Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Như có ai cầm gậy chọc vào tổ ong, những tiếng vo ve túa ra, lan rộng. Tôi cũng có mặt trong đám trẻ túm tụm bàn
tán chuyện Uyển tự xưng là con gái
công thần.
Sao tin được chứ! Con nhỏ đen nhẻm,
tóc lưa thưa vàng hoe, chẻ ngọn kia lại là hậu nhân của một vị công thần nào
đó. Vậy mà nó nghênh ngang đứng giữa bãi
cỏ, tay chống hông, mặt vênh lên trời, vẩu mỏ “Tụi mầy không biết được đâu. Ông
cố tổ tao là công thần thời Nguyễn, ông nội tao cũng là công thần thời…. gì tao
quên rồi. Nhưng ba tao thì tao nhớ chính xác là công thần thời… đấu tranh gìn
giữ hòa bình. Rõ ràng là ba tao hy sinh ở biên giới phía Bắc mà. Hihi… Ngày nào
tao cũng vào miếu Công Thần thắp nhang. Không tin hả? Bằng chứng đây nầy! Ngay
cái tên của tao thôi cũng là một bằng chứng. Ngự Uyển! À, còn nữa, tụi mầy nhìn
vào cái gót son của tao nè, sẽ thấy tao không phải là người tầm thường”. Uyển
đưa chân lên. Cả bọn bò ra cười khi thấy cái gót dính một bệt bùn đen sì. Uyển đỏ mặt, hấp tấp nói:
- Tụi mầy chờ chút xíu đi. Tao rửa
chân rồi sẽ thấy liền hà.
Chẳng hiểu Uyển làm thế nào lại rơi
tỏm xuống ao. Khi nó lóp ngóp bò lên bờ thì không chỉ có chân dính bùn mà quần
áo, tóc tai cũng bị bẩn. Uyển òa khóc, bỏ chạy. Mặc cho bọn tôi nói vói theo “Tụi
tao tin mà! Đừng chạy, té đó…!”
Ngự Uyển là cháu ngoại của bác ba Liên. Mẹ Uyển là con
gái duy nhất của họ. Bọn tôi chẳng biết mặt mũi của ba Uyển bao giờ, chỉ nghe
kể ông là bộ đội được phân công ra biên giới canh giữ cột mốc. Trong một cuộc
truy lùng bọn mua bán ma túy, ông bị thương nặng và hy sinh. Mẹ Uyển chắc muốn cùng lên thiên đường với
chồng hay sao ấy, nên bà sống như lơ lửng trên mây, mê mê tỉnh tỉnh. Suốt ngày cứ cầm chổi quét
lá vàng gom thành đống rồi đốt. Bà đứng nhìn làn khói bay lên rồi khóc hu hu… có
khi bà lầm bầm:
“Mặt trời rụng xuống vườn trưa
Lá ai phơi úa cho vừa tình xa
Có khi bà dùng một sợi dây chì đã rỉ sét để xâu những cái lá úa thành một chuỗi rồi cột thành một cái vòng, treo lên
nhánh cây sầu đông bên cổng rào. Có ai hỏi, bà bảo đó là quà dành cho người
chồng đi xa, xa lắm. Những cái vòng lá mục rã dần, chỉ còn trơ những cọng dây
kẽm xù xì xỉn màu thời gian. Không ai nỡ lấy chúng xuống. Để mỗi khi ngang qua
cổng nhà bà, lòng lại bứt rứt, nao nao.
Uyển có đôi mắt to buồn bã như mẹ. Nó
hay khóc. Nhưng cũng hay nghênh ngang và hoang tưởng. Có lần đi ngang qua cầu
Thiềng Đức, Uyển bảo rằng cây cầu này xưa bắc ngang đỉnh trời. Rồi vì cố tổ nó
ra lệnh, cây cầu rơi xuống vắt ngang, nối liền đôi bờ. Uyển hiểu biết rộng hơn
bọn tôi. Nó thao thao về Miếu Công thần
rằng “Miếu còn có tên là miếu Hội
Đồng. Miếu được xây dựng năm 1837 để
thờ 85 vị khai quốc công thần, Miếu được
Bộ văn hóa công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1998.”(*) Uyển
quả quyết là còn nhiều công thần nữa. Nhưng do cái bảng vàng lớn có bấy nhiêu
làm sao ghi cho hết tên. Ngôi miếu nầy thờ tất tần tật những ai có công với đất
nước. Mà ba Uyển cũng có công. Không gọi là công thần thì gọi là gì?
Uyển rơm rớm nước mắt:
- Thật ra, tao không thích ba tao ngồi
trên bàn thờ đâu. Tao chỉ mong ba tao còn sống, còn ở biên giới bồng súng chỉa
ra biển Đông. Hễ tên giặc nào vừa lú đầu ra, ba tao bùm bùm mấy phát cho nó
thụp đầu xuống. Tao không thích ba tao yên nghỉ quá sớm. Còn biết bao nơi phải
canh, phải giữ. Có lẽ ba tao chỉ là một nửa công thần thôi. Đã vậy, ba còn nắm
giữ linh hồn của mẹ, làm cho tao buồn lắm!
Tôi nhìn vào đôi mắt sũng nước của
Uyển, lòng cũng buồn bã. Biết nói sao để an ủi nó. Rồi tôi bỗng dịu dàng như vỗ
về cô bạn nhỏ:
- Từ từ mẹ Uyển sẽ nguôi ngoai. Dạo
nầy, bác gái cũng đã biết ra đồng nhổ cỏ rồi. Chắc không lâu nữa đâu, bác sẽ
tỉnh hẳn. Ba Uyển là công thần chứ sao là “nửa công thần” được. Vì ông đã sống
và chiến đấu đến giây phút cuối cùng mà.
Các bạn nhao nhao :
- Đúng đó! Người nào hy sinh vì nước
cũng là công thần, mà bây giờ người ta gọi là liệt sĩ.
Nhà bọn tôi đều ở gần Miếu Công Thần.
Hằng năm, miếu nầy có rất nhiều lần được
dân địa phương tổ chức lễ hội. Người lớn không biết thế nào chứ bọn tôi thích
mê. Tha hồ ăn uống, chơi đùa. Lễ vật của dân chúng dâng cúng nhiều ơi là nhiều.
Bọn tôi là con con cháu công thần nen tha hồ hưởng phước.
Uyển mơ màng:
- Mình sẽ cố gắng học giỏi, làm việc
hết mình để ba mình không… mắc cỡ vì mình.
Tôi ngẫm nghĩ giây lâu:
- Nếu vậy, Uyển cố gắng học giỏi để làm việc hiệu quả
thì đã là… công dân tốt rồi. Tụi mình
cứ ráng học trước đã. Còn chuyện trở
thành… cái gì thì để người lớn đánh giá
nghen!
Từ đó, tôi thấy Uyển rất chăm học,
chăm làm việc nhà và quanh quẩn bên mẹ. Nhìn cảnh bạn ngồi chảy tóc cho mẹ,
lòng tôi bùi ngùi làm sao! Uyển cũng hay cùng mẹ kết những chiếc vòng bằng lá.
Nhưng nhưng chiếc vòng của Uyển kết bằng lá xanh. Uyển cũng treo lên nhánh cây
sầu đông. Lá chưa kịp úa, bạn đã treo thêm vòng lá khác. Có phải Uyển muốn bảo
rằng bạn chờ đợi điều tốt lành ở tương lai
và không bao giờ thôi hy vọng.
Tôi không kết những chiếc vòng màu hy
vọng. Nhưng trong tôi luôn cháy bỏng ước mơ trở thành người có ích và lương
thiện. Tôi nghĩ làm được như thế mình sẽ ngang hàng với… con gái công thần.
N.T.M (Trà Vinh)
(*) Công Thần Miếu Vĩnh Long tọa lạc trên đường 14 tháng 9, thuộc phường 5, thành phố Vĩnh Long.
Hihi. Hơi bị hẫng vì kết quá vội...
Trả lờiXóanhưng vậy cũng đã nói được bao nhiêu điều
rồi. Trong đời thường có biết bao người vì xuất
thân trong gia đình gọi là công thần, đã ỷ lại và tự
làm hỏng nhân cách và cuộc đời mình !
Cám ơn Mây nha. Chúc bạn luôn vui, an lành. Thân mến.
Nhà thơ Nguyễn Trí Tài quý mến!
XóaMây cảm ơn anh vô cùng. Bao giờ nhận xét của anh cũng khiến người viết cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Mến chúc anh luôn an lành anh nha.