta kiếm
con trai không ra, chả có những “tứ trụ” mà còn phụ lòng trời. Chị Đan chẳng
nói gì, ngày hôm sau lại cất công ra bến ghe mua vài chiếc om mới.
Chị Đan
không trút giá bằng thùng thiếc, bằng khạp da bò như người khác. Chị bảo giá
trút tuyệt ngon phải trút trong những chiếc om. Miệng om nhỏ, ánh sáng vô ít,
giá mập tròn, khi tưới ngọn nước không quá vụt mạnh vào cọng giá. Ánh
sáng ít giá cũng không mọc nhiều rễ, không mất nhiều công cắt, chỉ rửa bớt vỏ
đậu là xong.
Nhà tôi
cũng có một chiếc như thế, mẹ dùng để đốt giấy chữ (là những mẫu giấy vụn mẹ
lượm trên đường, hay giấy gói quà bánh). Mẹ bảo trong kinh Phật có dạy “Thấy
giấy chữ rớt rơi lượm lấy/ Đốt ra tro bỏ chảy dòng sông/ Thuỷ triều vận tải
biển Đông/ Việc làm nhường ấy phước đồng ăn chay”. Chiếc om nhà tôi không
phải mua từ bên ghe như om nhà chị Đan, mà hồi trước cha tôi đi làm bên Miên
mang về, ông bảo om đất nung mà đựng nước uống thì ngọt mát trong lành chứ
không mát kiểu buốt cả cổ như nước đá. Nhưng xui là chiếc om nhà tôi không đựng
nước được, vì nó bị rịn. Tìm hoài không thấy vết nứt hay lỗ thủng ở đâu nhưng
đổ đầy om nước thì sáng hôm sau rịn còn có non nửa. Vậy là để “tiết kiệm” một
thứ kỉ niệm, mẹ dùng om để… đốt giấy chữ.
Thời
gian như thoi đưa, chị Đan bỏ nghề trút giá như uớc vọng của chồng nhưng không
vì thế mà sinh được con gái. Hắn đòi ly hôn vì lý do “không hợp nhau” nhưng ai
cũng biết lý do chính vì hắn không còn “chỗ đứng” trong ngôi nhà toàn đàn ông
này nữa. Là cha của bầy con trai bốn đứa nhưng chưa bao giờ hắn bày trò chơi
cho chúng, cũng chưa nghe răn đe dạy bảo lấy một câu. Toàn mắng chửi, nguyền
rủa và đánh đuổi. Bây giờ chúng đã lớn, đứa nhỏ nhất cũng học hết lớp 6, thằng
lớn nhất đã có thể đi làm tự nuôi sống mình. Chị Đan bỏ ngề trút giá đi bán vé
số, chị bảo vé số không sợ đắt ế, hôi thiu như giá. Tôi cười, cái nghề bán vé
số bây giờ “biến tướng” lắm, hổng biết người dân xứ mình giàu có tới mức nào mà
cô nàng vé số nào cũng khoe ngày bán ba, bốn trăm vé (?). Chắc bán đắt là nhờ
hay cọ cọ, khều khều, ngúyt ngúyt mấy thằng cha cà chớn ấy? Chị bảo, chị già
rồi, cái thời săn chắc phơi phới đi theo tiếng tóp tép rút rỉa suốt đêm của bầy
con, giờ còn lại hai dải mướp mà cọ cọ với ai? Mình bán đàng hoàng, ai mua thì
cám ơn, thì cầu chúc cho người ta may mắn, ai không mua thì thôi. Con chị lớn
rồi, ba đứa đi làm đã có thể nuôi mẹ và em được, chị chỉ việc ở nhà nấu ăn, giặt
giũ. Nhưng chị ngại “nhàn cư vi bất thiện” nên đi kiếm thêm ít chục ngàn. Vợ
thì lo kiếm từng đồng vậy mà chồng thì phá từng trăm từng triệu. Trong khi chờ
toà án thụ lý ly hôn, hắn bắt đầu về cho của cải trong nhà tuỳ nghi di tản. Này
cái bộ ván từ đời ông cố nội của chị Đan để lại lên nước bóng dợn nhé. Bán đúng
giá phải được cả trăm triệu, nhưng gấp “bao lô” con 21 chiều nay nên hắn cho bộ
ván chu du ngay với giá 15 triệu! Này bộ ghế đai gõ sáu cái nặng trình trịch
bạc triệu chưa sắm được một cái mà hắn bán mão với giá triệu hai.
Tin
thằng con lớn của chị Đan điên làm tôi như không tin vào tai mình. Trong suy
nghĩ của tôi, người điên chỉ có thể là nhũng người già, bứt bí việc gì đó trong
cuộc sống, cảnh già cô quạnh không trò chuyện được với ai, năm chày ngày tháng
thì… điên chứ ai lại trẻ trung, tràn trề sức sống thế mà điên? Nhưng thằng nhỏ
điên là chuyện thật. Cách điên của nó cũng lạ hơn ai hết, bị tai nạn giao
thông, vẫn cười nói xâng xẩng, còn đưa bạn vào bệnh viện được, bản thân cũng bị
bội thực xét nghiệm một chặp nhưng vẫn không tìm ra bệnh gì (hay tại bị xét
nghiệm nhiều quá nên nó sợ thành điên chăng?). Vậy mà về nhà bảy bảy bốn chín
tiếng đồng hồ sau lại… phát điên. Lại một chặp tốn tiền tìm… bệnh nhưng cũng
không máy móc nào biết vì sao nó điên. Ối… vậy thì cứ điên cho đời bớt khổ vì
xem ra nó cũng “điên hiền”. Thằng điên ấy cứ đòi ăn giá xào, giá luộc, giá nấu
canh… và ngày sáng cũng như đêm tối đều nằm lăn lóc bên mớ om mà ngủ. Mớ om
trút giá ngày xưa của chị Đan, bây giờ không dùng nữa thì bỏ lăn lóc ngoài bờ
rào mặc cho ếch nhái, chẫu chàng… làm nơi cư ngụ.
Cái
thằng điên ấy, đáng ra phải có vợ con rồi chứ, nhưng tại nó… tính toán quá
thành ra bây giờ thành kẻ điên cu ki.
Nó làm
thợ hồ, lương ngày trăm rưỡi, gấp hai lần chân công nhân của tôi chứ chơi à.
Nhưng nó bảo, rồi xăng xe, cơm nước, trà thuốc, nhậu nhẹt… mỗi tháng còn không
đầy triệu đưa bà già thì lấy vợ cho nó ăn gì? “Mà con gái các bà bây giờ đòi
hỏi cao lắm, mớ “tam tòng tứ đức” hình như bị tụi nó cho đi du lịch xứ tây
phương rồi. Hớ ra một chút không vừa ý là cuốn gói về nhà cha mẹ ruột chờ chồng
“một lạy quỳ hai lạy đứng” tới năn nỉ mới chịu về. Mà tui ấy hả, leo giàn giáo
cả ngày, xách máng hồ suốt buổi tay chân cứng ngắt rồi, cái đầu cũng như sắt
nguội, không có can đảm mà “lạy đứng lạy ngồi” mấy con vợ như vậy đâu. Thà ở
vầy cho phẻ!” Nó bảo. Tôi cự “Mày chỉ giỏi chê bọn con gái tụi tao, còn con
trai tụi mày, món “tam cang ngũ thường” cũng mang ra bóp gỏi rồi chứ hơn gì!
Mày thấy nhan nhản cảnh vì rượu mà những thằng con đánh cha, chồng giết vợ, cha
xẻo mũi con mà!” Vậy là cãi nhau, không ai chịu ai, trong mắt kẻ đối diện thì
hình như kẻ kia là đại diện cho cả một giới toàn hư hỏng, không chấp nhận được.
Bởi vậy nên cho tới bây giờ nó vẫn chưa có vợ. Kẻ điên cu ki ấy ngày hai buổi
gặp người thân là lúc chị Đan mang cơm ra cho, còn không thì cứ nằm ngoài đó
trò chuyện với gió.
***
Hắn
không thôi cũng không ở với chị Đan tôi nữa mà bây giờ đã chính thức nhập chân
vào bọn chẻ xe, chẻ hàng từ bên kia biên giới về. Phương tiện gia nhập đôi quân
ấy xem ra khá dễ: một chiếc xe đầu gà đuôi vịt, càng rẻ tiền càng tốt, nhưng
nhất thiết phải xoáy lòng cho máy nổ thật lớn, chạy thật nhanh, thắng thật gấp
chứ không cần đèn, kèn, dè, bửng... gì cả. Hàng cõng trên xe cồng kềnh như
rôbô, đường tiểu ngạch nhỏ đủ một lằn bánh xe lại rất trơn trượt. Nhưng người
ta vẫn cứ đi vì tiền công rất lớn, một ngày kiếm được bạc triệu là chuyện bình
thường! “Khẩu quyết” của họ trong những chuyến hàng lậu này là “ba không”:
“Không biết chủ hàng, không biết hàng gì, không biết đó là hàng cấm”. Khi bị
lực lượng biên phòng truy đuổi thì thà bỏ hàng, bỏ xe chứ không bỏ mạng. Hoặc
bị bắt thi cứ ú ớ món “khẩu quyết” đó là xong chuyện.
Mấy lúc
này hàng hắn chẻ không phải là phụ tùng xe hay tân dược nữa mà là hàng gỗ. Là
những chiếc giường hay đi-văng mà theo giới thiệu là làm từ Sao đỏ, Sưa… mấy
đại gia cao su mới phất ở vùng biên này ưa vật dụng làm từ Sao đỏ lắm, vì nghe
đâu loại gỗ ấy mang thịnh vượng đến cho gia đình, một chiếc giường làm từ Sao
đỏ sẽ nâng cấp… khả năng giường chiếu cho quý ông mà không cần thuốc men hay
rượu hổ cốt, tai gấu, gân linh dương gì cả. Vậy là ùn ùn nhau mua. Cung không
kịp cầu. Đầu nậu cung cấp hàng, kẻ chẻ thuê chỉ cần kiếm một chiếc xe loằng
ngoằng biển số, ăn mặc như người bên kia biên giới, nét mặt lơ ngơ, gặp biên
phòng hỏi thì cứ lắc đầu ra chiều không hiểu. Có bị bắt chăng chỉ nộp ít tiền
gọi là vi phạm luật giao thông.
Cơn mưa
đầu mùa lớn chưa từng thấy. Mưa biên giới mà, nặng trịch mùi lá rừng ải mục,
trắng xóa màn nước ràn rạt quất vào mắt vào mũi, vào tai… Hai chiếc xe đối diện
nhau không đầy mười mét mà không thấy được nhau. Tai nạn xảy ra một người chết,
kẻ còn lại cũng lơ ngơ.
Thời
gian này chị Đan tôi đi bán vé số nhưng thong thả lắm, không tất bật về lo cơm
nước, nhà cửa nữa. Hắn đã trở về nhà, ngoan ngoãn lui cui trong ngoài như cô
dâu mới. Rồi cọ rửa mấy chiếc om lâu nay bị vứt lăn lóc ngoài góc rào. Người
hỏi hắn định nuôi chim yến à, hắn cười “Không, nuôi phượng hoàng”. Bọn đầu nậu
gạt tên hắn trong đội chẻ hàng thuê sau đợt tai nạn đó.
Rồi
người ta thấy hắn đi mua đậu xanh, túm tụm cất trong hóc nhà chờ vợ đi bán rồi
mới mang ra phơi phóng, lựa sâu, lựa sạn, lượm từng hạt đậu bị gà bươi. Thằng
con điên cười sằng sặc tung hê từng nắm đậu lên trời như trẻ lên ba “Nhà mình có
giá rồi… Mà thằng ba ơi, om bể hết sao làm giá được mậy?”. Hắn vỗ về con trai
cách gì không ai biết chỉ biết rằng hôm sau, hôm sau nữa người ta thấy hai bóng
áo tơi cùng chiếc xe cút kít bước thấp bước cao ra bến ghe cách nhà mười lăm
cây số để chở về những chiếc om.
Đ.P.T.T (Tây Ninh)
Truyện hay, cho người đọc cái buồn man mác của cuộc đời thường, của kiếp người khốn khó, dù cố gắng cũng không thoát khỏi dòng đời nghiệt ngã.
Trả lờiXóaTa thấy người, ta thấy ta bàng bạc đâu đây...