Huy Nguyên
Văn học Trung Quốc như một khu rừng rậm với những tác
phẩm đồ sộ có giá trị vượt thời gian, trong đó Liêu trai
chí dị của Bồ Tùng Linh xứng đáng được coi là một "thiên cổ kỳ
thư" của Trung Quốc và thế giới. Đây cũng là tác phẩm văn học Trung Quốc
tôi thích nhất và đọc đi đọc lại nhiều lần.
Bằng bút pháp truyện
ngắn truyền kỳ, Bồ Tùng Linh đã phản ánh bao quát xã hội Trung Quốc trong một
không gian rộng lớn... với một bức tranh khác hẳn, trong đó thế giới con người
và ma quái trộn lẫn vào nhau. Nhân vật Liêu trai chí dị là ma
quỉ, là hồ qua lại với con người trong cuộc sống đời thường. Tác phẩm có giá
trị hiện thực lớn, giúp cho người đọc thấy được những bình diện khác nhau của
đời sống xã hội đương thời. Bộ sách có thể cho người đọc thấy mọi cảnh ngộ của
anh học trò đi thi, mối quan hệ giai nhân tài tử dưới màu sắc tình yêu nhục cảm
nồng cháy, tự do, phóng túng, hình ảnh một xã hội phong kiến với bộ máy quan
lại nhung nhúc những dòi bọ từ dưới lên trong bầu không khí tối tăm, ma
quái... Liêu trai chí dị có tiếng nói đa nghĩa hiếm có: vừa
có chất hoang đường của Tả truyện, chất ngụ ngôn của Trang Tử, chất phúng thế
của Sử Ký, chất triết luận của Trình Tử, Chu Hy. Thành tựu lớn nhất của Liêu trai chí dị là sự kết tinh chất liệu sống của dân gian. Đó là sự khẳng định
giá trị to lớn của Liêu trai chí dị bởi các nhà nghiên cứu, phê bình văn
học qua bao đời, ở đây tôi không dám lạm bàn, chỉ nhắc lại vài ý kiến tiêu biểu
để chúng ta cùng tham khảo.
Đọc lại Liêu trai chí dị lần
này, tôi đặc biệt chú ý đến một phương diện nội dung phản ánh hiện thực của bộ
sách: tố cáo tội ác ghê tởm của bọn quan lại. Từ nỗi đau của đời mình và thực
tế đời sống xã hội, Bồ Tùng Linh đã vạch trần bản chất xấu xa, tàn bạo của kẻ
làm quan, ở đâu và thời nào cũng vậy và kêu gọi công lý, đòi hỏi hành động trả
thù.
Đọc truyện "Mộng thấy chó sói", ta
thấy sức phê phán hiện thực, tố cáo bản chất lang sói của bọn quan lại thật sâu
sắc. "Ông họ Bạch, người Trực Lệ, có con trai lớn là Giáp, mới ra
làm quan ở phương Nam, ba năm không có tin tức" được người họ hàng
họ Đinh (vốn làm phụ đồng thiếp) tới thăm và mời ông xuống cõi âm chơi. Tại
đây, ông được người cháu, con chị gái đưa đến thăm dinh cơ của con mình. "Nhòm qua cửa
thấy một con chó sói to tướng", "Lại vào một cửa nữa thấy trên nhà,
dưới nhà, con nằm, con ngồi, toàn là sói cả". Công tử Giáp gặp cha, mừng lắm, gọi người nhà làm cơm thết đãi. "Bỗng một con
sói lớn ngoạm một xác người chết đem vào...để đưa xuống nhà bếp". Tất nhiên đó là giấc mộng, và những chi tiết trong mộng trùng
khớp với hiện thực, là ẩn dụ phản ánh hiện thực. Bầy sói trong mộng chính là
"bọn sai nha sâu mọt đầy công đường" và tên quan Giáp tàn bạo trong
đời thực là con hổ trong giấc mộng "Giáp ngã xuống
đất thành hổ, răng nhe tua tủa.... Hổ rống lên vang động núi non". Ông Bạch tỉnh mộng, ghi lại giấc mộng, sai con trai thứ mang đưa
cho Giáp, trong thư răn đe thống thiết. Mặc cha răn đe, em rớt nước mắt can
ngăn, Giáp bảo: "Em hàng ngày ở chốn nhà tranh, nên không biết điều quan yếu
của đường làm quan. Quyền thăng hay truất ở quan trên, chứ không do trăm họ.
Quan trên hài lòng ấy là quan tốt. Thương yêu trăm họ thì làm sao cho quan trên
vui lòng được?". Ông Bạch không can ngăn con được "chỉ còn biết
bỏ của ra giúp người nghèo, hàng ngày cầu khấn thần linh nếu có báo oán đứa
nghịch tử thì đừng để luỵ đến vợ con." Năm sau Giáp được
tiến cử về bộ Lại, trên đường về gặp cướp, tớ thầy đều chết. Nhưng Giáp chưa
chết, nhờ thần linh cảm tấm lòng của ông Bạch, cho ráp đầu lại. "Giáp tuy sống
lại nhưng mắt tự nhìn được lưng mình, không còn ra vẻ con người mấy nỗi". Cuối truyện là lời bàn của Dị sử thị:
"Ta trộm than rằng: Trong thiên hạ,
quan là cọp, mà nha lại là sói, đâu cũng thế cả. Cho dẫu quan chưa là cọp thì
nha lại cũng sẽ là sói. Huống chi lại có chính lệnh khắc nghiệt còn dữ hơn cả
cọp nữa kia! Điều làm người ta lo là không thể tự mình quay nhìn lại phía sau;
cho sống lại mà lại còn làm cho chính mình nhìn thấy được đằng sau, bài học của
quỷ thần mới sâu xa tinh tế biết bao!".
Quan là cọp, nha lại là chó sói - cả một bầy hung dữ
hợp nhau cấu xé, ăn thịt con người. Những bữa tiệc của chúng đầy rẫy thịt người
các món. Lời Khổng Tử trong sách Lễ Ký: "Hà chính mãnh ư hổ" (Chính sách hà
khắc còn dữ hơn cọp). Tất cả được nhấn mạnh trong lời bàn, là sự khẳng định bản
chất lang sói của bọn quan lại bấy giờ. Cái hiện thực ấy thật ghê rợn làm sao!
Nhưng trong đời sống thực, bọn quan lại ác độc làm gì có cái diễm phúc chết đi,
đươc nhặt đầu ráp lại vào cổ: "Kẻ gian tà không nên để đầu ngay ngắn, nên cho vai
đỡ lấy cằm là được" để mắt tự nhìn được lưng mình, "để
tự mình nhìn được đằng sau" để thấy lưng mình đang gánh bao nhiêu tội ác, con đường
mình đã đi quá bao thảm cảnh chất chồng do sự cai trị hà khắc của chính mình?
Một truyện khác cùng chủ đề, truyện rất
ngắn, nên tôi ghi lại đây, để chúng ta có thể cùng đọc và ngẫm nghĩ:
Một người hiển đạt Mỗ, hay làm việc vô đạo,
phu nhân đem thuyết quả báo khuyên can, ông ta không chịu tin. Gặp một vị
phương sĩ nhìn kỹ, rồi nói:
- Ông còn ăn được hai mươi thạch gạo và hai
mươi thạch miến nữa, mới hết lộc trời.
Về nói chuyện với phu nhân rằng:
- Người ta ăn cả một năm mới hết hai thạch
gạo và thức ăn, mình còn ăn lộc hai mươi năm nữa, đâu có thể vì làm điều bất
thiện mà đứt tuyệt lộc trời ngay được!
Thế rồi cứ hoành hành như cũ.
Qua năm sau, hốt nhiên bị chứng "tiêu
khát", ăn thật nhiều mà lại đói ngay. Một ngày một đêm ăn hơn mười bữa,
chưa đầy một năm là chết!
Than ôi! Kẻ vô đạo, bất thiện mà muốn hưởng
lộc trời dài lâu! Có người còn đi cầu khấn thần linh phù hộ cho mình được sống
lâu để bóc lột dân đen, để giàu có hơn nữa. Có đạo trời nào như thế nhỉ?
Lời dạy của Khổng Tử ghi rõ trong Luận
ngữ : "Kính quỷ thần nhi viễn chi" (Kính trọng quỷ thần, nhưng
hãy tránh xa). Bồ Tùng Linh là một nhà nho suốt đời hăm hở đi thi vì chút công
danh, tuy không đỗ đạt gì lớn (72 tuổi, mới đỗ cống sinh - tú tài), nhưng lẽ
nào ông quên lời răn của đức thánh Khổng? Ông không quên, nhưng ông không chấp
nhận điều ấy như một chân lý giản đơn. Ông cố ý đánh nhòe ranh giới giữa hai
thế giới ma quỷ, thần linh và con người. Trước cái xấu, cái ác, cả con người và
thần linh hợp sức, cùng ra tay diệt ác, thì càng có hiệu quả hơn. Có thể trong
hiện thực, người tốt phải chiến đấu đơn độc, nhưng có chút niềm tin vào sự phò
trợ của thần linh, chắc sẽ nâng cao tinh thần, để đi đến thắng lợi!
Qua hai truyện, ta thấy được ngòi bút của Bồ
Tùng Linh thật sắc bén trong chiến đấu với cái ác. Ông không chỉ vạch trần bản
chất xấu xa của lũ quan lại, mà còn khao khát được làm người tiêu diệt lũ lang
sói ấy (Hướng Cảo, Thôi Mãnh...). Con người trong truyện Liêu trai của
Bồ Tùng Linh vừa hèn yếu, vừa cao cả, nhưng xu hướng đè nén sự hèn yếu để vươn
lên cao cả là chủ yếu. Đó là tính hướng thiện của con người. Bên cạnh những tên
quan ác độc, tàn bạo, vẫn có những ông quan tốt - tuy là số ít (như trong
truyện Mộng thấy chó sói, đó là "con trai người chị thì nhờ được
tiếng trị dân giỏi, năm đó được thăng ngự sử") ; vẫn có những người cha,
người em, người vợ có tâm thiện khuyên răn người thân mình đừng làm ác. Và
những kẻ làm quan thời đại nào được đọc hai truyện này, mà thử quay đầu lại
đằng sau mình nhìn xem, ngẫm nghĩ để biết sợ sẽ bị trừng trị, có thế, sẽ đỡ khổ
cho dân biết bao!
H.N (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét